Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

SỬ DỤNG THIẾT BỊ CHUYÊN DÙNG, CỮ GÁ VÀO QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC DẠY HỌC MAY DÂY CHUYỀN TẠI TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

Ngày đăng: 02:28 - 05/02/2025 Lượt xem: 31

ThS. Chu Thị Ngọc Thạch
Trung tâm Thực hành may

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh ngành công nghiệp dệt may ngày càng phát triển, yêu cầu về năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng là một nhiệm vụ cấp thiết. Trung tâm Thực hành may Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là trong các học phần thực hành Công nghệ may. Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả giảng dạy thực hành là việc sử dụng các thiết bị chuyên dùng, cữ gá trong quá trình giảng dạy. Các thiết bị này không chỉ giúp sinh viên làm quen với các công cụ và quy trình sản xuất thực tế mà còn nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Việc áp dụng các thiết bị chuyên dùng, cữ gá vào giảng dạy thực hành giúp sinh viên tiếp cận gần hơn với môi trường sản xuất công nghiệp, từ đó rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc ứng dụng các thiết bị chuyên dùng, cữ gá trong giảng dạy còn một số hạn chế, đa phần vẫn thực hiện may thủ công. Bài viết này đề cập đến việc sử dụng một số thiết bị, cữ, gá trong học tập may dây chuyền giúp sinh viên tiếp cận gần hơn với sản suất may công nghiệp, khi thực tập và làm việc tại các Doanh nghiệp sinh viên sẽ thích nghi một cách nhanh chóng. Một số thiết bị, cữ, gá cũng được đưa vào giảng dạy trong các học phần THCNM nhằm rút ngắn thời gian thực hiện một số công đoạn giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, kích thích khả năng tìm tòi khám phá, nâng cao kỹ năng thực hành của sinh viên.

2. Một số khái niệm

2.1. Khái niệm tổ chức dạy học

“Hình thức tổ chức dạy học là sự biểu hiện bên ngoài của hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và học sinh được thực hiện trong một trật tự quy định và một số chế độ xác định” Theo nhà giáo dục học nổi tiếng J.Piaget (1999) thì hình thức cơ bản nhất của quá trình dạy học chính là hình thức lên lớp hay còn gọi là hình thức lớp bài.[1]

2.2. Khái niệm quá trình dạy học

Là quá trình tương tác và thống nhất giữa hoạt động (dạy và học) của giảng viên và sinh viên, qua đó nhiệm vụ dạy học được thực hiện.[2]

2.3. Khái niệm cữ gá

Cữ gá là một loại trang bị công nghệ kèm theo máy may, dùng để dẫn hướng cho nguyên liệu may đi qua, tạo ra kết cấu hình dạng của đường may, đồng thời xác định vị trí của chi tiết may so với kim máy dưới tác dụng của lực đấy của cơ cấu chuyển đẩy nguyên liệu khi may. [3]

Trang bị công nghệ là toàn bộ các phụ tùng kèm theo máy may nhằm mở rộng khả năng công nghệ của máy, tạo điều kiện thực hiện quá trình gia công sản phẩm may với hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao. Trong đó, cữ gá là một trang bị công nghệ được sử dụng rộng rãi trong quá trình may.

2.4. Khái niệm dây chuyền may

Dây chuyền là hình thức tổ chức sản xuất gồm những bộ phận chuyên môn hoá thực hiện các khâu kế tiếp nhau theo một trình tự nhất định.[4] 

Dây chuyền sản xuất là một tập hợp các hoạt động tuần tự được thiết lập tại một nhà máy để chuyển đổi nguyên liệu thô thành sản phẩm tiêu dùng cuối cùng hoặc lắp ráp các bộ phận thành phẩm. Dây chuyền bao gồm nhiều công đoạn khác nhau, được sắp xếp theo trình tự hợp lý và được thực hiện liên tục, giúp tối ưu hoá hiệu quả sản xuất. [5]

Dây chuyền may hay chuyền may là một hệ thống sản xuất chủ lực trong ngành may bao gồm cả người may mặc và các trang thiết bị máy may, máy móc phụ trợ để thực hiện nhiệm vụ may và lắp ráp các chi tiết bán thành phẩm riêng lẻ thành một sản phẩm hoàn chỉnh theo đúng quy trình.

