Trang chủ

NGÀNH QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI

Ngày đăng: 02:10 - 26/03/2024 Lượt xem: 445

Tác giả: Lê Thị Kim Tuyết – Khoa Kinh tế

1. Đặt vấn đề

Sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, đáp ứng yêu cầu công việc là mục tiêu không chỉ của mỗi sinh viên mà còn là mục tiêu của các cơ sở đào tạo. Dưới góc độ của nhà nghiên cứu quản trị nhân lực trong lĩnh vực đào tạo, trên cơ sở hệ thống lý luận, liên hệ thực tiễn từ công tác giảng dạy, bài viết đề xuất một số kỹ năng cần có, giải pháp và kiến nghị. Bài viết nhằm cung cấp thông tin hữu ích giúp mỗi sinh viên ngành quản lý công nghiệp (QLCN) tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) có mong muốn lựa chọn vị trí việc làm Quản trị nhân sự tại doanh nghiệp chủ động trang bị, góp phần đạt mục tiêu có việc làm đúng ngành, đáp ứng yêu cầu công việc sau tốt nghiệp.

2. Tổng quan về quản trị nhân sự

  1. Khái niệm

Có rất nhiều các khái niệm khác nhau về Quản trị nhân sự (hay: quản lý nhân sự; quản trị nhân lực; quản trị nguồn nhân lực) như:

Theo giáo sư Felix Migro: “Quản trị nhân sự là một nghệ thuật chọn lựa nhân viên mới và sử dụng các nhân viên cũ sao cho năng suất và chất lượng công việc của mỗi người đều đạt mức tối đa có thể”.

Theo Nguyễn Ngọc Quân và Nguyễn Tấn Thịnh: “Quản trị nhân lực là tất cả mọi hoạt động của tổ chức nhằm xây dựng, sử dụng, duy trì và phát triển một lực lượng lao động sao cho phù hợp với công việc của tổ chức cả về số lượng và chất lượng”.

Theo Trần Kim Dung: “Quản trị nguồn nhân lực là hệ thống các triết lý, chính sách và hoạt động chức năng về thu hút, đào tạo – phát triển và duy trì con người của một tổ chức nhằm kết hợp đạt được mục tiêu chiến lược của tổ chức và thỏa mãn nhu cầu hợp lý ngày càng cao của người lao động”.

Như vậy, dưới góc độ nhà quản trị doanh nghiệp có thể khái quát hóa khái niệm quản trị nhân sự là những tác động hợp quy luật của chủ thể quản trị nhân sự đến các khách thể quản trị nhân sự nhằm đạt được các mục tiêu quản trị nhân sự của doanh nghiệp đã đề ra và thỏa mãn nhu cầu hợp lý của người lao động.

  1. Mục tiêu của quản trị nhân sự

- Mục tiêu tổng quát

Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực (cả về số lượng và chất lượng) của doanh nghiệp trên cả 3 phương diện: (1) kinh tế; (2) xã hội; (3) nhân văn.

- Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu xã hội: Doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp mà còn vì lợi ích của xã hội, như: tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, …

Mục tiêu thuộc về tổ chức: Quản trị nhân sự là một phương tiện cung cấp nhân lực về số lượng, chất lượng và phù hợp về cơ cấu để các bộ phận cũng như toàn bộ doanh nghiệp có được nguồn nhân lực làm việc hiệu quả, đạt được mục tiêu.

Mục tiêu chức năng và nhiệm vụ: Mỗi bộ phận phòng ban trong doanh nghiệp đều có chức năng nhiệm vụ riêng, vì thế quản trị nhân sự giúp hiểu được chức năng, nhiệm vụ của bộ phận mình trong phối hợp đồng bộ với các đơn vị khác nhằm đóng góp, phục vụ cho mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Mục tiêu cá nhân: Nhà quản trị nhân sự chủ động giúp người lao động đạt được các mục tiêu cá nhân, phù hợp với lợi ích chung của doanh nghiệp.

  1. Tầm quan trọng

  • Thứ nhất, xuất phát từ vai trò quan trọng của con người [4]

Con người là một trong các yếu tố cấu thành trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, và là yếu tố không thể thiếu, bởi các hoạt động quản lý các yếu tố cấu thành khác đều thực hiện bởi con người.

