Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA CÔNG NGHỆ SỢI - DỆT

ỨNG DỤNG VẢI KAKI LÀM QUẦN ÁO BẢO HỘ LAO ĐỘNG CHO CÔNG NHÂN NGÀNH DỆT MAY

Ngày đăng: 02:29 - 25/03/2025 Lượt xem: 15

Tác giả: ThS. Dương Phương Thảo
Đơn vị: Khoa Công nghệ Dệt May

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), năm 2023 thế giới chứng kiến sự phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế, lạm phát cao và sự mất ổn định tại thị trường tài chính khiến sức mua toàn cầu sụt giảm. Với sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 40,3 tỷ USD giảm 9,2% so với 2022 [1]. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may không đạt mục tiêu 45 đến 47 tỷ USD như đã đặt ra đầu năm nhưng chủ tịch Vitas nhìn nhận: năm 2023, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi rõ rệt, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như: đồ nỉ, quần short, quần áo trẻ em… nhưng các mặt hàng như: đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans lại tăng nhanh.

Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hộ lao động, hiện nay xuất hiện khá nhiều loại quần áo bảo hộ lao động phù hợp với các ngành công nghiệp với chất lượng phù hợp với yêu cầu của khách hàng cũng như phù hợp với đặc trưng của từng ngành. Điều hạn chế trong chất lượng của quần áo bảo hộ lao động hiện nay là xuất hiện nhiều loại quần áo bảo hộ lao động nhưng không đảm bảo được yêu cầu về tính chất của trang phục cũng như tính chất của công việc.

Tình hình sử dụng bảo hộ lao động tại các ngành công nghiệp khác nhau rất khác nhau, một số ngành công nghiệp có nhu cầu sử dụng bảo hộ lao động cao hơn những ngành khác, như: ngành xây dựng, do ngành xây dựng có nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn, chẳng hạn như ngã từ trên cao, va chạm với vật thể, tiếp xúc với hóa chất và bụi; ngành khai thác mỏ, ngành khai thác mỏ có nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn, chẳng hạn như bị điện giật, bị mắc kẹt, bị nổ và tiếp xúc với bụi và hóa chất; ngành sản xuất với nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn, chẳng hạn như tiếp xúc với máy móc, hóa chất, bụi và nhiệt, trong đó có ngành dệt may.

Một trong những loại vải được sử dụng nhiều nhất để may trang phục bảo hộ lao động đó là vải kaki. Vải kaki với những đặc tính chuyên biệt của thành phần nguyên liệu và cấu trúc vải giúp cho vải có các tính năng như khả năng chịu mài mòn, kiểm soát biến dạng, độ bền kéo đứt cao, độ mềm mại, độ thoáng khí,… và cũng được ứng dụng làm đồng phục ở các công sở hay trường học. Vải kaki làm đồng phục, bảo hộ lao động với thành phần nguyên liệu chủ yếu là sợi bông hay pha bông trên dây chuyền sản xuất vải dệt thoi, qua xử lý hoàn tất để tạo ra vải thành sản phẩm cung cấp cho cho quá trình gia công may mặc.


2. NỘI DUNG

2.1 Thị trường bảo hộ lao động

Mức tiêu thụ bảo hộ lao động hiện nay như sau:

Đối với sản phẩm sản xuất trong nước: Theo một nghiên cứu sơ bộ của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, một số ngành có vốn nhà nước đầu tư có nhu cầu sử dụng quần áo bảo hộ lao động là lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, khai khoáng, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, sửa chữa ô tô, xe máy… Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2023 số lượng lao động có việc làm thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,8 triệu người, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 17,2 triệu người [2], do đó uớc tính, tổng nhu cầu vào khoảng 62 triệu bộ/năm, bình quân một người hai bộ/năm. Với mô hình sản xuất ngày càng chuyên nghiệp, quy mô lớn nên các tập đoàn, công ty và doanh nghiệp về dầu khí, điện lực, xây dựng, khai khoáng… tại Việt Nam có nhu cầu về đồng phục, bảo hộ lao động là rất lớn. Nhu cầu sử dụng này vẫn liên tục tăng, tuy nhiên các doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn chưa đáp ứng được hết. Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng hóa bảo hộ lao động từ Trung Quốc và Thái Lan.

