Trang chủ

ỨNG DỤNG CÔNG CỤ HEYZINE.COM TRONG THIẾT KẾ BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ

Ngày đăng: 02:53 - 16/04/2025 Lượt xem: 32
 
                                                                                                                  Trần Thị Ngát
                                                                                                                                                  Nguyễn Thị Tuyết
                                                                                                                                                  Khoa Kinh tế

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
   Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số toàn diện đang diễn ra mạnh mẽ, ngành giáo dục và đào tạo đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới phương pháp, nội dung và hình thức giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sự phát triển nhanh chóng của xã hội số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các nền tảng số hóa bài giảng điện tử, không chỉ góp phần đổi mới phương pháp dạy học mà còn nâng cao chất lượng, tính linh hoạt và hiệu quả tiếp thu của người học.

   Trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung và tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội nói riêng, việc thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhiều giảng viên chưa có điều kiện tiếp cận các công cụ thiết kế bài giảng đa phương tiện hiện đại, các bài giảng điện tử chủ yếu dừng lại ở dạng trình chiếu truyền thống, thiếu tính tương tác, trực quan và chưa khai thác tối ưu lợi thế của các nền tảng số. Điều này dẫn đến hiệu quả dạy và học chưa thực sự cao, chưa đáp ứng tốt yêu cầu về học tập linh hoạt, cá nhân hóa và tăng cường trải nghiệm số hóa cho sinh viên trong thời đại mới.
   Heyzine.com là một nền tảng trực tuyến nổi bật cho phép thiết kế bài giảng điện tử dưới dạng flipbook, với khả năng tích hợp đa phương tiện như hình ảnh, video, âm thanh, liên kết… tạo ra những bài giảng sinh động, trực quan và dễ dàng chia sẻ, sử dụng trên mọi thiết bị. Tuy nhiên, tại trường hiện nay, việc khai thác và ứng dụng nền tảng này trong thiết kế bài giảng điện tử còn rất mới, gần như chưa có nghiên cứu và thực nghiệm áp dụng cụ thể.
   Xuất phát từ thực tiễn đó, bài viết này tập trung nghiên cứu và ứng dụng công cụ Heyzine trong thiết kế bài giảng điện tử, nhằm cung cấp thêm một giải pháp công nghệ hữu ích, thiết thực hỗ trợ giảng viên nhà trường nâng cao chất lượng bài giảng, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục đại học hiện nay.

2. NỘI DUNG
2.1.Vai trò của bài giảng điện tử trong giảng dạy và học tập
   Bài giảng điện tư là một hình thức giảng dạy có cấu trúc và trải nghiệm được cung cấp thông qua các phương tiện điện tử. Chỉ cần có kết nối internet và thiết bị điện tử, người học có thể tham gia học trực tuyến mọi lúc, mọi nơi [1].
   Bài giảng điện tử giúp sinh viên học mọi lúc, mọi nơi, giảm bớt rào cản về thời gian và địa lý, tạo cơ hội cho những người ở xa hoặc có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận giáo dục chất lượng. Điều này tăng tính chủ động và linh hoạt trong việc học.
   Bài giảng điện tử không chỉ cung cấp thông tin mà còn tạo môi trường học tập tương tác, giúp sinh viên học theo phong cách cá nhân và tiến độ riêng, nâng cao hiệu quả học tập qua các công cụ như video, quiz và phản hồi tức thì.

