Trang chủ

DẠY HỌC TRỰC TUYẾN Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Ngày đăng: 02:52 - 26/05/2023 Lượt xem: 485

TS. TRẦN THỊ HOA THƠM

Khoa Kinh tế Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
 
Tóm tắt:
Đại dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ đến mọi mặt trong đời sống xã hội, trong đó có hoạt động đào tạo đại học. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức dạy học trực tuyến của các trường đại học và toàn ngành giáo dục được coi là lựa chọn tối ưu nhất vừa đảm bảo an toàn vừa duy trì việc học. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm mà dạy học trực tuyến mang lại thì  hình thức dạy học này cũng đặt ra không ít thách thức đòi hỏi các trường đại học đang phải nỗ lực khắc phục, vượt qua để đảm bảo chất lượng đào tạo. Bài viết phân tích đánh giá thực trạng dạy học trực tuyến của trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến trong thời gian tới.
Từ khóa: Covid-19, trực tuyến, bối cảnh mới, dạy học trực tuyến.
 
1. Đặt vấn đề
Dạy học trực tuyến là hình thức giảng dạy và học tập ở các lớp học trên Internet. Người dạy và người học sẽ sử dụng phần mềm nền tảng học trực tuyến, ứng dụng truyền âm thanh, hình ảnh và các thiết bị thông minh (laptop, smartphone, máy tính bảng,...). Các bài giảng, tài liệu (dưới dạng văn bản, hình ảnh, video…) được đưa lên các nền tảng và người dùng có thể dễ dàng truy cập và học mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó còn có các khóa học cùng thời gian thực có sự tham gia và tương tác giữa người dạy và người học.

Hình thức dạy học trực tuyến được coi là giải pháp tình thế tối ưu để ứng phó với tình hình dịch bệnh covid-19 kéo dài, nhằm đảm bảo việc dạy và học không bị gián đoạn. Việc dạy học trực tuyến của các trường đại học nói chung và trường đại học Công nghiệp nới riêng giai đoạn đầu gặp không ít khó khăn, do chưa có cách thức tổ chức phù hợp, sinh viên chưa thật sự quen với hình thực học tập này. Tuy nhiên, trải qua giai đoạn khó khăn ban đầu, các trường đại học đã nỗ lực từng bước nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đầu tư tối đa các hệ thống moodle, tập huấn cải tiến phương pháp giảng dạy, các tài liệu thư viện điện tử được cập nhật liên tục, để có thể tác động đến ý thức học tập, tạo điều kiện cho sinh viên trong quá trình tiếp cận các vấn đề, chủ động tìm tòi kiến thức, tăng sự hứng thú say mê khám phá tri thức khoa học,... Vì vậy đã ngày càng đáp ứng mục tiêu đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến. Theo khảo sát của Tổ chức

Mạng lưới giáo dục châu Á - Thái Bình Dương (APQN): “Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, tỷ lệ sinh viên không hài lòng khi tham gia học tập theo hình thức trực tuyến chiếm tỷ lệ rất cao đến 68%, cũng với kết quả khảo sát của tổ chức này vào tháng 7/2020, tỷ lệ không hài lòng giảm một nửa, chiếm khoảng 34%” [8]. Điều đó cho thấy, đào tạo trực tuyến có sự dịch chuyển theo chiều hướng tích cực, các tổ chức giáo dục đã bắt đầu tập trung nguồn lực để có cải tiến cho chất lượng đào tạo tạo trực tuyến đạt hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế những hạn chế của hình thức đào tạo trực tuyến vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở cần tiếp tục có những giải pháp thích ứng phù hợp.


Nghiên cứu này xem xét thực trạng dạy học trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 của trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, chỉ ra những hạn chế và gợi mở một vài giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động dạy học trực tuyến như một nội dung cơ bản để nâng cao chất lượng đào tạo của trường.
Để giải quyết vấn đề nghiên cứu, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích nguồn dữ liệu thứ cấp, từ đó đánh giá thực trạng vấn đề và đưa ra giải pháp tương ứng.