Hình 1: Mô hình quản lý nguồn lực 5M

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Hệ thống quản lý, với mô hình quản lý nguồn lực 5M tập trung vào 5 yếu tố chính, bao gồm:

- Man (Con người/ nguồn nhân lực): Là những người tham gia vào quá trình sản xuất hoặc quản lý, như kỹ sư, công nhân, nhân viên, nhà quản lý, …

- Machine (Máy móc/công nghệ): Là các thiết bị, máy móc, công cụ, công nghệ sử dụng trong quá trình sản xuất và quản lý.

- Material (Nguyên vật liệu/hệ thống cung ứng): Là những vật liệu, thành phẩm hoặc thành phần được sử dụng trong quá trình sản xuất.

- Method (Phương pháp làm việc): Là quy trình sản xuất, phương thức thực hiện công việc, quy trình kiểm tra và quản lý.

- Money (Tài chính/Kinh phí/Ngân sách): Là việc quản lý nguồn tài chính của doanh nghiệp để đầu tư vào quy trình sản xuất, phát triển.


Thứ hai, xuất phát từ vai trò quản trị nhân sự “là một lĩnh vực quan trọng của quản lý trong mọi tổ chức” [4]

Kỹ năng nhân sự là một trong những kỹ năng không thể thiếu của nhà quản trị doanh nghiệp: Dù là cấp quản trị nào từ cấp cao, cấp trung đến cấp cơ sở; dù quản trị trong lĩnh vực nào, nhà quản trị cần có 3 kỹ năng nền tảng, cần thiết, cốt lõi nhất trong quá trình điều hành doanh nghiệp gồm: kỹ năng chuyên môn; kỹ năng nhân sự (con người); kỹ năng tư duy. Trong đó, có kỹ năng nhân sự.



Hình 2: Kỹ năng cần thiết của 3 cấp nhà quản trị

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Như vậy, quản trị nhân sự gắn liền với mọi tổ chức, doanh nghiệp nào cũng cần phải có bộ phận nhân sự. Quản trị nhân sự là một thành tố quan trọng của chức năng quản trị, nó có gốc rễ và các nhánh trải rộng khắp nơi trong mọi tổ chức. Quản trị nhân sự hiện diện ở khắp các phòng ban, bộ phận bất cứ cấp quản trị nào cũng có nhân viên dưới quyền vì thế đều phải có quản trị nhân sự.

Do đó, trách nhiệm quản trị nhân sự trước hết thuộc về những nhà quản lý và lãnh đạo các cấp, các bộ phận trong doanh nghiệp, như: tổng giám đốc, quản đốc phân xưởng, trưởng các phòng ban bộ phận, … Và các bộ phận chức năng về nhân lực của doanh nghiệp có trách nhiệm trợ giúp cho các cán bộ quản lý và lãnh đạo thực hiện các hoạt động quản lý nhân sự trong bộ phận của mình.

3. Liên hệ sinh viên ngành Quản lý công nghiệp tại HTU cho vị trí việc làm Quản trị nhân sự

3.1. Một số kỹ năng sinh viên ngành QLCN tại HTU cần có cho vị trí việc làm Quản trị nhân sự

Sinh viên tốt nghiệp ngành QLCN tại HTU có kỹ năng thực hiện các công việc quản lý các lĩnh vực và nguồn lực của doanh nghiệp công nghiệp, trong đó, có doanh nghiệp dệt may. [5]

 Do đó, với vị trí việc làm Quản trị nhân sự sau tốt nghiệp ngành QLCN tại HTU, sinh viên sẽ có thể đảm nhận công việc quản trị nhân sự thuộc về những nhà quản lý các cấp, các bộ phận trong doanh nghiệp, như: quản đốc phân xưởng, trưởng các phòng ban bộ phận, … hoặc phát triển thành những nhà quản trị nhân sự chức năng, đảm nhiệm các công việc liên quan đến tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, phát triển, đãi ngộ, phúc lợi, quan hệ lao động, ... cho các doanh nghiệp, trong đó, có doanh nghiệp dệt may.

Trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp tài liệu, bài viết đề xuất một số kỹ năng cần thiết sinh viên ngành QLCN tại HTU chủ động trang bị, đáp ứng vị trí việc làm Quản trị nhân sự sau tốt nghiệp:

Kỹ năng nhân sự: Với vai trò là nhà quản trị nói chung, ngoài kỹ năng tư duy, kỹ năng chuyên môn thì kỹ năng nhân sự là một trong kỹ năng quan trọng. Kỹ năng nhân sự đối với nhà quản trị nhân sự được thể hiện thông qua một số nghiệp vụ như: tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, phát triển, đãi ngộ, phúc lợi, quan hệ lao động, ... cho các doanh nghiệp.

Kỹ năng giao tiếp giúp cho người làm công tác quản trị nhân sự làm việc hiệu quả khi giao tiếp với nhiều đối tượng khác nhau, như: cấp trên, nhân viên, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác, ...

Kỹ năng làm việc nhóm giúp cho người làm công tác quản trị nhân sự xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các đồng nghiệp, đồng thời, tạo ra môi trường làm việc tích cực thông qua khả năng hợp tác với các thành viên trong nhóm, luôn hướng tới lợi ích, mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Kỹ năng lắng nghe giúp cho người làm công tác quản trị nhân sự giải quyết vấn đề phát sinh từ thu thập thông tin, đồng thời lắng nghe, đặc biệt, lắng nghe thấu cảm nhờ sự đồng cảm sẽ giúp nhà quản trị nhân sự nắm bắt được kịp thời nhu cầu, khó khăn, đưa ra các quyết định/giải pháp kịp thời, thỏa đáng, tạo động lực cho nhân viên cống hiến cho doanh nghiệp.

Kỹ năng giải quyết vấn đề giúp cho người làm công tác quản trị nhân sự giải quyết vấn đề phát sinh thông qua kỹ năng xác định vấn đề, phân tích nguyên nhân, tìm kiếm và triển khai giải pháp khả thi, khách quan để giải quyết vấn đề. Các vấn đề phát sinh liên quan đến con người như giải quyết xung đột, mâu thuẫn giữa người lao động với nhau, giữa người lao động với quản lý, … góp phần nâng cao hiệu quả trong thuyết phục và tạo động lực cho người lao động, giúp mọi người đều cảm thấy hài lòng khi làm việc tại doanh nghiệp. 

Kỹ năng quản lý thời gian giúp cho người làm công tác quản trị nhân sự sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên một cách khoa học, phân bổ quỹ thời gian hợp lý, đạt mục tiêu chung đảm bảo tiến độ/kế hoạch đã đề ra.

Kỹ năng thích nghi giúp cho người làm công tác quản trị nhân sự luôn chủ động thích ứng trước những thay đổi, biến động, trong đó, có công nghệ số.

3.2. Sinh viên ngành QLCN tại HTU được trang bị kỹ năng nhân sự và một số kỹ năng bổ trợ

* Đối với kỹ năng nhân sự

Các em sinh viên được trang bị thông qua học phần Quản trị nhân lực, học phần thuộc kiến thức chuyên ngành, bao gồm các hoạt động chủ yếu của quản trị nhân lực trong doanh nghiệp như: phân tích công việc; lập kế hoạch nguồn nhân lực; tuyển mộ và tuyển chọn nhân lực; bố trí lao động; đào tạo và phát triển nhân lực; đánh giá kết quả thực hiện công việc; thù lao và chế độ đãi ngộ cho người lao động; quan hệ lao động. [5]

Các em sinh viên được học tập thông qua sử dụng đa dạng và kết hợp các phương pháp giảng dạy từ giảng viên như: phương pháp thuyết giảng; phương pháp thảo luận; phương pháp tổ chức học tập theo nhóm; phương pháp giải quyết vấn đề; phương pháp làm mẫu; đặc biệt, phương pháp dự án được vận dụng kiến thức được trang bị để thực hành từng hoạt động chủ yếu của quản trị nhân lực gắn với thực tiễn doanh nghiệp, trong đó, có doanh nghiệp may công nghiệp.

Các em được trải nghiệm môi trường thực tế doanh nghiệp thông qua thực tập nghề nghiệp (trong đó, có chuyên đề quản trị nhân lực); thực tập cuối khóa; đặc biệt, sâu hơn nữa khi các em sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp (nếu sinh viên chọn đề tài về công tác quản trị nhân lực).

