Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và vận hành mô hình doanh nghiệp trong nhà trường

Ngày đăng: 11:09 - 17/06/2022 Lượt xem: 716
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được chọn là nơi thăm quan, học hỏi của nhiều trường đại học trong và ngoài nước bởi mô hình đào tạo khác biệt, đặc biệt là mô hình doanh nghiệp trong nhà trường.

Sáng ngày 16/6/2022, trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã có buổi đón tiếp, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và vận hành mô hình doanh nghiệp trong nhà trường với đoàn công tác của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.



Đón tiếp đoàn, về phía Nhà trường có TS. Hoàng Xuân Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường, các đ/c trong Ban giám hiệu và các đ/c là trưởng các đơn vị phòng, khoa, trung tâm.
Đoàn công tác của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam do Ông Phạm Ngọc Lan, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban hỗ trợ Câu lạc bộ  khối trường làm trưởng đoàn cùng 77 thành viên đến từ 19 trường Đại học, Cao đẳng, công ty.

 Ông Phạm Ngọc Lan - UVBTV, Trưởng ban hỗ trợ CLB khối trường, đại diện Hiệp hội phát biểu khai mạc.
 
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Ngọc Lan, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban hỗ trợ Câu lạc bộ khối trường, đại diện Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam gửi lời cảm ơn bởi sự đón tiếp nồng nhiệt, chu đáo từ trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Ông Lan cho biết: “Mô hình doanh nghiệp trong nhà trường là mô hình không mới trên thế giới và đã đem lại hiệu quả lớn. Những năm gần đây nhiều trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam đang muốn xây dựng mô hình này như viện trong trường học, công ty trong trường học. Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là một trong số ít trường có mô hình doanh nghiệp trong nhà trường hoạt động hiệu quả, Trường thường được chọn là nơi thăm quan học hỏi của các trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài nước. Trong chuyến công tác này cá nhân Ông và các thành viên trong đoàn mong muốn được Nhà trường chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và vận hành mô hình doanh nghiệp trong nhà trường của mình”.
  
TS. Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường
 
Thay mặt trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, TS. Hoàng Xuân Hiệp, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, khách quý đến từ 19 trường Đại học, Cao đẳng. Trong bài phát biểu của mình, TS. Hoàng Xuân Hiệp chia sẻ 3 lý do để xây dựng và phát triển Trung tâm sản xuất dịch vụ, mô hình doanh nghiệp trong nhà trường:

Thứ nhất, nhằm đáp ứng cho yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của ngành dệt may.

Thứ hai, Nhà trường đào tạo theo hướng ứng dụng với mục tiêu sinh viên ra trường có thể “ chiến đấu” được với doanh nghiệp. Nhà trường là thao trường còn doanh nghiệp là chiến trường, không thể để sinh viên ra trường mới biết cách dùng súng mà chưa được bắn súng thật bao giờ.

Thứ ba, mô hình doanh nghiệp trong trường giúp giải quyết bài toán về nguồn kinh phí trong bối cảnh trường đại học thực hiện tự chủ như hiện nay. Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là 1 trong 23 trường đại học thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Trường tự chủ thu mức học phí cao hơn trường chưa tự chủ, nhưng vẫn phải đảm bảo mức thu vừa phải so với thị trường tuyển sinh của mình.

Trong Hội nghị, đ/c Nguyễn Quang Vinh, phó Hiệu trưởng, giám đốc Trung tâm sản xuất dịch vụ đã có bài giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển, hoạt động và quy trình vận hành tại Trung tâm sản xuất dịch vụ.





Trong chuyến thăm quan,  được tận mắt chứng kiến hoạt động sản xuất tại Trung tâm sản xuất dịch vụ, hoạt động dạy và học tại các phòng thực hành may, các đại biểu đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội khi xây dựng, duy trì và phát triển mô hình doanh nghiệp trong nhà trường với nhiều thành công. Nhiều băn khoăn, thắc mắc của các đại biểu đặt ra trong phần hỏi, đáp đều được Ban giám hiệu trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội chia sẻ thẳng thắn, đầy đủ trên tinh thần cởi mở, thân thiện.
 

Đại biểu đặt câu hỏi giao lưu với Ban giám hiệu Nhà trường
 
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giữa trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội với 9 trường Đại học, Cao đẳng và Công ty gồm:
- Trường Đại học Thái Bình
- Trường Đại học Kinh tế -Kỹ thuật công nghiệp
- Trường Đại học Tân Trào
- Trường Đại học Hải Phòng
- Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định
- Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội
- Viện truyền thông và phát triển nhân lực
- Công ty Cổ phần công nghệ và dịch vụ ERP
- Công ty Cổ phần Đầu tư và tích hợp công nghệ D&L

Việc ký kết thỏa thuận hợp tác là  bước khởi đầu để các bên cụ thể hóa thành các hoạt động chia sẻ, hợp tác.

Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và các đơn vị

Sau 4 tiếng tham quan, trao đổi và chia sẻ về mô hình doanh nghiệp trong trường học của trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, nhiều ấn tượng tốt đẹp đã để lại trong lòng của các đại biểu đến từ các Trường, các viện và doanh nghiệp. Hi vọng trong thời gian tới, nhà trường và các đơn vị sẽ có những hoạt động hợp tác cụ thể nhằm đưa mô hình doanh nghiệp trong trường học ngày càng phát triển hơn.

Một số hình ảnh liên quan





 
 









                                                                        Phòng Tuyển sinh và Truyền thông

Các bài viết khác

Thông báo tuyển sinh bổ sung năm 2024
18/08/2024
3.083 lượt xem
Kế toán tiền lương
25/07/2024
73 lượt xem
Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng
09/07/2024
2.044 lượt xem
Khám phá ngành Kế toán
10/04/2024
1.469 lượt xem
Thông tin tuyển sinh năm 2024
20/02/2024
28.310 lượt xem

Liên kết website