Trang chủ

GIẢI PHÁP NÂNG CAO TUỔI THỌ THIẾT BỊ CHIẾU SÁNG VÀ TỐI ƯU TIẾT KIỆM ĐIỆN CHO DOANH NGHIỆP DỆT MAY Ở VIỆT NAM

Ngày đăng: 04:06 - 04/07/2024 Lượt xem: 747

ThS. Nguyễn Văn Lâm
Khoa Cơ điện – Trường Đại học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội 

1. Đặt vấn đề

Ngành dệt may là thế mạnh của Việt Nam và chiếm tới hơn 22% nhân lực công nghiệp của cả nước, đồng thời cũng là ngành tiêu thụ điện ở mức khá cao trong lĩnh vực công nghiệp trong bối cảnh yêu cầu giảm thiểu tiêu thụ năng lượng để giảm phát thải carbon ra môi trường, từng bước thực hiện chuyển đổi xanh đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Chính vì vậy, việc tiết kiệm năng lượng tại các nhà máy dệt may rất quan trọng, đem lại lợi ích to lớn và lâu dài cho Việt Nam. Trong các doanh nghiệp dệt may hiện nay, các thiết bị tiêu thụ điện năng bao gồm (điều hoà thông gió, chiếu sáng, lò hơi, máy may, thiết bị khác…) phục vụ cho hoạt động của sản xuất thì hệ thống chiếu sáng là một trong những hệ thống chiếm tỷ lệ sử dụng lớn trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng điện trong sản xuất. Do vậy, nếu tiết kiệm điện cho hệ thống này đồng nghĩa với việc tiết kiệm được điện năng tiêu thụ đáng kể cho doanh nghiệp.

Bài viết này giới thiệu hiện trạng sử dụng năng lượng phục vụ chiếu sáng, phân tích tổn thất năng lượng do chiếu sáng và một số giải pháp chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả cho các doanh nghiệp dệt may.

2. Thực trạng sử dụng năng lượng cho chiếu sáng và tổn thất năng lượng trong các nhà máy dệt may hiện nay

2.1 Thực trạng sử dụng điện năng cho chiếu sáng 

Với không gian rộng, xưởng may cần tiêu tốn rất nhiều điện mới có thể đảm bảo đủ ánh sáng cho toàn bộ xưởng. Các doanh nghiệp dệt may hiện nay đang sử dụng những bóng đèn compact, huỳnh quang T5, T8 hiệu suất thấp cũng có một vài doanh nghiệp đã chuyển đổi sang các loại bóng đèn led có hiệu suất chiếu sáng cao tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa bố trí các bóng đèn và công tắc hợp lý, chưa tận dụng triệt để nguồn ảnh sáng tự nhiên để đảm bảo nhu cầu chiếu sáng và tiết kiệm năng lượng.

2.2 Tổn thất năng lượng chiếu sáng trong các nhà máy dệt may hiện nay

Các tổn thất năng lượng cho chiếu sáng tại các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam theo các nghiên cứu gần đây đã được phân tích bao gồm:

Chưa tận dụng tối đa chiếu sáng tự nhiên, đèn điện hầu như vẫn được bật hết công suất trong ca sản suất dẫn đến lãng phí điện và giảm tuổi thọ sử dụng của thiết bị;

Mật độ chiếu sáng còn cao (chiếu sáng thừa) hoặc còn bị thấp (bị thiếu sáng) do tính toán và thiết kế chưa tối ưu;

Bóng đèn tuýp huỳnh quang và chấn lưu truyền thống vẫn được dùng phổ biến trong các nhà máy dệt may;

Chưa sử dụng nhiều các loại đèn tiết kiệm năng lượng có hiệu suất cao như đèn các đèn LED

Không dùng phương pháp điều khiển tự động chiếu sáng tại các khu vực công cộng như các khu vệ sinh, sảnh, hành lang để tối ưu chiếu sáng khi sử dụng ...

3. Yêu cầu về chất lượng chiếu sáng trong các nhà máy sản xuất hiện nay

Hệ thống chiếu sáng cho nhà máy dệt may vô cùng quan trọng, vì vậy cần theo những tiêu chuẩn VN TCVN 2018:

Hệ thống chiếu sáng cần chiếu ánh sáng đến mọi không gian, vị trí làm việc trong nhà xưởng.