3. Tổ chức dạy học may dây chuyền, sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá vào sản phẩm quần thể thao tại Trung tâm thực hành may

3.1. Giới thiệu sơ lược về các học phần THCNM

Các học phần THCNM trong chương trình đào tạo ngành Công nghệ may là các học phần bắt buộc thuộc khối kiến thức ngành, giúp sinh viên nắm vững kỹ thuật may từ sản phẩm cơ bản đến các sản phẩm phức tạp như sản phẩm áo sơ mi, quần âu và áo jacket. Quá trình học các học phần THCNM sinh viên được luyện tập may trên các sản phẩm thực tế từ thị trường theo các hình thức may chuyền và may đơn chiếc. Căn cứ theo đề cương chi tiết các học phần THCNM để đảm bảo mục tiêu cũng như chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trong quá trình may chuyền sinh viên cần biết sử dụng một số thiết bị chuyên dùng, cữ gá giúp đảm bảo về chất lượng sản phẩm, cũng như thời gian luyện tập, từ đó giúp sinh viên tiếp cận gần hợn với thực tế sản xuất tại Doanh nghiệp.  

3.2. Tổ chức dạy học may dây chuyền, sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá vào sản phẩm quần thể thao

      Tổ chức dạy học may dây chuyền được chuyên môn hoá từng công đoạn đối với người học nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm học tập cũng như chất lượng giảng dạy đối với hình thức may dây chuyền tại Trung tâm Thực hành may

3.2.1. Điều kiện triển khai vào mã hàng quần thể thao

- Kế hoạch học tập của mã hàng, lập kế hoạch chi tiết thực hiện mã hàng

- Tiêu chuẩn kỹ thuật mã hàng, nghiên cứu tiêu chuẩn kỹ thuật kết hợp với sản phẩm mẫu, quan sát đặc điểm hình dáng, kết cấu tìm hiểu phương pháp may.

   

Hình 1: Hình vẽ mô tả mặt trước, mặt sau sản phẩm quần thể thao

- Yêu cầu về thiết bị chuyên dùng, cữ gá dưỡng, giảng viên kết hợp với cơ điện chuẩn bị thiết bị chuyên dùng, cữ gá triển khai mã hàng quần thể thao theo hình thức may chuyền.

- Bộ mẫu hướng dẫn sản xuất mã hàng quần thể thao

- Bán thành phẩm, nguyên phụ liệu

- Bảng phân tích quy trình may mã hàng, phân chuyền các công đoạn may cho sinh viên thực hiện.

3.2.2. Thiết bị chuyên dùng, cữ gá sử dụng may chuyền quần thể thao

Tuỳ từng chủng loại sản phẩm mỗi mã hàng có kết cấu, đặc điểm và yêu cầu khác nhau vì vậy việc chuẩn bị các thiết bị chuyên dùng, cữ gá cần phải phụ thuộc theo yêu cầu cụ thể từng mã hàng. Mã hàng quần thể thao cần các thiết bị chuyên dùng, cữ gá như sau:

- Máy 2 kim sử dụng may dây viền tại vị trí dọc quần

- Máy can sai sử dụng may chun cạp

- Cữ viền liền với chân vịt máy 2 kim sử dụng may dây viền (cữ 1cm)

- Chân vịt cữ 0,6/chân vịt diễu 0,6 cm 

 

Hình 2: Thiết bị chuyên dùng, cữ gá sử dụng may chuyền quần thể thao


Hình 3: Bảng thông số thành phẩm và tiêu chuẩn may quần thể thao

Căn cứ từ thông số thành phẩm và quy cách đường may đối với công đoạn sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá để khảo sát thông số chiều dài đường may khi thực hiện như sau:

 - Thiết bị máy 2 kim, chân vịt gắn gá viền 1cm  sử dụng may dây viền tại vị trí dọc quần với chiều dài dọc quần là 105cm bao gồm cả đường may, dây viền được may với dọc quần thân sau mỗi bên dọc quần có 2 dây viền (dây viền được sử dụng là dây dệt)

- Chân vịt diễu 0,6cm sử dụng may diễu hai bên dọc quần, chiều dài dọc là 105cm bao gồm cả đường may

