Trần Thị Ngát – Khoa Kinh tế
1. Mở đầu
Tháng 11 năm 2022, tác giả phỏng vấn cán bộ quản lý sản xuất của 12 doanh nghiệp may sản xuất theo phương thức gia công thuần tuý có quy mô dưới 1000 lao động cho thấy, 9 doanh nghiệp (chiếm 75%) cho rằng kỹ năng quản trị năng suất của tổ trưởng ảnh hưởng đến năng suất khoảng 10% và 25% doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng kỹ năng quản trị năng suất của tổ trưởng ảnh hưởng đến năng suất từ 10% - 15%. Một số kỹ năng quản trị năng suất quan trọng của tổ trưởng như: phân công lao động, bố trí chuyền; khả năng điều động lao động; kỹ năng tạo động lực; kỹ năng giao tiếp, ứng xử; kỹ năng đào tạo, hướng dẫn công nhân… ảnh hưởng nhiều đến năng suất trên chuyền may công nghiệp.
Theo đánh giá của cán bộ quản lý tại TTSXDV thì kỹ năng quản trị năng suất của đội ngũ tổ trưởng chưa đồng đều, còn nhiều hạn chế. Vì vậy, tác giả đã thực hiện nghiên cứu “Giải pháp nâng cao kỹ năng quản trị năng suất cho đội ngũ tổ trưởng
2. Kết quả nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý luận
Tổ sản xuất may công nghiệp là đơn vị kinh tế cơ bản nhất và là nơi trực tiếp tạo ra sản phẩm may công nghiệp. Tại đó, người công nhân sử dụng các yếu tố sản xuất (bán thành phẩm, phụ liệu, thiết bị may, thiết bị chuyên dùng...) để tạo ra thành phẩm [5].
Tổ trưởng tổ sản xuất may công nghiệp là người trực tiếp điều hành quản lý tại chuyền may, chịu trách nhiệm về tổ chức, triển khai sản xuất, duy trì nội quy, quy chế, an toàn lao động, năng suất, chất lượng tại chuyền may; là người đứng đầu điều hành, chỉ huy một nhóm công nhân thực hiện các giai đoạn công nghệ may trong quy trình sản xuất may công nghiệp của doanh nghiệp, thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp [5].
Vai trò của người tổ trưởng tổ sản xuất bao gồm: người đầu tầu trong việc thực hiện nội quy, quy chế, kế hoạch; công bằng, linh hoạt, là người truyền lửa, tạo động lực cho công nhân trong tổ, quán triệt cho các thành viên trong tổ các nhiệm vụ sản xuất được giao; tổ chức thực hiện tốt và có hiệu quả nhiệm vụ được giao; xây dựng bầu không khí làm việc hăng say, lành mạnh, làm cho hoạt động của tổ đạt hiệu quả cao với tinh thần tự chủ thực sự; thực hiện đối nội, đối ngoại một cách hài hòa, nhanh nhạy, chủ động và có sức hút mạnh với các ngoại lực, sử dụng các nội lực một cách có hiệu quả.
2.2. Kết quả khảo sát kỹ năng quản trị năng suất của tổ trưởng chuyền may tại Trung tâm sản xuất – Dịch vụ
Tháng 9 năm 2023, tác giả tiến hành nghiên cứu và khảo sát các khách thể gồm: Cán bộ trực tiếp quản lý sản xuất, tổ trưởng, công nhân tại TTSXDV và thu về được 238 phiếu. Để nghiên cứu thực trạng về kỹ năng quản trị năng suất của tổ trưởng chuyền may nhóm đề tài sử dụng thang đo Likert 5 cấp độ.
Kết quả phân tích thông tin thu thập được từ phiếu khảo sát sẽ được đánh giá theo 5 cấp độ sau:
Điểm chênh lệch của thang đo: (điểm tối đa - điểm tối thiểu)/ số mức độ. Kết quả như sau:(5-1)/5=0,8. Các mức độ của thang đo là:
- Mức độ 1. Kỹ năng quản trị năng suất kém (1 ≤ X ≤1.8)
- Mức độ 2. Kỹ năng quản trị năng suất thấp (1.8 <X ≤2.6)
- Mức độ 2. Kỹ năng quản trị năng suất trung bình (2.6 <X ≤3.4)
- Mức độ 4. Kỹ năng quản trị năng suất tốt (3.4 <X ≤4.2)
- Mức độ 5. Kỹ năng quản trị năng suất rất tốt (4.2 <X ≤5)
Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) nhằm đánh giá mối quan hệ giữa các biến kỹ năng của tổ trưởng có tác động mạnh và trái chiều đến NSLĐ; phân tích thực trạng kỹ năng quản trị năng suất của tổ trưởng tại TTSXDV để xây dựng chương trình đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng quản trị năng suất của tổ trưởng. Tác giả sử dụng kí hiệu “GT = Kỹ năng giao tiếp ứng xử; DL = Kỹ năng tạo động lực; LD = Kỹ năng phân công lao động; DC = Kỹ năng điều chuyền; VT = Kỹ năng quản lý bản thành phẩm trên chuyền; CL = Kỹ năng kiểm soát chất lượng; DT = Kỹ năng đào tạo, hướng dẫn công nhân; TB = Kỹ năng quản lý, sử dụng thiết bị, công cụ, dụng cụ; NS = Kỹ năng kiểm soát năng suất”. Kết quả tổng hợp và xử lý dữ liệu được thể hiện qua bảng 1.
