Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

GIẢI PHÁP RÈN LUYỆN PHƯƠNG PHÁP LUẬN BIỆN CHỨNG DUY VẬT CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI THÔNG QUA GIẢNG DẠY NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

Ngày đăng: 10:40 - 22/07/2021 Lượt xem: 7.142
ThS. Phạm Thị Đào
Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội
 
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Sinh viên là lớp người đang trưởng thành về nhân cách, tiếp thu tri thức nhằm chuẩn bị hành trang nghề nghiệp cần thiết để trở thành lực lượng lao động hiện đại trong tương lai. Do đó, nâng cao trình độ trong quá trình học tập và làm việc sau khi ra trường đòi hỏi sinh viên cần nhận thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra một cách khoa học và đúng đắn. Phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác-Lênin được xác lập trên nền tảng của thế giới quan duy vật khoa học và có sự thống nhất giữa nội dung của thế giới quan (duy vật biện chứng) với phương pháp luận (biện chứng duy vật). Nên phép biện chứng duy vật không dừng lại ở sự giải thích thế giới mà còn là công cụ để nhận thức thế giới và cải tạo thế giới. Mỗi nguyên lý, quy luật trong phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là sự giải thích đúng đắn về tính biện chứng của thế giới mà còn là phương pháp luận khoa học của việc nhận thức và cải tạo thế giới. Nên phép biện chứng duy vật giữ vai trò là nội dung đặc biệt quan trọng trong thế giới quan và phương pháp luận triết học, tạo nên tính khoa học và tính cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời nó cũng là thế giới quan và phương pháp luận chung nhất của hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Vì vậy, rèn luyện phương pháp luận biện chứng duy vật cho sinh viên là nhiệm vụ quan trọng giúp sinh viên có tư duy khoa học.

Tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội những năm qua, việc giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin luôn chú trọng gắn giảng dạy lý luận với thực tiễn ngành nghề nên đây là cơ sở cần thiết để giúp sinh viên rèn luyện phương pháp luận biện chứng duy vật của bản thân. Đặc biệt, thông qua việc giảng dạy nội dung cơ bản của phép biện chứng duy vật đã giúp sinh viên rèn luyện được cách nhìn toàn diện sự vật - hiện tượng, phân biệt tri thức đúng, sai; chỉ ra nguyên nhân cái sai, phát triển tri thức đúng đắn, biết tự học, tự nghiên cứu, giải thích sự biến đổi của thực tiễn và có thể đề xuất những giải pháp phù hợp với thực tiễn đặt ra.

 II. NỘI DUNG
1. Nội dung rèn luyện phương pháp luận biện chứng duy vật cho sinh viên thông qua giảng dạy nội dung cơ bản của phép biện chứng duy vật
Phương pháp luận là học thuyết về nhận thức khoa học và cải tạo thế giới bao gồm hệ thống các quan điểm chỉ đạo việc tìm kiếm, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương pháp cụ thể. Phương pháp luận biện chứng là phương pháp xem xét sự vật, hiện tượng trong sự ràng buộc lẫn nhau, trong sự vận động và phát triển không ngừng. Cho nên, để có được phương pháp luận biện chứng, khoa học trong hoạt động nhận thức và thực tiễn sinh viên cần rèn luyện năng lực tư duy thông qua nhiều học phần khác nhau, nhưng đối với việc rèn luyện phương pháp luận biện chứng duy vật chủ yếu được rèn luyện thông qua học phần Triết học Mác – Lênin mà nội dung cơ bản là phép biện chứng duy vật. Giảng dạy nội dung cơ bản của phép biện chứng duy vật gồm: Hai nguyên lý cơ bản; Các cặp phạm trù cơ bản; Các quy luật cơ bản; Lý luận nhận thức duy vật biện chứng. Từ những nội dung này, giúp sinh viên biết rút ra phương pháp luận để vận dụng trong học tập, lao động và cuộc sống của bản thân sinh viên. Việc rèn luyện phương pháp luận duy vật biện chứng cho sinh viên giúp sinh viên có phương pháp học tập, làm việc đúng đắn; khắc phục tình trạng học tủ, học vẹt mà hướng tới học hiểu, biết vận dụng, biết đánh giá và sáng tạo ra tri thức mới, loại bỏ tư duy siêu hình, cứng nhắc, bảo thủ, trì trệ, chủ quan, duy ý chí nên giảng viên trong quá trình giảng dạy cần tập trung chủ yếu vào các nội dung sau:

Thứ nhất, rèn luyện cho sinh viên có quan điểm toàn diện trong nhận thức và hoạt động thực tiễn thông qua việc giảng dạy nội dung Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến. Giảng dạy nguyên lý này giảng viên có thể lấy ví dụ về chuỗi cung ứng trong ngành Dệt May để giúp sinh viên nhận thức được mối liên hệ, quan hệ tương tác giữa tất cả các khâu của quá trình sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, đòi hỏi sinh viên nhận thức và xử lý các tình huống thực tiễn cần phải xem xét sự vật, hiện tượng, phải đặt nó trong mối liên hệ biện chứng qua lại giữa các bộ phận, giữa các yếu tố, các mặt của chính sự vật, hiện tượng và trong sự tác động qua lại giữa sự vật, hiện tượng đó với sự vật, hiện tượng khác nhằm rèn luyện cho sinh viên có thể nhận diện và phê phán quan điểm phiến diện, quan điểm chiết trung, ngụy biện.

Thứ hai, rèn luyện cho sinh viên có quan điểm lịch sử - cụ thể trong nhận thức và hoạt động thực tiễn thông qua giảng dạy hai nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật. Quan điểm lịch sử - cụ thể đòi hỏi sinh viên trong nhận thức và xử lý các tình huống, giải thích các hiện tượng cần phải xét đến tính đặc thù của đối tượng nhận thức. Ví dụ khi giảng dạy quan điểm lịch sử - cụ thể, giảng viên đưa ra tình huống: Hiện nay, xu hướng chất liệu vải đang được ứng dụng nhiều trong ngành thời trang là phải tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Tùy vào điều kiện thời tiết của từng địa phương mà người tiêu dùng có nhu cầu lựa chọn các sản phẩm riêng. Chẳng hạn ở các nước nhiệt đới, vải cần có thêm đặc tính tạo cảm giác mát mẻ khi mặc trong thời tiết nắng nóng và phải có công năng ngăn chặn tia UV từ ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, các nhà sản xuất còn ứng dụng công nghệ trong sản xuất vải để sản phẩm có thêm các tính năng khác như mau khô, chống nhăn,… để sinh viên thảo luận và tìm ra biện pháp để các nhà sản xuất vải có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường là nhờ phải chú ý điều kiện, hoàn cảnh lịch sử - cụ thể, môi trường cụ thể vì thế nâng cao được phương pháp luận duy vật biện chứng cho sinh viên trong tình huống cụ thể. 

Thứ ba, rèn luyện cho sinh viên có quan điểm phát triển trong nhận thức và thực tiễn thông qua giảng dạy Nguyên lý về sự phát triển. Giảng viên có thể đưa ra tình huống: Chúng ta phải nhìn tương lai như một chuỗi các gián đoạn và phải học cách vượt qua các gián đoạn đó. Trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang chi phối các hoạt động nói chung thì các doanh nghiệp dệt may cần có một dự định chiến lược - có một khát vọng được chia sẽ rộng rãi, có một mục tiêu rõ ràng và có một nổi ám ảnh về các chiến thắng trước đó – nó sẽ là nhiên liệu để chạy cổ máy hoạt động cho các doanh nghiệp. Với tình huống này giảng viên cần trang bị cho sinh viên không chỉ nắm bắt cái hiện đang tồn tại của sự vật, mà còn phải thấy rõ khuynh hướng phát triển trong tương lai của chúng; phải thấy được những biến đổi đi lên cũng như những biến đổi có tính chất thụt lùi, khuynh hướng chung là phát triển đi lên, tức phải thấy được tính quanh co, phức tạp của sự vật, hiện tượng trong quá trình phát triển của nó. Từ đó, giúp sinh viên nhận diện và phê phán quan điểm bảo thủ, trì trệ, định kiến trong nhận thức và hành động và tự rèn luyện phương pháp biện chứng của bản thân.

