Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆN TƯỢNG NHĂN ĐƯỜNG MAY VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

Ngày đăng: 01:53 - 16/09/2019 Lượt xem: 27.646

Trong nền công nghiệp sản xuất hàng may mặc, các nhà sản xuất thường phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc phải duy trì sự cạnh tranh trong thị trường toàn cầu. Khả năng cạnh tranh chủ yếu dựa vào năng suất và chất lượng. Một trong những yếu tố làm giảm giá trị thẩm mỹ ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm đó là hiện tượng nhăn đường may. Đây là một vấn đề đã được biết đến từ lâu và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam. Vấn đề này đã được các doanh nghiệp đưa lên hàng đầu do yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của các sản phẩm may. Độ nhăn đường may là một trong các tiêu chí quan trọng nhất trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong ngành sản xuất may công nghiệp. Đã có nhiều nghiên cứu để hạn chế, khắc phục hiện tượng nhăn đường may, nhưng trong thực tiễn sản xuất vẫn là một điều mà các doanh nghiệp rất quan tâm. Trong thực tế giảng dạy các học phần kỹ thuật may đối với sinh viên ngành công nghệ may, có một số lỗi thường gặp trong đó lỗi nhăn đường may thường xảy ra khi thực hiện các mã hàng: áo sơ mi, quần âu, áo Jacket trong quá trình luyện tập do sinh viên chưa biết cách xử lý giảm thiểu nhăn đường may.

Nhăn đường may là một hiện tượng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm may nói chung. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ nhăn đường may như: thành phần và cấu trúc của vải, của chỉ may, điều kiện gia công, các thông số công nghệ và thiết bị may v.v…Trong phạm vi bài viết này, tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của một số tiêu chí cơ bản: chỉ may, thiết bị, cấu trúc vải, độ cứng uốn của vải may ảnh hưởng tới độ nhăn đường may và các giải pháp khắc phục hiện tượng đó.

1. Một số khái niệm

Khái niệm nhăn đường may

Trên quan điểm các chỉ tiêu chất lượng đường may, gắn giữa tâm lý nhận biết sự biến dạng của vải trên đường may với lý thuyết của sức bền vật liệu, có thể định nghĩa:

        Nhăn đường may là những đường gợn, nếp nhăn hoặc sự nhăn lại của vải hoặc một số các đường nhăn nhỏ chạy qua chạy lại xuất hiện trong quá trình may các các mảnh vải.[1]

        Nhăn đường may là hiện tượng vải bị biến dạng uốn và co bởi đường may tạo nên những sóng nhăn liên tục của một hay nhiều lớp vải tham gia liên kết may từ mũi may này sang mũi may khác dọc theo đường may.[2]

        Hiện tượng nhăn đường may xảy ra khi may trên nhiều loại vải khi nối ghép hai hay nhiều tấm vải với nhau theo chiều sợi dọc. Trên thực tế ở một số sản phẩm nhăn đường may không chỉ xuất hiện trên bề mặt vải tại vùng lân cận đường may sau khi may mà cả sau khi giặt cũng như trong quá trình sử dụng sản phẩm do vải hay chỉ biến dạng dưới các tác động cơ, lý, hoá.

Hiện tương nhăn khi may xuất hiện do hai nguyên nhân:

- Do sự xê dịch tương đối giữa các lớp vải trên đường may hay sự dồn lớp vải dưới so với lớp vải trên hoặc sự trượt của lớp vải trên so với lớp vải dưới.
 

Hình 1. Sự xê dịch lớp vải dưới so với lớp vải trên trong quá trình may

- Do sự tương tác giữa chỉ và vải trong quá trình may và sử dụng sản phẩm, chỉ bị kéo căng sẽ tác động vào vải tại mũi may làm cho vải bị uốn và nén.