Đối với quần áo bảo hộ lao động xuất khẩu: Hiện nay, với các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước trên thế giới, quần áo bảo hộ lao động cũng là một trong các mặt hàng xuất khẩu với số lượng rất lớn mang lại kim ngạch xuất khẩu cao. Theo số liệu thống kê của Vitas, năm 2023 Việt Nam có giá trị xuất khẩu quần áo bảo hộ lao động đạt xấp xỉ 1.185 triệu USD, trong đó xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 354 triệu USD (tăng 34% so với năm 2022), xuất khẩu sang EU đạt hơn 218 triệu USD. Tháng 1/2024, Việt Nam xuất khẩu quần áo BHLĐ có giá trị gần 115 triệu USD (gấp khoảng 2,79 lần so với tháng 1/2022) [1]. Sự tăng trưởng thị trường này do việc tăng nhận thức về an toàn lao động từ cá nhân và chính phủ các nước.

2.2. Tổng quan về vải kaki

2.2.1. Khái niệm vải kaki

Vải kaki hay còn được gọi với tên tiếng Anh là khaki. Đây là chất liệu vải được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trong ngành may mặc. Vải kaki là vải dệt thoi vân chéo, có thể được dệt từ sợi bông 100% hoặc kết hợp với sợi tổng hợp. Vải kaki thường tương đối đanh và dày dặn, có đặc tính nổi bật là bền, không nhăn, có tính ổn định kích thước cao. Ngày nay, các nhà sản xuất vải thường kết hợp các thành phần nguyên liệu sợi khác nhau để gia tăng tính chất tốt và khắc phục được những nhược điểm của vải cotton.

Hình 1. Vải kaki

1. Phân loại vải kaki

Vải kaki có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau: phân loại theo thành phần nguyên liệu, phân loại theo kiểu dệt, phân loại theo khối lượng g/m2

Phân loại vải kaki theo thành phần nguyên liệu:


* Vải kaki bông: là vải kaki được dệt từ hệ sợi dọc và hệ sợi ngang cùng có thành phần nguyên liệu 100% bông (cotton) nên loại vải này mang đặc trưng tính chất của bông đó là mang lại cảm giác mềm mại, thoáng mát, dễ chịu khi mặc nhưng lại dễ bị nhăn nhàu.

* Vải kaki TC: là loại vải kaki với nguyên liệu gồm hai thành phần là PES và bông được phối trộn với nhau theo tỉ lệ nhất định, sao cho tỉ lệ PES luôn lớn hơn bông, ví dụ: kaki TC 65/35 (65% PES + 35% bông), kaki TC 83/17 (83% PES + 17% bông)… Đây là loại vải ít nhăn nhàu hơn, giảm tình trạng xù lông trên bề mặt vải…

* Vải kaki CVC: là loại vải kaki với nguyên liệu gồm hai thành phần là bông và PES được phối trộn với nhau theo tỉ lệ nhất định, sao cho tỉ lệ bông luôn lớn hơn PES, ví dụ: kaki CVC 60/40 (60% bông + 40% PES), đây cũng là loại vải hiện nay được sử dụng rất phổ biến để may bảo hộ lao động, loại vải này sẽ hạn chế được những nhược điểm của vải sợi bông, bề mặt vải nhẵn, đẹp hơn…

Phân loại vải kaki theo kiểu dệt:

Vải kaki thường được dệt với kiểu dệt vân chéo 2/1 hay 3/1 có hiệu ứng dọc. Trên mặt phải của vải có hiệu ứng của các đường lóng chéo hướng trái (S) hoặc hướng phải (Z). Với các loại vải kaki được dệt từ cùng một loại sợi, cùng mật độ thì vải kaki vân chéo 3/1 có độ mềm mại hơn so với vải kaki vân chéo 2/1.