Thứ tư, rèn luyện phương pháp luận biện chứng qua giảng dạy phương pháp luận rút ra từ các cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật. Cho tình huống: Để đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng, nhà sản xuất vải phải phát triển các công nghệ dệt vải dựa theo tính vật lý và khoa học kỹ thuật. Các nhà khoa học đã thành công trong công nghệ tích hợp ánh nắng mặt trời vào sợi vải để tạo ra sự tỏa nhiệt, giữ ấm cho người mặc. Gần đây, các nhà sản xuất còn đưa được chất liệu bạc hà the mát vào vải nhằm làm mát cho người mặc, hay sử dụng hóa chất để tạo ra tính năng xua đuổi côn trùng cho vải… Giảng viên cần định hướng để sinh viên rèn luyện phương pháp luận biện chứng thông qua phạm trù cái riêng và phạm trù cái chung sinh viên cần tôn trọng tính đa dạng phong phú của cái riêng, đồng thời phải tôn trọng những nguyên tắc chung, tạo điều kiện để cái riêng và cái đơn nhất chuyển hóa đúng quy luật để thúc đẩy sự ra đời và phát triển của mới và sự tiêu diệt cái cũ, cái lỗi thời. Với phạm trù nội dung và phạm trù hình thức cần phát huy tính tích cực của hình thức đối với nội dung trên cơ sở tạo ra tính phù hợp của hình thức với nội dung; mặt khác cần thay đổi những hình thức không còn phù hợp với nội dung, cản trở sự phát triển của nội dung. Hoặc Phạm trù khả năng và phạm trù hiện thực sinh viên cần phân biệt khả năng với cái không khả năng; khả năng với hiện thực để tránh rơi vào ảo tưởng. Trong đời sống, để khả năng biến thành hiện thực cần phát huy tối đa tính năng động chủ quan trong việc nhận thức và thực tiễn để biến khả năng thành hiện thực theo mục đích của mình.

Thứ năm, rèn luyện phương pháp luận biện chứng qua giảng dạy những quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Ví dụ: Chiếc áo dài là niềm tự hào của dân tộc từ bao đời. Trải qua nhiều lần biến đổi mới, thành hình khá hoàn chỉnh, ổn định và được thừa nhận là trang phục truyền thống nhằm phù hợp mọi thời đại. Áo dài đã trở thành trang phục không thể thay thế trong các dịp trọng đại, các sự kiện, nghi thức có tính trang nghiêm, chính thống và chiếc áo dài ngày càng được thiết kế hiện đại mang lại xu hướng phát triển của thời đại. Thông qua ví dụ cụ thể này, với quy luật chuyển hoá từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại, người giảng viên cần rèn luyện cho sinh viên trong nhận thức và hành động phải biết đi từ những tích lũy về lượng để làm biến đổi về chất, cách thức tích lũy về lượng, phải có quyết tâm để tiến hành bước nhảy thông qua vận dụng linh hoạt các hình thức của bước nhảy. Đồng thời khắc phục hai tư tưởng trái ngược nhau là tư tưởng tả khuynh (nôn nóng, bất chấp quy luật, chủ quan duy ý chí) và tư tưởng hữu khuynh (bảo thủ, trì trệ) đối với việc vận dụng quy luật. Đối với quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, giảng viên cần rèn luyện cho sinh viên nhận thức đúng đắn bản chất của sự vật, hiện tượng và tìm ra phương hướng, giải pháp hiệu quả thì phải phát hiện ra mâu thuẫn của sự vật; phải xem xét sự vật trong thể thống nhất những mặt tương đồng, những khuynh hướng trái ngược nhau, tìm ra những mặt đối lập và những mối liên hệ, sự tác động qua lại lẫn nhau giữa các mặt đối lập đó; phải biết phân loại mâu thuẫn để đưa ra phương thức, phương tiện và lực lượng giải quyết mâu thuẫn để thúc đẩy sự vật phát triển. Đối với quy luật phủ định của phủ định, giảng viên cần rèn luyện cho sinh viên nhận thức đúng đắn về xu hướng phát triển của sự vật là đường “xoáy ốc”, hiểu rõ quá trình phát triển của sự vật không phải lúc nào cũng đi theo đường thẳng, mà nhiều khi diễn ra quanh co, phức tạp, bao gồm nhiều chu kỳ khác nhau và ở mỗi chu kỳ này, sự vật có những đặc điểm riêng biệt, nên phải có cách tác động phù hợp, phải biết ủng hộ cái mới, đồng thời kế thừa có chọn lọc những cái vốn có tinh hoa của cái cũ.

