Trang chủ

MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỘ CHÍNH XÁC CỦA QUÁ TRÌNH NHẢY MẪU

Ngày đăng: 02:46 - 14/07/2023 Lượt xem: 263
Trương Thiên Quốc Chuyên – Khoa Công nghệ may
1. Đặt vấn đề
Hiện nay cùng với sự phát triển tiến bộ của khoa học, kỹ thuật đã giúp cho các ngành công nghiệp nặng cũng như ngành công nghiệp nhẹ ngày một phát triển. Trong đó, ngành công nghiệp dệt may đã được đẩy mạnh và giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam, trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm gần đây. Chính vì thế, các công ty, xưởng sản xuất hàng may mặc từ tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài đến doanh nghiệp nhà nước đã không ngừng đầu tư và phát triển máy móc, trang thiết bị hiện đại hơn để phục vụ cho sản xuất bán tự động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm.

Bên cạnh đó các công ty đã nghiên cứu và ứng dụng những phần mềm để hỗ trợ trong sản xuất, đặc biệt là trong quá trình thiết kế, nhảy mẫu và giác sơ đồ trên máy tính đã và đang được sử dụng trong sản xuất công nghiệp. Có rất nhiều phần mềm được ứng dụng như: Accumark, Lectra, Optitex...đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp may.

Đối với mỗi một mã hàng, nhảy mẫu là một trong các công đoạn của quá trình chuẩn bị mẫu ở khâu chuẩn bị sản xuất trong quy trình công nghệ sản xuất may công nghiệp. Nhảy mẫu có một vai trò rất quan trọng, mang tính quyết định đến việc sản xuất hàng loạt quần áo [1] may sẵn theo các cỡ số, giúp tiết kiệm tối đa thời gian cho doanh nghiệp. Khi chưa có công nghệ, thiết bị máy móc hỗ trợ, với việc sản xuất hàng loạt thì nhảy mẫu bằng thủ công vừa mất thời gian, độ chính xác không được cao nên hiện nay việc dùng các phần mềm đã được đưa vào thay thế cho con người vừa tiết kiệm thời gian mà độ chính xác cao hơn.

2. Phương pháp nhảy mẫu
Để nhảy mẫu trong sản xuất may công nghiệp thì chúng ta phải có một bộ mẫu gốc BTP hoặc file mềm bản thiết kế trên máy tính kèm với tài liệu mã hàng có đủ size và bảng thông số thành phẩm.
Với nhảy mẫu thủ công, trước khi nhảy mẫu phải in sao mẫu, xác định các tiêu điểm nhảy. Sau đó, tại các tiêu điểm chúng ta gắn các hệ trục vào các tiêu điểm để nhảy mẫu. Các tiêu điểm hiện diện ở chu vi của mẫu gốc và dựa vào bảng thông số để gắn các bước nhảy vào[2]. Nói chung, nhảy mẫu được thực hiện để tăng hoặc giảm kích thước của mẫu, để tạo ra một tập hợp hoàn chỉnh các mẫu có kích thước khác nhau trong phạm vi của bảng thông số sao cho phù hợp với mức độ chênh lệch về số đo giữa các cỡ [3−4]. Khi nhảy mẫu bằng phương pháp thủ công giữa các vị trí đo và tiêu điểm nhảy mẫu giữa các cỡ có độ chính xác không cao, mất thời gian khớp mẫu sau khi nhảy, còn nhảy mẫu bằng máy tính là phương pháp chính xác và thích hợp nhất, giúp các Doanh nghiệp giảm chi phí về lao động, vật tư trang thiết bị, nhà xưởng và rút ngắn được thời gian nhảy mẫu, giác sơ đồ, đảm bảo được các thông số sau khi làm mẫu trên máy tính nhưng chỉ khi một giá trị chính xác được nhập vào máy tính [4].
3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của quá trình nhảy mẫu
3.1. Ảnh hưởng của các vị trí đo.
Để nhảy mẫu đối với mã hàng nào chúng ta cũng phải có bảng thông số của sản phẩm. Bảng thông số được cấu thành bởi các vị trí đo khác nhau tùy theo đặc trưng của sản phẩm hoặc yêu cầu của khách hàng.
Với một số vị trí đặc thù của sản phẩm thì các vị trí đo có mối dàng buộc với nhau.
Ví dụ:Thông số đường chéo vai con bị ảnh hưởng bởi các vị trí đo như dài vài con “S”, xuôi vai  “F” và rộng ngang vai “ AS ”.như mô tả trong (Hình 1 và Bảng 1) của áo T-shirt.

