Bộ môn: Chuẩn bị sản xuất
Khoa: Công nghệ May
Cập nhật đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những nhiệm vụ mà Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã thực hiện trong những năm gần đây để đáp ứng thực tiễn doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Căn cứ vào nhiệm vụ chung, Khoa Công nghệ May đã triển khai nhiệm vụ thực hiện chi tiết tới các bộ môn. Với khối lượng học phần giảng dạy trong học kỳ 2 năm học 2021-2022, bộ môn Chuẩn bị sản xuất đã lựa chọn và xây dựng kế hoạch thực hiện dự giờ đổi mới phương pháp giảng dạy một số bài học thuộc học phần Công nghệ sản xuất may công nghiệp 2 (CNSXMCN2) cho đối tượng đại học, chuyên ngành Công nghệ May khóa 4.
Để thực hiện tiết giảng, các giảng viên cần trang bị hệ thống các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, thực hiện theo hướng “lấy người học làm trung tâm”, sử dụng những phương pháp dạy học phát huy được tư duy sáng tạo của người học như: phương pháp động não, nêu vấn đề, tự nghiên cứu… giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng tư duy tổng hợp để giải quyết các vấn đề trong thực tế nghề nghiệp.
Với giờ học lý thuyết, tạo cho sinh viên có kỹ năng trong hoạt động nhóm, để có nhiều vấn đề trong thảo luận, tư duy, sáng tạo, giảng viên giao nội dung theo nhóm sinh viên về đọc tài liệu thực hiện tóm tắt nội dung mà sinh viên đã thu thập được trong quá trình đọc, giờ lên lớp nhóm sinh viên trình bày kết quả tự học, giảng viên tiến hành mô phỏng lại nội dung bài sinh viên đã đọc, xem kết quả mà sinh viên tổng hợp và thu thập được có đạt hay không.
Đối với các giờ học thực hành, sử dụng tài liệu học tập là các tài liệu thực tế mà các doanh nghiệp đã và đang sản xuất để sinh viên có cơ hội tiếp cận, kết hợp nhuần nhuyễn và sáng tạo các phương pháp dạy học, kết hợp hoạt động cá nhân với hoạt động nhóm, tăng cường kỹ năng thực hành kỹ thuật và thực hành tư duy cho sinh viên.
Sau mỗi tiết giảng, bộ môn tổ chức họp rút kinh nghiệm về các điểm nổi bật cần phát huy cũng như một số hạn chế cần điều chỉnh và đổi mới sao cho phù hợp với nội dung bài học, kết luận trong nội dung và tổng hợp các phương pháp sử dụng phù hợp:
1. Trên cơ sở mục tiêu mỗi bài học, giảng viên cần linh hoạt sử dụng kết hợp phương pháp dạy học nhằm nâng cao sự chủ động, tích cực học tập của sinh viên. Qua việc linh hoạt kết hợp áp dụng các phương pháp dạy học như: diễn giảng, đàm thoại, giải quyết vấn đề,…, giảng viên sẽ dẫn dắt sinh viên chủ động tìm hiểu vấn đề mới, phát huy được tối đa tính sáng tạo của sinh viên, đồng thời rèn luyện được các kỹ năng mềm cần thiết trong học tập nói riêng cũng như trong công việc sau này nói chung.
2. Luôn chú trọng đến phương pháp gợi mở, định hướng cách học cho sinh viên. Tuy nhiên, sinh viên vẫn chưa chủ động dành nhiều thời gian cho việc tự học. Vì vậy, giảng viên cần tích cực giao bài tập về nhà, tăng cường hoạt động nhóm cho sinh viên.
3. Tăng cường phương pháp thảo luận nhóm để phát huy tính chủ động của sinh viên vì đây là những hình thức học tập hiệu quả nhưng cần áp dụng phù hợp đối với mỗi bài học trong học phần. Sinh viên sẽ chủ động hợp tác với các thành viên của nhóm, với giảng viên, tự khám phá, phát hiện vấn đề mới…. Qua đó, tính tích cực, chủ động của sinh viên được duy trì và phát huy trong suốt tiến trình học tập theo nhóm.
4. Luôn cập nhật những tài liệu và phương pháp mới mà doanh nghiệp đã và đang thực hiện làm tài liệu học tập cho sinh viên. Căn cứ tài liệu mã hàng và nội dung thực hiện, sinh viên cùng thảo luận, trao đổi ý kiến, giải quyết vấn đề học tập được đặt ra dưới sự tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn của giảng viên. Qua quá trình giải quyết các vấn đề theo tình huống thực tiễn nghề nghiệp đã được giảng viên đặt ra, sinh viên sẽ lĩnh hội được kiến thức mới, hình thành, phát triển năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn và nghề nghiệp.
5. Đổi mới phương pháp hướng dẫn đọc tài liệu qua việc hướng dẫn sinh viên tìm kiếm tài liệu, tra cứu thông tin trên mạng internet với các nội dung bài viết liên quan đến bài học, ngành học.
Kết luận:
Giảng viên cần cập nhật kịp thời các phương pháp và kiến thức thực tế để vận dụng vào các bài học sao cho phù hợp, giảng viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cùng với sự linh hoạt áp dụng cách dạy học khác nhau hoặc phối hợp các cách dạy học khác nhau để mang lại hiệu quả. Nhờ đó tiết học sẽ sinh động hơn, hấp dẫn, sinh viên sẽ hứng thú và có nhiều cơ hội tiếp thu và tìm hiểu thực tế sản xuất trong mỗi nội dung bài học.
Với đặc thù các học phần chuyên ngành và ưu nhược điểm của mỗi phương pháp nên sử dụng phương pháp dạy học phù hợp với từng bài học để phát huy được hiệu quả cao nhất. Khi lựa chọn phương pháp dạy học, có thể căn cứ vào: mục đích của bài học, đặc trưng và nội dung của bài học, khả năng tiếp thu của sinh viên, thời gian và trình độ năng lực của bản thân để áp dụng có hiệu quả.
Với sự gắn bó với nghề, sự tinh tế và kinh nghiệm thực tế trong sản xuất, bộ môn rất hy họng trong những bài giảng tiếp theo của học phần CNSXMCN2 nói riêng các thày cô sẽ có những đổi mới trong phương pháp dạy để có được những bài học và giờ giảng có chất lượng, từ đó dần áp dụng trong các học phần khác nói chung.
ThS. Phạm Bích Hường – Khoa Công nghệ May