Phân loại vải kaki theo khối lượng g/m2:

Với các loại sợi có phạm vi chi số Ne từ 10 đến 40 và khối lượng g/m2 khoảng từ 200  400 g/m2 thì có thể phân loại như sau:

Vải nhẹ: là vải kaki có khối lượng dưới 200 g/m2; thường được sử dụng may áo đồng phục học sinh, công sở, nhân viên phòng thí nghiệm…

Vải trung bình: là vải kaki có khối lượng trong khoảng 200  300 g/m2; thường được sử dụng phổ biến trong may mặc như quần đồng phục học sinh, công sở; áo jacket; quần áo bảo hộ lao động;…

Vải nặng: là vải kaki có khối lượng lớn hơn 300 g/m2; thường được sử dụng làm quần mặc ngoài cho nam giới; quần áo bảo hộ lao động;…

2.2.3 Lịch sử ra đời và nhu cầu sử dụng vải kaki

Vải kaki được ra đời từ khoảng giữa thế kỉ thứ XIX tại Ấn Độ. Thực chất tên khaki là tên một màu trong tiếng anh, đó là màu nâu nhạt pha với màu vàng nhạt.

Thời gian trước đó, quân phục của quân đội Anh sử dụng là áo khoác đỏ và quần pajama màu trắng được làm từ sợi vải bông thô, điều đó hoàn toàn không phù hợp với thời tiết nóng nực ở Ấn Độ. Chính vì vậy, tướng sĩ quan quân đội của Anh - Harry Bernett Lumsden đã tìm cách khắc phục nhược điểm đó bằng một chất liệu khác mỏng, nhẹ hơn để thích hợp trong chiến đấu, đồng thời nó lại có màu nâu của đất giúp dễ dàng ngụy trang, chất liệu vải mới tuyệt vời đó chính là vải kaki. Chính thức vào năm 1848, vải kaki được sử dụng để may toàn bộ quân phục cho quân đội Anh và các quân đội khác trên toàn thế giới.



Hình 4. Ngài Harry Bernett Lumsden trong quân phục từ vải kaki
Nguồn: Meisterdrunke.uk

Ngày nay, vải kaki đã trở nên rất phổ biến, được sản xuất với đa dạng màu sắc, chất liệu và được sử dụng để may nhiều loại trang phục với nhiều mục đích sử dụng khác nhau trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam.  

Vải kaki được sản xuất và ứng dụng rộng rãi, phổ biến nhất cho trang phục bảo hộ lao động. Thị trường vải kaki ở Việt Nam cũng như trên thế giới ngày một phát triển do yêu cầu về tính an toàn, tiện nghi và chuyên nghiệp trong mỗi lĩnh vực lao động.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2020 giá trị sản xuất và xuất khẩu đồ bảo hộ lao động đạt 756 triệu USD (tăng 283%, tương đương 559 triệu USD), giá trị này chỉ đứng sau khẩu trang (sản phẩm thiết yếu nhất trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành).

Thị trường bảo hộ lao động toàn cầu được dự kiến sẽ đạt giá trị 128,3 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,5% từ năm 2022 đến năm 2027 [3].

Nghiên cứu tháng 6/2021 của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã chỉ ra năng lực sản xuất trang bị bảo hộ lao động cá nhân (PPE - Personal Protective Equipment) của Việt Nam đã tăng gấp 6 lần so với năm 2020. Việt Nam đang dần trở thành một trung tâm sản xuất PPE của thế giới. PPE gồm nhiều danh mục như quần áo bảo hộ, khẩu trang, thiết bị bảo vệ đầu và mặt, thiết bị bảo vệ thính giác, kính bảo hộ, … Nhu cầu và năng lực sản xuất đồ bảo hộ tăng đồng nghĩa với việc nhu cầu và năng lực sản xuất vải may quần áo bảo hộ lao động tăng.

Chính phủ Nhật Bản đã có chính sách trợ cấp để mở rộng sản xuất PPE tại Việt Nam cho các công ty lớn như Công ty TNHH Shingoshu, chuyên sản xuất PPE và vải nguyên liệu; Công ty Able Yamauchi, chuyên may quần áo bảo hộ y tế… Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, một số doanh nghiệp trong nước cũng xác định mở rộng đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này.

Đã có nhiều chuyên gia đưa ra nhận định về sự thu hút đầu tư cũng như những cơ hội phát triển của thị trường bảo hộ lao động trong nước và xuất khẩu. Một số dự báo cũng cho rằng nhu cầu PPE sẽ tăng từ 6 đến 9%/năm cho đến năm 2025.

