Trang chủ

MỘT SỐ GIẢI PHÁP XỬ LÝ KHI THIẾT KẾ QUẦN ÂU NAM CHO ĐỐI TƯỢNG BỤNG PHỆ

Ngày đăng: 08:47 - 30/06/2020 Lượt xem: 6.089
Tác giả : Vũ Thị Thư
Khoa : Công nghệ may
 
      Trong thiết kế trang phục, độ vừa vặn của sản phẩm luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Hình dạng bên ngoài của cơ thể có liên quan rất nhiều tới phương pháp thiết kế và tạo dáng quần áo. Các nhà nghiên cứu đã cho thấy: sự phát triển của cơ thể người không phải hoàn toàn đều đặn về tỷ lệ các phần theo thời gian, không gian, hoàn cảnh địa lý, theo chủng tộc, theo dòng họ, thậm chí giữa từng người còn nhận thấy đặc điểm và tỷ lệ của các phần cơ thể cũng rất khác nhau. Chính vì vậy nó ảnh hưởng không nhỏ đến việc tạo dáng sản phẩm để có được sự vừa vặn nhất. Hiện nay việc thiết kế sản phẩm theo hệ thống cỡ số được sử dụng rất phổ biến, tuy nhiên với những hình dáng cơ thể đặc biệt thì cần phải có sự điều chỉnh phù hợp, trong đó có sản phẩm quần âu nam cho đối tượng bụng phệ.

1. Đặc điểm hình dáng cơ thể người
    Chúng ta biết rằng, hình dạng và kích thước cơ thể người phụ thuộc vào hình dáng cấu tạo và sự liên kết của hệ cơ và hệ xương. Các bắp cơ, lớp mỡ dưới da và lớp da bọc bên ngoài thân người che kín các đầu chồi lên của xương tạo cho thân hình có một bề mặt cong đều. Nếu quan sát theo chiều dọc, cơ thể người được phân ra hai phần rõ rệt là phần trên và phần dưới cơ thể, ranh giới giữa hai phần là đường ngang eo. Nếu nhìn chính diện hình dạng cơ thể người đối xứng một cách tương đối qua mặt phẳng giữa và cơ thể được chia làm hai nửa: trái và phải [1], do đó khi thiết kế quần áo chỉ cần thiết kế một nửa bên cơ thể, nửa đối xứng còn lại cắt theo đúng hình dáng của nửa đã thiết kế. Tuy nhiên trong những trường hợp đặc biệt hoặc những mẫu quần áo bất đối xứng thì cần phải xử lý theo đặc điểm cơ thể hoặc theo đặc điểm sản phẩm.

1.1. Phân loại hình dáng cơ thể người theo tỷ lệ [2]
       Trên cơ sở nghiên cứu về kích thước, hình dạng và cấu tạo của cơ thể mà các nhà nghiên cứu đã phân loại cơ thể theo sự tương quan tỷ lệ kích thước dài
của cơ thể:
   - Dạng dài: được đặc trưng bởi các chi dài và thân ngắn.
   - Dạng ngắn: các chi ngắn và thân dài.
   - Dạng trung bình: các chi và thân trung bình.
  Sự khác nhau về chiều cao của con người phụ thuộc chính vào chiều dài của chân. Vì vậy cơ thể có tư chi dài mình ngắn thường gặp ở những người gầy và
cao. Những người có tứ chi ngắn mình dài thường có chiều cao cơ thể thấp.

Hình 1.1. Các kiểu hình dáng cơ thể người nam
 Tỷ lệ cơ thể người còn khác nhau về kích thước chiều ngang, nam giới thường có kích thước mông nhỏ và vai rộng hơn nữ. Căn cứ vào hình dạng của cơ thể, người ta phân chia cơ thể làm 3 loại cơ bản:
   - Loại cơ thể gầy: đặc điểm loại cơ thể này có lồng ngực phẳng, lớp mỡ dưới da mỏng, cơ bắp ít phát triển, bụng lép.
   - Loại cơ bắp: đặc điểm loại cơ thể này có lồng ngực có dạng hình trụ, lớp mỡ dưới da vừa phải, cơ bắp phát triển ở mức trung bình hoặc rất mạnh, lưng phẳng hoặc hơi tròn.
   - Loại cơ thể béo: lồng ngực có dạng hình nón cụt, lớp mỡ dưới da dầy đặc biệt ở vùng bụng.
 
Hình 1.2. Tỷ lệ kích thước cơ thể người theo chiều ngang[2]
1.2. Phân loại theo dáng mông
  - Khi quan sát trực diện đối với cơ thể, hình dạng của mông được phân làm 2 dạng: dạng bán cầu và dạng hình ô van. Ở cơ thể cân đối đường viền của hông nhìn trực diện có dạng hình ô van lồi, mức độ lồi được xác định phụ thuộc vào kích thước của xương cánh chậu từ đường eo xuống đến đường viền phía ngoài của đùi.
  - Theo vị trí của điểm nhô ra ngoài nhất của mông khi nhìn chính diện người ta chia thành mông cao, mông trung bình và mông thấp. Cơ thể có vị trí điểm nhô ra ngoài nhất của mông nằm ở vị trí giữa của đường ngang rốn và ngang háng là mông trung bình. Điểm nhô ra ngoài nhất của mông ở vị trí ngàn rốn là mông cao, ở vị trí ngang háng là mông thấp. Độ lồi chỗ mông dô nhất được xác định bằng số đo vòng mông.

