Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA TIN HỌC - NGOẠI NGỮ

BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH KẾ TOÁN TẠI KHOA KINH TẾ

Ngày đăng: 09:15 - 12/03/2024 Lượt xem: 168

Ngô Mạnh Hùng
Giảng viên tiếng Anh, Khoa Tin học – Ngoại ngữ
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

  1. Đặt vấn đề

Tiếng Anh chuyên ngành kế toán là một học phần quan trọng đối với sinh viên chuyên ngành kế toán ở khoa Kinh tế, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Nội dung học phần bao gồm các bài học liên quan đến các chủ điểm: nguyên lý kế toán, bảng cân đối kế toán và các nguyên tắc kế toán cơ bản, kế toán thuế bao gồm hệ thống thuế, tính chi phí thuế; kế toán quản lý như dòng tiền, ngân quỹ; kiểm toán cơ bản … để phục vụ cho thực tế công việc chuyên môn sau này. Là một giảng viên đã và đang giảng dạy học phần tiếng Anh chuyên ngành kế toán, tác giả nhận thấy còn rất nhiều khó khăn trong quá trình giảng dạy dẫn đến kết quả dạy và học chưa được như mong muốn. Trên cơ sở tìm hiểu những khó khăn còn tồn tại, tác giả đề xuất một số biện pháp khắc phục những khó khăn đó nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy học phần tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên ngành kế toán tại khoa Kinh tế, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

Từ khóa: tiếng Anh chuyên ngành (TACN), kế toán, thuật ngữ, đọc hiểu, khó khăn

2. Thực trạng hoạt động giảng dạy học phần tiếng Anh chuyên ngành kế toán tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Tại khoa Kinh tế, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, tiếng Anh chuyên ngành kế toán là một học phần đóng vai trò quan trọng nhằm cung cấp cho sinh viên ngành kế toán những thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh và giúp sinh viên củng cố, tăng cường kiến thức chuyên môn thông qua các bài học có nội dung liên quan đến chuyên ngành bằng Tiếng Anh. Dựa trên đặc trưng của nghề nghiệp tương lai, Khoa Tin học - Ngoại ngữ đã xây dựng mục tiêu phù hợp cho học phần Tiếng Anh chuyên ngành kế toán và lựa chọn giáo trình “English for Accounting, Oxford University Press của 2 tác giả là Evan Fresdo và Sean Mahoney (2007)” để sử dụng cho việc giảng dạy học phần. Nội dung kiến thức được thể hiện thông qua các bài nghe, đọc hiểu, ghép nối, trắc nghiệm, hội thoại,...giúp người học nâng cao vốn từ vựng của mình và áp dụng được trong lĩnh vực kế toán. Giáo trình được sử dụng để dạy cho sinh viên năm thứ ba chuyên ngành kế toán, sau khi đã hoàn thành tiếng Anh tăng cường A1 và Tiếng Anh cơ bản theo chương trình chung của toàn trường.

Học phần tiếng Anh chuyên ngành (TACN) năm nay là năm đầu tiên được giảng dạy ở khoa Kinh tế và đội ngũ giảng viên dạy TACN đều là giảng viên được đào tạo về chuyên ngành Tiếng Anh chứ không được đào tạo chính thức về chuyên ngành kế toán nên kiến thức chuyên ngành kế toán của giảng viên chủ yếu thông qua hình thức tự nghiên cứu, học hỏi từ các giảng viên dạy chuyên ngành kế toán trong Khoa Kinh tế, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Về phía sinh viên, đây là khóa đầu tiên học tiếng Anh chuyên ngành Kế toán với sĩ số 10 sinh viên nên việc tiếp thu kiến thức học phần cũng hoàn toàn khác nhau. Từ thực tế giảng dạy và kết quả học tập cho thấy giảng viên cần phải có biện pháp khắc phục những yếu điểm này để giúp cho việc giảng dạy và học tập của học phần được hiệu quả hơn. Là một giảng viên dạy môn TACN kế toán nên tác giả đã nghiên cứu những khó khăn trong quá trình giảng dạy học phần TACN kế toán và đề xuất một số biện pháp khắc phục những khó khăn đó với hi vọng sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cho việc giảng dạy cho sinh viên các khóa sau.

