Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA TIN HỌC - NGOẠI NGỮ

KHAOTHI.ONLINE – GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ CHO KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ TRỰC TUYẾN TRONG BỐI CẢNH COVID 19

Ngày đăng: 09:34 - 28/03/2023 Lượt xem: 641
 
Trần Thị Hậu

Tóm tắt: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phức tạp, khi việc giảng dạy và học tập tại hầu hết các cơ sở giáo dục bị trì hoãn hoặc triển khai từ xa, thì việc làm thế nào để thực hiện kiểm tra trực tuyến một cách hiệu quả là rất cần thiết. Khaothi.online là một ứng dụng hoạt động trên nền tảng website giúp quản lý được việc dạy và học cả giáo viên và người học, cho phép xây dựng công cụ kiểm soát lớp học ảo cho người học đến triển khai giao bài tập và kiểm tra một cách đồng bộ. Tác giả đã áp dụng trang web này để quản lý hoạt động giảng dạy cho một lớp gồm 32 sinh viên không chuyên tiếng Anh trong năm tuần bằng cách giao cho người học các bài tập trực tuyến và làm bài kiểm tra cuối kỳ. Trên cơ sở nghiên cứu và trải nghiệm thực tế giảng dạy của bản thân, bài tham luận này sẽ chỉ ra một số bất cập trong tổ chức kiểm tra trực tuyến bằng các ứng dụng công nghệ hiện nay, từ đó đưa ra những đánh giá nhận xét về tính ưu việt của ứng dụng khaothi.online trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, tác giả cũng chỉ ra một số tính năng hạn chế mà người dùng có thể gặp phải khi sử dụng và đưa ra một số khuyến nghị để công tác kiểm tra trực tuyến tốt hơn trong thực tế.
Từ khóa: kiểm tra trực tuyến, đổi mới giảng dạy, công nghệ giáo dục.
 
KHAOTHI.ONLINE – AN EFFECTIVE SOLUTION FOR ONLINE TESTING IN CONTEXT OF COVID 19 PANDEMIC
 
Abtract: In the context of the complicated Covid-19 pandemic, when teaching and learning at most educational institutions are delayed or implemented remotely, how to effectively conduct online testing is very necessary. The website khaothi.online is a Vietnamese application that helps manage teaching and learning for both teachers and learners, allowing to build virtual classroom control tools for learners to deploy assignments and control check synchronously. The author applied this website to manage teaching for a class of 32 non-English majors for five weeks by giving learners online assignments and taking final exams. On the basis of my own research and teaching experience, this paper will point out some limitations in organizing online tests using current technology applications, thereby giving their feedback on the superiority of the khaothi.online application. In addition, the author also points out some limited features that users may encounter when using and gives some recommendations for better online testing in practice.
Key words: online testing, teaching innovation, educational technology
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Do tình trạng Covid 19 hiện nay dẫn đến tình trạng phải giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, khiến cho nhiều học sinh, sinh viên không thể đến trường học được, thì việc học trực tuyến là một giải pháp có thể xem là cứu cánh giúp các em học sinh, sinh viên không bị gián đoạn việc học hành.
Có rất nhiều các hình thức học đã và đang được triển khai tại các cơ sở giáo dục như dạy học trực tuyến (online), dạy học phối hợp (blended), dạy trực tuyến với trực tiếp (trực diện) trong thời kỳ COVID-19. Trong đó, dạy học trực tuyến là phương pháp giảng dạy khá hiệu quả mà giáo viên và học sinh, sinh viên cần áp dụng một cách có định hướng để truyền tải kiến thức một cách linh hoạt, giúp cho người học theo được mạch bài giảng nhằm đạt được mục tiêu của bài học và môn học...Dạy học trực tuyến đã, đang và sẽ trở thành xu hướng được áp dụng nhiều trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài phức tạp hiện nay trên thế giới, dần trở thành một xu thế tất yếu, nhiệm vụ chính trong công tác triển khai năm học để thích ứng với tình hình mới.