Hệ thống chiếu sáng cần đảm bảo phân bố độ chói trong không gian chiếu sáng, tránh gây chói tạo cảm giác khó chịu cho người làm việc.

Trong mỗi nhà xưởng đều cần phải tạo hướng ánh sáng thích hợp, không có hiện tượng bị bóng người lao động, máy móc che khuất.

Nhiệt độ màu và độ hoàn màu ánh sáng phù hợp với từng môi trường làm việc.

Hệ thống chiếu sáng không được có hiện tượng bị nhấp nháy gây ảnh hưởng đến thị giác của nhân công.

Duy trì các thông số ánh sáng trong suất thời gian sử dụng.

Thiết kế hệ thống chiếu sáng đạt chuẩn chất lượng ngay từ đầu để hạn chế việc bảo dưỡng và sửa chữa, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

3.1.Yêu cầu về đọ rọi

Độ rọi và phân bố độ rọi trên vùng làm việc và vùng tiếp giáp sẽ tác động đến năng suất lao động, an toàn và tiện nghi đối với người thực hiện công việc thị giác. Tất cả các giá trị độ rọi được quy định trong tiêu chuẩn này là độ rọi duy trì và đảm bảo cho công việc thị giác an toàn và các yêu cầu về đặc tính thị giác.

3.2. Yêu cầu về phân bố độ chói

Hệ thống ánh sáng trong nhà xưởng cần được phân bố độ chói đồng đều, hợp lý để tăng khả năng nhìn sắc nét, không ảnh hưởng đến thị giác của người lao động. Sự phân bố độ chói không đều trong trường nhìn cũng ảnh hưởng đến sự tiện nghi thị giác và cần phải tránh.

3.3. Độ hoàn màu ánh sáng

Một điều quan trọng đối với cả hiệu suất làm việc và cảm giác tiện nghi, thoải mái là màu sắc của các vật thể hay màu da người trong môi trường chiếu sáng được thể hiện chính xác, tự nhiên và làm cho mọi người trông hấp dẫn, khỏe mạnh. Điều này thể hiện ở chỉ số hoàn màu CRI. Bên cạnh đó, nhà xưởng nên sử dụng những thiết bị chiếu sáng có nhiệt độ màu rộng, nhiệt độ màu phù hợp sẽ tạo ra cảm giác dễ chịu cho thị giác. Dải nhiệt độ màu phù hợp cho nhà xưởng công nghiệp theo tiêu chuẩn ánh sáng trong sản xuất là từ 4000K – 6000K.

3.4. Các thông số về độ rọi, độ chói, chỉ số hoàn màu theo tiêu chuẩn TCVN7114 – 1:2008 (hay ISO 8995 – 1:2002) trong nhà máy dệt may

Trong một số trường hợp, độ rọi sẽ được tăng hoặc giảm ít nhất một bậc trong thanh độ rọi (chênh lệch 1.5 lần).

4. Các giải pháp chiếu sáng tiết kiệm năng lượng

Nhà máy dệt may là môi trường cần các thiết bị chiếu sáng chất lượng, độ khuếch tán ánh sáng tốt, bền bỉ. Phải đảm bảo ánh sáng phù hợp cho mọi bộ phận, cần tránh sử dụng hệ thống chiếu sáng cao áp gây lãng phí, hao điện và dễ gây nguy cơ cháy nổ. Chính vì vậy, cần lựa chọn và bố trí các thiết bị chiếu sáng hợp lý có vật liệu cao cấp tăng tuổi thọ và hoạt động hiệu quả.

4.1. Sử dụng chiếu sáng tự nhiên 

Việc tận dụng ánh sáng tự nhiên trong các nhà máy, xưởng sản xuất là một trong những vấn đề quan trọng để tối ưu hóa sử dụng năng lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường. Ánh sáng tự nhiên không chỉ làm tăng sự thoải mái và cải thiện sức khỏe của người sử dụng, mà còn giúp tiết kiệm chi phí điện và năng lượng.

