Trang chủ

QUY TRÌNH THIẾT KẾ, CHẾ TẠO BỘ DƯỠNG ÁP DỤNG VÀO MAY ÁO JACKET

Ngày đăng: 10:38 - 26/03/2020 Lượt xem: 8.171
Tác giả: Dương Thị Hoàn
 
Hiện nay, các doanh nghiệp may công nghiệp đã và đang áp dụng dưỡng vào hỗ trợ quá trình sản xuất, tuy nhiên chưa có quy chuẩn khi các doanh nghiệp học hỏi lẫn nhau, việc chia sẻ, bồi dưỡng và đào tạo gặp nhiều khó khăn, các cơ sở đào tạo ngành Công nghệ may cũng chưa có tài liệu giảng dạy. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu xây dựng quy trình thiết kế, chế tạo bộ dưỡng may áo jacket nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Với kết quả này, các doanh nghiệp may áo jacket, các cơ sở đào tạo ngành Công nghệ may có thể đào tạo, bồi dưỡng về thiết kế, chế tạo bộ dưỡng từ quy trình đã được nhóm xây dựng.
1. GIỚI THIỆU CHUNG
Trong các loại sản phẩm may, áo Jacket thường có kết cấu phức tạp, gồm nhiều chi tiết, nhiều lớp, tổng thời gian chế tạo sản phẩm nhiều hơn so với các sản phẩm khác nên trong dây chuyền sản xuất phải sử dụng nhiều công nhân có tay nghề cao. Để nâng cao năng suất và chất lượng may áo jacket cần làm cho các công việc khó, phức tạp trở nên đơn giản và thuận tiện. Song song với đầu tư trang thiết bị, việc chế tạo dưỡng may áo jacket được nhiều doanh nghiệp lựa chọn vì phù hợp với đặc thù của đa số các doanh nghiệp may công nghiệp ở Việt Nam hiện nay, đồng thời giúp tối ưu công suất của thiết bị. Hiện tại, trên thị trường không có tài liệu hướng dẫn thiết kế dưỡng và chế tạo dưỡng, do vậy, việc thiết kế, chế tạo dưỡng tại các doanh nghiệp may gặp nhiều khó khăn. Bài viết này trình bày kết quả nghiên cứu xây dựng quy trình thiết kế, chế tạo bộ dưỡng may áo jacket nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tại các doanh nghiệp may công nghiệp.
2. NỘI DUNG
2.1. Một số khái niệm
Mẫu [6], cái theo đó có thể tạo ra hàng loạt những cái khác cùng một kiểu.
Dưỡng: Theo Từ điển tiếng Việt [6], “dưỡng là tấm mỏng trên đó có biên dạng mẫu (thường là những đường cong phức tạp), dùng để vẽ đường viền các chi tiết, ướm khít với sản phẩm chế tạo để kiểm tra kích thước”. Theo khái niệm này, dưỡng thường dùng để kiểm tra chi tiết/sản phẩm sau khi làm xong.
Khuôn chính là dụng cụ tạo hình để tạo ra những vật có một hình dạng nhất định, giống hệt như nhau [6].
Thiết kế dưỡng là việc tạo ra một bản vẽ, trên đó có thông số, hình dạng mẫu của chi tiết trong sản phẩm may và các quy ước làm căn cứ để chế tạo dưỡng may.
Theo Từ điển tiếng Việt thì chế tạo là làm ra, tạo ra các vật dụng từ các nguyên vật liệu [6].
Về phương diện hình học, chuẩn dùng trong chế tạo là một tập hợp đường, điểm, bề mặt của chi tiết được dùng làm căn cứ để xác định vị trí của một tập hợp đường, điểm, bề mặt khác của chi tiết đo hay của các chi tiết khác trong một mối quan hệ lắp ráp nhất định [4]. Vậy chế tạo dưỡng là việc sử dụng các vật liệu để tạo ra dưỡng theo đúng bản thiết kế.
2.2. Cấu tạo bộ dưỡng trong sản xuất may công nghiệp
Trên cơ sở nghiên cứu một số nguyên tắc trong thiết kế, chế tạo dưỡng, tính chất một số vật liệu làm dưỡng trên thị trường, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích cấu tạo các loại dưỡng theo lớp bao gồm: 1 lớp, 2 lớp, nhiều lớp. Cụ thể cấu tạo từng loại dưỡng như sau:
-       Dưỡng 1 lớp: được cấu tạo bởi 1 tấm kẹp, trên tấm kẹp có khuôn chi tiết để căn đúng đường may cho chi tiết, ngoài ra còn được gắn thêm chi tiết ke, chi tiết định vị giúp ke giữ chi tiết khỏi xê dịch trong quá trình may như hình 1.
 