2. Thực trạng dạy học trực tuyến ở trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Tại trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, ngay từ khi đại dịch covid diễn ra, lãnh đạo nhà trường đã kịp thời ra thông báo tổ chức dạy - học trực tuyến đối với các học phần lý thuyết cho toàn thể giảng viên và sinh viên của nhà trường, trong đó có một số quy định tạm thời về quy trình tổ chức lớp học trực tuyến, về thực hiện giảng dạy trực tuyến đối với giảng viên và học tập trực tuyến đối với sinh viên [7] và nhanh chóng triển khai hình thức dạy và học trực tuyến nhằm đảm bảo tiến độ chương trình học. Để đảm bảo nâng cao trình độ sử dụng công nghệ, nhà trường đã tổ chức tập huấn sử dụng zalo/zavi, MS Teams; Google class room cho toàn thể giảng viên của trường; ban hành quy định về giảng dạy và đánh giá kết quả học tập trực tuyến. Việc đào tạo trực tuyến được thực hiện qua các công cụ dạy học trực tuyến theo thời gian thực (Microsoft Teams, Zoom, Google Meet).  Hiện nay trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội cũng như hầu hết các trường đại học khác đều áp dụng mô hình DHTT được mô tả như hình 1.
 

Hình 1: Mô hình DHTT của trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Nguồn: Tác giả
Lịch học trực tuyến được thông báo trước cho giảng viên và sinh viên vào đầu mỗi học kỳ. Định kỳ trường lập kế hoạch giảng dạy để phân công, bố trí giảng viên. Với mỗi lớp học phần, trường đã lên kế hoạch các hoạt động giảng dạy gắn với các học liệu, tài nguyên sử dụng trong quá trình giảng dạy. Công tác lập kế hoạch giảng dạy nhìn chung của trường đã thực hiện đáp ứng với đặc điểm của dạy học trực tuyến và phù hợp với việc học từ xa của sinh viên. Kế hoạch học tập của sinh viên được trường xây dựng căn cứ vào chương trình đào tạo và đảm bảo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được công khai cho giảng viên và sinh viên biết rất sớm. Trường cũng đã chú trọng dịch vụ hỗ trợ sinh viên đã tư vấn cho sinh viên đăng ký kế hoạch học tập phù hợp với khả năng và điều kiện thời gian và lập kế hoạch học tập cho từng sinh viên. Giảng viên sẽ lên lớp tại trường hoặc tại nhà theo lịch để trình bày bài giảng. Sinh viên vào lớp trực tuyến ở mọi nơi có internet để theo dõi bài giảng, đặt câu hỏi với giảng viên và nhận được câu trả lời ngay sau đó. Giảng viên có thể cung cấp thêm tài liệu, giao bài tập cho sinh viên làm nộp tại buổi học trực tuyến hoặc sau thời gian do giảng viên quy định. Việc chỉ đạo, giám sát quá trình hoạt động dạy học trực tuyến nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả cũng được thực hiện một cách thường xuyên và chặt chẽ như dạy học truyền thống. Cuối học kỳ, tất cả sinh viên đủ điều kiện sẽ tập trung dự thi online hoặc sẽ được bố trí làm bài tập lớn, tiểu luận. Đối với một số môn thực hành không thể  học  trực tuyến, nhà trường đã linh hoạt thực hiện bố trí học sau khi có điều kiện thuận lợi và bố trí các học phần lý thuyết kế cận để thay thế học trước.
Để đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên, định kỳ trước khi kết thúc mỗi học kỳ khoảng 1-1,5 tháng, trung tâm đảm bảo chất lượng đều tiến hành khảo sát lấy ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Nội dung khảo sát được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thiết kế thành phiếu khảo sát bao gồm 04 nhóm tiêu chuẩn:

+ Tiêu chuẩn 1. Công tác chuẩn bị giảng dạy, nội dung, học liệu và phương pháp giảng dạy của giảng viên

+ Tiêu chuẩn 2. Trách nhiệm, sự nhiệt tình của giảng viên đối với người học

+ Tiêu chuẩn 3. Kiểm tra đánh giá kết quả học tập

+ Tiêu chuẩn 4. Tác phong sư phạm của giảng viên
Về thang điểm khảo sát và xếp loại: Các tiêu chí được thiết kế theo 05 cấp độ của thang đo Likert, khung xếp loại các tiêu chí theo dải điểm trung bình (Bảng 1)

