Trong 2 ngày 22,23/8/2023, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội phối hợp với Công Ty TNHH Công Nghiệp Rieter tổ chức Tọa đàm với chủ đề về “Công nghệ kéo sợi trong bối cảnh Công nghiệp 4.0”.
Ảnh. Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm, về phía Doanh nghiệp có: Đại diện Công Ty TNHH Công Nghiệp Rieter; Đại diện Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định. Về phía trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội có: TS.Nguyễn Thu Phượng - Phó Hiệu trưởng nhà trường; Cùng toàn thể giảng viên, sinh viên khoa Công nghệ Sợi dệt.
Ảnh. TS. Nguyễn Thu Phượng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Thu Phượng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Công Ty TNHH Công Nghiệp Rieter và các chuyên gia đã phối hợp với nhà trường tổ chức buổi Tọa đàm vô cùng ý nghĩa cho giảng viên, sinh viên nhà trường. Đồng chí nhấn mạnh trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và Công Ty TNHH Công Nghiệp Rieter có mối quan hệ thân thiết. Đồng chí mong muốn trong tương lai trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ Công Ty TNHH Công Nghiệp Rieter.
Ảnh. Đại diện Rieter giới thiệu về Công ty
Trong phần giới thiệu, Đại diện Công Ty TNHH Công Nghiệp Rieter cho biết: Rieter là nhà cung ứng hàng đầu thế giới về máy, hệ thống và thiết bị kéo sợi có trụ sở tại Winterthur (Thụy Sỹ). Với 18 cơ sở chế tạo máy được đặt tại 10 quốc gia, hãng đang sử dụng gần 5.000 lao động toàn cầu, 24% trong số đó là tại Thụy Sỹ. Được biết, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, chuyên đào tạo ngành Công nghệ sợi dệt, Rieter mong muốn được hợp tác với Nhà trường để đào tạo một số chuyên đề về công nghệ và kỹ thuật kéo sợi cho giảng viên và sinh viên, tặng học bổng cho sinh viên, tặng Nhà trường thiết bị học tập...
Kết thúc phần giới thiệu chung, Tọa đàm chuyển sang các nội dung lần lượt về: Lịch sử công nghệ kéo sợi và cách mà công nghệ này được bắt đầu; Những máy móc dùng từ xơ bông đến sợi; Những công đoạn khác nhau, chải thô và chải kỹ; Máy cung bông và máy chải thô; Máy ghép; Máy chải kỹ; Máy sợi thô và hệ thống vận chuyển; Bốn công đoạn kéo sợi chính, tất cả máy móc có sẵn từ Rieter.
Các thông tin các chuyên gia Công Ty Rieter cung cấp đã giúp giảng viên có thêm những kiến thức mới để cập nhật vào bài giảng và các bạn sinh viên cũng có cái nhìn tổng quan về các công nghệ mới của ngành.
Ảnh. Sinh viên khoa Sợi dệt giao lưu cùng với Đại diện Công Ty Rieter
Nguyễn Nhật Thành- Ban biên tập website khoa Sợi Dệt