Bên cạnh việc dạy và học trực tuyến thì kiểm tra và đánh giá trực tuyến cũng là một giải pháp tình thế nhưng rất cần thiết trong thời điểm đại dịch Covid diễn biến căng thẳng như hiện nay. Kiểm tra và đánh giá trực tuyến giúp giáo viên dễ dàng thao tác, đánh giá và xếp loại học lực của người học dưới sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, kiểm tra đánh giá cũng đang được đẩy mạnh nhằm thích ứng với điều kiện bệnh dịch, tuy nhiên nói một cách tích cực, đây cũng là đòn bẩy lớn giúp giáo viên đổi mới nhận thức, tích cực chủ động ứng dụng công nghệ hơn nữa trong giảng dạy để đem lại hiệu quả tốt nhất.
Trên thực tế, kiểm tra đánh giá trực tuyến cũng có nhiều tiện ích song cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định. Xuất phát từ nhu cầu thực tế và trải nghiệm bản thân, tác giả đã tìm hiểu ứng dụng khaothi.online vào công tác kiểm tra đánh giá tại cơ sở giáo dục của mình. Qua phân tích thực tiễn, tác giả đánh giá ưu – nhược điểm của ứng dụng này trong quá trình sử dụng; từ đó có những đề xuất để công tác khảo thí được thực hiện tốt hơn, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy.
 
II. QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TRỰC TUYẾN
  1. Một số khái niệm về kiểm tra đánh giá trong giáo dục
Kiểm tra đánh giá là một khâu rất quan trọng, không thể tách rời trong quá trình dạy học. Theo Đinh Văn Đệ (2017), kiểm tra đánh giá nhằm cung cấp thông tin để nhằm so sánh, đối chiếu kiến thức, kỹ năng, thái độ thực tế người học đạt được với kết quả mong đợi đã xác định trong mục tiêu dạy học”. Như vậy, với cách hiểu này, để đo được mức độ nhận thức của người học, thì việc kiểm tra đánh giá nhất định phải được tiến hành trong quá trình dạy học và kết thúc khóa học. Căn cứ vào kết quả kiểm tra đánh giá, giáo viên mới có thể xác định được người học có nắm được kiến thức, kỹ năng theo mục tiêu chương trình hay không, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong giảng dạy.
Trong dạy học thường sử dụng các hình thức kiểm tra: kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, kiểm tra tổng kết. Giáo viên có thể đa dạng hóa hình thức kiểm tra để đánh giá được đúng năng lực của người học. Các hình thức kiểm tra nêu trên được thực hiện bằng các phương pháp: kiểm tra miệng, kiểm tra viết và kiểm tra thực hành. Trong đó, kiểm tra thường xuyên được tiến hành liên tục ngay trong các giờ học trên lớp hoặc giao về nhà, hoạt động này giúp kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy học của giáo viên và người học, đồng thời thúc đẩy người học cố gắng tích cực làm việc một cách liên tục, có hệ thống. Kiểm tra định kỳ được tiến hành theo kế hoạch đã định trong chương trình học nhằm đánh giá được việc nắm kiến thức, kỹ năng của học sinh sau một thời hạn nhất định, giúp cho học sinh củng cố, mở rộng tri thức đã học. Cuối cùng, kiểm tra tổng kết được thực hiện vào cuối môn học, cuối kỳ nhằm giúp giáo viên đánh giá kết quả học tập chung của người học.
Kiểm tra đánh giá trực tuyến là kiểm tra trên hệ thống online qua các công cụ điện tử như máy tính, hoặc điện thoại có kết nối internet. Các thí sinh, học viên tham gia thi trực tuyến sẽ phải truy cập vào trang website trực tuyến hoặc các ứng dụng thiết bị điện tử khác. Điểm nổi bật của hình thức này chính là các thí sinh có thể tham gia online ở bất cứ đâu, địa điểm nào mà không cần phải đến địa điểm kiểm tra trực tiếp.