* Đối với kỹ năng bổ trợ như: giao tiếp, làm việc nhóm, lắng nghe, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, kỹ năng số

Các em sinh viên được áp dụng thường xuyên các tiết giảng của các học phần thuộc chương trình đào tạo thông qua các phương pháp giảng dạy tích cực, như: phương pháp thảo luận; phương pháp tổ chức học tập theo nhóm; phương pháp giải quyết vấn đề; phương pháp dự án; …. Bên cạnh đó, các em được học tại học phần Giao tiếp và tâm lý học quản trị, đặc biệt, các em sinh viên ngành QLCN khóa 7, 8 sẽ học thông qua học phần Kỹ năng mềm với các chuyên đề: giao tiếp; làm việc nhóm; thuyết trình; quản lý thời gian và giải quyết vấn đề; kỹ năng số thông qua học phần hệ quản trị cơ sở dữ liệu và quản trị doanh nghiệp trên phần mềm ERP.

3.3. Một số giải pháp và kiến nghị

- Đối với sinh viên ngành QLCN tại HTU

Với kỹ năng nhân sự: Các em tích cực học tập, trao dồi kỹ năng thực hành thông qua các học phần gắn với chuyên môn quản trị nhân sự, các buổi làm việc nhóm thực hiện các bài tập, các dự án.

Với kỹ năng bổ trợ: Các em tích cực học tập, trao dồi kỹ năng thực hành thông qua các học phần gắn với kỹ năng mềm, kỹ năng số. Ngoài ra, các em sinh viên cần kết hợp với phương pháp tự học bằng cách tìm đọc các tài liệu có liên quan đến các kỹ năng bổ trợ; tích cực tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên, các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ, đặc biệt, gắn với chuyên đề quản trị nhân sự.

- Đối với giảng viên giảng dạy ngành QLCN tại HTU

Với kỹ năng nhân sự: Tiếp tục sử dụng đa dạng và kết hợp các phương pháp giảng dạy tích cực từ giảng viên; trong đó có phương pháp dự án để sinh viên được vận dụng kiến thức để thực hành từng hoạt động của quản trị nhân lực gắn với thực tiễn doanh nghiệp, trong đó, có doanh nghiệp may công nghiệp. Ngoài ra, nên mời các chuyên gia, các cựu sinh viên thành đạt đang công tác tại doanh nghiệp chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn thành công trong công tác quản trị nhân sự tại doanh nghiệp.

Với kỹ năng bổ trợ: Ngoài thực hành học phần kỹ năng mềm, kỹ năng số, các tiết giảng của các học phần thuộc chương trình đào tạo, giảng viên tích cực áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, như: phương pháp thảo luận; phương pháp tổ chức học tập theo nhóm; phương pháp giải quyết vấn đề; phương pháp dự án trong từng tiết giảng.

- Đối với Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU)

Tăng cường liên kết Trường và Doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực: Thời gian thực tập nghề nghiệp, thực tập cuối khóa, khóa luận tốt nghiệp, sinh viên kết hợp với Trường chủ động kết nối với Doanh nghiệp cho sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, giúp các em sinh viên có cơ hội được làm việc tại doanh nghiệp như một nhân viên tập sự, qua quá trình thực tập sinh viên có cơ hội được vận dụng kiến thức được học tại trường, nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc thực tế của doanh nghiệp.

- Đối với Doanh nghiệp

Tăng cường liên kết Doanh nghiệp và Trường trong cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng: Thời gian thực tập nghề nghiệp, thực tập cuối khóa, khóa luận tốt nghiệp của sinh viên, Doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở thực tập cho sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên có môi trường thực tập tốt theo vị trí việc làm ngành QLCN đào tạo, được tiếp cận, hòa nhập với môi trường làm việc thực tế của doanh nghiệp, cùng tham gia hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

  Tài liệu tham khảo:

1. Trần Kim Dung (2018), Quản trị nguồn nhân lực, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.

2. Đại học Andrews (2020), Tại sao cần quản trị nhân sự.

3. Học viện Quản lý PACE, Quản trị nhân lực là gì, học gì, làm gì, cơ hội nghề nghiệp.

4. Nguyễn Ngọc Quân, Nguyễn Vân Điềm (2012), Giáo trình quản trị nhân lực, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội. 

5. Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Chương trình đào tạo ngành quản lý công nghiệp.
 
 
 
 
 
 
 
 


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 249 Tổng truy cập: 31.834.799