Thứ sáu, rèn luyện phương pháp biện chứng cho sinh viên thông qua giảng dạy nội dung Lý luận nhận thức duy vật biện chứng. Với nội dung này người giảng viên cần rèn luyện sinh viên nắm vững quan điểm thực tiễn, nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, phê phán chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa giáo điều. Chẳng hạn, với tình huống: Để kinh doanh một cơ sở Dệt may đòi hỏi người chủ quản lý cần phân tích, tổng hợp, khái quát các yếu tố của thị trường. Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của khách hàng về các sản phẩm may mặc để vạch ra chiến lược kinh doanh dài hoặc ngắn hạn. Đó là những tính toán cân nhắc để đưa ra các quyết định nhanh chóng, chính xác để các mã hàng kịp thời ra thị trường phục vụ khách hàng và hợp mùa vụ thu lợi nhuận cao. Giảng viên cần giảng giải để sinh viên hiểu được nhận thức là một quá trình, lặp đi lặp lại không có điểm dừng: từ thực tiễn tới nhận thức - từ nhận thức lại trở về thực tiễn - từ thực tiễn tiếp tục quá trình nhận thức, qua đó sinh viên phải nhận thức được chân lý là khách quan, phê phán chủ nghĩa tuyết đối và chủ nghĩa tương đối. Đồng thời, phương pháp luận biện chứng phải được xét trên lập trường duy vật, nên phải chú ý phần thế giới quan duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

2. Một số giải pháp nhằm rèn luyện phương pháp luận biện chứng duy vật cho sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội thông qua giảng dạy nội dung cơ bản của phép biện chứng duy vật.
Để rèn luyện phương pháp luận biện chứng duy vật cho sinh viên thông qua giảng dạy nội dung cơ bản của phép biện chứng duy vật cần tập trung một số giải pháp sau:

 Một là: Giảng viên phải nắm vững kiến thức và khi truyền đạt kiến thức phải chắt lọc, cô đọng, dễ hiểu. 
Kiến thức của triết học Mác-Lênin nói chung và nội dung cơ bản của phép biện chứng duy vật nói riêng rất trừu tượng, khó hiểu, sức nặng lý thuyết lớn, sinh viên thường xem đây là môn học khó-khô-khổ, nhàm chán, đối với sinh viên năm thứ nhất thì học phần này có thể xem là "gánh nặng", "lo sợ" khi các em vừa trải qua những năm học phổ thông. Vậy khi giảng viên giải thích nội dung của phép biện chứng duy vật thì phải tập trung làm rõ nội dung, nội hàm, những ý chính, cô đọng, khái quát để sinh viên hiểu được cơ bản nội dung đó. Khi kết thúc bài, giảng viên nên hệ thống hóa bài học bằng sơ đồ, cây kiến thức và nhấn mạnh, khắc sâu những kiến thức mà sinh viên phải nắm vững.
Ví dụ: Ở quy luật lượng, chất ở nội dung Ý nghĩa phương pháp luận giảng viên có thể sử dụng những câu ca dao, tục ngữ để liên hệ đến ý thức, nỗ lực, ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập và vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống của sinh viên để giúp sinh viên rèn luyện phương pháp duy vật:
* Kiến tha lâu cũng đầy tổ.
* Có công mài sắt có ngày nên kim.
* Đi một ngày đàng học một sàng khôn.
* Năng nhặt chặt bị.
* Cần cù bù thông minh.

