Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA CÔNG NGHỆ SỢI - DỆT

Xây dựng đội ngũ công nhân giỏi nghề, gắn bó với doanh nghiệp

Ngày đăng: 11:53 - 29/12/2017 Lượt xem: 1.120

Ngành Dệt May Việt Nam (DMVN) đã trải qua chặng đường lịch sử hơn 125 xây dựng và trưởng thành với bao thăng trầm, cam go và thử thách. Đặc biệt vào những năm chiến tranh ác liệt chống giặc ngoại xâm, nhiều thế hệ CBCNVC và người lao động (NLĐ) trong ngành dệt may đã không quản gian lao, nhọc nhằn, ngày đêm bám máy, bám xưởng để lao động quên mình, cần cù, chịu khó làm ra từng cân sợi và dệt lên từng mét vải may quân trang phục vụ bộ đội ra chiến trường góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Tự hào về quá khứ hào hùng

Có thể thấy rằng, trong những ngành công nghiệp, thì Ngành DMVN có một quá khứ hào hùng, đáng tự hào biết bao. Khởi đầu từ sự kiện 25-3/1930, khi tên đốc công Rine vô cớ lấy tay đánh đập anh Phạm Văn Chi công nhân xưởng Dệt Nam Định bị trọng thương, phạt anh 5 hào và đẩy xuống hồ gần xưởng Nhuộm. Trước sự việc đó hơn 4.000 công nhân đình công kéo vào dinh Tổng đốc để tố cáo đốc công Rine đánh đập anh Chi. Làn sóng công nhân nổi dậy đấu tranh đòi thực dân Pháp tăng lương, giảm giờ làm ngày càng tăng. Trước sức ép của công nhân, bọn chủ Pháp đã đàn áp, bắt 3 công nhân trong đám biểu tình. Đồng chí Nguyễn Thị Hợi, một đảng viên Cộng sản ở Nhà máy Sợi, là công nhân nhà máy sợi vào nhận ca sáng, tới cổng Nhà máy thấy công nhân đang ùa ra cổng vừa chạy vừa hô “tây đánh người”, đồng chí Hợi đã hòa vào dòng người đang rầm rập kéo đến dinh Tổng đốc, đến sở Cẩm vào Nhà giam đòi thả những người bị bắt. Đồng chí Hợi đã xông lên trước mũi súng của địch và kêu gọi mọi người “tất cả hãy đoàn kết, xiết chặt hàng ngũ, vững bước đấu tranh”. Sau 21 ngày biểu tình, công nhân cũng buộc được bọn chủ Pháp nhượng bộ một số yêu sách. Chính vì những ý nghĩa lịch sử đó, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25-3 làm ngày truyền thống của ngành Dệt May Việt Nam.

Hưởng ứng phong trào “sản xuất 10 triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt” cả Nhà máy Dệt Nam Định đã phấn đấu ngày đêm và đã vượt chỉ tiêu 1 triệu 74 vạn mét vải trước thời gian quy định. Với những thành tích đó trong hai năm liên tục 1967-1968, đã được Bộ công nghiệp công nhận là Lá cờ đầu trong ngành Dệt. Đặc biệt là chị Đào Thị Hào là một thợ dệt, một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, chị Hào đã bền bỉ đứng 24 máy dệt và  luôn luôn dẫn đầu nhà máy về năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời có nhiều sáng kiến có giá trị cao trong thao tác nối sợi, đi tua, xử lý máy tiết kiệm điện… Chị dũng cảm bám máy để sản xuất tìm ra phương pháp hãm máy nhanh khi báo động không để bị dập thoi, đứt sợi… Năm 1967 chị Đào Thị Hào đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Chị Nguyễn Thị Hiếu, tổ trưởng tổ sản xuất số 1 máy dệt tự động kíp C xưởng dệt B ba năm liền là CSTĐ, chị đã hăng hái học tập, áp dụng sáng  tạo kinh nghiệm tiên tiến của chuyên gia và anh chị em cùng nghề, nêu cao tinh thần vượt mọi khó khăn, hợp lý hóa thao tác, nhờ đó chị rất tinh thông nghề nghiệp luôn xung phong tình nguyện đi đầu trong phong trào đứng thêm máy, từ 6 máy lên 15 máy, 18 máy rồi 24 máy, dẫn đầu về năng suất lao động, vượt mức kế hoạch hàng nghìn mét vải mỗi năm với chất lượng tốt. Chị đã xây dựng tổ sản xuất của mình trở thành tổ lao động tiên tiến. Chị Hiếu còn có nhiều thành tích về xây dựng Chi đoàn thanh niên nhà máy và là một đội viên tự vệ bắn súng giỏi, được Bộ tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn tặng Bằng khen. Chị phấn đấu trở thành Anh hùng Lao động khi mới tròn 22 tuổi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ công nhân DMVN được tôi luyện trong sản xuất và trong đấu tranh, là lực lượng nòng cốt của phong trào cách mạng, từng hội tụ khá nhiều những những nhân tố điển hình tiên tiến, tạo nên một quá khứ hào hùng, mãi là niềm tự hào của các thế hệ sau. Đặc biệt vào những năm sau này, giai đoạn từ năm 1995 thành lập Tổng Công ty Dệt May Việt Nam, đã đặt nền móng cho một sự phát triển mới: Sản xuất kinh doanh vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước vừa xuất khẩu mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước trong cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Có thể khẳng định đội ngũ công nhân ngành dệt may đã không ngừng phát triển cả quy mô và chất lượng để thích ứng với nền kinh tế hội nhập.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang – Đổi mới mạnh mẽ