Bảng 1: Khung xếp loại các tiêu chí theo dải điểm trung bình
Điểm Mức đánh giá nhận xét
1->1.8 Rất không hài lòng về hoạt động giảng dạy của giảng viên, phải có giải pháp khắc phục ngay
1.81->2.6 Không hài lòng về hoạt động giảng dạy của giảng viên, phải điều chỉnh để đáp ứng được yêu cầu
2.61->3.4 Tạm chấp nhận chất lượng hoạt động giảng dạy của giảng viên, cần khắc phục ngay các hạn chế và hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng tốt yêu cầu của tiêu chí
3.41->4.2 Hài lòng về hoạt động giảng dạy của giảng viên, cần tiếp tục khắc phục những hạn chế và phát huy những điểm mạnh
4.21->5 Rất hài lòng về hoạt động giảng dạy của giảng viên, cần tiếp tục duy trì và phổ biến điểm mạnh.

Nguồn: Trung tâm đảm bảo chất lượng - Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Theo Kết quả khảo sát cho thấy, các chỉ số về hoạt động giảng dạy của giảng viên từ  năm học 2018-2019 đến 2020 -2021 là tương đối ổn định và đều được đánh giá ở cấp độ 4 (theo thang đo Likert) trở lên (xem hình 2). Đa số sinh viên hài lòng về hoạt động giảng dạy của giảng viên.
Hình 2: Kết quả khảo sát hoạt động giảng dạy của giảng viên trường ĐHCNDMHN

Nguồn: Trung tâm đảm bảo chất lượng - Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Kết quả khảo sát được  cũng cho thấy, các chỉ số về hoạt động giảng dạy của giảng viên trong học kỳ 2 năm  học 2019 - 2020 có sự sụt giảm so với các kỳ trước đó. Đây là nguyên nhân khách quan ảnh hưởng bởi  yếu tố dịch bệnh Covid xảy ra bất ngờ, nhà trường cũng như các thầy cô gặp nhiều khó khăn khi trong một thời gian ngắn phải thay đổi hình thức giảng dạy trực tuyến.  Năm học 2020 -2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phúc tạp, nhà trường vẫn duy trì hình thức giảng dạy online, song với sự quyết tâm đồng sức, đồng lòng của ban lãnh đạo nhà trường cũng như toàn thể các thầy cô nên chất lượng giảng dạy không những được đảm bảo mà ngày càng có xu hướng được nâng cao, thể hiện ở các chỉ số về hoạt động giảng dạy của giảng viên cả hai học kỳ năm học 2020-2021 đều tăng và đạt ở cấp độ 4.3 trở lên (theo thang đo likert). Đa số sinh viên đều rất hài lòng về hoạt động giảng dạy của giảng viên.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, thực trạng việc dạy học trực tuyến ở trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội còn nhiều bất cập, đó là:

Chưa có hệ thống phần mềm công nghệ thống nhất toàn trường để dạy học trực tuyến
Ngay từ trước khi tổ chức dạy học trực tuyến, nhà trường đã triển khai tập huấn cho giảng viên nhiều phần mềm, ứng dụng được sử dụng cho việc học trực tuyến. Tuy nhiên, đang mới dừng lại đúng tính chất là “meeting” để ứng dụng cho lớp học ảo. Những công cụ còn rời rạc để hỗ trợ những hoạt động khác nhau của quá trình dạy học, chứ chưa đúng nghĩa là hệ thống công nghệ để dạy học trực tuyến.  Bên cạnh đó, nhà trường không thực hiện đăng ký một phần mềm giảng dạy trực tuyến cho toàn trường mà yêu cầu giảng viên tự đăng ký phần mềm giảng dạy, tự lập tài khoản riêng của lớp mình giảng dạy và gửi lại cho trường. Cách làm này thể hiện sự không chuyên nghiệp và không đồng bộ trong giảng dạy cũng như học tập, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của giảng viên cũng như chất lượng học tập của sinh viên.  Theo thống kê, hầu hết các ứng dụng dạy học trực tuyến được các giảng viên của trường sử dụng hiện nay là phần mềm Zoom, Microsoft Teams, Google Meet, Zavi… Các phần mềm này tuy được miễn phí, dễ sử dụng, song chủ yếu tập trung miễn phí cho lớp học trực tuyến để có thể giao lưu giữa người dạy và người học; chứ không có chức năng tổng thể quản lý hệ thống và cũng không có chức năng dữ liệu và đánh giá, tương tác, không có phần kiểm soát dạy và học. Vì vậy, về lâu dài, để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, đưa việc học trực tuyến chất lượng có thể thay thế học trực tiếp thì nhà trường cần có ứng dụng bài bản có kiểm soát chất lượng dạy - học và quản lý trên quy mô toàn trường.

