Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG TỔ CHỨC - HÀNH CHÍNH

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01-2021

Ngày đăng: 09:53 - 02/08/2021 Lượt xem: 431
 
 
 TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT SỐ 1
Quy định của pháp luật về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
Anh B, 29 tuổi, là công nhân may của Công ty CP May S, có trụ sở tại huyện miền núi, tỉnh Bắc Giang. Trước khi được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty, anh B đã có thẻ bảo hiểm y tế đối tượng dân tộc. Như vậy hiện tại anh đang có 2 thẻ bảo hiểm y tế. Anh B hỏi trong trường hợp đi khám chữa bệnh thì anh B có được hưởng quyền lợi cộng lại từ 02 thẻ Bảo hiểm y tế không?
Căn cứ pháp lý:
- Luật Bảo hiểm Y tế năm 2008;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13 tháng 6 năm 2014;
- Quyết định số 1351/QĐ-BHXH ngày 16/11/2015 về việc ban hành mã số ghi trên thẻ Bảo hiểm Y tế.
Xử lý tình huống:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Bảo hiểm Y tế năm 2008, mỗi người dân chỉ được cấp 01 thẻ Bảo hiểm Y tế. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc dẫn đến tình trạng vừa tham gia bảo hiểm theo nhóm đối tượng này, lại đóng thêm bảo hiểm theo nhóm đối tượng khác. Trường hợp của anh B đã có bảo hiểm y tế đối tượng dân tộc (là nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng), khi tham gia lao động tại Công ty CP may S, lại đóng bảo hiểm xã hội và có thêm thẻ bảo hiểm y tế (thuộc nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng), vậy có được hưởng quyền lợi y tế của cả 2 thẻ không, về việc này, quy định của pháp luật như sau:
Căn cứ điểm 2, khoản 7, Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 quy định: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”;
Đồng thời tại điểm 2, khoản 15, Điều 1 quy định: “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.
Trường hợp của anh B nêu trên vừa thuộc mã đối tượng DN, mã quyền lợi 4 vừa thuộc mã quyền lợi 2 (DT) theo quy định tại điểm b và điểm d khoản 2 Điều 2 Quyết định số 1351/QĐ-BHXH ngày 16/11/2015 về việc ban hành mã số ghi trên thẻ Bảo hiểm
Y tế, cụ thể: “Ký hiệu bằng số 2: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: CK, CB, KC, HN, DT, DK, XD, BT, TS.”; “ Ký hiệu bằng số 4: Được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: DN, HX, CH, NN, TK, HC, XK, TB, NO, CT, XB, TN, CS, XN, MS, HD, TQ, TA, TY, HG, LS, PV, HS, SV, GB, GD”
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, anh B không thể được hưởng quyền lợi y tế cộng lại từ 02 thẻ Bảo hiểm y tế anh đang có, mà chỉ được hưởng quyền lợi theo thẻ BHYT có mức cao nhất.
Anh B cần thực hiện thủ tục đổi mã quyền lợi theo nhóm đối tượng dân tộc: lập tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (theo mẫu luật định) kèm sổ hộ khẩu nộp cho Công ty nơi anh làm việc hoặc nộp trực tiếp cho cơ quan BHXH để được giải quyết đổi mã quyền lợi và sử dụng thống nhất một thẻ BHYT.
TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT SỐ 2
Quy định pháp luật về rút bảo hiểm xã hội 1 lần và bảo lưu trợ cấp thất nghiệp
Tháng 3/2020, Anh H (45 tuổi) chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty THNH May C và có 10 năm đóng BHXH. Từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2021, anh H nghỉ việc không đi làm ở đâu nên không đóng BHXH. Anh H hỏi hiện nay anh có thể làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và rút bảo hiểm xã hội một lần luôn được không?
Căn cứ pháp lý:
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
- Luật Việc làm năm 2013;
- Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (Nghị định số 28/2015/NĐ-CP);
- Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động (Nghị quyết số 93/2015/QH13).
Xử lý tình huống:
1. Khoản 1, Điều 46, Luật Việc làm năm 2013 và khoản 1, Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp.
Khoản 1, Điều 45, Luật Việc làm năm 2013 quy định:
“Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp”
Như vậy, theo quy định của pháp luật trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động người lao động phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm tại nơi cư trú/nơi làm việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, quá thời hạn 03 tháng anh H không làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nên thời gian chưa nhận trợ cấp thất nghiệp này của anh sẽ được bảo lưu.
2. Điểm a, khoản 1, Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và khoản 1, Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Căn cứ vào quy định trên, anh H đủ điểu kiện để hưởng BHXH 1 lần. Tuy nhiên, anh H cần cân nhắc kỹ việc rút BHXH 1 lần bởi vì hiện nay anh H mới 46 tuổi, độ tuổi nghỉ hưu còn ít nhất 15 năm và anh đã có 10 năm đóng BHXH. Do đó anh H nên bảo lưu thời gian đóng BHXH, khi có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện, để có điều kiện tự đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, khi hết tuổi lao động.
TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT SỐ 3
Quy định về tổ chức hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể công đoàn cơ sở
Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần May X trực thuộc Công đoàn Dệt May Y có trên 500 đoàn viên công đoàn. Tại Đại hội công đoàn nhiệm kỳ 2017-2022, đã bầu 7 ủy viên chấp hành công đoàn. Qua thời gian hoạt động đã có 4 đồng chí chuyển công tác khỏi Công ty. Đến tháng 4 năm 2021, 01 đồng chí ủy viên chấp hành công đoàn nghỉ hưu theo chế độ.
Đồng chí chủ tịch công đoàn công ty hỏi: Khi nào tổ chức hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể công đoàn cơ sở; Công đoàn Công ty May X cần thực hiện như thế nào để bầu bổ sung nhân sự Ban chấp hành cho đúng quy định?
Căn cứ pháp lý:
- Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII (thông qua ngày 24/9/2018) có hiệu lực từ ngày 03/02/2020 theo Quyết định số 174/QĐ-TLĐ
- Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành ngày 20/02/2020.
Xử lý tình huống:
Khoản 1, Điều 9 Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII quy định về Hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể công đoàn các cấp như sau:
“Những nơi xét thấy cần thiết và được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý thì triệu tập hội nghị đại biểu hoặc hội nghị toàn thể. Trường hợp không thể tổ chức được hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể thì có thể tổ chức hội nghị ban chấp hành công đoàn mở rộng sau khi có sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp”
Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam Khóa XII hướng dẫn Hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể công đoàn các cấp như sau:
- Tại Điểm b mục 7.1 quy định các trường hợp tổ chức hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể đoàn viên:
“Khi khuyết quá một phần hai (1/2) tổng số ủy viên ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên, quá hai phần ba (2/3) tổng số ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở mà ban chấp hành chưa kịp tổ chức bầu cử bổ sung”
- Tại mục 7.2 quy định:
“Trường hợp không thể tổ chức được hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể thì tổ chức hội nghị ban chấp hành mở rộng sau khi có ý kiến bằng văn bản của công đoàn cấp trên trực tiếp, số lượng, thành phần đại biểu dự hội nghị ban chấp hành mở rộng do ban chấp hành triệu tập hội nghị quyết định”
- Tại mục 7.3 quy định:
“Số lượng đại biểu chính thức dự hội nghị, trình tự nội dung, các cơ quan điều hành và thẩm tra tư cách đại biểu tại hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể thực hiện như Mục 6.4, Mục 6.5, Mục 6.6, Mục 6.7 và Mục 6.8 của Hướng dẫn này.”
- Tại mục 6.4 quy định:
a. Đối tượng tổ chức đại hội đại biểu:
- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở có từ 200 đoàn viên trở lên”.
- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở có dưới 200 đoàn viên nhưng hoạt động phân tán, lưu động, khó khăn trong việc tổ chức đại hội toàn thể thì có thể tổ chức đại hội đại biểu khi được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý.
b. Đối tượng tổ chức đại hội toàn thể đoàn viên
- Công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận có dưới 200 đoàn viên.
- Trường hợp có từ 200 đoàn viên trở lên, việc tổ chức đại hội toàn thể đoàn viên do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định hoặc khi có quá một phần hai (1/2) đoàn viên đồng ý đại hội toàn thể.
- Trường hợp cần thiết, công đoàn cấp trên trực tiếp có quyền chỉ định công đoàn cơ sở tổ chức đại hội toàn thể đoàn viên.”
Ban chấp hành Công ty Cổ phần May X đang khuyết 5 đồng chí (4 đồng chí chuyển công tác khỏi Công ty và 1 đồng chí nghỉ hưu theo chế độ đương nhiên thôi tham gia ban chấp hành công đoàn).
Công đoàn Công ty Cổ phần May X có trên 500 đoàn viên, tỉ lệ khuyết ủy viên Ban chấp hành là 5/7 (quá 2/3 tổng số ủy viên ban chấp hành).
Căn cứ vào các quy định nêu trên thì Công đoàn Công ty Cổ phần May X cần tổ chức hội nghị đại biểu (Điều lệ khóa XI quy định là đại hội bất thường) để bầu bổ sung ủy viên Ban chấp hành khi khuyết quá 2/3 tổng số ủy viên ban chấp hành (Điều lệ khóa XI quy định tỉ lệ này là 1/2). Trong trường hợp không thể tổ chức được hội nghị đại biểu, Công đoàn Công ty Cổ phần May X có thể tổ chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng nhưng phải xin ý kiến và được sự đồng ý bằng văn bản của Công đoàn Dệt May Y.
 TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT SỐ 4
Quy định pháp luật về nghĩa vụ đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động của người lao động và xử lý kỷ luật.
Anh M là công nhân Xí nghiệp Z. Sau khi ký hợp động lao động làm việc tại Xí nghiệp anh M được phổ biến Nội quy lao động, cung cấp thông tin, hướng dẫn và huấn luyện đầy đủ về quy trình vận hành máy và được trang bị bảo hộ lao động. Sau 6 tháng làm việc, anh M tự ý thay đổi cách thức vận hành máy và dẫn đến gây ra tai nạn lao động cho bản thân. Đồng thời, anh M có một số lần vi phạm quy định về an toàn lao động khi không sử dụng trang bị bảo hộ đầy đủ. Do đó, Xí nghiệp Z căn cứ vào quy định của Nội quy lao động xem xét hình thức kỷ luật lao động anh M. Anh M cho rằng việc thay đổi quy cách vận hành máy nhằm rút ngắn thời gian, tăng năng suất đó là sáng kiến của anh và không may xảy ra tai nạn. Anh M hỏi việc xí nghiệp Z xem xét xử lý kỷ luật lao động anh có đúng với quy định pháp luật không?
Căn cứ pháp lý:
- Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015;
- Bộ luật Lao động năm 2019;
Xử lý tình huống:
Điểm a, b khoản 2, Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có nghĩa vụ sau đây:
- Chấp hành nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể;
- Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Điều 117, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
“Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định”
Điểm g, khoản 1, Điều 118, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định nội quy lao động bao gồm nội dung: “Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động”
Căn cứ vào các quy định trên, với các hành vi tự ý thay đổi cách vận hành máy móc dẫn đến tai nạn lao động và một số lần không sử dụng trang bị bào hộ lao động, anh M đã vi phạm quy định pháp luật về an toàn lao động và quy định trong nội quy lao động của xí nghiệp Z. Việc anh M cho rằng đó là sáng kiến trong lao động sản xuất là không hợp lý, bởi các sáng kiến khi được triển khai trong sản xuất phải được hiện theo quy trình và vẫn phải đảm bảo các quy định về an toàn lao động. Do đó, Xí nghiệp Z căn cứ Nội quy lao động của xí nghiệp để xem xét hình thức kỷ luật lao động anh M là đúng với quy định của pháp luật.
 
TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT SỐ 5
 
Quy định của pháp luật về thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ
Chị công nhân A làm việc tại Công ty CP X được 3 năm, đến Quý 1 năm 2021 chị được Công ty thanh toán 06 ngày tiền lương cho ngày phép chưa nghỉ của năm 2020. Chị A hỏi, nếu đến hết năm 2021, trong trường hợp chị không sử dụng hết ngày nghỉ phép thì chị có được Công ty thanh toán tiền phép còn lại như năm 2020 không?
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2012;
- Bộ luật Lao động năm 2019.
Xử lý tình huống:
Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021. Vì vậy, năm 2020 vẫn thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012.
Khoản 1, Điều 144 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ như sau:
“Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ”
Căn cứ vào quy định trên, năm 2020, áp dụng quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, chị A có lý do chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm nên được công ty thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.
Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021 áp dụng quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Khoản 3, Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2021 quy định như sau:
“Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ”
Căn cứ vào quy định trên, chỉ có 02 trường hợp người lao động thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hết ngày phép trong năm được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Như vậy, từ năm 2021, người lao động chưa nghỉ hết phép năm không thuộc 2 trường hợp nêu trên sẽ không được thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ.
Nghỉ phép năm là một trong những chế độ mà pháp luật quy định dành cho người lao động để tái tạo sức lao động. Do đó, Bộ luật Lao động năm 2019 đã bỏ quy định thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ “vì lý do khác” nhằm mục đích để người lao động nghỉ đủ số ngày nghỉ phép hằng năm. Vì vậy, để đảm bảo nghỉ đủ số ngày nghỉ hằng năm của mình người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần (khoản 4, Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019).

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 313 Tổng truy cập: 26.128.732