 
 
  1. Quy định về kiểm tra đánh giá trực tuyến hiện hành
Thời gian qua, do dịch bệnh Covid diễn ra kéo dài, phức tạp khi mà số lượng các ca nhiễm trong cộng đồng vô cùng nhiều, mọi mặt của đời sống xã hội đều bị ảnh hưởng theo quy định giãn cách xã hội, tuân thủ nguyên tắc 5K. Trong thời kỳ đầu của dịch bệnh, hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục gần như bị dừng lại, trong bối cảnh đó, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai nhanh chóng các giải pháp học tập trực tuyến để đảm bảo công tác giảng dạy được thực hiện xuyên suốt, người học không bị “cách ly” với trường lớp.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ giáo dục và đào tạo, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để tổ chức dạy học linh hoạt, với đa dạng hình thức, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh. Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Trong đó quy định rõ học sinh học tập trực tuyến thực hiện các hoạt động chính sau: tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ chức; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên. Về kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến, Điều 6 Thông tư nêu rõ, kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học. Các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong dạy học trực tuyến được thực hiện theo quy định về kiểm tra, đánh giá thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để bảo đảm kế hoạch năm học, Bộ hướng dẫn việc tổ chức hoạt động dạy và học tại các trường đại học trong thời gian dịch, trong đó cho phép tổ chức kiểm tra đánh giá học phần, bảo vệ tốt nghiệp trực tuyến (theo công văn số 2077/BGDĐT-GDĐH ban hành ngày 20 tháng 5, 2021). Như vậy, có thể thấy, việc tổ chức kiểm tra đánh giá tại các cơ sở giáo dục rất được chú trọng và đa dạng hoá bằng nhiều hình thức để có thể thích ứng được với điều kiện thực tế.
III. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC KIỂM TRA TRỰC TUYẾN HIỆN NAY
Một số trường trên cả nước đang bước vào giai đoạn kết thúc của học kỳ, thế nhưng rất nhiều trường học ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thể đón học sinh quay trở lại vì diễn biến phức tạp của dịch Covid. Chính vì vậy, kiểm tra và đánh giá chất lượng học sinh, sinh viên qua hình thức trực tuyến đang là giải pháp được các trường đưa ra và thực hiện đồng bộ. Bên cạnh việc dạy và học trực tuyến thì kiểm tra trực tuyến là một giải pháp mới trong giảng dạy, giúp giáo viên dễ dàng đánh giá và xếp loại học lực của học sinh trong giai đoạn dịch Covid bùng phát. Tuy nhiên, giải pháp này không chỉ là giải pháp tạm thời, mà nếu biết cách sử dụng thì đây là sẽ một giải pháp rất tiện lợi và đem lại hiệu quả cao cho cả giáo viên và học sinh trong thời đại công nghệ hiện nay.
  1. Thuận lợi
Qua thực tế sử dụng các ứng dụng công nghệ hỗ trợ thiết kế đề kiểm tra và tổ chức thi trực tuyến như Google Form, Shub Classroom, Azota,…có thể thấy một số ưu điểm trong quá trình triển khai như sau:
Thứ nhất, tổ chức thi trực tuyến giúp giáo viên chủ động được về mặt thời gian. Thông qua các nền tảng dạy học trực tuyến như Zoom hay Microsoft Teams, Google Meets, giáo viên và học sinh không cần phải đến trường mà vẫn có thể tổ chức học tập và kiểm tra online khi kết hợp với các ứng dụng kiểm tra trực tuyến khác mà không bị hạn chế về mặt thời gian và không gian.
Thứ hai, thi trực tuyến còn giúp các cơ sở giáo dục có thể tối ưu hóa chi phí tổ chức. Thực tế, kiểm tra online giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian soạn đề thủ công và chấm bài. Cụ thể, với mỗi một đợt kiểm tra/ thi dù là kiểm tra thường xuyên, hay kiểm tra định kỳ, kết thúc học phần cũng đều rất mất thời gian trong khâu soạn đề thi, chỉnh sửa và in ấn. Khi tổ chức thi xong, giáo viên dành nhiều thời gian để chấm bài với số lượng lớn. Trong quá trình chấm, có thể phát sinh chấm lỗi, chấm sai khiến học sinh bị thiệt, điều này có thể được hạn chế tối đa nhờ vào các ứng dụng thi trực tuyến khi mà giáo viên có thể dễ dàng tải đề thi có sẵn lên giao diện ứng dụng, thiết lập thông số đáp án (trắc nghiệm khách quan) hoặc hướng dẫn giải (đề tự luận). Nhờ đó, người học có thể biết điểm thi ngay sau khi nộp bài và tự kiểm tra được bài làm của mình dựa vào đáp án hoặc hướng dẫn trả lời trên hệ thống thi.