Thiết kế bài giảng và thời gian học trực tuyến chưa tạo được sự khác biệt so với học trực tiếp.
Phần mềm dạy học trực tuyến hiện nay chủ yếu chỉ dựa vào nền tảng của Hội nghị trực tuyến (nền tảng “meeting”) chỉ phù hợp với việc gặp nhau để thảo luận là chính, chứ không phải để nghe giảng một chiều. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết bài giảng trên lớp học trực tuyến đều được bê nguyên từ bài giảng thiết kế cho lớp học trực tiếp. Thiết kế bài giảng còn nặng nề về lý thuyết và thuyết trình. Điều này dẫn đến việc sinh viên phải làm việc khoảng 6 tiếng mỗi ngày trên máy tính và về lâu dài rất ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm sự chú ý của người học trong học tập.

Hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ dạy học trực tuyến (đường truyền, máy tính,...) chưa đáp ứng yêu cầu
Hầu hết sinh viên của trường đều ở vùng nông thôn, các điều kiện tiếp nhận máy móc, công nghệ thông tin còn khó khăn, việc cung cấp hạ tầng mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ Internet ở một số địa phương còn yếu, nhất là vùng sâu vùng xa. Những địa phương kết nối được Internet thì chất lượng đường truyền cũng hạn chế nên việc truy cập, phục vụ việc dạy và học trực tuyến còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, với học trực tuyến, người dạy và người học không ở cùng một nơi mà có thể ở bất cứ nơi đâu, từ nơi yên tĩnh tới nơi có mưa rơi, nóng bức, nhiều tiếng ồn.
 
3. Kết luận và giải pháp
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, tuy nhiên, phân tích khách quan có thể thấy rằng, mặc dù việc dạy học trực tuyến sẽ còn rất nhiều khó khăn trong thời gian tới đây, song dường như không còn hình thức nào tối ưu hơn để thay thế việc dạy và học trực tuyến. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, nhà trường cần một kế hoạch, lên phương án dạy và học trực tuyến như thế nào để đảm bảo chất lượng đào tạo. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra cho nhà trường khi bước vào học kỳ tới của năm học này khi mà dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng. Từ những phân tích ở trên, để đảm bảo chất lượng chất lượng đào tạo, cần thực hiện giải pháp sau:
Thứ nhất, đầu tư hệ thống học tập trực tuyến thống nhất đồng bộ trong toàn trường. Bởi nếu trường phó thác cho các giảng viên làm lẻ tẻ, không có sự thông suốt với nhau thì việc giảng dạy, đánh giá sẽ không thể chuẩn hóa.
           
Thứ hai, tổ chức rà soát, hoàn thiện ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến; xây dựng hệ thống bài giảng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phù hợp với dạy học trực tuyến bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Tổ chức xây dựng các video bài giảng để tổ chức dạy học theo chương trình các môn học; bảo đảm theo từng bài học, môn học, lớp học được phổ biến đến các đối tượng người học. Hướng dẫn sinh viên tham gia học tập các bài học trên trang web phù hợp với kế hoạch đào tạo của nhà trường. 

           
Thứ ba, Tiếp tục
tổ chức bồi dưỡng kỹ năng dạy học trực tuyến, quản lý dạy học trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp sư phạm cho giảng viên; kỹ năng học tập trực tuyến cho sinh viên; xây dựng chế độ thù lao hợp lý cho đội ngũ tham gia chương trình dạy học trực tuyến.
 
Xây dựng chế độ thù lao hợp lý cho giảng viên làm việc trên môi trường trực tuyến; lập kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực biên soạn bài giảng điện tử E-Leaning, kỹ năng dạy học qua mạng cho giảng viên dạy học trực tuyến là một trong những giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng giảng dạy. Cần phải tích cực nâng cao khả năng ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông, (ICT - Information & Communication Technology), kỹ năng sử dụng thành thạo hệ thống quản lý học tập qua mạng và các phương tiện CNTT cho giảng viên trong môi trường dạy học trực tuyến. Nhà trường cũng phải tăng cường phát triển cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện các hoạt động dạy học trực tuyến như: trường quay (studio), hệ thống phần mềm quản lý học tập, hệ thống lớp học ảo, hệ thống diễn đàn... Các công cụ này cần phải liên tục được nâng cấp và phát triển các chức năng, tiện ích mới nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của giảng viên và sinh viên.

