Trang chủ

CÔNG NGHỆ MAY CỔ ÁO VESTON

Ngày đăng: 02:56 - 08/02/2023 Lượt xem: 295
Th.S. Đỗ Thị Thu Hà
                                                                                  Khoa: Công Nghệ May
1. Đặt vấn đề
Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội trong những năm qua đã không ngừng đổi mới chương trình đào tạo cho các ngành. Trong đó Công nghệ may là ngành rất được quan tâm và chú trọng... Trong chương trình giảng dạy của ngành Công nghệ may thì học phần cắt may trang phục (CMTP) là một học phần chuyên ngành có yêu cầu rất cao về kỹ thuật, quy trình công nghệ cũng như các thiết bị áp dụng vào giảng dạy học phần này, mỗi cụm chi tiết sẽ yêu cầu và đòi hỏi những dụng cụ và thiết bị chuyên dùng khác nhau. Trên thực tế học phần này vẫn không ngừng được cập nhật đổi mới theo sự phát triển chung và phù hợp từng giai đoạn. Tuy nhiên Công nghệ may áo veston vẫn dựa trên nền tảng truyền thống. Với mong muốn tìm ra công nghệ mới và phù hợp để áp dụng vào học phần CMTP, cần có những nghiên cứu mới và áp dụng công nghệ tiên tiến phù hợp vào giảng dạy cho sinh viên là rất cần thiết. Vì vậy, trong bài viết này tác giả đề cập đến phần Công nghệ may cổ áo veston, thay đổi về công nghệ may với phương pháp gói đầu cổ. Qua quá trình thực nghiệm đã cho ra sản phẩm cổ áo êm phẳng, đúng dáng. Với mong muốn kết quả nghiên cứu có thể áp dụng vào chính học phần CMTP đang được giảng dạy trong chương trình ngành học dành cho sinh viên Công nghệ may để cho ra những sản phẩm đạt chất lượng cao.
 2. Đặc điểm cổ áo veston [1]
Cổ áo veston: Là một trong các bộ phận của sản phẩm áo veston. Cổ bẻ ve dáng ve xuôi, cạnh ve có dáng bầu, lớp ngoài bằng vải chính, lớp cổ lót bằng vải nỉ, bên trong hai lớp cổ có dựng tăng thêm độ phẳng và giúp cho phần tạo dáng phom cổ được dễ dàng.
2. Thiết bị và dụng cụ sử dụng may cổ áo veston
- Thiết bị: Máy 1 kim, máy chuyên dụng ép cổ, máy đột/lược ve cổ, bàn là hơi
- Dụng cụ: Manơcanh, cầu là, kéo, thước, bấm chỉ.…

3. Trình tự thực hiện
Bảng 1: Quy trình may cổ áo veston nam

4. Qui trình may [2]Bước 1. Kiểm tra BTP, làm dấu, ép chống bai
- Kiểm tra bán thành phẩm: Đủ chi tiết, đúng thông số, canh sợi, không loang màu, lỗi sợi, các chi tiết cán mùng không bong, rộp. Các chi tiết đã may (thân trước may lộn ve nẹp) đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật;
- Làm dấu: Dùng phấn trắng sang dấu các chi tiết, nét phấn nhỏ gọn, sắc nét.
* Chú ý: làm dấu đầy đủ các vị trí điểm bấm trên mẫu
- Ép chống bai bản cổ
           Ép chống bai sống cổ (thông số 1cm) đặt dây chống bai trùng với BTP sống cổ, ép từ đầu cổ bên trái sang đầu cổ bên phải, khi ép chống bai để êm, tại điểm bấm số 2 đến số 3 cầm sống cổ 0,2 đến 0,3
                      
       
Bước 2. May chắp chân cổ với bản cổ chính là rẽ, mí đè
- May chân cổ với bản cổ: hai mặt phải úp vào nhau, hai đường phấn trùng nhau. Bản cổ để dưới, chân cổ để trên, may chắp 0,5 (đầu, cuối đường may lại mũi bền chắc).
- Là rẽ, mí đè: Là rẽ đường may về hai phía, mí đè lên 2 cạnh của bản cổ và chân cổ.
    Bước 3. May kê sống cổ nỉ với sống cổ chính
Lá cổ chính để dưới, cổ nỉ để trên, mặt trái sống cổ lót nỉ kê lên mặt phải sống cổ chính may mí lên nỉ để định vị sau đó may ziczăc từ đầu cổ bên trái sang đầu cổ bên phải.

