Trang chủ

CHI PHÍ CHU KỲ SỐNG CỦA THIẾT BỊ

Ngày đăng: 08:51 - 03/11/2022 Lượt xem: 613
                                                       ThS. Phan Đức Khánh
                                                                                                      Đơn vị: khoa Cơ điện
 
Sau các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, ngành dệt may đang trên đà hồi phục và phát triển ấn tượng, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 40,3 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2020, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2022 là 43 tỷ USD. Do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài trong hơn 2 năm qua, nhân lực lao động có sự biến động thiếu hụt lớn. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp vẫn phát triển được? Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đã không ngừng đổi mới đầu tư trang thế hệ thiết bị thông minh hiện đại, nhờ có đổi mới công nghệ, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày một cao giúp giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực. Để đầu tư và duy trì hệ thống trang thiết bị hoạt động hiệu quả trong thời gian dài thì rất cần có những con người am hiểu về bảo trì, nhờ có kiến thức như vậy thì các doanh nghiệp mới có thể mua được thiết bị với chất lượng cao, giá thành hợp lý. Thiết bị có độ tin cậy cao sẽ cho độ tin cậy về năng suất  cao với thời gian sử dụng dài nhất, đó chính là bài toán về  chi phí chu kỳ sống của thiết bị.

Chi phí chu kỳ sống (LCC – Life Cycle Cost) bao gồm: chi phí đầu tư ban đầu, chi phí vận hành, chi phí bảo trì, chi phí thanh lý. LCC được dùng để: so sánh lựa chọn sản phẩm, cải tiến chất lượng sản phẩm, tái cấu trúc tổ chức bảo trì cho phù hợp, so sánh các dự án đang cạnh tranh, chuẩn bị kế hoạch và ngân sách bảo trì dài hạn, kiểm tra các dự án đang thực hiện, quyết định thay thế thiết bị.
Hình 1. Đường cong dạng bồn tắm
Đường cong dạng bồn tắm (hình 1) mô tả chi phí của thiết bị trong suốt chu kỳ sống của nó (từ lúc bắt đầu vận hành đến lúc thanh lý). Ở đầu giai đoạn vận hành, chi phí tương đối cao bởi các hoạt động chạy rà, giai đoạn này thiết bị chạy không hết công suất thiết kế, cần có những hiệu chỉnh nhất định. Sau đó thì chi phí giảm xuống và ổn định, đây là gai đoạn làm việc hiệu quả nhất, đem lại năng suất cao nhất của thiết bị. Trước khi thiết bị đến thời điểm loại bỏ thì chi phí lại gia tăng do các chi phí phát sinh khi sắp đến hết hạn sử dụng. Nhìn vào biểu đồ dạng đường cong bồn tắm trên ta thấy: Mức của đường nằm ngang phụ thuộc rất lớn vào sự thành công của quá trình mua thiết bị, thiết bị chất lượng thấp thì chi phí cao và ngược lại. Nhà quản lý luôn mong muốn đường nằm ngang càng dài thì càng tốt, muốn kéo dài đường ngang đó thì doanh nghiệp phải tổ chức tốt công tác bảo trì. Như vậy, khi tính toán đầu tư thiết bị ngoài việc đánh giá các thông số kỹ thuật, khả năng công nghệ, giá thành… thì một yếu tố rất quan trọng khác giúp kéo dài tuổi thọ của thiết bị đó chính là công tác tổ chức bảo trì.

Khi mua thiết bị mới điều cần thiết là quan tâm đến cả tổng chi phí chu kỳ sống lẫn tổng thu nhập chu kỳ sống của thiết bị. Tuy nhiên, điều quan tâm cơ bản nhất không phải là chi phí chu kỳ sống hay thu nhập chu kỳ sống mà khoảng giữa chúng, tức là lợi nhuận chu kỳ sống, đó chính là giá trị mà thiết bị đem lại.

Hình 2. Lợi nhuận chu kỳ sống
Nếu muốn thiết bị được bảo trì dễ dàng và đạt chỉ số khả năng sẵn sàng cao thì có thể phải mua với giá đắt. Tuy nhiên, trong thời gian hao mòn của thiết bị nếu chưa tìm được thiết bị cùng loại có chất lượng tốt hơn thì chưa cần thiết phải thay thế thiết bị sớm. Bởi vì khi thay thế thiết bị bởi chất lượng kém hơn lúc đầu sẽ phát sinh thêm chi phí vận hành và chi phí bảo trì cho thời gian sống của thiết bị sẽ cao hơn. Nhìn vào biểu đồ lợi nhuận chu kỳ sống (hình 2) chúng ta thấy: Giai đoạn ổn định càng dài thì đường nằm ngang thu nhập do thiết bị đem lại cũng  cao và dài tương ứng.

Như vậy chi phí chu kỳ sống và thu nhập chu kỳ sống của thiết bị giống như hai bồn tắm úp ngược lên nhau, tương ứng chi phí chu kỳ sống cao thì thu nhập chu kỳ sống giảm và ngược lại, muốn cho lợi nhuận thu nhập sống cao nhất thì giai đoạn ổn định của thiết bị sẽ là dài nhất. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới   giai đoạn ổn định của thiết bị trọng đó có một yếu tố rất quan trọng đó là công tác tổ chức bảo trì. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả cung cấp cho người đọc kiến thức về Chi phí chu kỳ sống của thiết bị, việc tính toán và ứng dụng kiến thức về Chi phí chu kỳ sống của thiết bị vào thực tế sẽ được tác giả trình bày ở các bài viết tiếp theo.  
 Tài liệu tham khảo
1. Phạm Ngọc Tuấn (2016), Quản lý bảo trì Công nghiệp, Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh;
2. Phan Trang (21/7/2022), Xuất khẩu dệt may kiên định mục tiêu 43 tỷ USD năm 2022, Báo Điện tử Chính phủ.
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 494 Tổng truy cập: 26.224.302