2.1. Đặc điểm của giáo trình TACN kế toán

Giáo trình sử dụng để giảng dạy môn TACN kế toán là “English for Accounting”
của các tác giả Evan Fresdo và Sean Mahoney do Oxford University Press xuất bản năm 2007. Sách“English for Accounting” được thiết kế dành riêng cho những người đang học tập và làm việc trong lĩnh vực kế toán và tài chính. Sách giúp người học giao tiếp trong các tình huống với đồng nghiệp và đối tác kinh doanh. Trong cuốn sách “English for Accounting”, người học sẽ học được ngôn ngữ liên quan đến lĩnh vực kế toán, cũng như cách để đạt được mục tiêu trong các cuộc họp, thuyết trình, gọi điện thoại hoặc khi tạo một cuộc nói chuyện nhỏ. Sách “English for Accounting” tuy ngắn gọn nhưng tổng hợp đầy đủ những kiến thức về tiếng Anh mà một nhân viên kế toán cần có. Người học sẽ được tiếp cận đa dạng các kiến thức chuyên ngành như: tài chính, tỷ lệ, kiểm toán, thuế, vốn đầu tư…

Ngoài ra, sách còn cung cấp cho người học những dạng bài tập và ví dụ phong phú. Từ đó, người học sẽ nắm được một lượng lớn từ vựng cho việc viết báo cáo tài chính, email, luyện tập các đoạn hội thoại trong ngành.

Nội dung cuốn sách English for Accounting gồm 6 bài học lớn. Mỗi bài sẽ giải quyết một vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế toán.

Unit 1: Introduction to accounting

Unit 2: Financial statements and ratios

Unit 3: Tax accounting

Unit 4: Auditing

Unit 5: Management accounting

Unit 6: Investment

Mỗi bài học sẽ bắt đầu với phần mở đầu – Starter, phần này có các bài tập ngắn, động não, hoặc các câu đố. Theo sau đó là những đoạn hội thảo, văn bản và tài liệu thực, đi cùng với các bài tập vận dụng, giúp người học học các từ vựng quan trọng và cách diễn đạt đúng ngữ cảnh.
Trong phần kết thúc bài học là hoạt động Output. Phần này có nội dung kết nối trực tiếp với chủ đề có trong bài học để người học cơ hội để thảo luận. Xuyên suốt cuốn sách có hộp “Did you know?“, phần này sẽ cập nhật thêm nhiều thông tin về kế toán, và cuộc sống công việc ở các nước nói tiếng Anh.

2.2. Phân bổ thời gian đào tạo môn Tiếng Anh chuyên ngành kế toán

Môn TACN kế toán gồm 4 tín chỉ tương đương với 200 giờ bao gồm:

- Giờ lý thuyết của học phần bao gồm 45 tiết được bố trí học trong 15 tuần mỗi tuần 3 tiết từ tuần 1 đến hết tuần 15 tại phòng học lý thuyết;

- Giờ thực hành của học phần bao gồm 26 tiết được bố trí thành các tiết thảo luận, bài tập thực hành được bố trí học trong 15 tuần từ tuần 1 đến hết tuần 15 tại phòng học lý thuyết.

- Thời lượng tự học của sinh viên được phân bổ theo tỷ lệ như sau: để học 1 tiết lý thuyết trên lớp, sinh viên phải tự học 2 tiết ngoài giờ; để học 1 tiết thực hành trên lớp, sinh viên phải tự học 0,5 tiết ngoài giờ; sinh viên có 15 tiết tự ôn tập và thi kết thúc học phần.

- Trong quá trình giảng lý thuyết kết hợp làm bài tập, thảo luận, nội dung theo đề cương cụ thể và thời gian tự bố trí ngoài giờ;

- Giờ kiểm tra tổ chức tại phòng học lý thuyết.

2.3. Đội ngũ giảng viên và phương pháp giảng dạy

- Đội ngũ giảng viên TACN kế toán gồm có 2 giảng viên cơ hữu.