Hai là: Trong giờ giảng người giảng viên nên giảm thuyết trình, diễn giải, tăng gợi mở, dẫn dắt, kích thích trí tuệ, suy nghĩ của sinh viên.
Trong quá trình giảng dạy giảng viên cần so sánh, phân tích lý luận, nêu vấn đề cho sinh viên giải quyết, sau đó kết luận. Giảng viên nêu tình huống: Sau khi ra trường chị Nguyễn Thảo Anh đã xin việc làm nhân viên kỹ thuật của phòng kỹ thuật tại công ty may mặc. Trong quá trình làm việc chị rất tích cực, được đánh giá cao. Trong cuộc họp tổng kết quý 3 của phòng, có nhiều ý kiến tranh luận, Chị Anh đã đưa ra sáng kiến cải tiến quy trình làm việc mới nhằm đem lại năng suất lao động cao. Tuy nhiên các đồng nghiệp của chị không đồng thuận vì cho rằng không cần thiết vì quy trình cũ vẫn đang hoạt động có hiệu quả. Trước các ý kiến của một số đồng nghiệp chị Anh đã xuôi theo, vì không muốn mất tình cảm với đồng nghiệp. Em hãy cho biết cách giải quyết và đồng nghiệp của chị Anh không tuân theo quy luật nào? Vì sao?

Để phát huy được tính năng động, tích cực trong hoạt động của sinh viên, thì giảng viên trong giảng dạy phải tế nhị, bình tĩnh khi đặt câu hỏi mà sinh viên chưa trả lời được thì chưa vội giải thích luôn mà phải gợi ý, vui vẻ, tạo không khí thân thiện, gần gũi, gợi ý cho sinh viên, khuyến khích sinh viên thể hiện ý kiến và có những lời khen, đánh giá phù hợp để khích lệ sinh viên có tính thần xây dựng bài trong những lần tiếp theo.

Ba là: Rèn luyện cho sinh viên các phương pháp biện chứng thông qua thực tiễn cách mạng
Ngoài việc trang bị tri thức đầy đủ về phương pháp luận của phép biện chứng duy vật cho sinh viên đó là quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử - cụ thể, quan điểm phát triển, quan điểm thực tiễn; ý nghĩa phương pháp luận được rút ra từ các cặp phạm trù, các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật thì giảng viên có thể đưa ra ví dụ hoặc yêu cầu sinh viên tự tìm hiểu để lấy ví dụ vận dụng.
Chẳng hạn: Anh (chị) có thể chỉ ra sự vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật qua câu nói của Hồ Chí Minh: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”; hoặc tìm những câu thơ, tục ngữ, ca dao, danh ngôn phản ánh tư tưởng triết học duy vật biện chứng. Ngoài ra có thể định hướng cho sinh viên lấy một ví dụ trong thực tiễn để làm rõ sự vận động, phát triển của sự vật chịu tác động đồng thời cả ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật như: Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp dệt may. Công ty may Thanh Hoa đã đầu tư nguồn vốn rất lớn để mua dây chuyền may móc tiên tiến hiện đại mới nhất của Mỹ thay thế toàn bộ công nghệ sản xuất cũ. Tuy nhiên, do công nhân trình độ kỹ thuật thấp, nên không sử dụng hiệu quả hiệu suất của dây chuyền máy móc mới này. Quyết định trên của giám đốc công ty đã vấp phải sai lầm do không tuân thủ quy luật nào? Nếu là em sẽ làm gì để có thể áp dụng được công nghệ mới hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất?

Bốn là: Định hướng cho sinh viên có ý thức tự vận dụng phương pháp luận biện chứng trong quá trình học tập, rèn luyện và trong cuộc sống.