   Bài giảng điện tử cho phép lưu trữ tài liệu học tập trực tuyến, giúp sinh viên dễ dàng truy cập lại khi cần ôn tập. Điều này giảm bớt việc tìm kiếm tài liệu giấy và hỗ trợ sinh viên trong việc tổ chức và ôn tập kiến thức.
   Công nghệ như AI giúp nâng cao chất lượng bài giảng điện tử, tạo môi trường học sinh động và trực quan. Sinh viên có thể trải nghiệm các tình huống học tập mô phỏng, cải thiện hiệu quả học và khuyến khích sự sáng tạo.
   Bài giảng điện tử giảm thiểu chi phí in ấn và tổ chức lớp học truyền thống, đồng thời giúp giảng viên tiết kiệm thời gian và chi phí quản lý, từ đó tập trung vào việc tương tác và hỗ trợ sinh viên hiệu quả hơn.
   Bài giảng điện tử giúp đồng đều hóa chất lượng giảng dạy, sinh viên có thể tiếp cận cùng một tài liệu học tập bất kể thời gian hay địa điểm. Việc sử dụng các công cụ trực tuyến giúp bài giảng sinh động và dễ hiểu hơn.
   Bài giảng điện tử khuyến khích giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng các yếu tố đa phương tiện như hình ảnh, video và âm thanh để làm bài giảng sinh động và hấp dẫn hơn, giúp sinh viên dễ tiếp thu.
   Bài giảng điện tử giúp sinh viên phát triển kỹ năng công nghệ thông tin, từ việc sử dụng nền tảng học tập trực tuyến đến việc tìm kiếm và xử lý thông tin, chuẩn bị tốt hơn cho thị trường lao động trong thời đại chuyển đổi số.
   Bài giảng điện tử không chỉ cải thiện chất lượng giáo dục mà còn tạo môi trường học tập sáng tạo, linh hoạt, giúp sinh viên trang bị kỹ năng cần thiết để thành công trong thế giới số. Đây là xu hướng không thể thiếu trong giáo dục hiện đại.
2.2. Giới thiệu về công cụ thiết kế bài giảng điện tử heyzine.com
   Heyzine là một công cụ trực tuyến mạnh mẽ giúp thiết kế và tạo ra các bài giảng điện tử dưới dạng eBook đa phương tiện (interactive flipbooks). Đây là một nền tảng hỗ trợ tạo ra các tài liệu học tập sinh động, có tính tương tác cao, dễ dàng chia sẻ và truy cập trên các thiết bị khác nhau. Dưới đây là một số tính năng nổi bật của Heyzine giúp thiết kế bài giảng điện tử:
   Heyzine cho phép người dùng chuyển đổi các tài liệu PDF truyền thống thành các bài giảng điện tử dạng flipbook, nơi người đọc có thể "lật" các trang giống như sách giấy. Điều này tạo ra một trải nghiệm học tập gần gũi và sinh động hơn so với các tài liệu truyền thống.
   Với Heyzine, bạn có thể tích hợp đa phương tiện vào bài giảng điện tử của mình, như video, âm thanh, hình ảnh và các liên kết tương tác. Điều này giúp bài giảng trở nên sinh động và dễ tiếp cận hơn, hỗ trợ quá trình học tập và giảng dạy hiệu quả.
   Heyzine cung cấp các tính năng tương tác như nút nhấp để chuyển đến các trang cụ thể, các liên kết và các phần trắc nghiệm hoặc quiz. Điều này giúp người học có thể tương tác trực tiếp với bài giảng, từ đó tạo ra một môi trường học tập chủ động hơn.
   Bài giảng thiết kế trên Heyzine có thể được chia sẻ qua liên kết trực tuyến, giúp sinh viên dễ dàng truy cập từ mọi thiết bị mà không cần cài đặt phần mềm đặc biệt. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc học từ xa và học trực tuyến.
   Heyzine cung cấp các công cụ thiết kế mạnh mẽ, cho phép người dùng tùy chỉnh giao diện bài giảng điện tử của mình với các mẫu sẵn có hoặc tạo thiết kế riêng biệt. Điều này giúp bài giảng điện tử trở nên hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu giảng dạy.
2.3. Quy trình thiết kế bài giảng điện tử trên Heyzine.com
Bước 1. Chuẩn bị
   Quá trình thiết kế bài giảng điện tử là một công việc sáng tạo không giới hạn. Muốn thiết kế được bài giảng điện tử có nội dung hay, tính tương tác cao thu hút người đọc thì tác giả phải làm tốt từ khâu chuẩn bị.
Thiết kế file tài liệu dạng word hoặc Powrpoint, xây dựng kịch bản đảm bảo tính logic trong nội dung bài giảng điện tử. Chuyển file thiết kế sang dạng PDF

