Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG TỔ CHỨC - HÀNH CHÍNH

Đừng phớt lờ khi thấy nhân viên đang bị quá tải công việc

Ngày đăng: 09:55 - 02/08/2021 Lượt xem: 531
VIỆC NHIỀU, CHẤT LƯỢNG BAO NHIÊU?
Nhân viên có dấu hiệu kiệt sức và quá tải sẽ có xu hướng nghỉ việc. Điều này khiến doanh nghiệp phải tiêu tốn nhiều nguồn tài nguyên và ngân sách để tuyển dụng và đào tạo nhân sự mới. 
Bản chất của môi trường làm việc hiện đại có nhiều mức độ áp lực khác nhau. Điều này còn được thể hiện rõ nét hơn trong cơn đại dịch – khi mà mọi người phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn mà họ khó có thể lường trước. Có rất nhiều người tuy làm việc tại nhà nhưng thời gian kéo dài hơn 8 tiếng một ngày. Điều này khiến cho đời sống cá nhân cũng như công việc của họ trở nên bị xáo trộn.
Đây chính là những nguy cơ tiềm ẩn mà nhà quản lý nên cân nhắc xem xét, vì ranh giới giữa áp lực lành mạnh giúp thúc đẩy năng suất làm việc, và loại áp lực gây quá tải trong công việc – là vô cùng mong manh.
ĐỪNG PHỚT LỜ CÁC BIỂU HIỆN CỦA MỘT NHÂN VIÊN ĐANG KIỆT SỨC
Có thái độ tiêu cực khi họp nhóm hay qua email
Thái độ tiêu cực là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy nhóm làm việc của bạn đang bị áp lực và quá tải. Nhân viên thường sẽ tìm kiếm một nơi để trút hết mọi sự mệt nhọc, và nếu sự tiêu cực xảy ra quá thường xuyên – thì đã đến lúc nhà quản lý cần suy nghĩ lại.
Nhân viên trở nên tiêu cực trong suy nghĩ nếu họ thấy nhiệm vụ quá khó để có thể hoàn thành đúng thời hạn hay đáp ứng đúng mong đợi từ sếp. Đây là một cơ chế phản ứng nhằm báo hiệu sự quá tải trong công việc và sa sút trong tinh thần.
Giảm năng suất
Một dấu hiệu khác cũng đáng lưu ý, đó là hiệu suất làm việc bị sụt giảm. Việc mong đợi nhân viên luôn làm việc một cách xuất sắc là điều không tưởng. Nhưng nếu năng suất làm việc của họ sụt giảm một cách rõ rệt trong khoảng thời gian dài, đặc biệt là đối với nhân viên giỏi thì đó nên là một mối bận tâm mà nhà quản lý cần lưu ý tới.
 
Một vài biểu hiện có thể kể đến như viết báo cáo tùy tiện, không quản lý tốt lịch trình làm việc, hay trễ deadline. Hoặc cũng có thể là do thiếu tương tác với đồng nghiệp, thông tin không được truyền tới, dẫn đến công việc không thể hoàn thành một cách chỉn chu và khoa học.
Sức khỏe suy giảm
Nếu bạn cảm thấy mọi người đang gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, cũng có thể là họ đang chịu nhiều áp lực thì nhà quản lý cần hành động ngay trước khi quá trễ.
Ngoài ra, nhân viên sẽ liên tục xin nghỉ phép “bệnh” nhưng thật ra đó là dấu hiệu họ đang lên kế hoạch rời bỏ công ty nếu tình hình không được giải quyết một cách hiệu quả. Liên tục xin nghỉ ốm đôi khi được sử dụng như một hành động dứt khoát khi nhân viên không thể đối mặt với áp lực công việc hàng ngày nữa.
Để tránh tình trạng này xảy ra, nhà quản lý cần có một khung chương trình điều trị sức khỏe tinh thần hiệu quả nhằm hỗ trợ nhân viên một cách tốt nhất. Một môi trường làm việc cởi mở, chân thành sẽ giúp nhân viên thoải mái chia sẻ bất cứ vấn đề nào mà họ đang gặp phải.
VỚI VAI TRÒ LÀ NHÀ QUẢN LÝ, BẠN NÊN LÀM GÌ?
Vai trò của nhà quản lý không chỉ hỗ trợ những lúc nhân viên cần, mà họ còn giúp công ty tránh được những thiệt hại không đáng có.
Nhà quản lý thường là người đầu tiên nhân viên liên hệ nếu họ đang chịu áp lực trong công việc, vì thế cách nhà quản lý phản ứng và xử lý ra sao là vô cùng quan trọng. Hãy làm một tấm gương tốt và đặt ra các giới hạn cho nhân viên. Bạn có thể thiết lập một khoảng thời gian nghỉ nhất định trong ngày để mọi người cho mắt nghỉ ngơi khi làm việc nhiều trước máy tính.
Không chỉ riêng bộ phận nhân sự, nhà quản lý cũng nên là người tiên phong trong các chiến dịch nâng cao sức khỏe cho toàn thể nhân viên trong tổ chức. Nhiều khảo sát gần đây đã tiết lộ rằng, khủng hoảng cơn đại dịch đã tác động nặng nề đến tinh thần đồng đội, và gia tăng sự cô đơn một cách đáng kể.
Việc tổ chức những hoạt động nhóm online sẽ giúp mọi người gắn kết với nhau hơn sau thời gian xa cách. Chúng ta không thể nào “tái tạo” được một môi trường công sở giống như thực tế khi mọi người làm việc tại nhà. Nhưng bằng cách này hay cách khác, văn hóa công ty vẫn sẽ tiếp tục được duy trì bằng cách kết hợp công việc hàng ngày với những hoạt động xã hội chẳng hạn.
Cuối cùng, với vai trò nhà quản lý, bạn cần chắc rằng nhân viên có thể nhận thức đúng mức độ “khủng hoảng” của mình, và chủ động tìm phương pháp giải quyết nhằm giảm thiểu tối đa sự quá tải trong công việc. Điều này không chỉ giúp mọi người cải thiện cuộc sống của mình, mà đó còn là cách để họ thoải mái hơn trong công việc và yêu những gì mình đang làm nữa đấy!
https://hrinsider.vietnamworks.com/

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 397 Tổng truy cập: 26.124.294