Qua bảng 1 khi so sánh bảng thông số kỹ thuật giữa các mẫu đo với nhau ta thấy. Đối với mẫu A, không thấy vị trí đo của rộng vai nhưng mẫu B và C lại có vị trí đo của thông số rộng vai, tương tự thì dài vai con của mẫu A và B có thông số đo chiều dài còn mẫu C lại không có thông số đo. Chính vì vậy, sau khi nhảy mẫu nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình nhảy mẫu và khớp mẫu dài vai con giữa các cỡ với nhau. Tương tự thì các vị trí như rộng vai, vòng nách đo cong … cũng bị ảnh hưởng bởi các điểm đo trong bảng thông số khi nhảy mẫu không có thông số.
Bảng 1. Các điểm đo của cả ba bảng thông số kỹ thuật
Điểm đo
 
Mẫu A Mẫu B Mẫu C
S M L XL XXL S M L XL XXL S M L XL XXL
BND 1.5 1.5 1.5 1.5 1.5 1.5 1.5 1.5 1.5 1.5 1.5 1.5 1.5 1.5 1.5
FND 8 8.5 9 9.5 10 8 8.5 9 9.5 10 8 8.5 9 9.5 10
NW 16 17 18 19 20 16 17 18 19 20 16 17 18 19 20
AS - - - - - 45 48 51 54 57 45 48 51 54 57
S 15 16 17 18 19 15 16 17 18 19 - - - - -
SD 5 5 5 5 5 - - - - - 5 5 5 5 5
AHS 24 25 26 27 28 24 25 26 27 28 - - - - -
ASD - - - - - - - - - - 29 30 31 32 33
HC 48 51 54 57 60 48 51 54 57 60 48 51 54 57 60
HPS 70 72 74 76 78 70 72 74 76 78 70 72 74 76 78
SL 21 22 23 24 25 21 22 23 24 25 21 22 23 24 25
SO 18 19 20 21 22 18 19 20 21 22 18 19 20 21 22
US 14 14.5 15 15.5 16 - - - - - - - - - -
SW - - - - - 23 23.75 24.5 25.25 26 23 23.75 24.5 25.25 26
SCH - - - - - - - - - - 9.55 10.4 11.25 12.1 12.95
 
Lưu ý: Tất cả các đơn vị được đo bằng cm.
Các mẫu áo T-shirt là A, B và C được vẽ và phân loại với các thông số khác nhau.Đối với mẫu A, B và C của áo T-shirt, các điểm chính được thể hiện bằng A, B, C, E, G, H cho thân trước và A, B, C, D, E, F, G, H cho tay áo được thể hiện trong Hình 2. trong trường hợp của tay áo, sau khi nhảy mẫu phải khớp đường cong phía trước và phía sau của tay áo với đường cong phía trước và phía sau của vòng nách trên thân áo. Quan sát bảng thống số, ta thấy đối với mẫu A và B, không có thông số vòng nách đo cong để khớp mẫu với đầu tay sau khi nhảy mẫu, khác với mẫu C đường cong vòng nách được đưa ra… Mà mẫu A và B lại đưa ra đường thẳng của mang tay là số đo đường chéo, còn mẫu C không có số đo đường chéo  nào. Như vậy sự ảnh hưởng của phép đo đường chéo được thảo luận thêm ở phần 3.2 và 3.3.
 

