Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

NÂNG CAO TÍNH THỰC TIỄN VÀ LÝ LUẬN TRONG VIỆC GIẢNG DẠY HỌC PHẦN TRIẾT HỌC MÁC – LÊNIN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI

Ngày đăng: 02:44 - 25/06/2021 Lượt xem: 9.556
                                                                                                Ths. Đặng Thị Nga
                                                       Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
  1. MỞ ĐẦU
          Lý luận và thực tiễn có quan hệ biện chứng với nhau. Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức của loài người. Lênin đã chỉ rõ: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không có phong trào cách mạng” [8,T30,31]. Lý luận là “kim chỉ nam” cho hành động, soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo thực tiễn. Lý luận khi đã thâm nhập vào quần chúng thì biến thành sức mạnh vật chất. Ngược lại: Thực tiễn là cơ sở, động lực của lý luận. Thực tiễn còn vạch ra tiêu chuẩn cho lý luận. Thông qua hoạt động thực tiễn, lý luận mới được vật chất hóa, hiện thực hóa, mới có sức mạnh cải tạo thế giới khách quan.

          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến vấn đề lý luận, Người cho rằng: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” [4, T274]. Hay “Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[5,T 273-274].
          Thấm nhuần quan điểm đó giảng viên trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội luôn chú trọng đến việc kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong từng bài học trên giảng đường. Bởi thế giới khách quan luôn vận động, biến đổi không ngừng nên việc giảng dạy bất kỳ môn học nào cũng cần phải tuân theo nguyên tắc “lý luận gắn liền với thực tiễn”. Có như vậy mới góp phần đắc lực vào việc làm sáng tỏ, chứng minh cho lý thuyết khoa học của các bộ môn.Trong thời gian qua, việc học tập học phần Triết học Mác – Lênin trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về thế giới quan, nhân sinh quan, những hiểu biết về quy luật phát triển xã hội, đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, để từ đó để vạch ra cho mình tư tưởng, lối sống, hoài bão, nguyện vọng, những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức để gạt bỏ cái cũ, lạc hậu, tiếp thu có chọn lọc cái mới.
Tuy nhiên, thực tế rất đa dạng và phong phú, đòi hỏi khi giảng dạy người giảng viên phải lựa chọn sao cho sát với nội dung bài giảng và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, trình độ hiểu biết, nhận thức và tư duy của người học. Việc đảm bảo cho bài giảng gắn với thực tế giảng viên cần phân tích các tình huống trong cuộc sống và lấy ví dụ gắn với ngành nghề của sinh viên đề bài giảng trở nên sinh động và hấp dẫn qua đó định hướng tư tưởng, niềm tin cho sinh viên. Bên cạnh đó người giảng viên vừa phải truyền thụ tri thức cho người học một cách có trình tự, lôgic, hệ thống; mặt khác thông qua tri thức môn học, giảng viên giúp sinh viên củng cố được niềm tin, giá trị sống góp phần phát triển con người toàn diện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Trước yêu cầu đó việc nâng cao tính thực tiễn gắn với lý luận trong việc giảng dạy học phần Triết học Mác-Lênin là hết sức cần thiết.
  1. NỘI DUNG
2.1. Cơ sở lý luận
          Ngay từ thời cổ đại, vấn đề mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn đã được đề cập. Tuy nhiên, chỉ đến khi chủ nghĩa Mác - Lênin mới đưa ra quan niệm thực sự khoa học về mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn. Những cống hiến vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin cả về lý luận và thực tiễn đã góp phần làm cho hệ thống lý luận của Mác, Ăngghen ngày càng hoàn chỉnh. Chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ giải thích về mặt lý luận, mà còn vạch ra con đường, những phương tiện cải tạo thế giới bằng thực tiễn trên cơ sở lý luận. Đó là mối liên hệ hữu cơ, biện chứng giữa lý luận cách mạng và thực tiễn cách mạng.
Quan niệm về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn chiếm một vị trí quan trọng trong lý luận nhận thức của chủ nghĩa Mác – Lênin, và trong mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, thì thực tiễn là cái luôn giữ vai trò quyết định; còn lý luận có tính độc lập tương đối của nó. Điều này có nghĩa là: Sự hình thành và phát triển của lý luận một mặt, bị quy định bởi thực tiễn lịch sử xã hội, mặt khác lại phụ thuộc vào sự tác động của các yếu tố bên trong của nó.
Như vậy, sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn còn có sự tác động qua lại và bổ trợ cho nhau. Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn còn được hiểu theo cách phù hợp và tương thích cũng như tính điều kiện cần và đủ. Tuy nhiên, sự phù hợp giữa lý luận và thực tiễn lại mang tính chất vận động, phát triển liên tục tương hỗ, bảo trợ giữa thực tiễn và lý luận.
Theo quan điểm triết học Mác - Lênin, thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải biến tự nhiên và xã hội. Hoạt động thực tiễn rất phong phú. Song có thể khái quát các hoạt động này thành 3 lĩnh vực: hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị - xã hội, hoạt động thực nghiệm khoa học; và có thể chia hoạt động thực tiễn thành các cấp độ khác nhau.