  1. Hạn chế
Tuy nhiên, khâu tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng học trực tuyến cũng đã và đang bộc lộ không ít bất cập.
Vấn đề thi cử luôn được tiến hành một cách nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng thi, nhưng do điều kiện giãn cách xã hội, các cơ sở giáo dục phải tiến hành kiểm tra trực tuyến thì hạn chế đầu tiên kể đến là đảm bảo ổn định về mặt đường truyền kết nối. Cả phía giáo viên và thí sinh dự thi cần trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật thiết bị như máy tính nối mạng, điện thoại thông minh có loa và camera. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, có thể xảy ra rất nhiều tình huống bị ngắt kết nối khiến cho quá trình thi bị gián đoạn, gây tâm lý lo sợ cho người thi. Điều này càng trở nên khó khăn ở một số địa phương nghèo hay các vùng sâu vùng xa, khi mà điều kiện hạ tầng mạng còn hạn chế, dẫn đến khâu tổ chức thi trực tuyến còn nhiều bất cập.
      Mặt khác, trong khâu tổ chức thi trực tuyến, làm sao đánh giá đúng năng lực của người học, đảm bảo công bằng, khách quan, chống gian lận là một bài toán cực khó đối với các giáo viên. Trên thực tế, nếu cho học sinh làm ở nhà (qua internet) mà không trang bị đủ phần mềm chống gian lận thì sẽ rất khó kiểm soát được tình trạng gian lận như học sinh có thể quay cóp, thi hộ, hoặc lập nhóm trao đổi bài ngay trong lúc thi. Tình trạng này khá phố biến và rất khó kiểm soát triệt để do một số ứng dụng thi online hiện nay không được trang bị phần mềm chống gian lận (chức năng e-proctoring) hoặc cảnh báo gian lận.  Thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế để thấy rằng không ít trường hợp "gian lận" trong kiểm tra trực tuyến đã và đang thách thức giáo viên phải phân định chất lượng thực và giá trị ảo về mặt điểm số, đánh giá đúng đắn và sát sao năng lực thực tế của người học cũng như không ngừng trau dồi kỹ năng ra đề, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá...để đánh giá đúng được năng lực người học qua hình thức thi trực tuyến.
IV. ĐÁNH GIÁ ƯU – NHƯỢC ĐIỂM CỦA ỨNG DỤNG KHAOTHI.ONLINE TRONG TỔ CHỨC KIỂM TRA TRỰC TUYẾN
Xuất phát từ mong muốn tìm ra được một ứng dụng có thể hỗ trợ công tác tổ chức thi trực tuyến được đảm bảo, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian và công sức trong khâu ra đề, phần nào hạn chế được những phát sinh không mong muốn và đặc biệt là chống được gian lận trong thi cử, bản thân tác giả đã tìm hiểu và thử nghiệm rất nhiều công cụ tổ chức thi trực tuyến để có sự đối sánh từng công cụ, từ đó ứng dụng vào thực tế một cách hiệu quả hơn. Trong đó, ứng dụng khaothi.online được xem là một giải pháp khá toàn diện cho các giáo viên trong việc tổ chức thi trực tuyến một cách đồng bộ từ khâu ra đề, lập phòng thi, kíp thi đến tổ chức thi và chấm thi.
  1. Giới thiệu về ứng dụng khaothi.online
Khaothi.Online là bộ giải pháp công nghệ điện toán đám mây giúp triển khai các giải pháp quản lý điều hành toàn diện hoạt động kiểm tra đánh giá cho các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục cũng như cơ quan quản lý giáo dục các cấp được phát triển bởi công ty hệ thống thông tin FPT (FPT Corporation, 2020).
Các tính năng của hệ thống khaothi.online bao gồm:
 

Hình 1: Giao diện các tính năng của ứng dụng khaothi.online
  1. Quản lý khung đề
Tính năng này cho phép người dùng tạo khung đề thi theo cấu trúc mong muốn (ma trận đề thi) với đầy đủ tham số về thời gian thi, số lượng câu hỏi, các đơn vị kiến thức theo từng cấp độ nhận thức (thang đo Bloom) sử dụng tùy vào mục đích của người dùng. Điều này giúp:
  • Người dùng có thể sử dụng quản lý khung đề để sinh ra các đề ngẫu nhiên nhưng vẫn bám sát vào cấu trúc đề thi đã xây dựng.