Từ bảng tổng hợp dữ liệu trên cho thấy kỹ năng quản trị năng suất của đội ngũ tổ trưởng chuyền may tại TTSXDV ở mức độ tốt (3,49), nhưng ở tiệm cận dưới trong khoảng thang đo tốt; 3/9 kỹ năng được đánh giá ở mức độ trung bình chiếm 33% gồm kỹ năng quản lý, sử dụng thiết bị, công cụ, dụng cụ; kỹ năng đào tạo, hướng dẫn công nhân; kỹ năng kiểm soát bán thành phẩm trên chuyền. Những kỹ năng của tổ trưởng được đánh giá cao nhất gồm kỹ năng giao tiếp ứng xử (3.68); kỹ năng tạo động lực (3,63); kỹ năng điều chuyền (3,58). Tuy nhiên, mức độ tác động đến năng suất chuyền may của 9 kỹ năng trên là khác nhau. Kỹ năng tác động lớn nhất đến năng suất được sắp xếp theo thứ thự giảm dần từ: (1) Kỹ năng điều chuyền; (2) Kỹ năng quản lý bán thành phẩm trên chuyền; (3) Kỹ năng đào tạo, hướng dẫn công nhân; (4) Kỹ năng kiểm soát năng suất; (5) Kỹ năng quản lý, sử dụng thiết bị, công cụ, dụng cụ; (6) Kỹ năng phân công lao động; (7) Kỹ năng tạo động lực; (8) Kỹ năng kiểm soát chất lượng; (9) Kỹ năng giao tiếp, ứng xử.
2.3. Đánh giá chung
Mức độ tác động của từng kỹ năng quản trị năng suất của tổ trưởng đến năng suất chuyền may được sắp xếp theo thứ tự giảm dần và thực trạng của từng kỹ năng của tổ trưởng tại TTSXDV được thể hiện qua bảng 2.
Bảng 2. Mức độ tác động và thực trạng kỹ năng quản trị năng suất của tổ trưởng tại TTSXDV
Qua bảng dữ liệu trên cho thấy: Kỹ năng điều chuyền tác động nhiều nhất đến năng suất tổ may và được đánh giá đạt mức tốt; kỹ năng quản lý bán thành phẩm và kỹ năng đào tạo hướng dẫn; kỹ năng quản lý, sử dụng thiết bị, công cụ, dụng cụ tác động nhiều đến năng suất chuyền may lần lượt ở thứ 2,3,5 nhưng chỉ được đánh giá ở mức trung bình. Đặc biệt, kỹ năng giao tiếp, ứng xử tác động ít nhất đến năng suất chuyền may nhưng lại được đánh giá tốt nhất trong 9 kỹ năng của tổ trưởng hiện nay. Tuy nhiên, 6 kỹ năng được đánh giá tốt nhưng ở mức thấp của tốt, mỗi kỹ năng đều có những mặt đạt được và hạn chế.
3. Đề xuất giải pháp
Dựa vào kết quả phân tích thực trạng kỹ năng quản trị năng suất của đội ngũ tổ trưởng chuyền may, cũng như định hướng phát triển của TTSXDV, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng quản trị năng suất cho đội ngũ tổ trưởng chuyền may tại TTSXDV:
- Giải pháp về đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị năng suất cho tổ trưởng
Mục tiêu của giải pháp: Tổ chức đào tạo tổ trưởng một cách bài bản và có hệ thống về các kiến thức quản lý, điều hành tổ; các nghiệp vụ điều hành dây chuyền và các kỹ năng mềm trong quản lý tổ; khắc phục những hạn chế trong từng kỹ năng quản trị năng suất của tổ trưởng tại TTSXDV.
Nội dung giải pháp: Căn cứ vào thực trạng, đặc biệt là những hạn chế và mức độ tác động của từng kỹ năng quản trị năng suất của đội ngũ tổ trưởng tại TTSXDV nhóm nghiên cứu dự kiến một số nội dung như vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ trưởng; các ỹ năng: phân công lao động và cân bằng chuyền; đào tạo, hướng dẫn công nhân; kiểm soát năng suất, chất lượng, vật tư, thiết bị; tạo động lực, giao tiếp, ứng xử.