Một vài phương pháp kết hợp chiếu sáng tự nhiên là:


Nguồn sáng tự nhiên thường được tận dụng bằng cách: Thiết kế xưởng có nhiều cửa số, giếng trời. Sử dụng vật liệu lấy sáng: tôn lấy sáng, gạch lấy sáng, sơn lấy sáng, kính lấy sáng,…


Các vật liệu lấy sáng thường dùng trong nhà xưởng

Các tiêu chí lựa chọn vật liệu lấy sáng

Như đã thông tin ở trên, các vật liệu chiếu sáng là cần thiết để hoàn thiện giải pháp thiết kế chiếu sáng nhà xưởng với ánh sáng tự nhiên. Để chọn được vật liệu bền đẹp, bạn cần ưu tiên các tiêu chí:

Vật liệu đảm bảo độ cứng, dẻo dai, chống va đập. Không bị lão hóa, ố vàng hay giòn vỡ. Vì ánh nắng mặt trời có khả năng làm lão hóa vật liệu rất nhanh. Hạn chế được bức xạ mặt trời, tia cực tím. Những tia này nếu xâm nhập vào bên trong sẽ làm nóng nhà xưởng.

Có khả năng khuếch tán ánh sáng. Mục đích là để tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào vị trí làm việc. Vì ánh sáng trực tiếp có nguy cơ gây chói lóa.

Nếu bạn tận dụng ánh sáng tự nhiên trên tầng mái, thì cần sử dụng 10 – 20% diện tích tầng mái để hạn chế bức xạ mặt trời. Vì bức xạ xâm nhập sẽ làm nóng nhà xưởng. Khi đó sẽ tốn chi phí làm mát nhà xưởng.


Một nhà xưởng sử dụng vật liệu lấy sáng tự nhiên

4.2. Giảm số lượng đèn để giảm lượng chiếu sáng thừa 

Giảm số lượng đèn bằng các cách sau:


Giảm chiều cao lắp đặt của đèn

Thay bộ đèn hiệu quả và giảm số lượng đèn vẫn đảm bảo chiếu sáng không bị ảnh hưởng

Giảm số lượng đèn ở những không gian trống nơi không có hoạt động/làm việc

4.3. Chiếu sáng theo công việc 

Chiếu sáng theo công việc nghĩa là cung cấp độ chiếu sáng tốt theo yêu cầu chỉ tập trung vào diện tích thực, công việc được thực hiện trong khi việc chiếu sáng chung cho khu sản xuất hay một số vị trí, khu vực chỉ giữ ở mức thấp hơn. Nếu được thực hiện một cách hợp lý thì có thể giảm số lượng đèn chiếu sáng chung, giảm công suất của đèn, tiết kiệm đáng kể năng lượng, cung cấp việc chiếu sáng tốt hơn và cũng tạo ra môi trường thẩm mỹ và dễ chịu hơn.

4.4. Lựa chọn đèn, bố trí đèn phù hợp 

Lựa chọn bố trí các loại đèn chiếu sáng phù hợp với mục đích công năng sử dụng cũng là một giải pháp tiết kiệm năng lượng . Trong bài viết này, tác giả đưa ra 4 tiêu chuẩn bố trí đèn chiếu sáng cho nhà xưởng :

Tiêu chuẩn bố trí đèn nhà xưởng cấp 1.

Tiêu chuẩn bố trí đèn nhà xưởng cấp 1 thường được áp dụng ở các khu vực sản xuất có những thiết bị, công cụ sản xuất lao động có kích thước lớn. Bao gồm các xưởng gỗ, gia công vật liệu cơ khí, nhà kho, nơi chế biến sản phẩm thủy hải sản,... Những nơi này thiết bị chiếu sáng cần có độ sáng phân bố một cách đồng đều với hiệu quả chiếu sáng rộng.

Tiêu chuẩn bố trí đèn nhà xưởng cấp 2.

Với tiêu chuẩn chiếu sáng cấp 2 thì hệ thống đèn sẽ được phân bố theo kiểu đồng bộ và cục bộ. Kiểu phân bố đồng bộ cần các loại đèn có công suất lớn với diện tích chiếu sáng rộng. Còn với kiểu phân bố cục bộ thì chỉ cần các loại đèn có công suất thấp. Tiêu chuẩn cấp 2 thường được áp dụng cho các nhà xưởng có nhiều chi tiết nhỏ. Nơi thực hiện các công việc sản xuất đòi hỏi độ chính xác cao. Cụ thể như các xưởng may, xưởng thêu, xưởng kiểm tra các linh kiện điện tử, có chi tiết cầu kỳ.

Tiêu chuẩn về chiều cao của đèn với mặt sàn.