Bước 4. Là sống cổ, là gói đầu cổ           
- Là gập sống cổ theo đường sang dấu TP. Cổ nỉ đặt lên trên, gập gói sát cạnh nỉ theo đường sang dấu.
* Chú ý: Sắp cho cạnh cổ nỉ trùng các đường sang dấu của cổ chính, đầu cổ đối xứng hai bên.

Bước 5. Chắp vai con, là rẽ, vét vai
- May chắp vai con: Hai mặt phải vai con thân trước, thân sau úp vào nhau may theo đường phấn sang dấu, sau đó là rẽ sang hai bên;
 * Chú ý: (khi may không may lên đệm ngực)
- Vét vai: Đặt thước nhựa cứng cài vào đường là rẽ thân trước đẩy căng tạo độ phẳng cho phía trên vai áo, lược vét vai con rồi may ghim vào đường là rẽ thân sau kê vào đệm ngực;

Bước 6. Tra cổ hoàn chỉnh
Tra cổ lần chính: Ve đặt dưới, cổ chính đặt trên, may theo đường phấn sang dấu. (Giữa bản cổ trùng với giữa thân sau) may xong là rẽ đường may
Tra cổ lót (cổ nỉ): Thân đặt dưới, cổ lót (cổ nỉ) đặt trên, các dấu bấm trùng nhau, theo đường phấn sang dấu (may đến vị trí đường bẻ ve)
- Là rẽ đường may sang hai bên

Kê mí má cổ nỉ vào thân theo đường sang dấu, khi may vòng cổ thân trước để êm, hơi miết vòng cổ thân sau.
Bước 7. Lược mo ve nẹp, cổ áo. May ghim đường bẻ ve
Trải phẳng ve cổ cho êm canh, đặt mẫu làm dấu đường bẻ ve cổ, lược đúng đường bẻ ve, cổ (lưu ý khi lược phải kết hợp đẩy mo ve về phía thân áo) sao cho đảm bảo độ êm mo không thừa bùng ve cổ lần chính.
Tiến hành may một đường cố định từ bên phải sang bên trái cách đường bẻ ve 0,7 – 1,0 cm, cách chân ve 5 – 7 cm
 

Bước 8. Là ve nẹp, cổ áo
- Là đường bẻ ve, bẻ cổ êm phẳng, là mo bản cổ, bản ve sau đó may ghim một đường cách chân ve 5cm, cách đường bẻ ve về phía thân áo 0,7cm, may từ đầu ve bên này sang đầu ve bên kia. Là mặt trái đường bẻ ve, yêu cầu phần 1/3 chân là phom, phần còn lại là chết nếp.
- Kiểm tra đối xứng hai bên đầu ve, đầu cổ, chân ve.
Bước 9. Kiểm tra, VSCN
Kiểm tra
: Thông số, quy cách, yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
VSCN: Sạch phấn, chỉ, xơ vải, dầu máy.

5. Kết luận

Công nghệ may cổ áo veston có vai trò quan trọng trong công nghệ may áo veston nói chung. Áo veston nam được đánh giá là sản phẩm cao cấp được đưa vào sản xuất trong các doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng sản xuất dòng sản phẩm cao cấp này. Trong bài viết tác giả đã đưa ra phương pháp và công nghệ may cổ áo veston nam theo kiểu gói đầu cổ mà cổ lót sử dụng chất liệu nỉ trên cơ sở công nghệ may cổ áo veston nam cơ bản. Khi áp dụng phương pháp và công nghệ may theo kiểu gói đầu cổ này người học có thể thực hiện nhanh, cho ra sản phẩm cổ áo êm phẳng và góc cổ êm thoát hơn rất nhiều so với phương pháp may theo kiểu cơ bản. Từ bài viết này người đọc có thể vận dụng công nghệ may cổ vào may cổ áo veston cho kiểu cổ ve xuôi. Đây là một tài liệu có thể giúp cho các em sinh viên ngành công nghệ may tiếp cận và vận dụng vào chính học phần CMTP đang thực hiện tại trường và doanh nghiệp  sớm hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 [1] Võ Phước Tấn (2006), Công nghệ may 4 - Trường Đại học công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản thống kê.
[2] Ngọc Huyền (2015),  Kỹ thuật cắt may thiết kế thời trang nam, Nhà xuất bản Bách Khoa Hà Nội.
[3] https://hocmay.vn/huong-dan-may-tra-co-ao-vest-dung-ky-thuat/
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 47 Tổng truy cập: 18.643.893