  • Khi sinh đề thi sẽ lấy câu hỏi ngẫu nhiên tương ứng được thiết lập ở khung đề.
  • Người dùng có thể phân quyền phụ trách khung đề, phụ trách một đơn vị kiến thức thuộc khung cho người khác.
  1. Quản lý ngân hàng câu hỏi
Tính năng này giúp người dùng xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa ngân hàng câu hỏi theo khung đề thi đã tạo. Hệ thống cho phép người dùng upload câu hỏi từ nguồn đề hoặc ngân hàng câu hỏi sẵn có chỉ với một vài thao tác đơn giản, giúp tiết kiệm thời gian tối đa so với việc phải soạn từng câu hỏi trên giao diện trực tuyến như một số ứng dụng khác.
  1. Quản lý đề
Từ ngân hàng câu hỏi, người dùng có thể tiến hành tạo đề thi theo cấu trúc đề thi, hệ thống sẽ tự động tổ hợp các câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thành các đề lẻ với số lượng không hạn chế. Một ưu điểm của hệ thống này là cho phép người dùng xây dựng được đa dạng đề thi từ trắc nghiệm khách quan, tự luận, kết hợp trắc nghiệm và tự luận. Người dùng có thể tạo đề, chỉnh sửa đề; đặc biệt, hệ thống còn có tính năng phân quyền cho người thẩm định đề (phản biện) trực tuyến. Đây được xem là một tính năng khác biệt so với các ứng dụng khác.
  1. Quản lý học sinh
Hệ thống cho phép người dùng tạo lớp học, lập danh sách học sinh để giao bài tập, kiểm tra thường xuyên, định kỳ, kết thúc có chấm điểm, thống kê, xếp loại học tập. Điều này giúp giáo viên dễ dàng kiểm soát được việc học tập của học sinh. Ngoài ra, giáo viên có thể lập danh sách thi theo từng đối tượng cho các kíp thi giống như thi trên lớp.
  1. Quản lý thi
Đây là tính năng chính của hệ thống khaothi.online. Tất cả các chức năng từ tạo khung đề thi, nhập ngân hàng câu hỏi, tạo đề thi, quản lý học sinh đều là các bước chuẩn bị cho khâu tổ chức thi giúp kỳ thi được diễn ra một cách đồng bộ, theo quy trình từ đầu đến cuối. Tính năng quản lý thi cho phép người dùng thiết lập ca thi gồm đề thi, danh sách thi kèm mã dự thi đảm bảo mỗi một thí sinh chỉ được cấp một mã thi duy nhất cho kíp thi đó. Đến giờ thi, giáo viên điều khiển kíp thi và theo dõi thí sinh làm bài kết hợp với các ứng dụng theo dõi trực tuyến khác. Sau khi kết thúc kíp thi, các nội dung thi trắc nghiệm sẽ được chấm tự động, các nội dung thi tự luận (cho phép viết trực tiếp hoặc nộp ảnh chụp bài làm) sẽ được chấm thủ công hoặc theo rubic đã thiết kế trong bước thiết lập đề thi; ngoài ra, quản trị viên cũng có thể phân quyền cho giáo viên khác chấm thi.
  1. Giám thị online
Như đã biết, bất cập lớn hiện nay trong quá trình tổ chức thi trực tuyến là làm sao kiểm soát được tính gian lận của người thi, tính năng giám thị online của ứng dụng này chính là một giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng đó. Với công nghệ trí tuệ nhân tạo, hệ thống giám thị trực tuyến này cho phép theo dõi và giao tiếp với thí sinh theo thời gian thực thông qua webcam, microphone trong suốt quá trình làm bài thi, đồng thời có sự hỗ trợ thêm của các thiết bị điện thoại thông minh để tăng cường các góc quan sát thí sinh phù hợp cho giám thị. Giám thị online có thể nhắc nhở, can thiệp và đình chỉ kíp thi của thí sinh tức thời nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Nhờ đó, chất lượng của ca thi được đảm bảo, hạn chế tình trạng gian lận của thí sinh.
