Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG TỔ CHỨC - HÀNH CHÍNH

“TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC Ý THỨC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI ’’

Ngày đăng: 02:03 - 06/12/2019 Lượt xem: 1.728
Ths Nghiêm Thị Hoài - Phòng Tổ chức hành chính
 
Tóm tắt: Pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, nhằm bảo đảm sự tồn tại, vận hành bình thường của một xã hội kỷ cương. Việc xây dựng ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên chính là tạo dựng một nền tảng thực thi pháp luật hiệu quả trong tương lai, tạo cơ sở để làm lành mạnh hóa đời sống xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần giúp cho công tác quản lý, vận hành Nhà nước pháp quyền được hiệu quả.

Từ khóa: tăng cường, giáo dục, ý thức, pháp luật, hiện nay.

Ý thức về tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp về phổ biến, giáo dục pháp luật, nhưng hiệu quả vẫn không được như kỳ vọng.

 Ở nước ta hiện nay, một tỷ lệ không nhỏ học sinh, sinh viên còn hiểu biết pháp luật một cách rất sơ sài, hời hợt. Đa phần các em còn ít hiểu biết thậm chí là không hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của bản thân, không biết đánh giá một hành vi là hợp pháp hay vi phạm pháp luật. Các em có hành vi xử sự không đúng với quy định của pháp luật hay có tâm lý thiếu tự tin trước các vấn đề pháp lý, không có khả năng tự bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại. Hậu quả đáng tiếc là người phạm tội không biết mình phạm tội, người bị hại không nhận thức rằng mình bị hại. Tình trạng này đã và đang là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn tới bất ổn định xã hội. 

Bên cạnh bộ phận học sinh, sinh viên thiếu hiểu biết pháp luật thì còn một bộ phận dù có hiểu biết pháp luật nhưng lại mang thái độ thờ ơ hay bất tuân pháp luật. Ở bộ phận học sinh, sinh viên này không tồn tại niềm tin vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, thay vào đó là thái độ thờ ơ, lãnh đạm trước sự thay đổi của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành hay các vấn đề pháp lý đang diễn ra hàng ngày. Đặc biệt, có học sinh, sinh viên coi pháp luật như là sự trói buộc, thường tìm ra những khiếm khuyết của pháp luật, những kẽ hở trong công tác quản lý, để “lách luật” hay trốn tránh pháp luật. Cũng phải kể đến những trường hợp ngang nhiên vi phạm pháp luật để thoả mãn trạng thái tâm lý “thích thể hiện mình”, “không ai làm gì được mình”.