Tuy nhiên, một thực tế phải nhìn nhận, cuộc khủng hoảng cũng mở ra cơ hội cho một số nhà sản xuất dệt may chuyên sản xuất PPE để tăng cường đầu tư sản phẩm PPE chất lượng cao. Nói cách khác, nếu muốn tiếp tục khai thác trong lĩnh vực PPE, cần chú trọng phát triển đa dạng về thiết kế mẫu mã, phong phú chủng loại mặt hàng, phù hợp với nhu cầu thay đổi của thị trường và quan trọng nhất là xác định sản phẩm chủ lực ở các ngách chuyên biệt trong thị trường bảo hộ lao động cho khối sản xuất [3].

Cùng với đó là những yêu cầu về chất lượng của vải kaki ngày một tăng cao. Sản phẩm vải kaki phải đảm bảo được đồng thời nhiều tiêu chí như tính bền, tính thẩm mỹ, tính tiện nghi, thân thiện với người dùng.

2.2.4. Ứng dụng của vải kaki trong bảo hộ lao động

Ngày này, vải kaki đã trở thành một chất liệu không thể thiếu trong lĩnh vực may mặc bởi chúng phù hợp với nhiều lứa tuổi, giới tính và nhiều loại trang phục khác nhau. Đặc biệt, vải kaki được ứng dụng rộng rãi trong các trang phục công sở, trang phục bảo hộ lao động, đồng phục học sinh... bởi khả năng chịu mài mòn, khả năng kháng nhàu, độ bền kéo đứt cao, nhưng vẫn có độ mềm mại nhất định và khả năng thoáng khí, quản lý ẩm tốt…; thậm chí trên thị trường trang phục bảo hộ lao động hiện nay, khi nói đến vải may bảo hộ lao động đồng nghĩa với việc nói đến vải kaki.

Bảo hộ lao động phải đảm bảo đầy đủ những điều kiện về mức độ an toàn, tính vệ sinh, đảm bảo về khả năng bảo vệ sức khoẻ cũng như tạo cảm giác thoải mái cho người lao động trong suốt quá trình làm việc cho các ngành nghề và đối tượng khác nhau như: công nhân xây dựng, công nhân điện lực, công nhân cơ khí, công nhân dệt may, công nhân thực phẩm, công nhân mỏ…

Hình 5. Bảo hộ lao động cho công nhân ngành cơ khí từ vải kaki

Trong mỗi ngành nghề khác nhau mà vải kaki được sử dụng để may các trang phục khác nhau. Đối với ngành dệt may, vải kaki có thể được sử dụng để may quần hoặc áo bảo hộ lao động hoặc cả quần và áo, thậm chí còn được dùng để các phụ kiện như mũ, khẩu trang, tạp dề…

Hình 6. Công nhân ngành sợi sử dụng áo, mũ, tạp dề lao động từ vải kaki
Nguồn: Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long (Móng Cái)

Sự đa dạng trong nguyên vật liệu ngành may cùng với những ứng dụng đa dạng của mỗi loại vật liệu đã tạo nên những sự lựa chọn vô cùng phong phú về nguyên vật liệu cho từng mục đích sử dụng. Bên cạnh đó cũng là những khó khăn trong việc chọn lựa loại vật liệu may chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng. Việc sử dụng đúng loại vật liệu phù hợp sẽ giúp tạo ra những sản phẩm không chỉ có tính thẩm mỹ mà còn có giá trị sử dụng cao.
  

2.3 Cơ sở lựa chọn vải may bảo hộ lao động cho công nhân ngành dệt may

Bảo hộ lao động phải đảm bảo an toàn, ngăn ngừa tai nạn và chấn thương, bảo vệ khỏi các yếu tố có hại từ môi trường cho người lao động; bảo hộ lao động cần có độ bền tốt, có tính tiện nghi, thân thiện với làn da, đem lại cảm giác dễ chịu, thoải mái cho người mặc; giúp cải thiện điều kiện làm việc…

Yêu cầu kỹ thuật về vải may bảo hộ lao động cho cho công nhân ngành dệt may cũng gần giống như bảo hộ cho lao động phổ thông được quy định theo TCVN 1600-74 [4] và TCVN 1601-74 [5] nhưng có thêm một số yêu cầu khác do đặc thù môi trường lao động ngành dệt may là làm việc trong nhà máy, xưởng sản xuất, ảnh hưởng bởi nhiệt độ, nhiệt độ thường cao hơn ngoài trời do có nhiều máy móc thiết bị hoạt động với hiệu năng lớn, độ ẩm thường được khống chế trong khoảng cho phép (tuỳ yêu cầu của từng doanh nghiệp) và công nhân lao động chủ yếu là vận hành máy móc, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị dệt, may.