Hình 1.3. Hình dạng kích thước cơ thể người theo dáng mông[2]
1.3. Phân loại theo dáng bụng
       Phần bụng được giới hạn phía trên bởi 2 cặp xương sườn tự do và đầu dưới xương ức. Phía dưới được giới hạn bởi xương cánh chậu. Hình dáng kích thước vòng bụng phụ thuộc rất nhiều vào lứa tuổi. Hình dáng của phần bụng mỗi người cũng rất khác nhau, nó phụ thuộc vào thời kỳ gầy, béo và lượng mỡ chứa trong cơ thể. Kích thước của vòng bụng tương quan với kích thước của vòng ngực và mông. Hình dáng của bụng thay đổi phụ thuộc vào sự thay đổi tư thế của cơ thể.

Hình 1.4. Hình dạng kích thước cơ thể người theo dáng bụng[2]
Để có thể thiết kế được các loại quần áo phù hợp với hình dáng cơ thể người, có thể phân loại hình dáng cơ thể theo: tỷ lệ, dáng mông, dáng bụng…..Trong đó dáng bụng có ảnh hưởng rất lớn đến việc thiết kế quần âu nam.

2. Ảnh hưởng của lứa tuổi và đặc điểm hình dáng cơ thể người khi thiết kế quần âu nam
   
2.1. Ảnh hưởng của lứa tuổi đến thiết kế quần âu nam

  - Lứa tuổi thanh niên: là lứa tuổi luôn có sự thay đổi về mẫu mốt, kiểu cách theo xu hướng thời trang từng năm và từng thời kỳ. Các kiểu quần âu nam dành cho lứa tuổi này hầu hết là các kiểu quần có dáng ôm sát hoặc ống đứng. Thân trước có thể không thiết kế ly hoặc có 1 ly.
   - Lứa tuổi trung niên: đây là lứa tuổi có sự ổn định về phong cách ăn mặc nên việc sử dụng trang phục của họ gần như không có sự thay đổi nhiều theo mẫu mốt. Đặc điểm của đối tượng này thường họ thích mặc vừa hoặc thoải mái. Vì vậy các kiểu quần phù hợp với lứa tuổi này là quần 1 ly hoặc 2 ly.
   
2.2. Ảnh hưởng của đặc điểm hình dáng cơ thể khi thiết kế quần âu nam

  Đặc điểm hình dáng cơ thể người có ảnh hưởng rất lớn trong thiết kế quần áo. Đối với quần âu nam sự chênh lệch kích thước giữa vòng bụng và vòng mông là yếu tố có sự ảnh hưởng lớn nhất. Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5782: 2009- cỡ số tiêu chuẩn quần áo nam tuổi trưởng thành[3], trung bình 2 kích thước này có độ chênh lệch từ 12 ÷ 16 cm. Tuy nhiên khi lứa tuổi càng tăng thì sự thay đổi về hình dáng cơ thể càng lớn, sự chênh lệch của 2 kích thước này giảm, khoảng 2 ÷ 8 cm, thậm chí có trường hợp vòng bụng bằng vòng mông hoặc nửa vòng bụng phía trước lớn hơn phía sau. Như vậy với những trường hợp đặc biệt này cần có sự điều chỉnh trong thiết kế cho phù hợp.

3. Phương pháp xử lý khi thiết kế quần âu nam cho đối tượng bụng phệ
  
3.1. Đặc điểm đối tượng bụng phệ

   Bụng phệ xuất hiện khi đàn ông đến tuổi trung niên, là hiện tượng lớp mỡ được tích phía trước bụng dẫn đến bụng căng phồng chảy sệ xuống. Khi cơ thể phát phì, hình dáng của bụng càng to, kích thước mọi phía của bụng đều tăng đặc biệt phía trước bụng.
 
3.2. Một số lưu ý khi lấy dữ liệu số đo vòng bụng đối tượng bụng phệ

   Theo phương pháp đo quần âu, khi đo số đo vòng bụng xác định mốc đo tại điểm ngang rốn của đối tượng. Tuy nhiên với đối tượng bụng phệ cần xác định phương án thiết kế để hiệu chỉnh số đo phù hợp với từng phương án.
  Trường hợp thiết kế trễ phần cạp phía trước, khi thiết kế không lấy nguyên theo số đo vòng bụng thực tế mà cần hiệu chỉnh bằng số đo Vb – 2 (±). Vì đặc điểm cơ thể phần bụng lượng mỡ nhiều, bên cạnh đó khi phần cạp trễ xuống thông số vòng bụng sẽ nhỏ hơn số đo thực tế.
 