Hình 2. Sơ đồ lực tác dụng lên vải giữa hai lỗ đâm kim. Vải bị khống chế bởi chỉ may nên dẫn đến hiện tượng nhăn đường may

2. Các yếu tố ảnh hưởng tới độ nhăn đường may

2.1. Chỉ may

Các đặc tính cơ học và lý học của chỉ ảnh hưởng đến độ nhăn đường may bao gồm: Đặc tính co giãn, độ mảnh, độ bền ma sát, sự đồng đều và ổn định kích thước, … Nếu sức căng của chỉ được đặt quá cao trong khi may, độ giãn của chỉ tăng, thành phần độ giãn đàn hồi của chỉ cũng tăng theo. Sau khi may xong sức căng của chỉ giảm xuống, độ giãn đàn hồi biến mất làm chỉ co mạnh, điều này gây nhăn đường may nhiều hơn.

Trong quá trình may, với các loại chỉ có chi số thấp (chỉ thô), cần có một lực căng lớn để tạo mũi may. Như vậy, sẽ làm tăng nguy cơ nhăn đường may do sức căng. Vì vậy chỉ càng mảnh thì tạo đường may càng đẹp.

Mặt khác với các loại vật liệu có cấu trúc chặt chẽ. Nếu chỉ có chi số thấp (chỉ thô), khi đâm xuyên qua vải, sẽ gây ra sự sự xô lệch của các sợi vải lớn, làm cho vải bị gợn sóng, gây ra hiện tượng nhăn tự nhiên

(Đã được thử nghiệm trên bộ dụng cụ đo độ phẳng đường may theo tiêu chuẩn AATCC 88B-2001) 

2.2. Thiết bị

Thiết bị may có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đường may là một yếu tố ảnh hưởng đến độ nhăn đường may.

Thiết bị may bao gồm: Kim máy, lực nén chân vịt, cơ cấu dịch chuyển vải, tốc độ máy, …

2.2.1. Kim máy

Ngoài ra mối quan hệ ràng buộc giữa sức căng chỉ thoi và mật độ mũi may có ảnh hưởng lớn nhất đến độ nhăn đường may. Điều này cũng đã được các nhà nghiên cứu đưa ra các kết quả cụ thể về cách điều chỉnh sức căng của chỉ, mật độ mũi may. Trong đề tài của T.sĩ Phan Thanh Thảo đã chứng minh được với máy đo độ phẳng đường may theo tiêu chuẩn AATCC 88B-2001 một số chất liệu thì việc giảm sức căng của chỉ thoi 1g lực thì độ nhăn đường may trên vải giảm đi. Khi tăng mật độ mũi may lên 1mũi /cm thì độ nhăn đường may trên vải sẽ giảm. Khi giảm 1 chi số kim thì độ nhăn đường may trên vải 1 giảm. Khi giảm tốc độ may 1vòng/phút thì độ nhăn đường may trên vải giảm. Khi đồng thời giảm sức căng chỉ thoi và tăng mật độ mũi may thì độ nhăn đường may trên vải  sẽ giảm. Khi đồng thời giảm sức căng chỉ thoi và giảm chi số kim thì độ nhăn đường may trên vải  sẽ giảm. Khi đồng thời giảm sức căng chỉ thoi và giảm tốc độ may thì độ nhăn đường may trên vải  sẽ giảm.

Để đường may đạt chất lượng tốt nhất thì kim, chỉ, vải phải phù hợp với nhau. Khi kim đâm xuyên vải, trở lực làm cho vải biến dạng. Mức độ dịch chuyển của sợi vải khi kim đâm xuyên vải tùy thuộc vào mật độ, kiểu dệt vải và chi số của sợi vải và chỉ may. Đối với vải rất mịn và qua xử lí đặc biệt, cho phép sự dịch chuyển sang hai bên của sợi dọc lẫn sợi ngang là rất ít. Do vậy, khoảng cách giữa các sợi vải do kim gây ra sẽ hạn chế hơn, vì vậy độ dạt sẽ xảy ra ít hơn.

Nên sử dụng kim tốt nhất cho cỡ chỉ được may, nếu dùng kim quá to so với chỉ và vải sẽ để lại lỗ trên mặt vải sau khi may làm mất thẩm mỹ sản phẩm, mặt khác làm giảm độ bền của đường may, nếu dùng kim quá nhỏ so với chỉ và vải sẽ có thể làm gẫy kim trong quá trình may và làm đứt chỉ khi may, đường may bị bỏ mũi, giảm độ bền đường may. Vì vậy phải lựa chọn kim may cho vải và chỉ phù hợp nhất.