Trong quá trình sản xuất, đấu tranh và xây dựng đổi mới. DMVN đã có một đội ngũ những người thợ dệt may ưu tú, những người công nhân luôn tận tâm, tận lực lao động sản xuất, sáng tạo, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để bảo vệ sản xuất, tạo nên hiệu quả cao cho tập thể. Trong đó nhiều cá nhân được  Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động như: Đ/c Vũ Thị Tú, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Thị Thạc, Phạm Thị Liên, Đào Thị Hào, Nguyễn Thị Hiếu, Vũ Thị Chắt, Nguyễn Thị Tùng, Châu Thị Kim, Cù Thị Hậu, Trần Thị Đường, Trịnh Thị Toan, Nguyễn Thế Quang, Trần Xuân Cẩn, Nguyễn Khắc Chỉnh, Vũ Đức Thịnh, Nguyễn Đình Trường, Trần Kim Oanh… nhiều đồng chí là cán bộ ngành dệt may, thậm chí là công nhân sản xuất trực tiếp đã trưởng thành trở thành các chính khách, là Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội nhiều khóa và giữ những trọng trách quan trọng của đất nước, điển hình như Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu sau này trở thành Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong quá trình đổi mới kinh tế, hội nhập và phát triển, DMVN là ngành sớm đổi mới toàn diện, tái cấu trúc để bứt phá, sớm vươn ra thị trường thế giới, cạnh tranh mạnh mẽ từ nội lực. Trong đó, điển hình là Tập đoàn DMVN (Vinatex) luôn là đầu tàu dẫn dắt toàn Ngành. Đặc biệt kể từ khi nâng cấp lên Tập đoàn năm 2005, Vinatex hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng hóa dệt may từ sợi, vải, quần áo. Với quy mô vốn nhỏ nhất trong các tập đoàn chỉ 3.400 tỷ đồng trước khi CPH và có lực lượng lao động lớn nhất cả nước với gần 140.000 lao động. Hoạt động trong môi trường có tính thị trường cao nhất so với các tập đoàn kinh tế khác do đặc thù sản xuất hàng hóa dệt may xuất khẩu phải thực hiện nghiêm túc các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại, nhất là WTO. Vinatex cũng là đơn vị tiên phong trong CPH doanh nghiệp, hoàn thành việc CPH các đơn vị thành viên từ 2010, hoàn thành CPH công ty mẹ năm 2014. Có nhiều nỗ lực trong đổi mới mô hình quản trị, tái cấu trúc hệ thống kinh doanh. Với những bước đi chuyên nghiệp, bài bản của Tập đoàn, hình ảnh DMVN đã lan tỏa trên thị trường thế giới, góp phần thu hút đầu tư mạnh mẽ cho dệt may từ nước ngoài, tạo ra quy mô lớn gấp 32 lần sau 20 năm của ngành DMVN, từ 850 triệu USD năm 1995 lên 27,30 tỷ USD năm 2015. Đến nay Việt Nam đã đứng trong Top 5 các nước xuất khẩu dệt may thế giới. Tiếp tục duy trì tỷ lệ đóng góp ~15% tổng KNXK cả nước, sử dụng trên 2,5 triệu lao động công nghiệp, tạo 1/5 số việc làm mới hàng năm trên cả nước. Đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2014 Dệt May Việt Nam là quốc gia duy nhất duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số chứng tỏ năng lực cạnh tranh của Ngành trên thế giới khá tốt. Thị phần tại các thị trường chính đều tăng mạnh từ 1% năm 2005 tại USA lên trên 10% năm 2015. Đến 2015, Dệt May Việt Nam đã cung ứng trên 4% tổng hàng hóa dệt may tiêu thụ trên toàn thế giới. Năng suất lao động kỹ thuật ngành May Việt Nam được xếp vào top đầu của thế giới. Thu nhập trung bình  hàng năm của công nhân dệt may cả nước đã đạt trên 50 triệu VND, được tham gia BHXH, BHYT, BHTN; thu nhập của công nhân dệt may cao gấp 8-10 lần thu nhập người nông dân.