Điều kiện thực hiện: Lãnh đạo TTSXDV nhận thức đúng đắn sự tác động và vai trò của đào tạo đến kỹ năng quản trị năng suất của tổ trưởng góp phần tăng tăng suất tổ may; TTSXDV làm việc với Nhà trường về chương trình đào tạo và cử cán bộ phụ trách sản xuất phối hợp cùng nhà trường trong quá trình tổ chức đào tạo; phải có kinh phí tổ chức khoá đào tạo hoặc Nhà trường hỗ trợ kinh phí đào tạo; TTSXDV tạo điều kiện về thời gian (nếu đào tạo trong giờ làm việc), có chế độ động viên khuyến khích học viên (nếu đào tạo ngoài giờ làm việc).
- Giải pháp hoàn thiện hệ thống quản trị sản xuất tại Trung tâm sản xuất – Dịch vụ
Mục tiêu của giải pháp: rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cá nhân/bộ phận; hoàn thiện quy trình thực hiện; kiểm soát quá trình thực hiện công việc; sự phối hợp của cá nhân/bộ phận; ứng dụng phần mềm TRE – Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp hỗ trợ công tác quản trị góp phần nâng cao kỹ năng quản trị năng suất cho tổ trưởng tại TTSXDV.
Nội dung của giải pháp: Phần mềm quản trị nguồn nhân lực TRE mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp: giúp Doanh nghiệp tối ưu hóa được quy trình quản trị, quy trình điều hành sản xuất; tăng hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh giảm thiểu các rủi ro, dự báo các nguy cơ rủi ro về nhân sự, về nguyên vật liệu đầu vào chuẩn bị cho sản xuất, bán hàng và quản trị tài chính, thích ứng nhanh với các thay đổi của thị trường.
Điều kiện thực hiện: lãnh đạo TTSXDV quyết liệt chỉ đạo, sát sao, cán bộ công nhân viên TTSXDV quyết tâm thực hiện ứng dụng phần mềm TRE hỗ trợ trong công tác quản trị; TTSXDV bố trí đủ nhân lực để nhập dữ liệu lên phần mềm.
Giải pháp về sắp xếp, biên chế lại các tổ may
Mục tiêu của giải pháp: bố trí số lao động trên mỗi dây chuyền may tương đối phù hợp với chủng loại sản phẩm sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng của từng công đoạn; tạo tâm lý hăng say, miệt mài trong lao động.
Nội dung giải pháp: TTSXDV cần đánh giá hiện trạng của từng tổ may, xác định chủng loại sản phẩm truyền thống sẽ sản xuất. Đánh giá hiệu suất làm việc và nhu cầu nhân lực của từng tổ hiện tại. Nghiên cứu việc ghép tổ may, sắp xếp lại lao động giữa các tổ một cách hợp lý về tay nghề của người lao động dựa trên kỹ năng và kinh nghiệm đảm bảo mỗi tổ may có đủ số lượng và chất lượng lao động.
Điều kiện thực hiện: TTSXDV cần làm công tác tâm lý cho cán bộ quản lý dôi dư. Tâm lý của người lao động sẽ bị xáo trộn giai đoạn đầu vì vậy TTSXDV cần làm tốt công tác tư tưởng để người lao động thấy được lợi ích khi bố trí lại nhân lực trong tổ may. Mở rộng nguồn hàng, tìm kiếm những đơn hàng dễ phù hợp với năng lực của sinh viên thực tập.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Vân Thùy Anh (2014), Đào tạo và phát triển công nhân kỹ thuật trong các doanh nghiệp dệt may Hà Nội, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân.
2. Nguyễn Minh Hà (2011), Nhân tố ảnh hưởng đến năng suất lao động của công nhân may, tạp chí đại học mở TP.HCM – số 6.
3. Vũ Thị Nhự (2014), Nghiên các giải pháp cải thiện thao tác và tốc độ làm việc của người công nhân may nhằm nâng cao năng suất lao động, luận văn thạc sỹ, Đại học Bách khoa Hà Nội.
4. Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội (2021), Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, số 2009/NQ- DHCNDMHN.
5. Md. Rezaul Hasan Shumon, Kazi Arif-Uz-Zaman and Azizur Rahman (2010), Productivity Improvement through Line Balancing in Apparel Industries, Proceedings of the 2010 International Conference on Industrial Engineering and Operations Management.
6. Dhanashree Rajput, Madhuri Kakde, Pranjali Chandurkar, P. P. Raichurk (2018), Enhancing Efficiency and Productivity of Garment Industry by Using Different, International Journal on Textile Engineering and Processes Vol. 4, Issue 1 January 2018.