Chính nhận thức pháp luật chưa đầy đủ và tâm lý pháp luật chưa đúng đắn đã dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong giới trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng có chiều hướng gia tăng. Sự gia tăng này đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng cả về số lượng vụ việc và tính chất, mức độ của vụ việc. Tình trạng vi phạm pháp luật ở đối tượng học sinh, sinh viên đã và đang trở thành vấn nạn được cả xã hội quan tâm. Bởi sự thiếu hiểu biết pháp luật hay thái độ bất tuân pháp luật ở học sinh, sinh viên không chỉ tác động tiêu cực đến ổn định chính trị, phát triển kinh tế và trật tự, an toàn xã hội mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách thế hệ tương lai của đất nước. Điều đó cho thấy, việc xây dựng và nâng cao ý thức pháp luật đối với học sinh, sinh viên là yêu cầu vô cùng cấp thiết. Chỉ khi việc chấp hành pháp luật thực sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi học sinh, sinh viên thì quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền mới nhanh chóng đạt được thành công.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong toàn xã hội, nhất là đối với học sinh, sinh viên, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021. Theo đó, bảo đảm từ nay đến năm 2021, 100% các trường đều triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, có giáo viên, giảng viên dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật theo quy định để đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Tuyên truyền, giảng dạy pháp luật hiệu quả sẽ góp phần tạo dựng nền tảng văn hóa pháp lý cho xã hội, để mọi người dân đều mang trong mình ý thức tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường đạt hiệu quả thì các trường học cần phải nhận thức đầy đủ hơn nữa tầm quan trọng của môn học đạo đức, giáo dục công dân, Nhà nước và pháp luật trong các cấp học. Các trường cũng cần đổi mới nội dung, phương pháp dạy theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm thiết thực, một mặt nâng cao trình độ nhận thức cho các đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên, mặt khác giúp họ có khả năng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống. Trên cơ sở nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã được cung cấp, các thầy giáo, cô giáo hay các báo cáo viên cũng cần phải biên soạn giáo án cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện, trình độ nhận thức, đặc điểm tâm, sinh lý, sở thích, nhu cầu của tuổi trẻ, tính chất công việc của từng đối tượng. Đặc biệt là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới xa xôi. Việc “luật hóa” các câu chuyện khi giảng dạy kiến thức pháp luật cũng sẽ giúp tăng hiệu quả trong tiếp nhận... Mặt khác, việc các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng luật một cách đúng đắn và nghiêm minh cũng sẽ là tấm gương phản chiếu tốt để người dân soi chiếu, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Trường ĐHCNDMHN vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan để đưa ra những giải phát để thực hiện công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Có thể nói, việc thực hiện quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của sinh viên trong những năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, còn bộc lộ một số hạn chế nhất định đó là:

Vẫn còn một số sinh viên chưa nhận thức đúng về trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật, xem nhẹ vấn đề tự học, tự nghiên cứu cho nên chất lượng hiệu quả chưa cao. Tinh thần, thái độ học tập các chuyên đề pháp luật chưa tự giác, thể hiện ở sự lười học, lười nghiên cứu. Ý thức trách nhiệm, tính chủ động trong học tập của một số sinh viên chưa cao. Để thực hiện quyền được thông tin về pháp luật chỉ có thể đạt được kết quả khi sinh viên có động cơ nhu cầu tiếp nhận đúng đắn thể hiện ở tính tích cực, chủ động trong quá trình học tập, tìm hiểu, nghiên cứu.

Ở một số sinh viên vẫn còn suy nghĩ là chỉ cần được trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản trong chương trình học chính khóa là đủ nên chưa xây dựng được tinh thần cầu thị, ham học hỏi, trau dồi tri thức pháp luật dẫn đến không nắm chắc được những quy định mới của pháp luật, thiếu khả năng xử lý các tình huống trong mọi mối quan hệ, ý thức tổ chức kỷ luật kém, vi phạm kỷ luật.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tuyên truyền phổ biến Pháp luật tại trường Đại học trong thời gian qua. Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nội dung, phương pháp, hình thức học phàn Pháp luật. Việc đề xuất những giải pháp cơ bản, vừa mang tính trước mắt, vừa lâu dài là hết sức quan trọng, quyết định đến nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho sinh viên trong những năm tiếp theo. Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cần chủ động triển khai các giải pháp để khắc phục tình trạng trên:

Một là, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ thể về công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên.
Ban Giám hiệu nhà trường cần nhận thức rõ mục đích giáo dục pháp luật cho sinh viên là nhằm cung cấp lý luận cơ bản về Nhà nước và pháp luật, pháp luật chuyên ngành và các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực trường đào tạo. Nhà trường cần có chiến lược và cơ chế thích hợp để mỗi giảng viên, cán bộ nhân viên, sinh viên có quan niệm đúng đắn về các môn học pháp luật, khắc phục tình trạng coi nhẹ. Song song với việc tuyển dụng và đào tạo, nhà trường cần có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ giảng viên, cơ chế tài chính cho giảng viên tham gia hướng dẫn sinh viên đi thực tế. Khuyến khích các giảng viên pháp luật tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới phương pháp, tăng cường tinh thần trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho sinh viên và cộng đồng.