Hình 1. Hình bộ dưỡng 1 lớp
-       Dưỡng 2 lớp: cấu tạo bởi 2 tấm kẹp, có bản lề để đóng, mở  tấm kẹp, các chi tiết khác tương tự dưỡng 1 lớp, được thể hiện qua hình 2.
 
Hình 2. Hình bộ dưỡng 2 lớp
-       Dưỡng nhiều lớp: dưỡng nhiều lớp bao gồm nhiều tấm kẹp, có một hoặc nhiều bản lề, các chi tiết ke, chi tiết định vị tương tự dưỡng 2 lớp, ngoài ra dưỡng nhiều lớp còn thêm các chi tiết cài, khóa cài giúp ke giữ chi tiết.
 
Hình 3. Hình bộ dưỡng 3 lớp
2.3. Vật liệu chế tạo dưỡng
Nguyên phụ liệu sản xuất ngành may thường là vải dệt thoi, dệt kim, vải không dệt, có đặc tính khác nhau về độ dày, độ cứng, độ co giãn... Khi sử dụng dưỡng để may, dưỡng sẽ tiếp xúc trực tiếp với nguyên liệu, vì vậy, dưỡng phải đảm bảo không gây cào xước hoặc làm rách, bẩn chi tiết sản phẩm. Vật liệu làm dưỡng phải có độ cứng, độ nhẵn và đặc biệt không bị oxy hoá trong quá trình sử dụng để tránh gây gỉ sét bám dính vào sản phẩm. Thông thường, dưỡng được chế tạo từ các loại vật liệu như: thép không gỉ dạng tấm, tôn mạ kẽm (tôn kẽm), PVC tổng hợp, mi ca, bìa cứng.
2.4. Xây dựng quy trình thiết kế, chế tạo bộ dưỡng
a. Quy trình thiết kế bộ dưỡng
Áo jacket có đặc điểm cấu trúc, phương pháp may, nguyên phụ liệu, thiết bị sử dụng đa dạng và phong phú. Vì vậy, số lượng và chủng loại dưỡng để may các chi tiết trên sản phẩm cũng rất đa dạng. Khi thiết kế bộ dưỡng cần phải thực hiện qua các công đoạn sau:


Hình 4. Sơ đồ quy trình thiết kế dưỡng
* Nghiên cứu hồ sơ kỹ thuật mã hàng: đặc điểm hình dáng, cấu trúc sản phẩm, thông số chi tiết, tính chất nguyên, phụ liệu, thiết bị gia công chi tiết giúp nắm rõ dáng chi tiết, phương pháp may, tính được lượng dư công nghệ chính xác, lựa chọn loại dưỡng phù hợp...
* Xác định cấu trúc dưỡng: 1 lớp, 2 lớp, nhiều lớp đảm bảo phù hợp với phương pháp may, thiết bị may, vật liệu may chi tiết.
* Lựa chọn vật liệu để chế tạo dưỡng: chọn Inox; tôn mạ kẽm, PVC tổng hợp dạng tấm, mica dạng tấm, giấy cứng tùy thuộc vào số lượng đơn hàng, tính chất nguyên phụ liệu, phương pháp gia công chi tiết đảm bảo phù hợp độ bền, khối lượng dưỡng, phù hợp khi công nhân vận hành.
* Tính thông số thiết kế dưỡng: tính lượng dư công nghệ cho các chi tiết dưỡng đảm yêu cầu kỹ thuật, thông số mã hàng.
ü Thiết kế dưỡng 1 lớp
- Tấm kẹp, bản lề, khuôn chi tiết:
L = Lcv; W = W cv; Lk = L0 + % dư công nghệ dọc
Wk = W0 + % dư công nghệ ngang.
- Chi tiết ke:
Lke = L – 2 cm (bản to thanh bàn ép máy = 1 cm)
Wke = W – 2 cm (bản to bàn ép máy = 1 cm)
- Chi tiết định vị:
+ Đối với nguyên liệu may dày, cứng: Lđv = 3 ÷ 5 cm; Wđv = 1 ÷ 1,5 cm
+ Đối với nguyên liệu mỏng, chảy, dễ xê dịch: Lđv = L; Wđv = W
Trong đó:
L0: chiều dài chi tiết may;                    W0: chiều rộng chi tiết may;
L: chiều dài tấm kẹp;                            Lcv: chiều dài bàn chân vịt máy lập trình;
W: chiều rộng tấm kẹp;                        Wcv: chiều rộng bàn chân vịt máy lập trình;
Lk: chiều dài khuôn chi tiết;                Wk: chiều rộng khuôn chi tiết;
Lke: chiều dài chi tiết ke;                      Wke: chiều rộng chi tiết ke;
Lđv: chiều dài chi tiết định vị;                         Wđv: chiều rộng chi tiết định vị).
- Kiểm tra, ghi thông tin dưỡng
Thông tin dưỡng bao gồm: tên mã hàng – tên chi tiết – cỡ.
ü Thiết kế dưỡng 2 lớp
- Tấm kẹp, khuôn chi tiết, bản lề
L1 = L2 = L0 + (10 ÷ 15) cm; 
Trường hợp bản lề 2 tấm kẹp so le: W1 = W0 + (10 ÷ 15) cm + Wbl;
Trường hợp bản lề 2 tấm kẹp bằng nhau: W2 = W1 – ½ Wbl; Wbl = 2 ÷ 3 cm.
Lk = L0 + % dư công nghệ dọc + Dđm;
Wk = W0 + % dư công nghệ ngang;
- Chi tiết định vị: Lđv = 3,0 ÷ 5 cm; Wđv = 1,0 ÷ 1,5 cm;
- Kiểm tra, ghi thông tin dưỡng
Thông tin dưỡng bao gồm: tên mã hàng – tên chi tiết – cỡ.
Trong đó:      
L0: chiều dài chi tiết (Canh dọc vải);   W0: chiều rộng chi tiết (Canh ngang vải);
L1; L2: chiều dài tấm kẹp 1; 2;               W1; W2: chiều rộng tấm kẹp1; 2;
Wbl: độ rộng bản lề;                                 Lk: chiều dài khuôn chi tiết;         
Wrk: độ rộng rãnh khuôn;                       Wk: chiều rộng khuôn chi tiết;      
Dđm: dư đường may chi tiết.
ü Thiết kế dưỡng nhiều lớp
Đối với các chi tiết tấm kẹp, khuôn chi tiết, chi tiết định vị thiết kế tương tự dưỡng 2 lớp. Chi tiết ke, chi tiết cài, khóa cài phụ thuộc vào kiểu đường may của chi tiết để tính toán, thiết kế cho phù hợp, đảm bảo yêu cầu mã hàng.
- Chi tiết ke
+ Đối với dưỡng may lộn tạo độ mo chi tiết hoặc vị trí ke giữ cúc, nhám...
Lke = Lk – (1÷ 2 cm); Wke = Wk – (1 ÷ 2 cm).
+ Đối với dưỡng bổ túi, chi tiết ke gồm thanh ke kết hợp khuôn ke hoặc chỉ có khuôn ke.
Khuôn ke:      Lkke  = L0 + 2Dđm + 3 cm;
Wkke = W0 + (0,1 ÷ 0,2) cm (khoảng lọt chi tiết).
Thanh ke:      Ltke = Lkke + 2 cm (Cố định thanh ke xuống tấm kẹp);
Wtke = W0 – (0,1 ÷ 0,2) cm.
- Chi tiết cài, khóa cài
Lc = Lkke; Wc = Wtke + (2 ÷ 3)cm;  Hc = Wc + Wk + 5 cm
Lkc = (2 – 3) cm;       Wkc = (1,0 – 1,2) cm
Trong đó:      
Lkke: chiều dài khuôn ke;                                   Wkke: chiều rộng khuôn ke;
Ltk: chiều dài thanh ke;                           Wtke: chiều rộng thanh ke;
Lc: chiều dài chi tiết cài;                        Wc: chiều rộng chi tiết cài;
Lkc: chiều dài khóa cài;                          Wkc: chiều rộng khóa cài;
b. Quy trình chế tạo bộ dưỡng

