Ngành Dệt May vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tham gia ký kết hiệp định TPP đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành Dệt May của Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước đạt được nhiều lợi ích nhất từ Hiệp định TPP. Có 5 yếu tố giải thích cho kết quả này: Thương mại với Hoa Kỳ; bảo hộ nước ngoài cao chống lại các quy định về xuất khẩu của Việt Nam; vị thế có tính cạnh tranh cao trong công nghiệp, như dệt may là ngành mà lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc đang giảm dần; tính bảo hộ trong nước cao và phạm vi ảnh hưởng lớn đối với các ngành sản xuất chính. Những yếu tố đó sẽ thúc đẩy xuất khẩu và điều kiện thương mại trong phạm vi TPP.
Nhưng bên cạnh đó bất cập lớn nhất của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng là khâu cung cấp nguyên, phụ liệu đầu vào, hiện chỉ đáp ứng được chưa tới 1% nhu cầu về bông, 30% nhu cầu xơ. Sản lượng sợi đạt trên 1 triệu tấn/năm, trong đó gần 70% xuất khẩu. Sợi sử dụng trong nước chủ yếu nhập khẩu (tương đương lượng sợi xuất khẩu, nhưng chất lượng cao hơn ) từ Trung Quốc 43%, Hàn Quốc 20%, Đài Loan 15%, các nước TPP chỉ 9,7%.
Khâu dệt vải tạo ra khoảng 1,5 tỉ mét vải/năm (chiếm 18% nhu cầu). Trong khi đó nhập khẩu vải tới 6,7 tỉ mét, chiếm trên 80% nhu cầu, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, các nước TPP chỉ chiếm 5,3%.
Thế mạnh của dệt may Việt Nam là ở công đoạn may. Tuy nhiên, phương thức gia công xuất khẩu (CMT) là chủ yếu: 70%, phương thức FOB I và FOB II (mua nguyên liệu, bán thành phẩm theo khách hàng chỉ định hoặc tự khai thác) khoảng 20%, ODM (sản phẩm bao gồm cả thiết kế) 9% và OBM (sản xuất và tiếp thị bán hàng trực tiếp tại các trung tâm thương mại nước ngoài) chỉ 1%. Vì thế, hiệu quả thấp và giá trị tăng thêm của hàng dệt may xuất khẩu chỉ chiếm trên 50%.
Như vậy, may xuất khẩu lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu, mà chủ yếu không phải từ các nước TPP. Giả sử TPP có hiệu lực ngay lúc này thì với quy tắc xuất xứ của TPP, dệt may Việt Nam hầu như không được hưởng lợi bao nhiêu từ các ưu đãi thuế quan mang lại.
Để TPP, FTA thực sự mang lại lợi ích cho các đối tác tham gia phát triển ngành dệt may và để phần hưởng lợi của Việt Nam tăng dần theo thời gian, cần triển khai một số giải pháp cụ thể là đối với ngành Công nghệ sợi, dệt là một ngành mới, đang được Bộ Công thương và Tập đoàn Dệt May chú trọng phát triển với mục đích giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập ngoại, tăng tính tự chủ.
Theo dự kiến đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng ngành sợi, dệt sẽ đạt 13% – 14% và chiếm 45% tỷ trọng ngành dệt may. Tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt 65%. Đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng sợi, dệt đạt 10% – 11% và chiếm 47% tỷ trọng ngành dệt may, tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt 70%.
Định hướng phát triển sản phẩm ngành sợi dệt sẽ là tập trung vào chương trình sản xuất vải phục vụ xuất khẩu, phát triển các sản phẩm dệt kỹ thuật, sản phẩm dệt phục vụ y tế… Phát triển các nguồn nguyên liệu xơ bông, các loại cây có sơ, sợi , sơ sợi nhân tạo và phụ liệu.
Để phục vụ định hướng trên thì Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn Dệt May đã bố trí quy hoạch các khu vực phát triển ngành sợi dệt. Theo quy hoạch này thì Hà Nội sẽ trở thành trung tâm thiết kế thời trang sản xuất mẫu mã dịch vụ, cung cấp nguyên phụ liệu và sản xuất hàng cao cấp. Phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại khu vực đồng bằng sông hồng: Phố Nối – Hưng Yên; Hòa Xá, Bảo Minh – Nam Định; Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh – Thái Bình; Tràng Duệ – Hải Phòng; Châu Sơn – Hà Nam. Tại miền núi phía bắc phát triển các vùng trồng bông, nguyên liệu tơ tằm tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại: Thụy Vân, Trung Hà, Tam Nông – Phú Thọ; Phổ Yên – Thái Nguyên và một số nhà máy tại Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Cạn. Tại khu vực bắc trung bộ phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại các khu: Bỉm Sơn, Quảng Xương – Thanh Hóa; Nam Đàn, Diễn Châu – Nghệ An; Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh; Đông Ái Tử – Quảng Trị; Phong Điền, Tứ Hạ, Phú Bài – Thừa Thiên Huế. Phát triển các vùng nguyên liệu bông, xơ tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, phát triển nhà máy sản xuất xơ sợi nhân tạo tại Nghi Sơn – Thanh Hóa.
Theo Ước tính đến năm 2020 ngành sợi, dệt sẽ cần 3 triệu lao động có trình độ cao, mức lương khởi điểm sẽ từ 4 – 6 triệu đồng/tháng. Sinh viên ra trường có thể đảm nhiệm các công việc như: Kĩ thuật viên sợi, dệt; quản lý chất lượng; quản lý sản xuất; trưởng ca sản xuất; cán bộ kinh doanh các mặt hàng sợi, dệt; làm việc tại các phòng thí nghiệm chuyên ngành, văn phòng thương mại chuyên ngành…
Đáp ứng nhu cầu nhân lực của toàn ngành hiện tại mới chỉ có 1 số trường có đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành trên (Đại học Công nghiệp May Hà Nội,ĐHBK, Cao đẳng kinh tế kỹ thuật vinatex, Cao đẳng công thương TPHCM), hàng năm ra trường của các trường khoảng 300 người, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu. Từ năm 2015 trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tuyển sinh chuyên ngành Công nghệ Sợi Dệt với 2 trình độ là Cao đẳng và Đại học.
Chính sách ưu đãi của trường ĐHCNDMHN
– Trong quá trình học sẽ nhận được học bổng tài trợ của các DN Sợi, dệt ( DN texhong)
– Sau khi ra trường được Nhà trường giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp Sợi dệt trực thuộc Tập đoàn như (Dệt 8/3; Dệt may Nam Định; Dệt Kim đông xuân; Hanosimex; Dệt lụa Nam định…)
Điều kiện học tập của SV
– Nhà trường kết hợp với ĐHBK xây dựng chương trình đào tạo, đảm bảo tính liên thông lên đại học sau này.
– Giảng viên giảng dạy là những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành, ngoài ra Nhà trường còn mời giảng viên của trường ĐHBK giảng dạy.
– Được thực tập tại các doanh nghiệp Dệt, Sợi trong tập đoànè Khi ra trường có thể làm được việc ngay mà không phải qua đào tạo lại.