Hồ Chí Minh còn đề ra những yêu cầu cụ thể khi học tập chủ nghĩa Mác -Lênin là “phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta” [6, T95]; “Học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế … Học để mà làm” [7, T96]. Quán triệt chỉ dẫn “lý luận gắn liền với thực tiễn” và những yêu cầu của Người trong dạy và học lý luận chính trị, để không rơi vào “lý luận suông”, bài giảng lý luận chính trị phải có tính thực tiễn, phải luôn liên hệ với thực tiễn sinh động.
2.2. Thực trạng về việc nâng cao tính thực tiễn của lý luận trong việc giảng dạy học phần Triết học Mác-Lênin
          Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là yêu cầu quan trọng trong giảng dạy đại học, đặc biệt là giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin. Vì vậy, nâng cao tính thực tiễn của lý luận là linh hồn, xương sống cho sự thành công, cho việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu học phần Triết học Mác – Lênin tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
          Trong những năm qua, công tác giảng dạy, học tập học phần Triết học Mác – Lênin ở trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã đạt được thành tựu nhất định. Đã có đề tài nghiên cứu về đổi mới phương pháp giảng dạy để tăng tính hiệu quả của học phần, gắn ví dụ thực tiễn ngành nghề để sinh viên có sự vận dụng lý luận khoa học của học phần vào chính ngành nghề của mình, giúp sinh viên giải quyết các vấn đề trong cuộc sống đúng đắn.Thông qua đề tài nghiên cứu của mình giảng viên đã xây dựng Bộ bài tập tình huống vận dụng trong từng ngành học của sinh viên. Tuy nhiên, việc gắn lý luận với thực tiễn của học phần này còn có mặt hạn chế, làm cho tính thiết thực của lý luận bị giới hạn, tính trừu tượng ngày càng cao, người học khó tiếp thu và vận dụng còn lúng túng trong tình huống thực tế cuộc sống. Một phần, do đặc thù của học phần mang nặng tính hàn lâm như những nguyên lý, các cặp phạm trù, quy luật..., để hiểu được buộc người học phải am hiểu kiến thức xã hội và có cái nhìn biện chứng. Phần khác, do sinh viên tuổi đời còn trẻ nên việc vận dụng lý luận vào thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp còn hạn chế, từ đó chưa thấy được vai trò của học phần Triết học Mác – Lênin gắn với ngành nghề mà các sinh viên đang theo học.
          Trong khi đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên đôi lúc còn chưa được cao, nặng về giáo điều sách vở, lý luận chưa gắn với thực tiễn, việc truyền tải lý luận khô khan, thụ động nên chưa phát huy được hết khả năng tư duy độc lập sáng tạo của người học. Vì thế nhiều sinh viên đến với học phần Triết học Mác – Lênin chỉ để qua môn, còn bản chất của vấn đề thì hầu như không hiểu hoặc không cần hiểu. Đây là một thực tế đáng quan tâm trong công tác giảng dạy, học tập học phần Triết học Mác – Lênin tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
2.3. Giải pháp nâng cao hiểu quả gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy học phần Triết học Mác – Lênin tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
          Để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn trong phần Triết học Mác - Lênin, nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường trong thời gian tới, theo tôi cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp sau:
Thứ nhất: Giảng viên phải nắm vững kiến thức lý luận trong bài giảng
Giảng viên phải nắm vững các kiến thức lý luận của từng mục lớn, nhỏ, từng bài và toàn bộ nội dung mà mình đảm nhiệm. Nắm vững lý luận giúp giảng viên chọn phần lý luận của mỗi bài để gắn với thực tiễn; đồng thời cần lựa chọn loại kiến thức thực tiễn nào, ở mức độ nào cho phù hợp. Không phải bất kỳ lý luận nào của bài giảng cũng cần gắn với thực tiễn, mà giảng viên phải biết lựa chọn những vấn đề lý luận quan trọng, khó hiểu, cần thiết phải làm sáng tỏ để lấy ví dụ minh họa làm cho lý luận trở nên dễ hiểu và có sức thuyết phục sinh viên(.)
Thứ hai: Giảng viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức thực tiễn
     Để có được một hình ảnh thực tiễn hấp dẫn, sinh động, mang tính thời sự, tính chính xác cao, phù hợp với lý luận trong bài giảng thì người giảng viên không chỉ nắm chắc lý luận, mà cần phải có vốn kiến thức thực tiễn phong phú. Cần tìm đọc, nghiên cứu, nắm bắt các thông tin mới qua sách báo, tạp chí, mạng Internet và các phương tiện thông tin đại chúng để cập nhật thường xuyên, kịp thời những tri thức cũng như diễn biến thời sự trong nước và thế giới. Đồng thời, phải tích cực nghiên cứu các tài liệu chính thống nhất là tác phẩm kinh điển, các văn kiện Hội nghị, Đại hội Đảng... đây là dạng thực tiễn có độ tin cậy chính xác cao, vừa có tính cụ thể, vừa có tính khái quát.
