Ngày 26/10/2022, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Groz - Beckert tổ chức Lễ trao học bổng và Hội thảo Kỹ thuật kim máy dệt, may và thiết bị phụ trợ độ chính xác cao.
Ảnh 1. Toàn cảnh buổi Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía Nhà cung cấp thiết bị và tài trợ học bổng có Mr. Ingmar Stotz - Tổng giám đốc Công ty Groz - Beckert tại thị trường Việt Nam cùng các chuyên gia về thiết bị Dệt May. Về phía trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội có TS. Nguyễn Văn Đức - Phó Hiệu trưởng nhà trường; Lãnh đạo khoa Công nghệ May, Trung tâm Thực hành may, Sợi Dệt; các đồng chí giảng viên Khoa Công nghệ Sợi, Dệt và hơn 120 sinh viên chuyên ngành Sợi Dệt, Công nghệ May, Cơ điện đại diện cho hơn 5000 sinh viên nhà trường.
Ảnh 2. TS. Nguyễn Văn Đức, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Đức, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Công ty TNHH Groz - Beckert và các chuyên gia đã phối hợp với nhà trường tổ chức Lễ trao học bổng và Hội thảo vô cùng ý nghĩa cho giảng viên, sinh viên nhà trường. Đồng chí nhấn mạnh trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và Công ty TNHH Groz - Beckert có mối quan hệ thân thiết trong nhiều năm, Công ty luôn đồng hành cùng trường trong tài trợ học bổng cho sinh viên đạt thành tích cao trong học tập; thường xuyên trao đổi, chia sẻ những thiết bị, công nghệ tiên tiến trên thế giới giúp cho giảng viên và sinh viên cập nhật kịp thời những kiến thức mới đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của ngành. Đồng chí mong muốn trong tương lai trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Công ty TNHH Groz - Beckert.
Ảnh 3. Mr. Ingmar Stotz – Tổng giám đốc công ty Groz-Beckert giới thiệu về Công ty
Trong phần giới thiệu về Công ty, Mr. Ingmar Stotz – Tổng giám đốc công ty Groz-Beckert tại thị trường Việt Nam cho biết: Groz - Beckert là tập đoàn kinh doanh, công nghệ, nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất cơ khí chính xác cho ngành dệt may của Đức. Được thành lập từ năm 1852 và hiện có khách hàng ở hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn sở hữu 1750 bằng sáng chế trong lĩnh vực dệt may, có 9000 nhân viên đang làm việc cho các nhà máy sản xuất, trung tâm nghiên cứu trên toàn cầu. Ở châu Á, tập đoàn có 5 nhà máy sản xuất, 18 văn phòng, riêng Việt Nam có 1 nhà máy tại Quảng Nam, 3 văn phòng ở Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với sự bùng nổ của ngành Dệt May và xu thế dịch chuyển dệt may sang Châu Á, Mr. Ingmar Stotz cho rằng, đây là cơ hội lớn cho sinh viên theo học ngành này.
Kết thúc phần giới thiệu chung, Hội thảo chia làm 2 chuyên đề:
Chuyên đề 1: "Kỹ thuật kim máy dệt và thiết bị phụ trợ độ chính xác cao” dành cho giảng viên và sinh viên các ngành Sợi, Dệt và ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí.
Tại Hội thảo chuyên đề 1, chuyên gia hãng thuyết trình về: các loại kim sử dụng cho máy dệt kim; công nghệ đặc biệt để chế tạo ra kim cho máy dệt kim; ứng dụng của nó; giới thiệu các linh kiện và thiết bị phụ trợ cho máy dệt thoi…
Chuyên đề 2: "Kỹ thuật kim máy may và thiết bị phụ trợ độ chính xác cao” dành cho giảng viên và sinh viên ngành Công nghệ may và ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí.
Tại Hội thảo chuyên đề 2 giảng viên và sinh viên nhà trường được nghe chuyên gia hãng giới thiệu chi tiết về Kim máy may như: Cách nhìn kim, xác định chiều dài, kích cỡ kim; Chức năng rãnh dài, rãnh vát; Các kiểu mũi kim; Các loại mũi tròn chủ yếu cho ngành may mặc; Đọc thông tin trên hộp kim của Groz - Beckert; Các loại kim chuyên dùng được thiết kế để xử lý các lỗi khác nhau trong quá trình may: Kim San 10, San 6, Kim MR; Kim UY118… Một số sự cố về kim máy thường gặp và giải pháp.
Các thông tin các chuyên gia Công ty TNHH Groz - Beckert cung cấp đã giúp giảng viên có thêm những kiến thức mới để cập nhật vào bài giảng và các bạn sinh viên cũng có cái nhìn tổng quan về các công nghệ mới của ngành.
Ảnh 4,5. Lãnh đạo khoa Sợi Dệt, trung tâm Thực hành may nhận học bổng và quà tặng của Công ty TNHH Groz-Beckert
Cũng trong Hội thảo, Mr. Ingmar Stotz đã trao học bổng cho sinh viên ngành Sợi Dệt và quà tặng 10.000 kim máy cho sinh viên ngành Công nghệ may.
Nguyễn Nhật Thành- Ban biên tập website khoa Sợi Dệt