Bên cạnh đó, tuỳ thuộc vào điều kiện khí hậu, môi trường làm việc của từng doanh nghiệp dệt may tại các khu vực khác nhau thì có thể có thêm những yêu cầu chuyên biệt khác dành cho bảo hộ lao động, nhưng nhìn chung trang phục bảo hộ lao động cho công nhân ngành dệt may cần đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về độ bền như độ bền kéo đứt, độ giãn đứt, độ bền mài mòn, độ bền xé rách, độ vón kết và xù lông; yêu cầu về tính tiện nghi như độ thoáng khí, độ hút hơi nước; yêu cầu về độ bền màu.


Môi trường lao động ngành may:

Đối với công nhân may:

Công nhân may thường ngồi làm việc, thực hiện các thao tác gia công may với máy may tại chỗ, thường không phải di chuyển hay mang vác nhiều.

Công nhân may làm việc trong nhà xưởng sản xuất với số lượng lao động thường lớn, số lượng máy may hoạt động gần như là liên tục trong quá trình công nhân làm việc khiến nhiệt độ trong xưởng may thường cao hơn so với nhiệt độ ngoài trời, không khí thường nóng nực, ngột ngạt. Do đó, hiện nay tại các doanh nghiệp may thường trang bị điều hoà nhiệt độ trong nhà xưởng vào mùa hè để giảm nhiệt độ, tạo điều kiện làm việc thuận lợi hơn, đem lại cảm giác mát mẻ, dễ chịu hơn cho công nhân may khi làm việc.

Với điều kiện làm việc như trên thì bảo hộ lao động cho công nhân may không cần yêu cầu quá cao về độ bền nhưng phải đảm bảo tính tiện nghi và tính sử dụng. Vải may áo bảo hộ lao động cho công nhân may cần là loại vải mỏng, nhẹ, mềm mại, có độ đàn hồi, khả năng thoáng khí, thấm hút mồ hôi tốt; có thể sử dụng vải dệt kim cá sấu, vải dệt thoi vân điểm, dệt thoi vân chéo mỏng… vào mùa hè, mùa đông thì có thể sử dụng áo khoác, áo gió…

Ngoài ra, công nhân ngành may sẽ cần đến một bộ quần áo không bám bụi bẩn vì môi trường ngành may có nhiều bông, sợi chỉ, vải thừa… rất dễ bám vào quần áo gây khó chịu và ngứa đối với người sử dụng.

Do vậy, quần bảo hộ lao động cho công nhân may cũng ưu tiên sử dụng các loại vải có độ dày vừa phải, có độ bền mài mòn tốt, có độ mềm mại, khả năng thấm hút và thoát hơi nước tốt; có thể sử dụng vải dệt thoi vân chéo, vải kaki với độ dày và khối lượng trung bình.

Hình 7. Bảo hộ lao động của công nhân ngành may
Nguồn: Tổng công ty May 10

Đối với công nhân bảo trì, cơ điện:

Công nhân bảo trì, cơ điện làm việc trong doanh nghiệp may thường làm các công việc như bảo trì, bảo dưỡng máy may, sửa chữa các thiết bị điện trong nhà máy…; công việc của họ yêu cầu lao động nặng, đôi khi cần phải lăn lộn, chui rúc vào gầm máy để sửa chữa, khuân vác vật tư, dụng cụ, thiết bị sửa chữa, bảo trì…

Môi trường làm việc của công nhân bảo trì, cơ điện tại doanh nghiệp may là trong xưởng sản xuất; công việc sửa chữa, bảo trì thiết bị may thường diễn ra khi máy hỏng, máy dừng hoặc khi đã ngắt điện nên nhiệt độ thường cao, không khí ngột ngạt do có nhiều thiết bị; công việc của công nhân bảo trì, cơ điện thường nặng nhọc, vất vả hơn nhiều so với công nhân may.