Hình 2.1. Chuyển file thiết kế sang dạng PDF

Bước 2. Đăng ký tài khoản
   Để thiết kế được bài giảng điện tử chúng ta cần có một tài khoản, để tạo tài khoản miễn phí chúng ta vào trang https://heyzine.com
   Để tạo tài khoản nhấn vào Sign Up và điền thông tin => Register




Hình 2.2. Hướng dẫn đăng tạo tài khoản Heyzine miễn phí

Bước 3. Thiết kế bài giảng điện tử
   Để tạo bài giảng điện tử vào New flipbook=> Đến nơi lưu file pdf đã tạo=> Open
* Mục  Style
   Tạo tiêu đề cho bài giảng điện tử: Mỗi bài giảng điện tử cần có tiêu đề/chủ đề, để tạo tiêu đề cho bài giảng điện tử vào Title=> Điền thông tin =>Save

Hình 2.3. Đặt tên tiêu đề

Điền thông tin
+ Title: Tiêu đề bài giảng điện tử
+ Subtitle: Tiêu đề phụ
+ Description: Mô tả thêm
Tạo hiệu ứng cho bài giảng điện tử: Để tạo hiệu ứng vào Page Effect =>Chọn hiệu ứng =>Close.
Tạo nền cho bài giảng điện tử: Vào Background=> Chọn nền=> Chọn màu cho nền=>Close.


Hình 2.4. Tạo hiệu ứng và tạo nền
 

   Tạo Logo cho bài giảng điện tử: Phải mua tài khoản của Heyzine mới đưa được logo riêng vào. Tuy nhiên, có thể một cách có thể đưa logo vào bằng đường khác, được thực hiện ở phần sau.
   Chèn âm thanh vào các trang bài giảng điện tử: Background Audio =>  Upload audio => Dẫn đến nơi lưu file âm thanh => Flipbook audio => Chọn file âm thanh vừa tải lên = >Add => Chọn các trang cần chèn âm thanh => Close.

 

Hình 2.5. Chèn âm thanh

* Mục interractions: Giúp bài giảng điện tử trở thành công cụ đa phương tiện
Chèn đường link vào bài giảng điện tử : Muốn đưa đường link của 1 trang để sinh viên có thể đọc, tìm hiểu thêm tài liệu tham khảo:
Link=> Dán đường link cần chèn=> OK


Hình 2.6. Chèn đường link

- Chèn hình ảnh vào bài giảng điện tử: Image=>Browse file=>Open=>Close.
Đối với tài khoản sử dụng miễn phí, chúng ta có thể đưa logo cá nhân/tổ chức vào bài giảng điện tử bằng cách chèn hình ảnh theo thao tác trên.
   Bài giảng điện tử được trực quan bằng những video vừa có lời, vừa có hình giúp sách trở nên sinh động, dễ hiểu, lôi cuốn người học.
Chèn video vào bài giảng điện tử: Vào Video=> Dán đường link=> Close.

Hình 2.7. Chèn file ghi âm

- Chèn file lời giảng vào trang trong bài giảng điện tử, tác giả phải ghi âm lời giảng ở ngoài hoặc dùng công nghệ AI. Thay vì phải đọc sách bằng mắt thì người học kết hợp nghe bằng tai, quan sát bằng mắt nâng cao hiệu quả học tập.
Chúng ta tiến hành thao tác như sau:
Audio=>Library=> Uploard audio=>Chọn file ghi âm
Audio interaction=> Chọn file ghi âm đã tải=> Title: Đặt tiêu đề =>Close.
Muốn cho file ghi âm tự chạy hay người học phải bấm thì vào Player options=> Tắt/bật Automatic play.