Một số vài loại xơ (tơ tằm, nylon) về bản chất mềm dẻo hơn các xơ khác (bông, lanh). Điều tất yếu là vải dệt từ các xơ mềm dẻo dễ đâm kim hơn. Các loại vải có cấu trúc chặt chẽ có thể không đủ chỗ để sợi di chuyển dễ dàng và cho kim đâm xuyên vào. Trong các trường hợp như vậy, việc chọn hình dạng phần mũi kim là rất quan trọng. Vài loại vải có thể được may tốt nhất bằng các kim có thể đâm xuyên vào sợi mà không làm hỏng sợi. Khi may da hoặc các loại nguyên liệu tương tự có thể cần để kim cắt ra một lỗ trên nguyên liệu trong mỗi lần đâm kim.

Sự xê dịch của sợi dọc và sợi ngang được gây ra bởi kim nhiều hơn bởi chỉ may. Kim bị hỏng có thể gây ra nhiều tác hại đối với vải dọc theo đường may. Vì vậy, cần phải luôn kiểm tra kim trước khi may và lựa chọn hình dạng đầu kim phù hợp với loại vải cần may.

2.3.2. Lực nén chân vịt, cơ cấu dịch chuyển vải, tốc độ máy

Lực nén chân vịt được xem là yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ may và khả năng chuyển dịch của các lớp vải trong quá trình may. Tốc độ may cao hơn yêu cầu lực nén chân vịt cao hơn. Tốc độ hình thành mũi may ảnh hưởng đến giá trị sức căng chỉ kim. Sức căng chỉ kim tăng lên khi tốc độ mũi may tăng lên. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đường may.

Ngoài ra, khi may vải được dịch chuyển dưới tác dụng của thanh răng, chân vịt. Do chân vịt đứng yên, thanh răng chuyển động theo quỹ đạo, nếu tốc độ của may tăng lên, dẫn tới tăng tốc độ dịch chuyển vải bằng thanh răng sẽ làm ảnh hưởng đến dộ xê dịch giữa các lớp vải, ảnh hưởng đến độ nhăn đường may.

Trong cùng điều kiện may như nhau, hệ số ma sát của các loại vải như nhau, thay đổi lực nén chân vịt dẫn đến sự thay đổi lực ma sát giữa thanh răng và chân vịt với các lớp vải làm cho lượng dịch chuyển của vải thay đổi. Giá trị lực nén chân vịt mắc máy trên các máy may một kim mũi thoi may vải mỏng và trung bình thay đổi trong khoảng 10¸40 (N); may vải dày thay đổi trong khoảng 10¸60 (N)

Kết quả phân tích lực tổng hợp xuất hiện trong vải may lớp trên và lớp dưới cho thấy rằng: Lớp vải dưới bị nén nên co lại còn lớp vải trên bị kéo căng nên dài ra. Lớp vải dưới vì vậy thường bị dồn lại so với lớp vải trên, lớp vải trên thường bị chuyển động không đều của vải và lực cản của chân vịt xuất hiện do ma sát giữa hai lớp vải trên với chân vịt. Lực ngăn cản lại sự xê dịch này là lực ma sát giữa 2 lớp vải trên và dưới.

Tốc độ máy cũng là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đường may, thực tế cho thấy ở tốc độ 5000 vòng/phút quá trình hình thành mũi may và hệ thống cấp vải có ảnh hưởng nhiều đến hình dạng đường may trên vải. Tốc độ may cao hơn yêu cầu lực nén chân vịt lớn hơn. Tốc độ hình thành mũi may ảnh hưởng đến giá trị sức căng chỉ kim đo được tại các đỉnh trên các vị trí đo khác nhau.