Hai là, đổi mới chương trình dạy và học bộ môn pháp luật, hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giáo dục pháp luật
Đối với các môn học Pháp luật, bên cạnh việc cung cấp lý luận pháp lý thì phương pháp luyện tập nên được giảng viên giảng dạy pháp luật quan tâm ứng dụng. Phương pháp này sẽ giúp sinh viên trường ĐHCN Dệt May Hà Nội vận dụng những tri thức pháp luật đã học vào các tình huống thường gặp hàng ngày nhằm hình thành và phát triển được những hành vi phù hợp với các chuẩn mực pháp luật.

Nhà trường cần phải xây dựng danh mục thiết bị, danh mục tài liệu cơ bản phục vụ hoạt động Giáo dục pháp luật nhằm định hướng cho việc biên soạn, phát hành, mua tài liệu, thiết bị trong năm học kế tiếp, tăng cường biên soạn, phát hành tài liệu Giáo dục pháp luật theo từng chuyên đề, cho từng đối tượng cụ thể theo từng ngành học của các Khoa/Trung tâm.

Ba là, đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy trực tiếp trên lớp, lựa chọn, phát huy những hình thức giáo dục pháp luật ngoại khóa phù hợp, đạt hiệu quả cao
Nhà trường cần đổi mới phương pháp dạy học theo quan điểm lấy người học làm trung tâm, quá trình dạy học là quá trình có hai chủ thể: Thầy và trò. Cả hai chủ thể này đều chủ động, tích cực, bằng hoạt động của mình hướng tới tri thức, thầy thì hoạt động truyền đạt tri thức, còn trò thì hoạt động chiếm lĩnh tri thức và biến nó thành vốn hiểu biết của mình để tiếp tục hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn…Giảng viên giảng dạy học phần Pháp luật- Khoa Khoa học Cơ bản cần chủ động bổ sung luật mới ban hành, tìm hiểu thực tế xảy ra tại Doanh nghiệp, đời sống để áp dụng vào bài học trên lớp tăng tính hiệu quả, tránh nhàm chán theo cách học chay chỉ có giáo trình. Ví dụ vụ đổ phế thải ra Sông Đà, đây là bài học thiết thực mang tính thời sự, tạo sự trao đổi, tính chủ động tìm tư liệu pháp luật cho sinh viên trong trường ĐHCN Dệt May Hà Nội.

Nhà trường cần có cơ chế khuyến khích, chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên tổ chức thường kỳ các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hay lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các hoạt động khác cho sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác giáo dục pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện
Ban chỉ đạo giáo dục pháp luật nhà trường cần định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục pháp luật. Tiêu chí đánh giá dựa trên kết quả xếp loại học tập, rèn luyện của sinh viên, tỷ lệ sinh viên thi lại, học lại, vi phạm quy chế, vi phạm pháp luật. Quan trọng hơn, nhà trường đánh giá năng lực đáp ứng của sinh viên đối với nhu cầu thực tiễn đề ra.
Giáo dục pháp luật với chức năng định hướng, điều chỉnh nhận thức và hành vi của cá nhân phù hợp với chuẩn mực xã hội - đòi hỏi không thể thiếu trong một xã hội được điều chỉnh bằng pháp luật. Nước ta đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hơn ai hết, sinh viên là thế hệ trẻ có tri thức, nhiệt huyết phải là một trong những lực lượng quan trọng, tiên phong trong xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật của dân, do dân và vì dân.

Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 705/QĐ-TTg về: “Ban hành chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021” của Thủ tướng Chính phủ.
2. Quyết định Số: 3957 /QĐ-BGDĐT về: “Ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện triển khai đề án “nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021” của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo

3. Nghị quyết 48-NQ/TW: “ chiến lược xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020”.
Người viết: ThS Nghiêm Thị Hoài – Phòng Tổ chức hành chính

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 66 Tổng truy cập: 18.623.449