 
 
Hình 2. Các điểm đo chính của các mẫu A, B và C
3.2. Ảnh hưởng của các phép đo đường chéo tạo ra sai số trong nhảy mẫu.
Một số điểm đo nghiêng hoặc chéo tạo ra sai số giữa các cỡ. Trong các nghiên cứu của các tác giả khác nhau đề cập đến việc tính độ chênh lệchvề chiều dài vai con [4, 5−6] giữa các số đo sau khi nhảy mẫu. Một số nghiên cứu đã chỉ ra chiều dài vai con ảnh hưởng bởi các số đo như rộng ngang cổ, hạ xuôi vai và rộng vai. Như vậy chiều dài vai con bị dàng buộc bởi ba giá trị trên và được thể hiện trong bảng 2.
Tương tự thì số đo chiều dài bụng tay và mang tay đo thẳng cũng ảnh hưởng đến quá trình nhảy mẫu.
Bảng 2. So sánh chiều độ dài của bảng thông số A sau nhảy mẫu
Điểm đo Thông số đo     Size    
  S M L* XL XXL
Sâu cổ sau Chiều dài yêu cầu 1.5 1.5 1.5 1.5 1.5
Chiều dài có được 1.5 1.5 1.5 1.5 1.5
Hạ cổ trước Chiều dài yêu cầu 8 8.5 9 9.5 10
Chiều dài có được 8 8.5 9 9.5 10
Rộng ngang cổ Chiều dài yêu cầu 16 17 18 19 20
Chiều dài có được 16 17 18 19 20
Dài vai con Chiều dài yêu cầu 15 16 17 18 19
Chiều dài có được 15.1 16.05 17 17.96 18.92
Xuôi vai Chiều dài yêu cầu 5 5 5 5 5
Chiều dài có được 5 5 5 5 5
vòng nách đo thẳng Chiều dài yêu cầu 24 25 26 27 28
Chiều dài có được 24 25 26 27 28
Mang tay đo thẳng Chiều dài yêu cầu 25 26 27 28 29
Chiều dài có được 25.42 26.21 27 27.79 28.58
1/2 vòng ngưc Chiều dài yêu cầu 48 51 54 57 60
Chiều dài có được 48 51 54 57 60
Dài thân trước từ mỏm vai đến gấu Chiều dài yêu cầu 70 72 74 76 78
Chiều dài có được 70 72 74 76 78
Dài tay Chiều dài yêu cầu 21 22 23 24 25
Chiều dài có được 21 22 23 24 25
Rộng cửa tay đo thẳng Chiều dài yêu cầu 18 19 20 21 22
Chiều dài có được 18 19 20 21 22
Dài bụng tay Chiều dài yêu cầu 14 14.5 15 15.5 16
Chiều dài có được 13.75 14.37 15 15.65 16.31
             
 
 
Lưu ý: ở bảng thông số, size L* = Kích thước cơ bản, chữ màu đen = chiều dài yêu cầu,chữ  xanh dương = chính xác, chữ màu đỏ = sai lệch so với số đo ban đầu. Tất cả các đơn vị được đo bằng cm.
Từ Bảng 2 có thể kết luận rằng tất cả các độ dài đường thẳng, ngang và dọc đều giống nhau. Tuy nhiên, các biến thể chỉ được tìm thấy trong các đường chéo như vai con, bụng tay và mang tay đo thẳng. Do đó, nên tránh càng nhiều càng tốt các phép đo đường chéo trong bảng thông số kỹ thuật vì chúng gây ra các sai số khi nhảy mẫu.

3.3. Ảnh hưởng của số điểm khớp mẫu trên đường cong đến độ chính xác của quá trình nhảy mẫu.
Khi nhảy mẫu với các đường thẳng là một quá trình đơn giản vì đường thẳng được xác định bởi hai điểm đầu cuối trong hệ tọa độ, vì vậy có thể thay đổi giá trị X và Y trong hệ trục tọa độ để có được độ dài mong muốn. Tuy nhiên, với đường cong là một quá trình phức tạp. Trong đó thì số điểm khớp mẫu càng nhiều thì tạo ra nhiều vị trí trên mẫu cần phải điều chỉnh khi nhảy mẫu, dẫn đến gây mất dáng của đường cong vòng nách so với mẫu gốc. Do đó trong quá trình nhảy mẫu với đường cong nên tạo ra càng ít điểm nhảy mẫu sẽ càng đảm bảo được thông số số sau khi nhảy mẫu được chính xác nhất.