- Về phương pháp giảng dạy, các giảng viên vừa kết hợp phương pháp truyền thống lẫn hiện đại. Trên thực tế các giờ học được thực hiện dưới hình thức giáo viên truyền đạt kiến thức (teachercentered) chiếm nhiều thời gian hơn vì các bài học Tiếng Anh chuyên ngành liên quan đến các thuật ngữ, nghiệp vụ cụ thể nên sinh viên khó hiểu. Tuy nhiên, các giảng viên đều cố gắng tận dụng phương pháp lấy trò làm trung tâm (learner-centered) bằng cách đưa ra các câu hỏi nghiên cứu, nêu lên các vấn đề yêu cầu sinh viên giải quyết, hoặc thuyết trình về một vấn đề nào đó trước lớp; sinh viên có thể thực hiện các hoạt động theo cặp, nhóm hoặc cá nhân. Cuối buổi học giao bài tập về nhà và buổi tiếp theo chữa bài tập cho sinh viên.

2.4. Những khó khăn trong quá trình giảng dạy TACN kế toán

- Thiếu kiến thức chuyên ngành kế toán.

- Phương pháp giảng dạy chưa thực sự phong phú, đa dạng. Điều này cũng là do đặc thù của học phần nặng về các kiến thức chuyên ngành và bài tập; đồng thời khả năng nghe hiểu bài giảng bằng Tiếng Anh của SV còn thấp nên GV mất khá nhiều thời gian giảng lại bằng Tiếng Việt nên chưa khai thác được đa dạng các phương pháp giảng dạy.

- Thiếu tài liệu tham khảo cho cả giảng viên và sinh viên. Nguồn tài liệu chính chỉ là giáo trình giảng dạy. Nguồn tài liệu tham khảo chủ yếu là trên internet. Tuy nhiên không phải chuyên đề nào cũng có thể tìm thấy những nguồn tài liệu tham khảo phù hợp.

- Thiếu giáo cụ trực quan, ví dụ sổ cái, bảng báo cáo kết quả kinh doanh, bảng

cân đối…. thực tế bằng Tiếng Anh nên giờ giảng chưa được sinh động, hấp dẫn.

1. Thực trạng tình hình học Tiếng Anh chuyên ngành kế toán tại Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

3.1. Thuận lợi

Sinh viên năm thứ 3 được đăng kí học TACN sau khi đáp ứng đủ điều kiện tiên quyết là hoàn thành học phần tiếng Anh cơ bản (5 tín chỉ) theo chương trình đào tạo chung của trường. Sinh viên năm thứ ba cũng có kiến thức cơ bản về chuyên ngành kế toán vì đã học môn Nguyên lý kế toán, kế toán tài chính, tài chính doanh nghiệp….

3.2. Khó khăn

Những khó khăn mà sinh viên gặp phải nhiều nhất đó là khó khăn trong việc ghi nhớ các thuật ngữ chuyên ngành, hiểu nội dung bài đọc trong giáo trình và hiểu bài giảng bằng Tiếng Anh, thiếu tài liệu bổ trợ cho học phần và phương pháp giảng dạy chưa phong phú, đa dạng. Đó là lý do vì sao giảng viên thường xuyên phải giảng nội dung lí thuyết bằng Tiếng Anh và cả Tiếng Việt. Đối với phần bài tập, sau khi hướng dẫn bằng Tiếng Anh, giảng viên phải giải thích tỉ mỉ kĩ thuật làm bài bằng Tiếng Việt để sinh viên biết cách làm bài nên ít SV gặp khó khăn trong việc làm bài tập ứng dụng.

3.3. Nguyên nhân của khó khăn trong sinh viên khi học TACN kế toán

- Nguyên nhân thứ nhất là xuất phát từ phía sinh viên như: thiếu vốn từ vựng TACN và thiếu vốn kiến thức Tiếng Anh để hiểu được các bài giảng bằng Tiếng Anh. SV cho rằng nội dung bài đọc khó. Một lí do chủ quan không nhỏ là khả năng tự học sinh viên còn chưa cao, nhiều SV khi được hỏi về phương pháp tự học thì đều cho biết SV không nghiên cứu trước bài học và trông chờ vào việc giảng của GV trên lớp.