Do vậy, bảo hộ lao động cho công nhân bảo trì, cơ điện tại doanh nghiệp may phải là bộ quần áo, đòi hỏi phải có độ bền tốt, tính tiện nghi cao. Vải dùng may quần áo bảo hộ lao động cho công nhân bảo trì, cơ điện cần có độ bền kéo đứt, độ bền mài mòn, độ bền xé rách tốt, cần có khả năng thoáng khí, độ thấm hút hơi nước và mồ hôi tốt. Vải dùng làm bảo hộ lao động cho công nhân bảo trì, cơ điện trong doanh nghiệp may có thể là các loại vải kaki với độ dày và khối lượng trung bình để đảm bảo vừa có tính ổn định nhưng vẫn đem lại cảm giác dễ chịu, thoải mái khi mặc.


Môi trường lao động ngành sợi, dệt, nhuộm:

Đối với công nhân đứng máy:

Công nhân đứng máy tại các doanh nghiệp sợi, dệt, nhuộm có nhiệm vụ vận hành, điều khiển máy móc, thiết bị trên dây chuyền kéo sợi hoặc dệt vải hoặc nhuộm. Bên cạnh đó, công nhân đứng máy thường phụ trách nhiều máy một lúc nên cần phải di chuyển giữa các máy; ngoài ra, tại nhiều công đoạn, công nhân cần xếp và vận chuyển bán thành phẩm từ khu vực này sang khu vực khác bằng xe đẩy.

Công nhân đứng máy thường làm việc trong nhà máy sản xuất với nhiều máy móc, thiết bị tự động, bán tự động kích thước lớn, nhiều động cơ phức tạp, hoạt động với hiệu suất lớn nên nhiệt độ trong nhà máy thường cao hơn so với nhiệt độ môi trường bên ngoài; tuy nhiên số lượng lao động trong nhà máy sợi, dệt, nhuộm thường không nhiều và thường được trang bị hệ thống điều không, thông gió nên không khí làm việc mặc dù nóng nhưng không bị ngột ngạt, bí bách.

Hình 8. Bảo hộ lao động của công nhân ngành dệt
Nguồn: Công ty CP dệt công nghiệp Hà Nội - Haicatex

Việc trang bị bảo hộ lao động cho công nhân hoạt động trong lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm là hết sức cần thiết, không chỉ quần áo bảo hộ mà nhiều nhà máy còn trang bị thêm cả mũ, tạp dề, khẩu trang và cả nút bịt tai cho công nhân. Quần áo bảo hộ lao động cho công nhân đứng máy cần đảm bảo độ bền, tuy nhiên không cần quá cao do công nhân không phải thao tác hay vận động với cường độ cao; cần có độ thoáng khí, độ hút hơi nước tốt. Vải may quần áo bảo hộ cho công nhân đứng máy có thể là vải kaki, không được quá dày hay quá nặng để đem lại cảm giác thoải mái, tiện nghi khi vận động và đảm bảo được độ bền chắc, tính ổn định kích thước nhưng vẫn có độ mềm mại, thông thoáng, đem lại cảm giác dễ chịu khi sử dụng…

Đối với công nhân bảo trì, cơ điện:

Cũng gần giống với công nhân bảo trì, cơ điện làm việc trong doanh nghiệp may, công nhân bảo trì, cơ điện làm việc trong lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm thường làm các công việc như sửa chữa, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị trong dây chuyền kéo sợi, dệt vải, nhuộm vải tại nhà máy sản xuất; công việc của họ yêu cầu lao động với cường độ nặng như khuân vác vật tư, dụng cụ, thiết bị; cải máy, lắp đặt, sửa chữa, bảo trì…; nhiều trường hợp cần phải leo trèo, lăn lộn, chui rúc vào gầm máy, khoang máy để sửa chữa, thay thế, lắp đặt, bảo dưỡng…

Môi trường làm việc của công nhân bảo trì, cơ điện thuộc lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm là trong xưởng sản xuất với rất nhiều máy móc, thiết bị có kích thước lớn, công suất lớn và hoạt động liên tục; công việc cải máy, sửa chữa, bảo trì thiết bị, máy móc diễn ra thường xuyên, có thể là hàng ngày, trong môi trường sản xuất nóng nực, nhiệt độ thường cao hơn so với nhiệt độ ngoài trời.

