Ngày 10 tháng 5 năm 2019, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Trung tâm Năng xuất quốc gia Hàn Quốc Tổ chức Hội thảo về “Đào tạo kỹ thuật và CM4.0: Các giải pháp thay đổi nhằm tăng cường năng suất trong tương lai.”
Dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó giám đốc, Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; đại diện Trung tâm Năng suất quốc gia Hàn Quốc ông Noh Kyoo Sung, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Trung tâm Năng suất quốc gia Hàn Quốc, cùng các cơ quan hợp tác quốc tế, các nhà khoa học, các cán bộ giảng viên các trường đại học tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó giám đốc, Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu khai mạc hội thảo
Khai mạc Hội thảo bà Nguyễn Thị Kim Dung phát biểu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang đến. Đây là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nó sẽ diễn biến rất nhanh, là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới.
Ông Noh Kyoo Sung, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Trung tâm Năng suất quốc gia Hàn Quốc trình bày chuyên đề 1
Ông Noh Kyoo Sung, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Trung tâm Năng suất quốc gia Hàn Quốc đã trình bày trước hội thảo chuyên đề về: “Sự khởi đầu về đổi mới năng xuất kiểu mới”. Ông đã chỉ ra tăng trưởng trong thời đại 4.0, tăng trưởng kinh tế sẽ phải dựa ngày càng nhiều vào tăng năng suất lao động. Cuộc cách mạng này sẽ mang tới nhiều cơ hội phát triển và hội nhập, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nước đang phát triển.
Ts Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình bày chuyên đề 2
Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với chuyên đề về vấn đề “Cơ hội cho Doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất thông minh”. Ông Hà Minh Hiệp đã chỉ rõ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, sản xuất thông minh đang phát triển rầm rộ và trở thành một xu thế tất yếu. Sản xuất thông minh bao hàm việc ứng dụng công nghệ thông tin tới mọi khía cạnh của quy trình sản xuất hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất, rút ngắn thời gian và bảo vệ môi trường.
Ông Yang Seok Won, giám đốc SWM Co.Ltd trình bày chuyên đề
Ông Yang Seok Won, giám đốc SWM Co.Ltd với chuyên đề 3: Sự chuyển đổi công nghiệp ở các xe tự động. Các yếu tố quyết định sự khác biệt của những chiếc xe là động cơ, hộp số, bộ dẫn động, vô lăng điều khiển và xăng dầu… thì ngày nay, ôtô giống như một chiếc máy tính. Phần mềm và điện đã thay thế chức năng của các yếu tố cơ học, con người và nhiên liệu. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt các công nghệ mới để theo kịp "con tàu" mang tên công nghiệp 4.0. Các xu hướng này sẽ mang đến sự thay đổi lớn chưa từng có và ngành công nghiệp ôtô truyền thống có thể bị "phá vỡ".
Ông Song Sung Ku, Đối tác quản lý, Thung lũng Silicon Việt Nam, trình bày chuyên đề
Ông Song Sung Ku, Đối tác quản lý, Thung lũng Silicon Việt Nam, tham luận “ Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam”. Khái niệm về hệ sinh thái khởi nghiệp gần đây được sử dụng rộng rãi trong ngữ cảnh sáng tạo và kinh doanh. Mặc dù không có định nghĩa riêng, chính thức về hệ sinh thái khởi nghiệp và thuật ngữ này được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, song về cơ bản, nó đề cập đến một khu vực địa lý cụ thể hoặc “điểm nóng” (ví dụ như Thung lũng Silicon) với sự tập trung đông đảo các công ty và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hội thảo cũng chỉ ra CMCN 4.0 lần này cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Người viết: Trần Thị Thanh Thủy-Khoa KT