Hình 2.8. Chèn Website

   Chèn trang Website vào bài giảng điện tử: Chúng ta chèn Web về nội dung liên quan đến bài học để người đọc có thể nghiên cứu mở rộng, khám phá kiến thức mới.
Vào Web=> Link=>Web option=>Apply
Bước 4. Xem trước
   Sau khi tạo xong bài giảng điện tử theo ý đồ, chúng ta muốn xem thử bài giảng điện tử: Vào Share=>Reader link=> Coppy link mở xem thử trong 1 trang khác.
Bước 5. Gửi bài giảng điện tử cho người học
   Gửi bài giảng điện tử cho sinh viên học bằng cách: Share=>Reader link=> Coppy link gửi SV hoặc vào QR Code lấy mã QR gửi người học vào để học.

Hình 2.9. Lấy link bài giảng gửi cho sinh viên

2.4. Kết quả thực nghiệm
   Tác giả đã thiết kế 02 bài giảng điện tử thuộc 02 học phần trong chương trình đạo tào của ngành Quản lý công nghiệp và Công nghệ may do tác giả phụ trách giảng dạy. Cụ thể:
- Chuyên đề “Nhận thức về khởi nghiệp” thuộc học phần Kỹ năng khởi nghiệp; Đối tượng: CNM_Khoá 7; Giảng dạy cho 2 lớp; Số lượng: 120 sinh viên.
- Bài học “Lý thuyết về 5S” thuộc học phần Quản lý sản xuất theo Lean và Jit; Đối tượng: ĐH QLCN_Khoá 6; số lượng: 60 sinh viên
   Tác giả đã gửi trước bài giảng điện tử cho sinh viên tự học ở nhà và thực hiện theo yêu cầu của giảng viên. Thời gian trên lớp của buổi học hôm sau, tác giả tập trung vào việc trao đổi, thảo luận sâu những nội dung trọng tâm để, giải đáp vướng mắc và cuối cùng tác giả kiểm tra, đánh giá nhận thức của sinh viên so với mục tiêu bài học đề ra bằng bộ trò chơi trắc nghiệm.
   Nhóm tác giả tiến hành khảo sát về mực độ hứng thú của sinh viên khi đổi mới phương pháp dạy học bằng bài giảng điện tử so với phương pháp học tập truyền thống trên thang đo Likert 5 cấp độ.
Đối với học phần Quản lý sản xuất theo Lean và Jit
Bảng 2.1. Kết quả khảo sát học phần Quản lý sản xuất theo Lean và Jit

TT Nội dung  K4 TBC Khoa K6 Chênh lệch K6/K4
1  
Truyền đạt nội dung dễ hiểu
 
4,66
 
 
4,22
 
4,86 +0,2
2 Phương pháp tổ chức dạy học sinh động, lôi cuốn  
4,69
 
 
4,21
 
4,86 +0,17
3 Nội dung tự học- tự nghiên cứu phù hợp với học phần 4,59
 
4,24
 
4,71 +0,12
4 Truyền tải được sự kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn thông qua tình huống trực quan, sinh động 4,66 4,25 4,90 +0,24
5 Sử dụng hiệu quả thời gian dạy học 4,63 4,23 4,81 +0,18
6 TBC 4,65 4,23 4,83 +0,18

 
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ dữ liệu khảo sát và báo cáo khảo sát của TTĐBCL

   Qua dữ liệu khảo sát người học từ bảng 2.1 cho thấy: bài giảng điện tử trong dạy học được người học đón nhận, đánh giá cao như một luồng gió mới trong phương pháp giảng dạy. Tất cả các chỉ tiêu đo lường về phương pháp giảng dạy đều tăng và tăng bình quân từ 4,65 (HP Quản lý sản xuất theo Lean và Jit) lên 4,83 tức tăng 0,18 và tăng 0,6 so với điểm TBC của Khoa Kinh tế.
Đối với học phần Kỹ năng khởi nghiệp.
Bảng 2.2. Kết quả khảo sát học phần Kỹ năng khởi nghiệp