Thứ tư, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy học trực tuyến, tạo môi trường thuận lợi và tâm lý thoải mái cho cả  người dạy và người học.
Để việc học tập theo hình thức này đạt hiệu quả như mong muốn, bên cạnh các yếu tố liên quan đến kỹ thuật như trang thiết bị, hệ thống phần mềm phù hợp thì sự phối hợp được xem là một trong những yếu tố quan trọng được đặt ra trong việc triển khai dạy và học trực tuyến. Trong đó, nhấn mạnh sự phối hợp giữa ba thành phần là: nhà trường, giảng viên và sinh viên. trong dạy học trực tuyến, nhà trường cần chuẩn bị tốt về tâm lý, thái độ và kỹ năng dạy học trực tuyến, tạo năng lượng tích cực cho cả người dạy và người học. Nếu như trước đây dạy trực tiếp yêu cầu sinh viên được 10 phần thì với dạy trực tuyến chỉ cần  đáp ứng 7 phần, còn 3 phần còn lại  dành cho sinh viên chăm sóc tinh thần của họ. Bên cạnh đó, giảng viên  cũng cần tăng cường phương tiện nghe nhìn, video, hình ảnh bài hát,... để kích thích năng lượng học tập của học sinh, tránh sự nhàm chán trong dạy và học. Về phía nhà trường thay vì dự giờ thường xuyên quá nhiều thì nên động viên khích lệ giảng viên thực hiện tốt các quy định giảng dạy trực tuyến, tránh gây áp lực căng thẳng không đáng có cho giảng viên, làm ảnh hưởng không tốt đến tâm lý giảng viên, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo./.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Báo cáo “Tổng hợp kết quả khảo sát, lấy ý kiến sinh viên đại học về hoạt động giảng dạy của giảng viên học kỳ 1, năm học 2018 - 2019”, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, 2019.
[2] Báo cáo “Tổng hợp kết quả khảo sát, lấy ý kiến sinh viên đại học về hoạt động giảng dạy của giảng viên học kỳ 2, năm học 2018 - 2019”, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, 2019.
[3] Báo cáo “Tổng hợp kết quả khảo sát, lấy ý kiến sinh viên đại học về hoạt động giảng dạy của giảng viên học kỳ 1, năm học 2019 - 2020”, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, 2020
[4] Báo cáo “Tổng hợp kết quả khảo sát, lấy ý kiến sinh viên đại học về hoạt động giảng dạy của giảng viên học kỳ 2, năm học 2019 - 2020”, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, 2020
[5] Báo cáo “Tổng hợp kết quả khảo sát, lấy ý kiến sinh viên đại học về hoạt động giảng dạy của giảng viên học kỳ 1, năm học 2020 - 2021”, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, 2021
[6] Báo cáo “Tổng hợp kết quả khảo sát, lấy ý kiến sinh viên đại học về hoạt động giảng dạy của giảng viên học kỳ 2, năm học 2020 - 2021”, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, 2021.
[7] Thông báo số 56/TT- DHCNDMHN về tổ chức dạy - học trực tuyến học kỳ 2 năm hoạc 2020-2021,  (2020)
[8] Thủ tướng Chính phủ. (2015). Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015 - 2020” [Project “Development of distance training in the period 2015 - 2020”]. Retrieved October 30, 2019, from http://vinhuni.edu.vn/dao-tao/dao-tao-tu-xa/seo/de-an-phat-trien-dao-tao-tuxa-giai-doan-2015-2020-57474
[9] Tổ chức Mạng lưới giáo dục châu Á - Thái Bình Dương (APQN), 2020.
[10] Tran, T. T. L. (2019). Quản lý đào tạo trực tuyến tại các trường đại học ở Việt Nam [Managing online training at universities in Vietnam] (Unpublished doctoral dissertation). Graduate Academy of Social Sciences, Hanoi, Vietnam.
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 258 Tổng truy cập: 32.811.055