Từ kết quả thực nghiệm của các đề tài cho ta thấy, với cùng một độ dày của vải, cùng một thông số công nghệ và thiết bị nhưng khi may vải mỏng, trơn, bóng (VD: phi lụa 100% polyester, vải lụa, vải 100% nylon, ..) đường may bị nhăn nhiều hơn vải các loại vải dày, vải pha, hay vải có độ xốp (VD: polyester có chun spandex, vải nylon pha, ...)

VD: Đối với vải phi lụa 100% polyester, 100% nylon thì sức căng chỉ thoi ảnh hưởng lớn nhất đến độ nhăn đường may, còn với vải phi lụa có chun spandex thì mật độ mũi may có ảnh hưởng lớn nhất tới độ nhăn đường may.

Vải phi lụa 100% polyester, khi tăng mật độ mũi may thì đường may bớt nhăn, nhưng đối với vải phi lụa có chun thì ngược lại mật độ mũi may càng thấp (chiều dài mũi may lớn) thì càng ít nhăn.

Các thông số công nghệ và thiết bị khác như: chi số kim và vận tốc may thì có ảnh hưởng như nhau tới độ nhăn đường may của cả 2 loại vải, nghĩa là chi số kim nhỏ và tốc độ may thấp thì hạn chế được độ nhăn đường may.

2.3. Độ cứng uốn của vải

Các sóng nhăn của vải thường xuất hiện ngẫu nhiên tại các điểm bất kỳ trên đường may và lan toả ra xung quanh theo hướng vuông góc với đường may. Trong thực tế do các lớp vải tại vị trí đường may thường dày hơn so với lân cận đường may nên biến dạng nhăn thường nhỏ hơn tại vị trí lân cận đường may.
         Như vậy biến dạng nhăn của vải trên đường may có liên quan chặt chẽ tới độ cứng uốn của vải và khả năng chống lại sự biến dạng của vải dưới tác dụng của lực nén ép của vòng chỉ may.

Độ cứng uốn của vải được đặc trưng bởi mô đun đàn hồi của vải khi uốn (glực/cm2) phụ thuộc vào độ cứng của xơ và sợi tạo nên vải, phụ thuộc vào cấu trúc vải. Khi vải có độ cứng lớn sẽ chống lại tính chất uốn. Khi tăng chiều dày vải độ cứng của vải sẽ tăng đáng kể. Với vải mềm, mỏng, mô đun đàn hồi khi uốn của vải nhỏ, và ngược lại với vải cứng dày, mô đun đàn hồi khi uốn của vải lớn. Một điểm lưu ý rằng, với các vải mềm, mô đun đàn hồi nhỏ dễ bị co dúm, hệ số nhăn của chúng không lớn. Với loại vải cứng, mô đun đàn hồi lớn sẽ không bị nén ép và co dúm bởi sức căng của chỉ tại mũi may, trong trường hợp này hệ số nhăn của chúng là lớn, vải ít bị nhăn.

Cấu trúc và tính chất của vải có ảnh hưởng trực tiếp tới hiện tượng nhăn của vải bởi đường may. Một số loại vải sử dụng hiện nay có xu hướng co và nhăn tự nhiên, thường là các vải popolin (kiểu dệt vân điểm), vải lanh dệt thoi. Đặc điểm của loại nguyên liệu này là cấu trúc điểm nổi ngang thường bởi tỷ lệ sợi dọc/ngang là 2:1 hoặc do sử dụng sợi ngang với mật độ mau hơn.

Hình 3. Hiện tượng nhăn đường may

 Các loại vải dệt thoi mịn, sợi thành phần quá mảnh, có pha chun hoặc các loại vải đã được xử lý tráng phủ nhựa dễ co dúm và nhăn bởi đường may do có cấu trúc chặt chẽ. Nếu vải được dệt dày gần tới mật độ tới hạn, vải dệt từ những sợi mảnh có thể không đủ chỗ để chứa thêm một sợi chỉ may, do đó chỉ may làm kéo các sợi đã được dệt. Nếu vải được dệt từ sợi được xe cứng hoặc vải được xử lý hoàn tất đặc biệt. Mũi may dọc theo một đường thẳng sẽ lệch và đẩy các sợi lệch sang bên cạnh hoặc các sợi gây ra lực kéo là nguyên nhân làm cho vải bị nhăn bởi đường may, đặc biệt hiện tượng này càng tăng lên khi may với tốc độ cao.

