Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG ĐÀO TẠO

Nghiệm thu đề tài cấp Tập đoàn năm 2017

Ngày đăng: 08:20 - 03/04/2018 Lượt xem: 1.009
Ngày 26/3/2018, Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã đánh giá, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của quá trình kiểm soát sợi có sự hỗ trợ của máy Uster”.
 
 
 
Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Tập đoàn năm 2017
 
Hội đồng nghiệm thu gồm có: ThS. Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Tập đoàn – Chủ tịch Hội đồng, TS. Nguyễn Sỹ Phương – Phó Viện Trưởng Viện Dệt May – UV Phản biện 1, KS. Đỗ Thanh Tùng – Phó Giám đốc Nhà máy Sợi Nam Định – UV Phản biện 2, KS. Trần Gia Huyến – Giám đốc Công ty Mỹ Hào – đại diện Uster tại Việt Nam – Ủy viên và ThS. Phạm Thành Nam – Chuyên viên Ban KTĐT – Ủy viên Thư ký.

Đề tài được triển khai nghiên cứu từ tháng 5/2017 đến tháng 12/2017, do trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội chủ trì, ThS. Vũ Đức Tân - Phó Trưởng khoa Công nghệ Sợi, Dệt làm chủ nhiệm.

Máy Uster Tester có thể đo được trên 30 thông số chất lượng của một mẫu thử trong cùng một thời gian thử nghiệm. Vì vậy, máy Uster Tester trở thành một thiết bị không thể thiếu đối với phần lớn các doanh nghiệp sợi, dệt. Tuy nhiên, việc khai thác triệt để hiệu quả sử dụng máy trong việc kiểm soát chất lượng sợi vẫn còn hạn chế. Trong khi, thực tế nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường về chất lượng sợi.  Đề tài đã đánh giá được thực trạng sử dụng máy Uster hỗ trợ kiểm soát chất lượng sợi tại một số doanh nghiệp sợi tại Việt Nam, để từ đó đưa ra quy trình kiểm soát chất lượng bán thành phẩm và sợi có sự hỗ trợ của máy Uster Tester. Kết hợp các thiết bị ngoại vi với Uster Tester nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình kéo sợi để đạt chất lượng sợi cao nhất. Đồng thời, sử dụng đường phổ chuẩn để xây dựng phương án kéo sợi đạt chất lượng cao nhất. Qua kết quả thực nghiệm trên máy Uster Tester tại các nhà máy: Nhà máy Sợi Đồng Văn, Nhà máy Sợi Yên Mỹ, Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định, Nhà máy Sợi Phú Thọ, Nhà máy Sợi Vĩnh phú, nhóm nghiên cứu đã đề ra hai nhóm giải pháp rất khả thi: giải pháp về kỹ thuật và giải pháp về tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quá trình kiểm soát chất lượng sợi có sự hỗ trợ của máy Uster Tester, góp phần nâng cao chất lượng sợi và năng suất thiết bị kéo sợi trong các doanh nghiệp sợi, dệt trong điều kiện hiện nay.

Kết quả của đề tài cũng là cơ sở để Nhà trường xây dựng học liệu giảng dạy các chuyên đề trong chương trình đào tạo ngành Công nghệ sợi, dệt. 

 
 
ThS. Vũ Đức Tân báo cáo tổng kết đề tài

Kết thúc buổi nghiệm thu, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành tập Đoàn Dệt May, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài. Ông Cao Hữu Hiếu đề nghị nhóm tác giả tiếp thu các ý kiến của Hội đồng, hoàn thiện đề tài, tiếp tục áp dụng các kết quả nghiên cứu vào giảng dạy và thực tiễn sản xuất  tại các doanh nghiệp sợi, dệt.
Thu Hằng - PĐT
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 46 Tổng truy cập: 18.400.036