- Nguyên nhân thứ hai là xuất phát từ phía giảng viên như: thiếu sự đa dạng về phương pháp giảng dạy và thiếu tài liệu bổ trợ cho bài học. Trên thực tế, các nguồn tài liệu bổ trợ cho bài học chủ yếu là trên internet; sách chuyên khảo gần như không có. Sinh viên muốn có thêm bài tập ứng dụng ngay sau bài giảng lí thuyết và sinh viên cho rằng bài tập bổ trợ sau bài học vẫn chưa đủ. Các giảng viên cho thấy trong quá trình giảng dạy, thông thường trong nội dung giảng lí thuyết đã có ví dụ kèm theo và thời gian lên lớp không thể đủ để cho thêm bài tập vận dụng một cách thường xuyên nữa mà thông qua việc tự thực hành các bài tập trong giáo trình của sinh viên. Không phải bài học nào giảng viên cũng giao bài tập bổ trợ. Nếu lượng bài tập trong giáo trình đủ để sinh viên luyện tập và hiểu cách làm bài, vận dụng bài học thì giảng viên sẽ không cho thêm bài tập ngoài nữa.

1. Một số biện pháp khắc phục khó khăn trong giảng dạy TACN kế toán

Căn cứ vào tình hình thực tiễn trong việc việc dạy và học TACN kế toán tại Khoa Kinh tế, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, tác giả đề xuất một số biện pháp nhằm khắc phục khó khăn trong giảng dạy TACN nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy TACN kế toán như sau:

4.1. Nâng cao vốn từ vựng TACN cho sinh viên thông qua ứng dụng các phần mềm học từ vựng

Nguyên nhân khó khăn chủ yếu tập trung vào từ vựng TACN. SV thấy khó nhớ các thuật ngữ, hiểu các khái niệm. Hơn nữa việc học thuộc lòng từ vựng theo phương pháp truyền thống cũng dễ gây nhàm chán, hay quên. Hiện nay, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, giảng viên có thêm các công cụ hiện đại hỗ trợ cho việc giảng dạy hiệu quả hơn, tạo động lực cho sinh viên học tập hứng thú hơn, tránh sự nhàm chán của việc học thuộc truyền thống. Do vậy, để nâng cao hiệu quả học từ vựng TACN cho sinh viên, ngoài việc hướng dẫn SV phương pháp học từ vựng hiệu quả, giảng viên cung cấp thêm các công cụ hỗ trợ để học từ vựng cho SV như thiết kế các thẻ từ vựng (flashcard), thiết kế các dạng bài tập ứng dụng giống như những trò chơi, thi đấu, câu đố… về từ vựng trên các phần mềm trực tuyến (quizizz/ quizlet, vocabulary.com…) và yêu cầu sinh viên thực hành thường xuyên, có đánh giá thông qua điểm thực hành của các bài tập về từ vựng. Biện pháp này đòi hỏi giảng viên phải đầu tư thêm thời gian thiết kế các dạng bài tập từ vựng trên các công cụ hỗ trợ học tập vì đặc thù của học phần chuyên ngành nên không có các phần mềm đã được thiết kế sẵn và có thể phải trả thêm chi phí cho việc cấp bản quyền sử dụng những ứng dụng này.

4.2. Cải thiện trình độ nghe hiểu của sinh viên để nghe giảng được bằng Tiếng Anh

Sinh viên mặc dù đã đạt học phần tiếng Anh cơ bản nhưng trên thực tế kết quả học tập của sinh viên đa dạng, tỉ lệ sinh viên có năng lực đọc hiểu, nghe hiểu thực sự bằng Tiếng Anh chưa cao, do vậy phần lớn trong các bài giảng giáo viên đều phải giảng song ngữ và phần giải thích bằng Tiếng Việt chiếm tỉ lệ nhiều hơn (70%). Để đạt được khả năng nghe hiểu các bài giảng của môn học bằng Tiếng Anh, ngay từ các học phần TACB giáo viên cần chú trọng phát triển kĩ năng nghe cho SV vì đa số SV vẫn quen theo cách học từ phổ thông là tập trung vào làm bài tập ngữ pháp, các dạng bài trắc nghiệm. GV cung cấp thêm tài liệu và hướng dẫn sinh viên cách tự rèn luyện kĩ năng nghe hiểu để đến học phần TACN sinh viên có thể nghe giảng bằng Tiếng Anh dễ dàng hơn và giảm bớt thời gian phải giảng lại bằng Tiếng Việt cho sinh viên. Bên cạnh đó, trong học phần TACN, để sinh viên nghe giảng học phần bằng Tiếng Anh được dễ dàng, trước mỗi bài học, giáo viên nên cung cấp trước các từ vựng chuyên ngành của bài học tiếp theo, yêu cầu sinh viên học thuộc và giáo viên nên tăng cường kiểm tra từ vựng của sinh viên, đảm bảo các sinh viên đều hiểu hết các từ vựng chuyên ngành trong bài học trước khi bắt đầu bài giảng mới.