Hình 1.5. Hình ảnh đối tượng bụng phệ
 3.3. Các phương án điều chỉnh khi thiết kế
    3.3.1. Phương án 1: Điều chỉnh vát cửa quần và giảm cửa quần thân trước
     Do vòng bụng phía trước lớn nên với đối tượng này khi sử dụng sản phẩm thường hay mặc trễ phần cạp phía trước. Nếu để nguyên mẫu theo đường thiết kế cơ bản dẫn đến đũng trước dài, thừa, khi mặc sẽ xảy ra hiện tượng gằn chân cạp phía cửa quần. Trong trường hợp này cần xử lý giảm cửa quần nhiều hơn so với quần cơ bản.
A1A2 (giảm cửa quần) = 1 (quần cơ bản) [1].
A1A2’ = 2÷2,5 (±) (quần trễ cạp)
 
    Hình 1.6. Phương án 1
   Tuy nhiên nếu điều chỉnh giảm cửa quần quá lớn, dài đũng trước bị ngắn sẽ khó cử động khi sử dụng.
 Tùy theo số đo vòng bụng có thể điều chỉnh vát cửa quần ít hoặc không giảm vát cửa quần, thân sau giữ nguyên (hình 1.6). Sau khi xử lý, khảo sát lại vòng bụng theo số đo thiết kế.

3.3.2. Phương án 2: Điều chỉnh thân trước và thân sau

Với những đối tượng có kích thước vòng bụng và vòng mông chênh lệch từ 2 ÷ 4 cm khi thiết kế cần hiệu chỉnh cả thân trước và thân sau.

Theo đặc điểm nhân trắc, tỷ lệ cơ thể người được chia làm 8 mô đun. Sự khác nhau về chiều cao của con người phụ thuộc chính vào chiều dài của chân. Kích thước dài của cơ thể còn được phân biệt ở dạng chi dài thân ngắn và chi ngắn thân dài. Như vậy tỷ lệ một số mô đun ít có sự biến động như mô đun 2, mô đun 4. Vì vậy với những người cao hoặc thấp thì tỷ lệ kích thước các mô đun này cũng ít có sự thay đổi.

Đối với người bụng phệ, kích thước vòng bụng tăng thì kích thước vòng mông cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Cử động rộng thân cần điều chỉnh tăng để phù hợp với cơ thể đối tượng. Ngược lại vòng mông càng lớn thì lượng cử động sử dụng để thiết kế hạ cửa quần giảm do đặc điểm tỷ lệ kích thước chiều dài cơ thể tại mô đun này.


 
Hình 1.7. Thân trước, thân sau phương án 2 sau khi điều chỉnh
    Thân sau có thể điều chỉnh rộng chiết nhỏ đi, Tùy theo số đo vòng bụng có thể điều chỉnh dáng dọc quần thân sau ngả nhiều hay ít (hình 1.7).
   Phụ thuộc độ chênh lệch giữa rộng bụng và rộng thân của thân trước, thân sau ta có thể sử dụng phương pháp bán vòng bụng giữa 2 thân để đảm bảo độ cân đối về dáng sau khi thiết kế.
3.2.3. Phương án 3: Thiết kế thêm phần dây đai
      Những đối tượng có kích thước vòng bụng và vòng mông có độ chênh lệch 0 ÷ 1(±) cm hoặc nửa vòng bụng phía trước lớn hơn phía sau. Khi điều chỉnh giữ nguyên giảm cửa quần, vát cửa quần và hạ cửa quần xử lý theo phương án 2. Trường hợp những đối tượng có dáng mông cong xử lý đường ngả đũng và dông đũng nhiều hơn cơ bản  (hình 1.8).
 
Hình 1.8. Thân trước, thân sau phương án 3
 
 
 
    Phương án này cạp quần nằm ở vị trí vòng bụng lớn nhất vì thế nó có ưu điểm người mặc không bị lộ phần bụng phía trước. Tuy nhiên phải thiết kế thêm phần dây đai để giữ cạp quần luôn ở vị trí trên phần bụng to nhất.
 
Hình 1.9. Quần có dây đai
 
   Trên đây là một số phương án điều chỉnh khi thiết kế quần âu nam cho đối tượng bụng phệ, với phương pháp xử lý trên sẽ giúp cho người mặc cảm thấy tự tin, thoải mái, đồng thời khắc phục được nhược điểm của cơ thể. Bài viết này là một tài liệu tham khảo hữu ích giúp cho các em sinh viên ngành công nghệ may hiểu rõ hơn về đặc điểm hình dáng cơ thể người, ảnh hưởng của lứa tuổi, đặc điểm cơ thể người khi thiết kế trang phục, từ đó vận dụng xử lý khi thiết kế quần âu nam cho các đối tượng khác nhau.
 
Tài liệu tham khảo 
1. Kiều Thị Lan Anh (2019), Giáo trình thiết kế trang phục 1, NXB Giáo dục.
2. Phân loại hình thái cơ thể nam giới theo cấu trúc. maythoitrang.saodo.edu.vn.
2. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5782 : 2009.

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 149 Tổng truy cập: 33.354.054