Với cường độ lao động tương đối cao, bảo hộ lao động cho công nhân bảo trì, cơ điện tại doanh nghiệp sợi, dệt, nhuộm phải là bộ quần áo, phải có độ bền tốt, tính tiện nghi cao. Vải dùng may quần áo bảo hộ lao động cho công nhân bảo trì, cơ điện cần có độ bền kéo đứt, độ bền mài mòn, độ bền xé rách tốt, cần có khả năng thoáng khí, độ thấm hút hơi nước và mồ hôi tốt. Vải dùng làm bảo hộ lao động cho công nhân bảo trì, cơ điện trong doanh nghiệp may có thể là các loại vải kaki với độ dày và khối lượng trung bình để đảm bảo vừa có tính ổn định nhưng vẫn đem lại cảm giác dễ chịu, thoải mái khi mặc trong cả mùa đông và mùa hè.

2.4. Khuyến nghị lựa chọn vải kaki dùng may bảo hộ lao động cho công nhân ngành dệt may

Theo kết quả nghiên cứu về vải kaki dùng may bảo hộ lao động cho công nhân ngành dệt may [6] đưa ra khuyến nghị đề xuất lựa chọn vải dùng may bảo hộ lao động cho công nhân ngành dệt may như sau:


Nên sử dụng vải kaki có chất liệu là TC 65/35 (65% polyester/ 35% bông) hoặc 100% bông.

Nên sử dụng vải kaki có kiểu dệt vân chéo 2/1 hoặc 3/1 để kết cấu vải bền chắc, nhưng vẫn có độ mềm mại nhất định và tạo khả năng thoáng khí cho vải.

Vải nên có khối lượng trung bình, trong khoảng từ 200 đến 280 g/m2, tạo cảm giác bền chắc nhưng cũng không quá nặng nề hay đem lại cảm giác nóng, bí cho người mặc.

Vải nên có độ bền mài mòn không dưới 20.000 chu kỳ mài, độ bền xé rách hướng dọc từ 25N trở lên, độ bền xé rách hướng ngang từ 20N trở lên; độ bền kéo đứt hướng dọc từ 500N trở lên, độ bền kéo đứt hướng ngang từ 400N trở lên để đảm bảo độ bền khi sử dụng.

Vải nên có xu hướng xù lông và vón gút trên bề mặt vải ít, đạt độ xù lông và vón gút từ cấp độ 4 trở lên.

Vải nên có độ thoáng khí không nhỏ hơn 3,5 cm3/s/cm2; độ hút hơi nước không dưới 5% để đem lại tính tiện nghi, cảm giác thông thoáng, thoải mái khi sử dụng.

Vải nên có độ bền màu với giặt đạt từ cấp độ 4 trở lên để đảm bảo bền đẹp trong thời gian sử dụng, hạn chế phai màu đến các sản phẩm khác khi giặt cùng.

3. KẾT LUẬN

Bài viết đã giới thiệu tổng quan về nhu cầu và khuyến nghị sử dụng vải kaki dùng may quần áo bảo hộ lao động cho công nhân ngành dệt may. Qua đây có thể thấy được ý nghĩa của bảo hộ lao động và các yêu cầu chất lượng của vải kaki dùng may bảo hộ lao động đối với từng đối tượng sử dụng.

Tài liệu tham khảo

[1]. Ban biên tập Hiệp hội Dệt May Việt Nam (2024), Bản tin dệt may VITAS, Số 1+2/ 2024.

[2]. Tổng cục thống kê (2024), Tình hình thị trường lao động việt nam năm 2023, https://tinyurl.com/laodongvietnam2023.

[3]. Thế Hải (2021), Việt Nam là nhà cung cấp đồ bảo hộ tin cậy cho thị trường toàn cầu, Báo Đầu tư, https://tinyurl.com/dobaohovietnam.

[4]. Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (1974), TCVN 1600:1974 - Quần áo lao động phổ thông dùng cho nam công nhân.

[5]. Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (1974), TCVN 1601:1974 - Quần áo lao động phổ thông dùng cho nữ công nhân.

[6]. Dương Phương Thảo (2024), Nghiên cứu, đánh giá một số tính chất của vải kaki và đề xuất lựa chọn vải kaki dùng để may bảo hộ lao động cho công nhân ngành dệt may, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp trường, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

 
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 166 Tổng truy cập: 37.147.971