Trước những cơ hội và thách thức mới

TPP sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Năm nay, dù một số FTAs đã đàm phán xong, nhưng chưa xác định rõ thời gian hiệu lực, nên xuất khẩu sẽ không có nhiều biến động lớn. Các nhà nhập khẩu đã và đang tìm đến các nhà sản xuất đặt tại các quốc gia có lợi thế về thuế, phí. Do đó, KNXK cả năm của Ngành trong năm nay dự báo chỉ đạt khoảng 29 tỷ USD, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra. Trước những thách thức hiện tại về sụt giảm đơn hàng, các doanh nghiệp DMVN cần ứng phó bằng chất lượng, năng suất cải thiện, giá cả cạnh tranh hơn.

Hiện nay DMVN mới chỉ mạnh ở khâu may, các khâu còn lại như Sợi, Dệt, Nhuộm hoàn tất chưa đáp ứng được nhu cầu, nên dịch vụ cung ứng hoàn chỉnh cho khách hàng chưa đáp ứng được, trong khi đó giá nhân công của chúng ta lại đang tăng lên, yếu tố cạnh tranh bằng giá gia công thấp đã dần mất đi, tất yếu dẫn đến việc đơn hàng sẽ chạy về nơi có giá gia công thấp hơn (Lào, Campuchia, Myanmar), và nơi có dịch vụ cung ứng hoàn chỉnh hơn (Trung Quốc, Ấn Độ).

Điểm yếu trong khâu Sợi, Dệt, Nhuộm hoàn tất được ngành Dệt May Việt Nam nhìn ra từ sớm. Thời gian qua, ngoài việc các doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào khâu này, thì doanh nghiệp DMVN cũng đã rất nỗ lực đầu tư, dù đây là bài toán không dễ giải. Đầu tư cho khâu Sợi, Dệt, Nhuộm hoàn tất đòi hỏi vốn lớn về tài chính cũng như chất lượng nhân sự cao, không thể tuyển lao động phổ thông như khâu May, công nghệ máy móc cũng cần hiện đại mới đáp ứng được sản phẩm sợi, vải, phụ liệu chất lượng cao. Hiện nay, ngành DMVN cũng đang kêu gọi các DN tập trung đầu tư cho chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, bằng giải pháp thành lập mới các DN ở khâu thắt nút là khâu Sợi, Dệt, Nhuộm hoàn tất, song song đó là giải pháp liên kết các DN ở từng công đoạn để hình thành chuỗi.

Trong suốt quá trình nỗ lực phấn đấu kể trên, Tập đoàn DMVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hạt nhân, nòng cốt, tiên phong mở đường xây dựng thị trường mới hội nhập quốc tế, định hướng phát triển toàn Ngành theo hướng cung ứng dịch vụ dệt may hoàn chỉnh. Ngành May đã đạt đến trình độ tiên tiến, có khả năng thực hiện được hầu hết các loại đơn hàng với chất lượng khác nhau, chúng ta đã sản xuất được các mặt hàng cao cấp để xuất khẩu với giá trị gia tăng cao. Về sợi chúng ta đã sản xuất được sợi chi số cao phục vụ may hàng xuất khẩu và ngoài ra còn xuất khẩu sợi sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… Qua đây chứng tỏ đội ngũ công nhân ngành dệt may ngày càng trưởng thành vượt bậc đã làm chủ được công nghệ và và máy móc thiết bị có tính tự động hóa cao.

Đến nay công nhân đầu quân cho ngành dệt may không còn đơn thuần là lao động phổ thông nữa mà cơ cấu cũng đã thay đổi rất tích cực. Thực tiễn trong 3-4 năm trở lại đây đội ngũ kỹ sư, cử nhân đại học và cao đẳng đã xin vào làm việc trong ngành dệt may ngày càng nhiều hơn. Các nhà máy sợi của Vinatex mới đầu tư đã thu hút tốt các kỹ sư vào làm việc. Nhiều nhà máy May của các DN lớn thuộc Tập đoàn DMVN như May 10, Đức Giang, Hanosimex, Việt Tiến, Nhà Bè, Hưng Yên, NLĐ đã tạm cất tấm bằng đại học vào tủ để xin làm công nhân may. Trong 5 năm tới, khi lợi ích từ các hiệp định thương mại được thực thi, ngành DMVN có nhiều ưu thế, sẽ hoạt động năng động hơn, trở thành Trung tâm sản xuất dệt may của thế giới, có thể thu hút thêm 2 triệu lao động nữa và mức thu nhập bình quân phổ biến tại các DN sẽ đạt từ 400 US – 500USD/người/tháng, càng thu hút thêm nhiều lao động giỏi cho Ngành.