- Thiết bị máy can sai sử dụng may chun cạp với chu vi vòng cạp trước khi may chun là 104cm

Bảng 1. Hình ảnh thiết bị, cữ gá trước ứng dụng và ứng dụng

Từ bảng trên cho thấy nếu không sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá thì phải may thủ công sẽ phải thực hiện nhiều đường may hơn cụ thể như:

- Công đoạn may dây viền, trước khi may viền bằng máy 1 kim cần phải làm dấu vị trí may viền sau đó thực hiện may 8 đường may cho 4 dây viền. Khi sử dụng máy 2 kim, chân vịt gá viền thì không cần làm dấu, số đường may cũng giảm 4 đường/4 dây viền.

- Công đoạn diễu dọc quần dùng chân vịt thường sẽ phải căn ke mất nhiều thời gian hơn khi sử dụng chân vịt cữ diễu 0,6.

- Công đoạn may cạp nếu may bằng máy 1 kim sẽ phải may 2 đường/2 lần may. Khi sử dụng thiết bị máy can sai chỉ may 1 lần/2 đường may.

3.2.3. Hiệu quả sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá

Khi sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá đối với một số công đoạn quần thể thao đã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và hiệu quả được thể hiện tại bàng 2 như sau:

Bảng 2. So sánh công đoạn may thủ công và sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá

TT

Tên công đoạn

May thủ công

Thời gian giây/SP

Sử dụng thiết bị, cữ gá

Thời gian giây/SP

Ghi chú

1

May dây viền với dọc quần

Làm dấu dọc quần

50

Máy 2 kim, chân vịt cữ viền,  gá nam châm

168

Làm dấu trước khi may thủ công

Máy 1 kim

380

2

Diễu dọc quần

Máy 1 kim, chân vịt thường

134

Máy 1 kim, chân vịt diễu

110

 

3

May chun cạp

Máy 1 kim, gá nam châm

280

Máy can sai, gá nam châm

70

 

 

Chênh lệch

 

844

 

348

Giảm
496

 Từ bảng trên cho thấy việc sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá đạt hiệu quả cao hơn so với may thủ công. Công đoạn may dọc quần khi sử dụng thiết bị chuyên dùng máy 2 kim, cữ viền và gá nam châm đã giảm được công đoạn làm dấu, giảm 4 đường may so với máy 1 kim từ đó thời gian rút ngắn được 262 giây, nhanh hơn 2,6 lần so với may thủ công. Công đoạn diễu dọc khi sử dụng chân vịt cữ/diễu cũng giảm được 24 giây. Công đoạn may chun cạp sử dụng thiết bị chuyên dùng máy can sai, gá nam châm giảm 210 giây, nhanh hơn gấp 4 lần so với may thủ công bằng máy 1 kim.  

Trong quá trình thực hiện sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá đã cải thiện hơn về chất lượng so với may thủ công được nghi nhận từ cán bộ kiểm tra chất lượng sản phẩm học tập. Kiểm tra chất lượng 50 sản phẩm may thủ công phát hiện 7-8 sản phẩm mắc lỗi chiếm 14-16%, kiểm tra 50 sản phẩm được sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá phát hiện 4-5 sản phẩm mắc lỗi chiếm 8-10%. Kết quả cho thấy chất lượng sản phẩm khi sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá đã đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt hơn so với may thủ công.

3.2.4. Ưu điểm sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá vào quá trình dạy học may chuyền

* Về năng suất

Việc sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá vào quá trình dạy học  may dây chuyền giúp năng suất tăng cao hơn so với may thủ công đối với mã hàng quần thể thao đã được thể hiện cụ thể trong bảng 1.

* Về chất lượng

Sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá vào quá trình dạy học may dây chuyền tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng hơn so với may thủ công như:

- Công đoạn may viền ứng dụng thiết bị may máy 2 kim, chân vịt cữ và nam châm sẽ giúp đường may thẳng, đều đẹp và khoảng cách 2 đường may luôn song song cách đều nhau, viền không bị déo vặn vì may cùng một hướng không như máy 1 kim phải đảo chiều để may viền.

- Công đoạn diễu dọc quần sử dụng chân vịt diễu sẽ giúp cho đường diễu thẳng, đều đẹp đúng quy cách.