Thứ ba: Giảng viên cần hiểu đúng, rõ các nội dung kiến thức thực tiễn để đưa các nội dung đó vào bài giảng hợp lý
Đời sống thực tiễn luôn phong phú sinh động, nhưng không phải yếu tố thực tiễn nào cũng đưa vào bài giảng, mà tùy theo nội dung lý luận để lựa chọn nội dung, cấp độ thực tiễn cho phù hợp. Khi đưa các yếu tố thực tiễn vào liên hệ, chứng minh cần sát và phù hợp với những vấn đề lý luận, mỗi yếu tố thực tiễn đưa ra, giảng viên cần phải có sự phân tích, chú giải để người học thấy được thực tiễn liên hệ có phù hợp với lí luận hay không, mang ý nghĩa tiêu cực hay tích cực, các yếu tố thực tiễn gắn với vấn đề lý luận nào. Vì vậy, cần phải hiểu đúng, rõ các nội dung kiến thức thực tiễn và đưa các yếu tố thực tiễn vào bài giảng ở. Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin một cách phù hợp thì mới đạt được kết quả cao.
Thứ tư: Giảng viên cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện tốt các phương pháp giảng dạy tích cực
 Học phần Triết học Mác - Lênin có đặc thù là mang tính trừu tượng và khái quát cao, luôn phải gắn liền với thực tiễn cuộc sống, cho nên để gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy cần phải chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Giảng viên phải biết kết hợp linh hoạt các phương trong giảng dạy. Tùy từng vấn đề, từng nguyên lý, luận điểm ở từng chương cụ thể mà sử dụng các phương pháp khác nhau. Cần kết hợp phương pháp thuyết trình với các phương pháp dạy học tích cực như phương pháp hỏi - đáp, tình huống, thảo luận nhóm… khắc phục lối dạy truyền thống thông báo thông tin một chiều, nặng về lý thuyết, không phát huy được tính tích cực sáng tạo của người học. Phương pháp giảng dạy nào cũng có điểm mạnh riêng, nếu giảng viên vận dụng linh hoạt, hợp lý các phương pháp đó phù hợp với nội dung cụ thể của bài giảng và đối tượng học viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng bài giảng.
     Bên cạnh đó, cần kết hợp sử dụng các phương tiện hỗ trợ, nhất là sử dụng Powerpoint, Video, hình ảnh minh họa phù hợp với nội dung bài giảng gắn với bộ bài tập tình huống giúp sinh viên viên dễ hiểu, dễ nhớ, nắm bắt được những thông tin thiết thực, sống động, tạo nên sự hứng thú cho người học.
Thứ năm: Giảng viên cần thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế
          Để nâng cao chất lượng giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn thì một trong những giải pháp không thể thiếu đó chính là giảng viên phải thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động mang tính khái quát hoá cao, đòi hỏi người nghiên cứu phải có khả năng tổng kết thực tiễn. Bằng việc nghiên cứu khoa học, người giảng viên không chỉ nắm chắc các tri thức khoa học, nhất là tri thức chuyên môn đã được thể hiện ở trình độ nhận thức lý luận mà còn ở khả năng tiếp cận thực tiễn, cách thức giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Thứ sáu, giảng viên phải nắm chắc đối tượng sinh viên
Trong quá trình đào tạo của trường có nhiều ngành nghề khác nhau, hệ cũng khác nhau, nên mỗi đối tượng có nội dung, phương pháp và cách thức giảng dạy khác nhau. Mặt khác, cùng một nội dung bài học nhưng áp dụng cho các đối tượng ngành nghề khác nhau sẽ có phương pháp khác nhau và ví vụ tình huống thực tiễn cũng là khác nhau. Vì thế nắm chắc đối tượng sẽ giúp giảng viên lựa chọn kiến thức thực tiễn cho phù hợp với từng nội dung giảng dạy.
  1. KẾT LUẬN
          Từ sự trình bày trên có thể thấy, để có tính thực tiễn của bài giảng lý luận một cách phù hợp là một đòi hỏi tất yếu đối với giảng viên. Đối với người giảng viên giảng dạy học phần Triết học Mác - Lênin phải nắm đầy đủ, sâu rộng nội dung mà mình đảm nhiệm giảng dạy, để từ đó có sự lựa chọn đúng, vận dụng có hiệu quả giữa lý luận và thực tiễn. Đội ngũ giảng viên chủ thể trực tiếp của quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học của nhà trường. Vì thế, chất lượng hiệu quả của việc gắn giữa lý luận với thực tiễn trong quá trình giảng dạy phụ thuộc rất lớn vào vai trò đội ngũ giảng viên. Ngoài ra, giảng viên đồng thời phải thường xuyên trau dồi kiến thức, không ngừng nghiên cứu thực tế, tìm hiểu các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để bổ sung kinh nghiệm, vốn sống cho bản thân trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu.
          TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.
[2] Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị số 23-KL/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Hà Nội.
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr 274.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr 283-274.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr 95.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr 96.
[8] V.I. Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, tr.30, 32.     
* Tài liệu tham khảo Internet:
https://www.tapchicongsan.org.vn/
http://philosophy.vass.gov.vn/Pages/home.aspx
 
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 195 Tổng truy cập: 32.838.118