Trong thực tế, có hai công nghệ chế tạo dưỡng được dùng khá phổ biến tại các doanh nghiệp hiện nay. Công nghệ thứ nhất là chế tạo dưỡng bằng phương pháp thủ công với thiết bị chính là máy khoan. Công nghệ thứ hai là chế tạo dưỡng bằng phương pháp tự động, sử dụng máy cắt laze. Hai công nghệ này có nội dung khoan, cắt chi tiết là khác nhau, các nội dung còn lại thực hiện tương tự nhau.
 
Hình 5. Sơ đồ quy trình chế tạo dưỡng
* Chuẩn bị chế tạo dưỡng: nghiên cứu bản thiết kế dưỡng để hiểu đúng các chi tiết cấu thành dưỡng, kích thước dưỡng, phương pháp lắp ráp dưỡng.
* Chế tạo dưỡng: gia công tấm kẹp, bản lề, các chi tiết dưỡng, lắp ráp dưỡng, kiểm tra các thông số dưỡng. Trong quá trình chế tạo yêu cầu:
- Tấm kẹp phải vệ sinh sạch, mép tấm kẹp và rãnh khuôn chi tiết và các chi tiết ke, cài, khóa cài phải nhẵn, không răng cưa, ba via..., đúng kích thước theo bản vẽ thiết kế;
- Chi tiết định vị đúng chủng loại theo thiết kế, chính xác kích thước.
- Đảm bảo êm giữa các chi tiết, chắc chắn, không gồ hoặc kênh các chi tiết, đúng vị trí.
- Kiểm tra kích thước các chi tiết phải đúng theo bản thiết kế: độ êm, chắc cho bộ dưỡng;
- Thông tin bộ dưỡng phải rõ ràng, đầy đủ, chính xác.
* May chế thử: chuẩn bị BTP chi tiết, may chi tiết bằng dưỡng, kiểm tra thông số, yêu cầu kỹ thuật chi tiết may.
3. KẾT LUẬN
Áo jacket là sản phẩm hàng may mặc xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sản phẩm áo jacket có kết cấu phức tạp, nhiều chi tiết, đa dạng về chất liệu, đòi hỏi nhiều lao động và lao động có kỹ năng nghề cao. Do vậy, quy trình thiết kế, chế tạo dưỡng may sản phẩm sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng mã hàng tại các doanh nghệp may công nghiệp.  
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Công Thương (2008), Đề tài Xây dựng tiêu chuẩn bậc thợ may công nghiệp, Hà Nội.
2. Quyên Lưu (2018), Năm “đột biến”của ngành Dệt May Việt Nam, Báo Công thương.
3. Tạ Thị Ngọc Dung (2010), Thiết bị may công nghiệp và bảo trì, NXB Lao động.
4. Hiệp hội Dệt May Việt Nam – Chủng loại xuất khẩu vải và hàng may mặc của VN 8 tháng 2019.
5. Hiệp hội Dệt May Việt Nam – Bản tin kinh tế Dệt May tháng 11/2019.
6. Hoàng Phê (2018), Từ điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức.
7. Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Niên giám.
8. Trần Văn Địch (2005), Đồ gá cơ khí hóa và tự động hóa, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

 
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 58 Tổng truy cập: 18.308.174