Muốn rèn luyện được phương pháp luận biện chứng duy vật cho sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cần định hướng cho sinh viên tự ý thức vận dụng phương pháp luận biện trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn. Ví dụ: Vận dụng quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử - cụ thể trong quá trình học tập của bản thân. Trong quy luật phủ định của phủ định có thể định hướng cho sinh viên vận dụng tính kế thừa của phủ định biện chứng trong cuộc sống, học tập của sinh viên; Hoặc bản thân sinh viên cần kế thừa như thế nào về truyền thống văn hóa dân tộc đối với các sản phẩm may mặc mình tạo ra trong tương lai? Dựa vào phương pháp luận của cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả để rèn luyện đạo đức bản thân. Sinh viên phải nhận thức được bất cứ kết quả nào cũng có nguyên nhân của nó, từ đó sinh viên có ý thức làm việc thiện, tránh việc ác. Hướng dẫn để sinh viên biết vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật vào trong thực tiễn, cuộc sống thông qua những vấn đề cụ thể.

Năm là: Để kiểm tra được kết quả quá trình rèn luyện phương pháp luận biện chứng duy vật thì giảng viên cần kết hợp nhiều phương pháp kiểm tra, đánh giá khác nhau
Muốn biết kết quả rèn luyện phương pháp luận biện chứng duy vật thì trước tiên cần kiểm tra sự lĩnh hội kiến thức của sinh viên cũng như thái độ, kỹ năng trong học tập thì giảng viên phải giao bài tập về nhà. Có thể kiểm tra nội dung tự học, tự nghiên cứu thông qua các nhiệm vụ thảo luận nhóm, kiểm tra kiến thức bằng câu hỏi ngắn, bài tập trắc nghiệm, hay giải thích một hiện tượng nào đó trong cuộc sống. Ví dụ: Giải thích có hiện tượng học giỏi mà thi rớt đại học trên cơ sở lý luận phép biện chứng duy vật? Hoặc, hãy dựa vào quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử - cụ thể để phân tích nguyên nhân thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945?

Giảng viên phải chú trọng hướng dẫn sinh viên biết nghiên cứu khoa học dưới hình thức làm tiểu luận hoặc viết tham luận... Khi tham gia viết tiểu luận, giúp sinh viên nhận ra được học tập các môn lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân là giáo dục những vấn đề cơ bản nhất của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là khoa học, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, không máy móc, giáo điều, khô cứng mà gắn với chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng thời giúp sinh viên tránh cái tiêu cực, giả dối để từ đó biết hành động đúng đắn, tránh vấp phải những ý thức và hành động sai lầm. Chẳng hạn, khi sinh viên làm tiểu luận: "Ý thức và vai trò của nó trong hoạt động thực tiễn" ngoài việc làm bật vấn đề lý luận của ý thức, sinh viên phải làm bật được vai trò của ý thức trong hoạt động thực tiễn, ý thức chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người, giúp con người nhận biết được bản chất của sự vật, hiện tượng, từ đó đề ra phương pháp để cải tạo nó khoa học và hợp lý. Đồng thời sinh viên nhận thức được "ý thức" giúp con người luôn tu dưỡng, rèn luyện, vượt qua khó khăn để đi đến thành công.

III. KẾT LUẬN
Như vậy, trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, cùng với Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa Mác - Lênin đã được Đảng ta xác định là tư tưởng nền tảng, là cơ sở lý luận và kim chỉ nam cho mọi hành động. Thông qua việc giảng dạy nội dung cơ bản của chủ nghĩa duy vật sẽ rèn luyện phương pháp biện chứng duy vật cho sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và nâng cao năng lực tư duy biện chứng, giúp cho sinh viên giải quyết tốt các vấn đề trong cuộc sống, học tập; làm việc một cách khoa học, sáng tạo. Theo đó, việc rèn luyện phương pháp luận biện chứng duy vật cho sinh viên góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng cho thế hệ trẻ và nâng cao trình độ cho người lao động mới trong tương lai.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ Giáo dục và đào tạo (2014), Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội
[2] Bộ Giáo dục và đào tạo (2019), Giáo trình Triết học Mác- Lênin (Dùng cho khối ngành không chuyên), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội
 [3]  Đại học Quốc gia TPHCM, Trung tâm Lý luận Chính trị (2014), Sức sống của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay, NXB, Chính trị quốc gia, Hà Nội.

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 196 Tổng truy cập: 33.387.435