Với tiêu chuẩn bố trí này, khoảng cách từ mặt sàn đến vị trí các bóng đèn phụ thuộc vào công suất của từng loại đèn.

Đèn có công suất 30 – 80w: Chiều cao dao động từ 3 – 6m.

Đèn có công suất 120 – 150w: Chiều cao dao động từ 6 – 8m.

Đèn có công suất 150 – 200w: Chiều cao dao động từ 8 – 10m.

Đèn công suất 200 – 300w: Chiều cao là 10m hoặc hơn.

Tiêu chuẩn chiếu sáng theo từng khu vực cụ thể.

Nếu tiêu chuẩn chiếu sáng cấp 1 và cấp 2 thường có vẻ chung chung thì tiêu chuẩn bố trí theo từng khu vực cụ thể sẽ giúp hình dung cụ thể về độ rọi, độ hoàn màu của đèn và tính đồng đều của độ rọi theo tiêu chuẩn TCVN 7114-3:2008.

4.5. Lắp chấn lưu điện tử 

Thay chấn lưu điện từ bằng chấn lưu điện tử nhằm cung cấp điện áp cao hơn để thắp đèn huỳnh quang và hạn chế dòng điện trong suốt thời gian hoạt động bình thường. Mang lại các lợi ích :

Tiết kiệm điện năng: Chấn lưu điện tử giúp tiết kiệm đến 30% tiêu thụ của bộ đèn so với chán lưu điện từ. Công nghệ điện tử không chỉ giúp giảm công suất tiêu thụ của bóng đèn mà tổn hao của Ballast cũng ở mức rất thấp. Ngoài ra, do sử dụng linh kiện điện tử nên nhiệt lượng tỏa ra do Chấn lưu rất thấp. Có thể tiết kiệm thêm chi phí năng lượng cho hệ thống làm mát.

Dễ lắp đặt và đi dây: Công nghệ Chấn lưu điện tử giúp kết cấu bộ đèn rất gọn nhẹ, không cần starter và tụ bù. Dễ dàng lắp đặt bằng cách gắn dây và các đầu nối dạng tự giữ bằng Lò xo được tích hợp sẵn trên Ballast.

Khởi động nhanh: Ballast điện tử giúp đèn khởi động tức thì ngay khi bật nguồn. Bóng đèn sẽ không nhấp nháy như khi khởi động với bộ đèn truyền thống sử dụng Ballast điện từ kết hợp với starter.

Quang thông, ánh sáng ổn định: Chấn lưu điện tử hoạt động với tần số cao nên giúp bóng có hiệu suất phát quang. Và khả năng duy trì quang thông cao. Ngoài ra, bóng không bị hiện tượng nhấp nháy ở tần số điện lưới 50Hz. Nên sẽ tạo cảm giác thoải mái và an toàn cho sức khỏe.

Dải điện áp rộng: Chấn lưu điện tử được thiết kế hoạt động được với dải điện áp rất rộng từ 170V đến 250V. Điều này đặc biệt phù hợp với việc sử dụng Chấn lưu ở những vùng có lưới điện không ổn định.

An toàn và tuổi thọ cao

4.6. Sử dụng các Thiết bị hẹn giờ, bộ chuyển mạch ánh sáng khuếch tán hoặc mờ và bộ cảm biến để điều khiển đèn tự động

Điều khiển để tự động tắt các đèn khi không cần thiết có thể tiết kiệm được nhiều năng lượng. Có thể sử dụng thiết bị hẹn giờ đơn giản như bộ timer 24h hoặc thiết bị hẹn giờ được lập trình PLC logo, Zen … cho mục đích này.

Công tắc chuyển mạch kết hợp cảm biến đo cường độ sáng có thể được sử dụng để thay đổi chiếu sáng tuỳ thuộc vào lượng ánh sáng ban ngày. Biến trở cũng có thể được sử dụng kết hợp với điều khiển quang điện; tuy nhiên thông thường biến trở điện tử chỉ phù hợp để làm mờ đèn nóng sáng. Có thể làm mờ đèn huỳnh quang nếu chúng được hoạt động với chấn lưu điện tử.
Bộ cảm biến siêu âm và hồng ngoại có thể được dùng để điều khiển chiếu sáng trong các khu vực sản xuất mà thường xuyên có hoạt động.