TT Nội dung Khoá 7
1  Nội dung bài giảng điện tử truyền đạt dễ hiểu, hình ảnh trực quan, sinh động 4,86
2 Phương pháp tổ chức lớp học đảo ngược thông qua bài giảng điện tử tạo sự lôi cuốn, hứng thú và chủ động cho người học 4,83
3 Nội dung tự học, tự nghiên cứu trong bài giảng điện tử phù hợp với học phần 4,79
4 Bài giảng điện tử truyền tải được sự kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn thông qua tình huống trực quan, sinh động 4,91
5 Sử dụng hiệu quả thời gian 4,98
6 TBC 4,86


 Nguồn: Tác giả tổng hợp từ dữ liệu khảo sát

   Đối với học phần Kỹ năng khởi nghiệp lần đầu tiên đưa vào giảng dạy cho ngành CNM nhưng được sinh viên đánh giá cao với điểm bình quân 4,86 trên thang đo likert 5 cấp độ, gần như đạt được điểm tuyệt đối. Đây là một dấu  hiệu tích cực, được sinh viên ghi nhận trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy ứng dụng công nghệ số.
Ngoài ra, tác giả thực hiện khảo sát thời lượng bố trí học bằng bài giảng điện tử thích hợp nhất so với tổng thời lượng bố trí học phần theo kết quả khảo sát 170 sinh viên được thể hiện qua bản 2.3 như sau:
Bảng 2.3. Thời lượng học qua bài giảng điện tử của một học phần

Thời lượng <30% 30%-40% 40%-50% >50% Tổng
Số lượng 4 138 27 1 170
Tỷ trọng 2,4% 81,2% 15,9% 0,6% 100%

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ dữ liệu khảo sát

   Theo kết quả khảo sát thì 81,2% người học cho rằng thời lượng bố trí học theo phương pháp bài giảng điện tử thích hợp nhất từ 30% - 40% thời lượng học phần, ý kiến này cũng phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thời lượng bố trí học theo phương pháp E-Learning không quá 30% thời lượng học phần.
2.5. Một số giới hạn của Heyzine
   Heyzine chủ yếu hoạt động trực tuyến, do đó việc truy cập và chỉnh sửa bài giảng điện tử phụ thuộc nhiều vào kết nối mạng;
   Nếu bài giảng điện tử chứa nhiều hình ảnh, video hoặc tài liệu đa phương tiện, dung lượng tệp có thể trở nên lớn, ảnh hưởng đến tốc độ tải và chia sẻ;
   Bài giảng điện tử dưới dạng trang PDF không có hiệu ứng làm chữ xuất theo âm thanh;
   Mỗi tài khoản Heyzin.com miễn phí chỉ được thiết kế tối đa 5 bài giảng điện tử và sinh viên phải học trong điều kiện có internet. Đối với tài khoản có phí, tác giả có thể Dowload, gửi cho sinh viên, sinh viên có thể học trong môi trường không cần internet.
   Các công cụ như Heyzine không cho phép lưu trữ và theo dõi các phiên bản chỉnh sửa khác nhau của bài giảng điện tử.
   Khi chọn giao diện bài giảng điện tử để dưới dạng quyển sách mở thì phải để chế độ bấm âm thanh nghe từng trang. (VD Chuyên đề nhận thức về khởi nghiệp)
   Khi chọn giao diện bài giảng điện tử dạng Slide thì có thể chọn chế độ âm thanh chạy tự không khi sang trang ( VD Lý thuyết về 5S).
3. KẾT LUẬN
3.1. Kết luận
   Việc áp dụng bài giảng điện tử vào giảng dạy không chỉ cải thiện khả năng tiếp cận nội dung học tập mà còn tạo ra một môi trường học tập sinh động, tương tác, khuyến khích sự tự học và chủ động của sinh viên.
   Qua khảo sát và đánh giá, các sinh viên đã phản hồi tích cực về việc sử dụng bài giảng điện tử, cho rằng nó mang lại những lợi ích rõ rệt trong việc hiểu bài học, nâng cao khả năng tự học và kết nối lý thuyết với thực tiễn. Chỉ số khảo sát cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng kể về mức độ hứng thú và hiệu quả học tập so với phương pháp truyền thống.
Việc ứng dụng bài giảng điện tử trong giảng dạy không chỉ giúp sinh viên và giảng viên tiếp cận với công nghệ học tập hiện đại mà còn là một bước đi quan trọng trong việc đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số trong giáo dục. Bài giảng điện tử mang lại một trải nghiệm học tập linh hoạt, sinh động và tương tác, giúp sinh viên phát triển khả năng tự học và nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức. Đồng thời, giảng viên có thể thiết kế và triển khai bài giảng một cách sáng tạo, tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng giảng dạy. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng giáo dục mà còn chuẩn bị cho sinh viên các kỹ năng cần thiết để thích ứng và thành công trong môi trường làm việc số hóa trong tương lai. Nhờ vậy, ứng dụng bài giảng điện tử trong giảng dạy đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của giáo dục, hướng đến một nền giáo dục linh hoạt, hiệu quả và bền vững.