Tích lũy thêm kho kinh nghiệm quý

Ngành DMVN có được thành công lớn trong những năm qua, ngoài việc tiếp nối truyền thống lao động xuất sắc và Anh hùng của các thế hệ đi trước, còn là sự đoàn kết, gắn bó của lực lượng NLĐ, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự kết nối hành động từ Công đoàn. Là ngành thâm dụng lao động lớn nhất cả nước, song hầu như các DN trong hệ thống Vinatex không có đình công, hay lãn công, bởi lãnh đạo các DN của Tập đoàn DMVN luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tổ chức công đoàn họat động trơn tru, người đứng đầu các DN đã ký kết TƯLĐTT với Chủ tịch Công đoàn cơ sở – đại diện quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ với các điều khoản được thỏa thuận còn cao hơn luật định. Tạo điều kiện thuận lợi cho Công đoàn thực hiện tốt chức năng của mình, tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi thợ giỏi, ôn lý thuyết, luyện tay nghề; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh tiết kiệm; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao…

Ngay tại Công ty mẹ DMVN, Tổng Giám đốc (TGĐ) và Ban Chấp hành (BCH) Công đoàn DMVN thống nhất ký ban hành quy chế phối hợp công tác, nhằm quy định mối quan hệ công tác giữa TGĐ Tập đoàn DMVN với BCH Công đoàn trong việc phối hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn DMVN, nhiệm vụ của Công đoàn Dệt May Việt Nam, bảo đảm quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động theo quy định pháp luật, vì sự phát triển bền vững của Tập đoàn và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Pháp luật lao động, Luật doanh nghiệp, Luật công đoàn, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn và các quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trọng hợp tác, thực hiện chức năng nhiệm vụ của mỗi bên vì mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội của Tập đoàn và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ trong Tập đoàn DMVN.

TGĐ Tập đoàn và BCH Công đoàn Ngành có quan hệ phối hợp chặt chẽ, phát huy tiềm năng của NLĐ, nhằm hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh được giao và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ trong Ngành theo quy định của pháp luật. Hai bên có trách nhiệm thực hiện Quy chế dân chủ trong Tập đoàn và thống nhất ban hành Chỉ thị liên tịch để chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong Tập đoàn tổ chức Hội nghị NLĐ (Hội nghị CNVC) theo quy định của Pháp luật. TGĐ và BCH Công đoàn Ngành cử người tham gia chỉ đạo, giám sát việc tổ chức Hội nghị NLĐ (Hội nghị CNVC), tổng kết đánh giá việc thực hiện quy chế dân chủ ở các đơn vị trực thuộc. Kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn. Thường xuyên chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động và quy chế dân chủ tới các đơn vị. Công đoàn có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện, chấp hành các chế độ, chính sách có liên quan đến NLĐ.

Quan tâm đến lợi ích của NLĐ là vấn đề sống còn của mỗi DN. Song song với các dự án đầu tư, Tập đoàn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đào tạo mới và nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, kỹ thuật các chuyên ngành Sợi, Dệt, Nhuộm, May đáp ứng nhu cầu cán bộ của DN và kế hoạch triển khai các dự án mới của Tập đoàn. Kiên định trong việc góp phần xây dựng lực lượng lao động công nhân dệt may trong giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là đội ngũ những người lao động dệt may có tri thức, có kỹ năng tay nghề, có văn hóa cao. Những người không chỉ hiểu việc mình làm, mà còn làm giỏi nghề; yêu việc mình làm, tiến tới yêu nghề sâu sắc; biết tự hào về thành quả tập thể trong cả quá khứ và hiện tại. Dám chịu trách nhiệm với công việc của mình.

Khi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực sẽ tạo nhiều thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thương mại của Việt Nam, tuy nhiên nhiên cạnh tranh sẽ gay go phức tạp hợp hơn ở nhiều lĩnh vực, trong đó mối quan hệ lao động bị ràng buộc bởi rất nhiều rào cản. Công đoàn các cấp cần phải nhạy bén và linh hoạt hơn trong việc tuyền truyền giáo dục ý thức pháp luật, tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, lòng nhiệt huyết yêu nghề, lòng trung thành và văn hóa sẻ chia, cảm thông với DN Việt Nam để ngành DMVN càng thêm tự tin cạnh tranh thành công hơn nữa trên thị trường quốc tế.

Nhân dịp Công đoàn DMVN kỷ niệm 20 năm thành lập, tôi thân ái gửi tới BCH và toàn thể đoàn viên, NLĐ trong ngành dệt may sự cám ơn sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Vinatex

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 253 Tổng truy cập: 30.316.611