Khu vực chung:  Sử dụng phương pháp làm mờ liên tục ở những khu vực ít hoạt động như khu vực kho, khu vực hành lang, khu vực vệ sinh... Sử dụng làm mờ từng bước (điều chỉnh tắt/bật) ở những khu vực vận động nhiều như đi bộ và lấy hàng trên giá; Nên kết hợp chế độ tự động tắt hoặc tắt bằng tay khi mọi người vẫn trong phòng, hãy đặt thêm chiếu sáng ban đêm để lối ra được an toàn.

Phòng họp, văn phòng làm việc: Sử dụng bộ cảm biến để điều khiển tự động ánh sáng đèn theo ánh sáng tự nhiên để luôn duy trì độ rọi trong phòng theo tiêu chuẩn, kết hợp với bật tắt chế độ bằng tay dùng công tắc khi cần thiết sẽ nâng cao tuổi thọ bóng đèn và tiết kiệm điện năng.

Nhà vệ sinh: Sử dụng bộ cảm biến hiện diện và cảm biến chuyển động để duy trì và tự động tắt bật đèn

Điều khiển chiếu sáng bên ngoài: Sử dụng bảng điều khiển chiếu sáng có đồng hồ hẹn giờ và tế bào quang điện nhằm điều khiển chiếu sáng bên ngoài để bật lúc hoàng hôn, tắt lúc bình minh, tắt chiếu sáng sớm hơn vào buổi tối và tiết kiệm năng lượng.

Sử dụng các bộ điều khiển Dimmer có khả năng điều chỉnh được cường độ sáng cho đèn LED kết hợp với ánh sáng tự nhiên để điều chỉnh ánh sáng để đảm bảo độ rọi để tiết kiệm năng lượng.

4.7. Sử dụng năng lượng mặt trời

Hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời cũng là một giải pháp đáng để đầu tư sử dụng, tuy chi phí ban đầu có vẻ khá lớn, song giúp doanh nghiệp cắt giảm đi tiền điện tiêu tốn hàng tháng.

4.8. Bảo dưỡng chiếu sáng
 

Bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện chiếu sáng là giữ hệ thống chiếu sáng hoạt động ở mức độ tối ưu nhất trong suốt vòng đời của sản phẩm.  Nhằm đảm bảo hệ thống điện chiếu sáng hoạt động theo đúng mục đích thiết kế ban đầu trong suốt nhiều năm. Bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện chiếu sáng được đánh giá thông qua sự hoạt động của toàn bộ hệ thống.  Hệ thống điện chiếu sáng cần phải phát ra lượng quang thông phù hợp cho từng không gian thích hợp. Trong khi hệ thống điện chiếu sáng vẫn sử dụng năng lượng điện ở mức nhất định đã được đề ra trong thiết kế chiếu sáng của công trình

Quá trình bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện chiếu sáng cần có:


Chỉ dẫn vận hành hệ thống điện chiếu sáng :

Quá trình thiết kế hệ thống điện chiếu sáng, người thiết kế nên lập ra cuốn chỉ dẫn vận hành. Nhằm làm cho đội ngũ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện chiếu sáng hiểu rõ mục đích của thiết kế chiếu sáng. Bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện chiếu sáng cần có danh sách cho các hoạt động cũng như lịch bảo dưỡng, thay thế định kì. Nếu thiếu chỉ dẫn vận hành hệ thống điện chiếu sáng, nhân sự bảo dưỡng sẽ phải khắc phục các sự cố thông qua việc phỏng đoán từng phần. Điều này gây khó khăn trong quá trình bảo trì bảo dưỡng hệ thống điện chiếu sáng.

Thời gian biểu bảo dưỡng hệ thống điện chiếu sáng

Một phần quan trong bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện chiếu sáng là đưa ra lịch trình/thời gian biểu cho hoạt động lau chùi thiết bị chiếu sáng, thay thế bóng đèn, đo mức năng lượng sử dụng và mức độ sáng của hệ thống. Việc bảo dưỡng hệ thống điện chiếu sáng  nên được tiến hành hàng tháng hoặc ít nhất là hàng quý nhằm mang lại cho hiệu quả hoạt động cho hệ thống điện chiếu sáng.