3.4. Ảnh hưởng của số lượng cỡ và tỷ lệ cỡ tới độ chính xác của quá trình nhảy mẫu.
Kết quả ở bảng 3 cho thấy. Về thông số chiều dài và chiều rộng sau khi nhảy mẫu không có sự sai lệch giữa các cỡ với nhau, tuy nhiên các đường chéo vai con hay đường cong vòng nách có sự sai số giữa các số đo với nhau.
Bảng số 3 sau khi nhảy mẫu in ra khớp mẫu lại ta thấy có sự sai lệch về thông số giữa 1 số vị trí đo. Trong nghiên cứu của các tác giả Bye and DeLong (1994) [7], Moore et al. (2001) [8] khuyến nghị rằng [trong một bảng thông số không chọn quá năm cỡ (hai lớn và 2 nhỏ) số đo], một dải cỡ khi nhảy mẫu mà có tới 10 hay 15 cỡ thì khi đó người nhảy mẫu chia dải cỡ đó ra làm 2 hay 3 dải cỡ để nhảy mẫu.
VD: Trong bảng thông số có các cỡ 1,2,3,4,5 ….,15 thì chọn dải cỡ nhóm 1 từ cỡ 1 đến cỡ 5 với cỡ gốc là 3. Và dải tiếp theo từ cỡ 6 đến cỡ 10 thì chọn cỡ gốc là cỡ 8. Tương tự ta chọn cỡ tiếp theo cỡ gốc là 12.
 
Bảng 3. So sánh chiều dài đường chéo của áo T-shirt Mẫu A vớiC
Điểm đo Mẫu Chiều dài Size Tol (±)
XS S M L XL XXL 3XL
Dài vai con A Chiều dài yêu cầu - 15 16 17 18 19 - 0.15 cm
Chiều dài có được - 15.1 16.05 17.00* 17.96 18.92 -
Lỗi - 0.1 0.05 0 -0.04 -0.08 -
C Chiều dài yêu cầu 14 15 16 17 18 19 20
Chiều dài có được 14.16 15.1 16.05 17.00* 17.96 18.92 19.89
Lỗi 0.16 0.1 0.05 0 -0.04 -0.08 -0.11
Vòng nách đo cong A Chiều dài yêu cầu - 24 25 26 27 28 - 0.30 cm
Chiều dài có được - 24.01 25.01 26.00* 27 28 -
Lỗi - 0.01 0.01 0 0 0 -
C Chiều dài yêu cầu 23 24 25 26 27 28 29
Chiều dài có được 23.01 24.01 25.01 26.00* 27 28 29
Lỗi 0.01 0.01 0.01 0 0 0 0
Đầu tay đo chéo A Chiều dài yêu cầu - 25 26 27 28 29 - 0.30 cm
Chiều dài có được - 25.43 26.21 27.00* 27.79 28.57 -
Lỗi - 0.43 0.21 0 -0.21 -0.43 -
C Chiều dài yêu cầu 24 25 26 27 28 29 30
Chiều dài có được 24.63 25.43 26.21 27.00* 27.79 28.57 29.37
Lỗi 0.63 0.43 0.21 0 -0.21 -0.43 -0.63
Bụng tay A Chiều dài yêu cầu - 14 14.5 15 15.5 16 - 0.25 cm
Chiều dài có được - 13.82 14.4 15.00* 15.62 16.25 -
Lỗi - -0.18 -0.1 0 0.12 0.25 -
C Chiều dài yêu cầu 13.5 14 14.5 15 15.5 16 16.5
Chiều dài có được 13.26 13.82 14.4 15.00* 15.62 16.25 16.89
Lỗi -0.24 -0.18 -0.1 0 0.12 0.25 0.39
 
Lưu ý: ở bảng size, * = kích thước cơ bản, chữ màu đen = chiều dài yêu cầu, chữ màu xanh lam = chính xác như nhau, màu xanh lá cây = trong phạm vi dung sai, chữ màu đỏ = quá giới hạn dung sai, Đơn vị: Tính bằng ‘cm’.
 
