Sáng ngày 21/04/2025, các sinh viên lớp Đại học Sợi Dệt K7 – Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã chính thức bắt đầu kỳ thực tập kéo dài 8 tuần tại Nhà máy Sợi Yên Mỹ (Hưng Yên) – một trong những đơn vị sản xuất sợi quy mô lớn và hiện đại trong khu vực miền Bắc.
Sau nhiều tháng học tập lý thuyết trên giảng đường, tôi nhận ra điều mà các bạn sinh viên cần hơn bao giờ hết chính là được "chạm tay vào thực tế". Và Nhà máy Sợi Yên Mỹ chính là một điểm đến tuyệt vời cho mục tiêu đó – một môi trường sản xuất hiện đại, chuyên nghiệp, giàu truyền thống và luôn sẵn lòng chào đón thế hệ trẻ. Ngay từ những bước chân đầu tiên vào cổng nhà máy, ánh mắt của các em sinh viên đã lấp lánh sự tò mò, háo hức. Các em say mê quan sát từng dây chuyền, từng khâu kéo sợi, kiểm tra chất lượng, vận hành máy móc. Không khí học tập tại đây sôi nổi chẳng kém gì một tiết thực hành tại trường.
Giảng viên và sinh viên DHSD K7 tại nhà máy sợi Yên Mỹ
Sáu thập kỷ – Một di sản của ngành dệt may Việt Nam. Việc được đưa sinh viên đến thực tập tại một đơn vị có bề dày 60 năm xây dựng và phát triển là một may mắn lớn với cả thầy và trò. Nhà máy Sợi Yên Mỹ không chỉ là nơi sở hữu công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất đồng bộ, mà còn là một “trường học sống” với những bài học quý giá từ thực tiễn sản xuất và từ chính con người nơi đây. 60 năm là hành trình không chỉ được kể bằng số liệu hay cột mốc, mà bằng chính tác phong làm việc chuyên nghiệp, nề nếp kỹ thuật chuẩn chỉ và tinh thần đổi mới không ngừng mà sinh viên đã được cảm nhận từng ngày trong suốt thời gian thực tập.
GV và SV trao đổi nội dung thực tập tại PTN nhà máy
Khi sinh viên được học bằng cả trái tim và đôi tay. Từ ngày đầu tiên, các em đã được chia nhóm theo từng công đoạn: cung bông, chải thô, ghép cúi, kéo sợi thô, kéo sợi con, quấn ống, kiểm soát chất lượng sợi. Mỗi ngày, các em đều được luân phiên tiếp xúc với thiết bị hiện đại, làm quen với cách thức vận hành, ghi chép thông số, và quan sát từng chuyển động nhỏ của dây chuyền sản xuất. Tám tuần không dài, nhưng đủ để các em hiểu rõ mối liên kết giữa lý thuyết học trên giảng đường và ứng dụng trong thực tế. Rèn luyện tác phong công nghiệp: đúng giờ, tuân thủ quy trình, cẩn thận trong từng thao tác. Học hỏi kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp với kỹ thuật viên, và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm trong công việc.
SV Minh Thư đang thực tập trên máy trộn bông
Là giảng viên đồng hành, tôi không chỉ quan sát các em học mà còn học từ chính sự chăm chỉ, cầu tiến, sự chủ động trong học hỏi. Có những hôm kết thúc ca thực tập, các em còn nán lại trò chuyện với kỹ thuật viên để hỏi thêm về máy móc, hoặc bàn luận với nhau cách cải tiến quy trình sản xuất.
Một bạn sinh viên từng tâm sự với tôi:" Cô ơi, đi thực tập ở đây rồi em mới thấy nghề mình đáng tự hào thật sự. Dù làm ra một sợi nhỏ thôi nhưng đằng sau đó là cả một dây chuyền, cả một đội ngũ, và cả một lịch sử phát triển lâu dài."
Máy kéo sợi con Lasmi
SV Thùy Linh đang thực tập công đoạn máy xé kiện
Tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc tới Ban Lãnh đạo và toàn thể cán bộ, kỹ sư của Nhà máy Sợi Yên Mỹ – Hưng Yên. Không chỉ mở cánh cửa nhà máy, mà còn mở cánh cửa tương lai cho sinh viên chúng tôi bằng cách: Tận tình hướng dẫn từng quy trình, tạo điều kiện bữa ăn ca. Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và cả những bài học quý về đạo đức nghề nghiệp. Chúc mừng Nhà máy Sợi Yên Mỹ tròn 60 tuổi – và cảm ơn vì đã góp phần ươm mầm cho những “mùa sợi” tiếp theo của đất nước.
Tác giả. Tạ Thị Dịu