4.3. Hướng dẫn sinh viên rèn luyện kĩ năng đọc hiểu hiệu quả

Để học tốt TACN thì kĩ năng đọc hiểu là rất quan trọng, sinh viên cần phải hiểu các văn bản có liên quan đến thuật ngữ, kiến thức chuyên ngành trong các bài học, để từ đó vận dụng vào làm bài tập ứng dụng. Trước hết giảng viên hướng dẫn sinh viên các phương pháp rèn luyện kĩ năng đọc hiểu hiệu quả; khuyến khích sinh viên tích cực tham gia tất cả các hoạt động khi học đọc hiểu và thường xuyên giao bài tập về nhà cho sinh viên, hướng dẫn sinh viên cụ thể cách làm bài; cung cấp thêm các dạng bài tập ứng dụng từ vựng, đặt các câu hỏi nghiên cứu gợi mở để sinh viên hiểu các nội dung bài học dễ dàng hơn. Biện pháp này giúp sinh viên biết cách học đọc hiệu quả; đồng thời giảm bớt gánh nặng giảng bài trên lớp cho giảng viên, và GV có thêm thời gian khai thác các phương pháp giảng dạy khác hoặc thiết kế thêm nhiều hoạt động cho giờ học sôi nổi hơn.

4.4. Đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy

* Thiết kế các hoạt động SV tự nghiên cứu 
GV phải thiết kế các hoạt động một cách đa dạng để SV có thể tự học, tự nghiên cứu theo nhiều cách: cá nhân, theo cặp, theo nhóm 3-4 sinh viên.

- Đối với phần lý thuyết: thay vì GV phải thuyết trình toàn bộ phần lý thuyết để SV có thể làm được các bài tập thì GV hướng dẫn SV làm việc theo cặp hoặc nhóm 3-4 SV một cách tỉ mỉ; cụ thể là tách nội dung lẽ ra mình phải thuyết trình thành các vấn đề và tạo thành các câu hỏi, vấn đề cho sinh viên thảo luận, nghiên cứu theo nhóm. Để tiết kiệm thời gian cho hoạt động này ở trên lớp thì GV hướng dẫn sinh viên chuẩn bị trước ở nhà và đến buổi học đại diện các nhóm có thể lên trình bày. GV đóng vai trò là người chỉ đạo, hướng dẫn và giải thích khi cần thiết và kết luận, tổng kết lại các ý chính của nội dung.

- Đối với phần bài tập: SV phải tự làm bài theo yêu cầu của GV. Đến lớp, SV lên bảng chữa bài tập xong có thể giải thích về cách làm bài. Việc SV giải thích được cách mình làm nhằm kiểm tra kiến thức lý thuyết của SV và đồng thời củng cố kiến thức cho cả lớp. Tuy nhiên, vì thời lượng có hạn nên GV chỉ yêu cầu chữa một số bài tập điển hình và khó hoặc theo yêu cầu SV. Những chương dễ, GV có thể thu vở kiểm tra phần làm bài của SV chứ không nhất thiết chữa toàn bộ bài tập.

- Về thuật ngữ: Thay vì GV liệt kê từ mới và cho biết nghĩa thì SV phải tự liệt kê rồi thiết kế hoạt động cho thuật ngữ đó. GV yêu cầu SV tra cứu thuật ngữ trước mỗi bài học, giải thích được ý nghĩa các thuật ngữ bằng Tiếng Anh;

* Thiết kế các hoạt động xen kẽ nhằm thay đổi không khí lớp học

Giờ học TACN bao giờ cũng nặng về kiến thức chuyên ngành, dễ gây chán nản cho sinh viên, do vậy, giảng viên cần thiết kết các hoạt động xen kẽ nhằm thay đổi không khí lớp học như:

- GV gợi ý cho SV lập các hội thoại ngắn theo các tình huống phù hợp với chủ đề đã học rồi đóng kịch; ví dụ như mua một món hàng ở siêu thị, đổi tiền ở ngân hàng, thanh toán hóa đơn nhà hàng, khách sạn ...