3.5. Mối liên hệ của các điểm đo và vị trí đo.
- Trong nhảy mẫu việc lựa chọn một số điểm đo có thể được đo bằng cách sử dụng các phương pháp đo khác nhau như đo các đường thẳng, đường chéo và đường cong để tạo ra một bộ mẫu mới. Tuy nhiên việc lựa chọn các vị trí đo lại cho các thông số khác nhau.
Ví dụ: khi đo dài tay áo chúng ta có thể đo dài tay từ giữa sau, dài tay đo cả vai con hay dài tay đo từ mỏm vai thì bất kỳ hai trong ba các phép đo đều cho ta cách tính toán khác nhau khi nhảy mẫu áo.
Hoặc: một điểm vai có thể được tạo nếu bảng thông số có đo nghiêng theo chiều ngang (ví dụ: AS và S) hoặc theo chiều dọc (ví dụ: SD và S) hoặc kết hợp phép đo ngang-dọc (ví dụ: AS và SD). Tuy nhiên, trong số ba tùy chọn, sự kết hợp ngang-dọc được ưu tiên hơn trong quá trình tạo mẫu, vì điểm đo chéo hoặc nghiêng để có được hình dạng mong muốn của mẫu là rất khó. Do đó, trong quá trình lập bảng thông số đo, người lập bảng thông số nên sử dụng các phép đo ngang và dọc thay vì các phép đo nghiêng và đo chéo nếu có thể.
- Trong quá trình nhảy mẫu nếu không có kinh nghiệm đôi khi có thể dẫn đến lỗi chẳng hạn như khách hàng có vị trí đo của điểm ngang ngực nhưng khi nhảy mẫu người thiết kế mẫu không tạo điểm nhảy tại vị trí đó dẫn đến thiếu bước nhảy gây sai lệch về thông số hoặc hình dạng của mẫu sau khi nhảy. Hoặc trong một số trường hợp khác, khách hàng đã đưa cho chúng ta một bản sao mềm của mẫu cùng với bảng thông số kỹ thuật nhưng không có thông số đo chiều dài eo (NWL) nào (Hình 4). Khi đó người làm mẫu sử dụng các cách tính khác nhau để tính chiều dài eo.
Ví dụ: Cách tính dài eo, ta có thể tính bằng cách sử dụng 2/3 tổng chiều dài áo tính từ mỏm vai đến gấu áo thì ta xác định được vị trí eo hoặc ½ sườn áo để xác định vị trí eo của áo.

 

 
Hình 4. Các cách đo khác nhau của chiều dài eo
 
- Nếu một số vị trí đo không có trong bảng thông số kỹ thuật (ví dụ hình 5: ngang ngực và ngang lưng), trong bảng thông số (bảng 1) không thể hiện rõ ràng số đo từ HPS (mỏm vai đến đường ngang ngực) hoặc từ ngang nách lên đường ngang ngực do đó khi nhảy mẫu sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của vòng nách khi khớp với đầu tay.
 
 
Hình 5.Vị trí  đo ngang ngực và  ngang lưng
  
3. Một số khuyến nghị chung làm tăng độ chính xác trong nhảy mẫu
Sau khi tiến hành tất cả các thí nghiệm, với các bảng thông số có nhiều vị trí đo khác nhau hay nhiều cỡ số trong bảng thông số thì ta cần phải tính toán và đưa ra bảng qui tắc nhảy cỡ thích hợp nhất sao cho mẫu sau khi nhảy xong vẫn đảm bảo được dáng của mẫu gốc. Các khuyến nghị được đưa ra chỉ là tài liệu tham khảo để tránh các lỗi không mong muốn khi nhảy mẫu.
Các khuyến nghị:
1. Ảnh hưởng của các phép đo đường chéo tạo ra sai số trong nhảy mẫu. Các phép đo đường chéo nên được tránh càng nhiều càng tốt trong bảng thông số kỹ thuật vì chúng gây ra sai số sau khi nhảy mẫu.
2. Số điểm khớp mẫu trên đường cong. Việc kiểm tra số đo đường cong phải được thực hiện chính xác cho đến khi đạt được độ dài đường cong mong muốn.
3. Ảnh hưởng của số lượng cỡ tới độ chính xác của mẫu nhảy. Nếu trong bảng thông số kỹ thuật có từ 5 đến 7 cỡ thì nên chọn kích thước ở giữa. Nếu số lượng cỡ vượt quá 7 hoặc nhiều hơn, thì tổng số cỡ nên được chia thành hai phần và nên chọn hai mẫu gốc khác nhau. Sau đó, việc nhảy mẫu nên được thực hiện bằng hai mẫu riêng biệt. Cũng cần lưu ý rằng nếu có thể loại bỏ tất cả các phép đo đường chéo khỏi bảng thông số kỹ thuật thì số lượng kích thước trong một phạm vi kích thước không ảnh hưởng đến việc nhảy mẫu.
4. Mối liên hệ của các điểm đo, vị trí đo. Sự kết hợp của các phép đo ngang và dọc nên được sử dụng thay vì điểm đo chéo hoặc nghiêng để đạt được hình dạng mong muốn của mẫu. Trong quá trình đo thông số kỹ thuật, người lập bảng thông số kỹ thuật nên sử dụng các phép đo ngang và dọc thay vì các phép đo nghiêng và chéo.
  