Tính linh động của quá trình bão dưỡng hệ thống điện chiếu sáng

Khi người sử dụng muốn lắp đặt các thiết bị theo ý riêng của họ, đây có thể là dấu hiệu cho thấy thiết kế chiếu sáng có thể không hoạt động đúng như thiết kế hoặc không được thiết kế để thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng hiện tại. Việc có tính linh động để làm việc cùng người sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu của họ trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả năng lượng.

Lau chùi hệ thống điện chiếu sáng

Trong quá trinh bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện chiếu sáng, việc giữ cho đèn và thiết bị chiếu sáng sạch sẽ  là yếu tố quan trọng nhất . Tường, trần và các bề mặt được chiếu sáng cũng cần phải được làm sạch thường xuyên. Bởi ánh sáng phản chiếu lên các bề mặt này đôi khi có thể quan trọng không kém. Cần lau chùi bóng đèn và thiết bị chiếu sáng bằng vải bông ẩm, mềm; bàn chải tĩnh điện mềm hoặc máy hút bụi công suất thấp.

Thay thế các thiết bị trong hệ thống điện chiếu sáng

Các thiết bị  nên được thay thế không chỉ lúc chúng bị hỏng mà nên theo lịch trình nhất định dựa trên độ giảm chất lượng  theo thời gian. Một vài loại thiết bị có thể giảm tới 1/3 hiệu suất ban đầu của nó chỉ trong vòng vài năm. Ngoài ra, cần phải tiêu hủy các thiết bị đã được thay thế mọt cách hợp lý bởi nhiều thiết bị có chứa thủy ngân. Các loại thiết bị này cần được xử lý cẩn thận nhằm tránh làm vỡ trong quá trình vận chuyển và cần được vận chuyển đến các trung tâm tái chế.

Kiểm tra hoạt động của hệ thống điều khiển chiếu sáng:

Hệ thống điều khiển chiếu sáng thông thường hoạt động dựa trên các thiết bị hẹn giờ. Những thiết bị hẹn giờ này cần được đặt để phù hợp với thời gian biểu hoạt động cho từng không gian riêng biệt. Những thời gian biểu này thay đổi theo thời gian do người sử dụng thay đổi . Do đó trong quá trình bảo dưỡng, lịch trình của hệ thống điều khiển cần phải được thay thế cho phù hợp.

Kiểm tra biểu đồ hệ thống điện chiếu sáng

Trong bảo trì, bảo dưỡng, biểu đồ hệ thống điện chiếu sáng và đi dây cần phải được xây dựng và cập nhật thường xuyên nhằm đảm bảo tính dễ hiểu cho hệ thống điện chiếu sáng. Điều này không chỉ khiến việc tìm ra lỗi dễ dàng hơn mà còn giúp đưa ra kế hoạch, lịch trình thay thế và giúp cho quá trình nâng cấp hệ thống.
          Kết luận 

Để có thể tồn tại và cạnh tranh được với các đối thủ trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0yêu cầu  chuyển đổi xanh, ngành Dệt may Việt Nam trước tiên buộc phải đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao năng lượng, qua đó giảm phát thải carbon ra môi trường. Trong bối cảnh đó, các giải pháp về tiết kiệm năng lượng đặc biệt là tiết kiệm năng lượng đèn chiếu sáng cần đang được lưu tâm để giúp doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh về sản phẩm.

Sử dụng các thiết bị chiếu sáng hiệu quả sẽ hạn chế được sự tăng năng lượng điện tiêu thụ, giảm các chi phí kinh tế và xã hội đồng thời giảm lượng phát thải khí nhà kính cũng như các chất độc hại khác vào môi trường. 

Để thiết kế được các giải pháp chiếu sáng tiết kiệm đạt hiệu quả năng lượng, cần phải thực hiện tốt các đánh giá liên quan đến chi phí vòng đời sản phẩm và đánh giá chi phí đầu tư kinh tế (bao gồm cả các tiêu chí lợi ích mà các giải pháp đem lại cho doanh nghiệp).

Tài liệu tham khảo
 
[1] Nguyễn Sơn Lâm, Giải pháp chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả trong các toà nhà ở Việt Nam, Viện KHCN Xây dựng.

[2] QCXDVN 09: 2005  Quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả.

[3] Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7114-1:2008 (ISO 8995-1:2002/Cor 1:2005) về Ecgônômi - Chiếu sáng nơi làm việc (năm 2008)

 
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 642 Tổng truy cập: 19.952.760