- Công đoạn may chun cạp quần sử dụng thiết bị máy can sai trần đè 2 kim 3 chỉ dạng cùi trỏ, gá ke sẽ giúp đường chun cạp song song đều đẹp đúng quy cách, chun săn đề sát sống cạp đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Tổng thể sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng tốt.

3.3. Cảnh báo và khuyến cáo một số lỗi trong quá trình sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá khi may chuyền

- Đứt 1 chỉ kim hoặc sùi chỉ 1 bên đường may đối với máy 2 kim sẽ phải sửa và may lại bằng máy 1 kim, khuyến cáo trước khi may cần chỉnh chỉ đều đẹp cả hai bên đường may.

- Dây viền xoắn vặn, viền co dẫn đến nhăn thân quần sau khi là, khuyến cáo trước khi may cần xử lý độ co viền, tở dây viền tránh không được để rối dây, khi may chú ý không để viền xoắn vặn.

- Khoảng cách viền không đều, khuyến cáo đo và căn ke khoảng cách viền theo đúng quy định, không để gá nam châm bị di chuyển, kiểm tra thường xuyên trong quá trình may.

- Diễu dọc quần nhỏ, cong, cợp đường may, khuyến cáo khi sử dụng chân vịt ke/diễu cần phải điều chỉnh cho cạnh chân vịt bán sát mép gấp đường may, thao tác vét sát đường may.

- Đứt 1 chỉ máy can sai khi may chun cạp, khuyến cáo trước khi may phải chỉnh chỉ thử máy đảm bảo chỉ của 2 kim có sức căng đền nhau mũi chỉ đều đẹp.

- Bỏ mũi, khuyến cáo lắp chỉ, lắp kim đúng quy định chỉ dẫn, chỉnh chỉ và may thử trước khi may vào sản phẩm phải đảm bản đều đẹp đúng quy cách.

- Tuột chỉ 3/chỉ dưới đường may chun cạp khi sử dụng máy can sai, khuyến cáo đầu cuối đường may phải giao nhau trùng khít 2cm, cắt sát chỉ thừa. 

4. Kết luận

Việc sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá vào quá trình giảng dạy may chuyền đã rút ngắn thời gian đem lại hiệu quả năng suất cao, chất lượng tốt hơn so với may thủ công. Sinh viên khi thực hiện các công đoạn sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá đã rất hào hứng, thúc đẩy khả năng tìm tòi khám phá trong quá trình sử dụng thiết bị chuyên dùng của sinh viên, cải thiện quá trình học tập và kỹ năng nghề đáp ứng mục tiêu cũng như chuẩn đầu ra của học phần. Vì vậy việc sử dụng thiết bị chuyên dùng, cữ gá trong học tập may chuyền là cần thiết, giúp sinh viên tiếp cận gần hơn với thực tế sản xuất tại các Doanh nghiệp may công nghiệp. Những kiến thức kỹ năng đó cũng là hành trang khi sinh viên học học phần thực tập sản xuất được tốt hơn. Từ đó, sau khi ra trường sinh viên sẽ tự tin làm việc tại các Doanh nghiệp.
 
Tài liệu tham khảo

1.https://www.academia.edu/16352110/H%C3%ACnh_th%E1%BB%A9c_t%E1%BB%95_ch%E1%BB%A9c_d%E1%BA%A1y_h%E1%BB%8Dc

2. Lê Quang Sơn, Giáo trình lý luận dạy học đại học, NXB Đà Nẵng

3. Nguyễn Thành Nhân (2019), Giáo trình chế tạo cữ gá ngành may, NXB Giáo dục Việt Nam

4. Từ điển Tiếng Việt

5. https://vieclamnhamay.vn/tin-tuc/chuyen-may-la-gi-to-chuc-chuyen-may-theo-hinh-thuc-nao-hieu-qua-nhat

6. Đề cương chi tiết học phần THCNM2 – ĐHM.K7

7. Nguyễn Thị Thu Hường (2023), Nghiên cứu xây dựng quy trình triển khai mã hàng cho các học phần thực tập kỹ thuật may, đề tài cấp trường

 
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 392 Tổng truy cập: 34.665.135