4. Kết luận
Nhảy mẫu là một trong những phần quan trọng của chuẩn bị mẫu sản xuất trong ngành may công nghiệp. Trong thời đại 4.0 hiện nay thì quần áo may sẵn ở các nhà máy sản xuất quy mô lớn rất phổ biến và phát triển không ngừng. Các sản phẩm may sẵn với các kích cỡ khác nhau được thực hiện nhanh chóng và mất ít thời gian dựa vào sự phát triển của các công nghệ hiện đại hỗ trợ cho ngành may như máy bổ túi tự động, máy cán mex, máy lập trình… và các phần mềm thiết kế và nhảy mẫu trên máy tính, máy trải vải, máy cắt tự động, tiết kiệm chi phí trong việc tạo ra các mẫu có kích thước khác nhau trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, việc tính toán đôi khi lại bị lỗi bởi phần mềm máy tính cũng ảnh hưởng đến các hoạt động khác của sản xuất, chẳng hạn như máy tính lỗi không thể in mẫu hoặc trải vải cắt tự động được. Mặc dù việc tính toán trong nhảy mẫu là rất phức tạp, nếu việc tính toán các bước nhảy chuyển cỡ được thực hiện không chính xác sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá nhảy mẫu, khớp mẫu. Do đó, trong quá trình làm mẫu người kỹ thuật cần phải có kinh nghiệm tính toán, gia giảm các thông số nhập vào máy tính để nhảy mẫu, mới đảm bảo được độ chính xác của mẫu sau khi hoàn thành.
Tài liệu tham khảo
1. JALIL, Mohammad Abdul, HOSSAIN, M. Tanjim, ISLAM, M. Mazharul, RAHMAN, M., ROYP.  (2015), To estimate the standard minute value of a polo-shirt by work study. Global Journal ofResearches in Engineering, 15(2), 25–26.
2. VONG, Ann Louise [online]. An investigation ofthe relationship between fabric grain orientation and pattern grading: Master thesis, 2012 Available on World Wide [cit-ed 07.05.2020].Web: <https://ir.library.oregonstate.edu/concern/ graduate_thesis_or_dissertations/jh343w36q>.
3. PATERSON, M. I. Pattern grading by computer. University of Bradford, 1978 [unpublished thesis].
4. MULLET, Kathy K. Concepts of pattern grading:techniques for manual and computer grading. NewYork: Bloomsbury Publishing, 2009.
5. ROHR, Mayer. Pattern drafting & grading: wom-en’s and misses garment design, including junior’s, sub-teens, teens, and half sizes. Rohr Publishing,1961.
6. SHOBEN, Martin M., TAYLOR, Patrick. Gradingfor the fashion industry: the theory and practice.LCFS Fashion Media, 2004.
 
7. BYE, Elizabeth K., DELONG, Marliyn R. A visual sensory evaluation of the results of two pattern grading methods. Clothing andTextiles Research Journal, 1994,12(4), 1–7, doi:10.1177/0887302X9401200401.
8. MOORE, C. L., MULLET, Kathy K., YOUNG, M. P. Concepts of pattern grading. New York: Fairchild Books, 2001.

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 64 Tổng truy cập: 18.742.812