- GV thiết kế một số bài tập nghe bổ trợ từ các tài liệu luyện nghe thông thường hoặc chuyên ngành, hoặc tải một tin kinh tế, tài chính ngắn trên mạng internet, truyền hình...

- GV thiết kế các trò chơi, câu đố liên quan đến từ vựng để sinh viên vừa thực hành vừa giải trí.

- Ngoài ra, GV cũng có thể kể những câu chuyện trải nghiệm thực tế liên quan đến lĩnh vực học tập để SV vừa học hỏi kinh nghiệm vừa thư giãn.

4.5. Nâng cao khả năng tự học của sinh viên

Giao bài tập lớn cho SV làm. Bài tập lớn có thể làm theo hình thức cá nhân hoặc nhóm. Trên thực tế, cách thực hiện này đã được áp dụng trong năm học vừa qua và thấy có nhiều điểm tích cực hơn so với làm bài tập kiểm tra đồng loạt trên lớp. Thứ nhất là đỡ mất thời gian làm bài trực tiếp trên lớp.

Thứ hai, việc giao nhiệm vụ làm bài tập lớn này thúc đẩy SV tự chủ động tìm kiếm các nguồn tài liệu tham khảo liên quan đến chủ đề đã học để từ đó SV biết cách tự học, tự nghiên cứu, đồng thời củng cố và mở rộng thêm kiến thức mình đã được học. Thứ ba, sinh viên có thể học hỏi được lẫn nhau, biết cách chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau thông qua làm việc nhóm.

* Kiểm soát việc tự học của sinh viên

- Gọi bất kỳ SV nào trong lớp chữa rồi giải thích cách làm bài. Với cách này, GV nhận biết được ngay có thực sự SV đó tự làm hay không.

- GV nên thay đổi việc phân chia các nhóm thường xuyên để các SV quen các môi trường làm việc khác nhau và không tùy tiện ỉ lại sự tích cực của một vài SV trong nhóm.

- Đối với bài tập lớn: để tránh trường hợp SV sao chép của nhau thì trước hết GV cho nhiều chủ đề khác nhau hoặc phân các chủ đề cho từng SV. Sau khi thu bài, các GV nên tập hợp tất cả bài tập từ các nhóm, các lớp rồi phân chia theo chủ đề để chấm. Thực hiện theo cách này, GV vừa kiểm soát được việc sao chép và buộc SV phải có ý thức tự học tốt hơn.

4.6. Sử dụng các trang thiết bị hiện đại và các ứng dụng công nghệ hỗ trợ giảng dạy

Đối với các bài học khó và thời gian trên lớp không đủ thì GV có thể sử dụng các ứng dụng phần mềm hỗ trợ cho giảng dạy trực tuyến như zoom, google meet (google classroom) để hướng dẫn thêm cho SV khi cần thiết. Ngoài ra, để hỗ trợ cho việc tự học của SV tốt hơn, GV tận dụng những phương tiện giảng dạy đã được trang bị trong phòng học là internet, máy chiếu để trực tiếp hướng dẫn SV cách tìm kiếm tài liệu qua mạng, tìm hiểu các công cụ, phần mềm hỗ trợ học từ vựng hiệu quả. Sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để gửi và nhận bài tập, chữa bài tập cho SV mọi lúc, mọi nơi như ứng dụng phổ biến như zalo, viber, facebook (lập nhóm để trao đổi thảo luận, cung cấp tài liệu, hướng dẫn tự học...).

4.7. Cải thiện kiến thức kế toán cho giảng viên dạy TACN kế toán

Việc thiếu kiến thức chuyên ngành cũng là cản trở lớn đối với giảng viên khi gặp phải những tình huống bất ngờ như những câu hỏi quá sâu về chuyên ngành của sinh viên. Thông thường, sinh viên sẽ không phân biệt được giảng viên dạy TACN với giảng viên dạy học phần chuyên ngành bằng TA, và SV đều cho rằng giảng viên dạy TACN đều có kiến thức sâu về chuyên ngành như giảng viên chuyên ngành nên đặt những câu hỏi sâu về chuyên ngành, thậm chí cả những câu hỏi của học phần chuyên ngành mà sinh viên đang học để nhờ giảng viên dạy TACN hướng dẫn. Để khắc phục khó khăn này, giảng viên dạy TACN kế toán cần nâng cao kiến thức kế toán bằng cách:

- Tự nghiên cứu thêm nhiều sách chuyên ngành kế toán bằng Tiếng Việt để trau dồi kiến thức chuyên ngành và học các thuật ngữ, từ vựng chuyên ngành cần thiết để từ đó liên hệ với thuật ngữ, cấu trúc chuyên ngành bằng Tiếng anh và giải thích các thuật ngữ chuyên ngành bằng Tiếng Anh cho phù hợp, chính xác. Cách trình bày sổ kế toán của Anh cũng khác so với cách trình bày sổ kế toán của Việt Nam nên việc nghiên cứu sách chuyên ngành kế toán bằng Tiếng Việt giúp giảng viên phân biệt được điểm giống và khác nhau trong cách trình bày, để từ đó hướng dẫn sinh viên không mắc lỗi sai về trình bày sổ kế toán trong TACN.

- Thảo luận về nội dung các chuyên đề có liên quan với giảng viên dạy chuyên ngành kế toán để trau dồi thêm kiến thức thực tế trong giảng dạy của giảng viên chuyên ngành. Thảo luận giúp giảng viên tiết kiệm thời gian, nhớ nhanh hơn so với tự nghiên cứu trong sách và giải quyết những vướng mắc khi đọc sách chuyên ngành.

4.8. Bổ sung tài liệu bổ trợ cho học phần

Một trong các khó khăn được phản ánh trên là thiếu nguồn tài liệu bổ trợ cho học phần. Hiện nay, ở thư viện trường và khoa hầu như không có sách chuyên khảo, tham khảo, hay tài liệu liên quan đến TACN kế toán. Cần bổ sung thêm các loại sách, băng đĩa nghe môn này nhằm tạo điều kiện cho GV, SV có thêm nguồn tài liệu tham khảo, hỗ trợ quá trình dạy và học môn TACN.

1. Kết luận

Có thể nói, TACN là một học phần rất quan trọng trong chương trình học của SV, học phần cung cấp cho SV vốn vựng phù hợp với ngành nghề mình được đào tạo và có khả năng ứng dụng cao trong thực tế công việc sau này. Bên cạnh đó, học phần cũng giúp học viên nâng cao khả năng đọc hiểu các tài liệu chuyên ngành và hỗ trợ cho việc học các học phần chuyên ngành bằng Tiếng Anh sau này. Mỗi khóa học, mỗi đối tượng người học khác nhau lại nảy sinh những khó khăn khác nhau. Do vậy, việc không ngừng khắc phục những khó khăn trong giảng dạy để nâng cao hiệu quả dạy và học của học phần là điều thiết yếu. Từ những khó khăn trong quá trình giảng dạy của khóa trước, GV có thể đúc kết thêm các kinh nghiệm và tránh được ít nhiều những khó khăn của SV khóa tiếp theo, dần dần hoàn thiện để quá trình dạy và học đạt được hiệu quả cao nhất. Điều mong muốn của GV là làm thế nào để SV có kiến thức sâu, rộng, phát huy được năng lực, ý thức tự học, tính chủ động, sáng tạo trong học tập theo đúng đường hướng “lấy người học làm trung tâm” và các SV đều có thể cảm nhận được sự hứng thú trong mỗi giờ học TACN.
 
  Tài liệu tham khảo:
[1] Hutchinson, T. and Waters, A., English for Specific Purposes, Cambridge University Press, Cambridge, 1987.

[2] Widdowson, H.G., Learning Purpose and Language Use, Oxford University Press, Oxford, 1983.

[3] Little Wood, W., Foreign and Second Language Learning, Cambridge University
Press, Cambridge, 1981.

[4] Phạm Mai Lan, Phương pháp giảng dạy Tiếng Anh chuyên ngành kế toán tại Khoa Kinh tế- Đại học Mở Hà Nội phù hợp với chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ. Đề tài NCKH cấp Viện (V2012-18), 2012.

[5] https://tienganhduhoc.vn/english-for-accounting/
 


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại Học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Online: 144 Tổng truy cập: 29.331.477