3.2. Kiến nghị
Từ kết quả nghiên cứu và thực nghiệm ứng dụng công cụ Heyzine.com trong thiết kế bài giảng điện tử, nhóm tác giả xin đưa ra một số kiến nghị sau:
3.2.1. Đối với nhà trường
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giảng dạy, khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên tiếp cận, khai thác và ứng dụng các công cụ thiết kế bài giảng điện tử, đặc biệt là những nền tảng trực tuyến tích hợp đa phương tiện như Heyzine.com.
Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử, giúp giảng viên nâng cao năng lực công nghệ, đáp ứng yêu cầu dạy học trong bối cảnh chuyển đổi số.
Xây dựng kho bài giảng điện tử dùng chung theo từng học phần, từng ngành để tạo nguồn tài nguyên số hóa, phục vụ giảng dạy và học tập lâu dài.
3.2.2. Đối với giảng viên
Chủ động nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng các công cụ thiết kế bài giảng điện tử, lựa chọn phương pháp phù hợp với từng học phần nhằm tăng tính hấp dẫn, hiệu quả và khả năng tự học của sinh viên.
Chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về việc xây dựng và sử dụng bài giảng điện tử trong giảng dạy, nhằm nhân rộng mô hình và tạo động lực đổi mới phương pháp dạy học trong toàn trường.
Tận dụng ưu điểm của bài giảng điện tử kết hợp linh hoạt với phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp lớp học đảo ngược để phát huy tối đa hiệu quả giảng dạy.
3.2.3. Đối với sinh viên
Chủ động tiếp cận và sử dụng bài giảng điện tử, kết hợp linh hoạt giữa việc học tập trên lớp và tự học qua các tài liệu điện tử, khai thác tối đa các chức năng tương tác của bài giảng để nâng cao hiệu quả học tập.
Đóng góp ý kiến, phản hồi thường xuyên về bài giảng điện tử, giúp giảng viên điều chỉnh, hoàn thiện và cải thiện chất lượng bài giảng phù hợp với nhu cầu học tập thực tế.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Wikipedia tiếng Việt, Bài giảng điện tử, truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2025, https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A0i_gi%E1%BA%A3ng_%C4%91i%E1%BB%87n_t%E1%BB%AD.
2. Vũ Thu Hà (2013), “Bài giảng điện tử – Công cụ hỗ trợ giảng dạy cần thiết trong trường đại học”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ – Đại học Đà Nẵng, số 12(73.2), tr. 27–32, truy cập từ https://jst-ud.vn/jst-ud/article/view/2681.
3. Đào Thị Hoàng Hoa và cộng sự (2019), “Đánh giá hiệu quả của việc sử dụng bài giảng điện tử vào dạy học bài hiđro sunfua lớp 10 ban nâng cao”, HCMUE Journal of Science, số 48, tr. 171
https://doi.org/10.54607/hcmue.js.0.48.1923(2013).

 
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 151 Tổng truy cập: 38.182.769