3. Biện pháp khắc phục độ nhăn đường may

Vải mịn mỏng thường khó may, do vải dễ nhăn khi may. Trong khi may hoặc một thời gian ngắn sau khi may, vải bị co dọc tạo những sóng nhăn. Việc loại bỏ nếp nhăn bằng phương pháp là hoặc ép cố định đường may chỉ có ý nghĩa tạm thời. Sau lần giặt sản phẩm đầu tiên, nếp nhăn sẽ trở lại. Để đề xuất được biện pháp hiệu quả nhất loại bỏ nhăn đường may, điều quan trọng là cần phân tích nguyên nhân gây ra nhăn đường may. Về cơ bản, có 3 nguyên nhân chính: Nhăn do sức căng chỉ may quá lớn; Nhăn do sự dịch chuyển vải và Nhăn do sự dịch chuyển của sợi trên vải khi kim mang chỉ xuyên qua.

Lựa chọn chỉ phù hợp có nghĩa là: Chỉ to nhỏ vừa vặn hợp lý với vải. Độ co giãn ít.

Lựa chọn kim phù hợp với chất liệu vải,  độ dày của vật liệu, và chi số chỉ.

Nên sử dụng máy có thiết bị đưa vải, hoặc gắn rulo đưa vải (Máy có cơ cấu cấp vải tách biệt : với vải co giãn).

Điều chỉnh máy may cần kiểm tra:

Cường độ của chân vịt. Độ cao của răng đưa vải.

Nên sử dụng loại chân vịt nhựa có tính dễ trượt.

Giảm tối đa độ căng của chỉ.

Cố gắng giảm vận tốc máy với các chất liệu vải mỏng, trơn.

Sử dụng mặt nguyệt có đường kính lỗ kim nhỏ.

Điều chỉnh sức căng chỉ thoi càng thấp càng tốt, sau đó điều chỉnh sức căng chỉ kim cân bằng với sức căng chỉ thoi đảm bảo mối đan chỉ may nằm giữa hai lớp vải. Điều chỉnh chiều dài mũi may thích hợp.

               Khi may giữ căng vải ở cả trước và sau kim.   

Đối với vải phi lụa từ sợi tổng hợp polyester, chất liệu da, trơn có thể sử dụng kim NS được xử lý bề mặt bằng một lớp mạ Ceramic AUS có tác dụng chống nhăn và giảm nhiệt của kim, giảm tối đa (khoảng 45%) lực cản khi đâm xuyên xuống vải. Với các loại vải mỏng trơn có thể có gia cố chống bai đường may.

Trên đây là một số yếu tố cơ bản ảnh hưởng rõ rệt đến hiện tượng nhăn đường may gồm: chỉ, mật độ mũi may, lực nén chân vịt, tốc độ may, chất liệu vải, … Ảnh hưởng đồng thời của các yếu tố này tới độ nhăn đường may. Từ những nguyên nhân đó đã đưa ra một số giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục hiện tượng nhăn đường may trong quá trình may, đây sẽ tài liệu tham khảo để cho các em sinh viên ngành Công nghệ may hiểu rõ hơn về hiện tượng nhăn đường may và cách xử lý trong quá trình may nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong học tập cũng như thực tập sản xuất công nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Lệ (2006), Nghiên cứu thiết ké chế tạo mô hình thiết bị đánh giá độ nhăn đường may, Bộ Giáo dục & Đào tạo (B2005-28-187);

2. Phan Thanh Thảo (2010), Nghiên cứu khắc phục biến dạng gây nhăn đường may tạo sản phẩm thời trang cao cấp từ vải lụa Polyester; Bộ Giáo dục & Đào tạo (B2009-01-256).


Nguyễn Thị Thành
Trung tâm Thực hành may
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 409 Tổng truy cập: 30.055.947