  1. Thực tế ứng dụng khaothi.online trong kiểm tra trực tuyến
Quá trình thử nghiệm ứng dụng này được tiến hành với lớp học ngắn hạn trực tuyến gồm 32 sinh viên không chuyên tiếng Anh trong 5 tuần bằng cách giao cho người học các bài tập trực tuyến và tổ chức kiểm tra định kỳ, cuối khóa tại một trường đại học ở Hà Nội. Công cụ giảng dạy trực tuyến được sử dụng là phần mềm Zoom kết hợp với các ứng dụng tương tác như Quizziz, flipgrid, wordwall, …tùy vào nội dung bài học. Đối với các bài kiểm tra, tác giả cũng đã áp dụng rất nhiều các công cụ kiểm tra trực tuyến như Google Form, Shub Classroom, Azota,…mỗi một ứng dụng đều có những ưu điểm và hạn chế riêng nhưng trong đó khaothi.online tích hợp các tính năng ưu việt.
Để có đánh giá khách quan trong quá trình sử dụng ứng dụng khaothi.online, tác giả cũng đã tiến hành lấy ý kiến sinh viên tham gia lớp học. Qua tổng hợp, có thể rút ra một số ưu điểm và hạn chế như sau:
  1. Ưu điểm
Ứng dụng này thực sự là một công cụ thi trực tuyến tương đối toàn diện từ đầu đến cuối các bước tổ chức của một kỳ thi gồm: tạo khung đề (cấu trúc đề thi, ma trận), xây dựng ngân hàng câu hỏi, sinh đề, lập danh sách thi, tổ chức thi cho đến chấm thi, tổng hợp kết quả. Các bước được tiến hành một cách tuần tự, khoa học trên một nền tảng giao diện trực quan, dễ thao tác.
Theo kết quả lấy ý kiến từ sinh viên, phần lớn đều cho rằng giao diện của ứng dụng rất dễ sử dụng (50%) và chạy ổn định trong quá trình thi (47%). Theo ghi nhận, có rất ít trường hợp thí sinh dự thi bị mất bài do lỗi mạng vì hệ thống này có tính năng đồng bộ điện toán đám mây, mọi thao tác làm bài của thí sinh đều được lưu lại theo thời gian thực. Ngoài ra, ứng dụng còn rất nhiều tính năng tổ chức thi ưu việt khác và nổi trội nhất là chức năng giám sát thi online, giúp hạn chế tối đa tình trạng gian lận trong thi cử.
TT Câu hỏi Rất không
 đồng ý
Không đồng ý Bình thường Đồng ý Rất đồng ý
1 Bạn có thấy giao diện dễ sử dụng không? 3% 9% 16% 50% 22%
2 Trang ứng dụng chạy ổn định trong quá trình thi không? 6% 6% 25% 47% 16%
3 Có nhiều tính năng tổ chức thi ưu việt không? 0% 0% 22% 44% 34%
4 Ứng dụng có kiểm soát được thí sinh trong quá trình thi không? 6% 9% 28% 38% 19%
5 Ứng dụng có giúp bạn tiết kiệm thời gian để thiết lập một ca thi trực tuyến không? 9% 31% 16% 25% 19%
Bảng 1: Phản hồi của sinh viên trong quá trình sử dụng ứng dụng khaothi.online
 
  1.  Hạn chế
Ứng dụng khaothi.online hiện có hai phiên bản, được cung cấp miễn phí cho tài khoản cá nhân (giáo viên) và tài khoản nhà trường (đầy đủ). Với phiên bản cá nhân, có một hạn chế hiện nay là chỉ cho phép giáo viên chấm 10 bài tự luận trong một ngày (không giới hạn với đề trắc nghiệm khách quan), điều này nhằm chia sẻ tài nguyên hệ thống cho mạng lưới các cá nhân và các trường cùng sử dụng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, ở phiên bản nhà trường, người dùng sẽ được hỗ trợ tối đa với đầy đủ tính năng.
Ngoài ra, cũng có một số ý kiến cho rằng, chính vì ứng dụng này có nhiều tính năng đồng bộ quy trình tổ chức cho một kỳ thi nên đôi khi việc thao tác lần lượt các bước từ tạo khung đề, nhập ngân hàng câu hỏi, sinh đề, lập danh sách thi, tổ chức thi, …như vậy mất khá nhiều thời gian so với các ứng dụng khác. Tuy nhiên, đứng trên góc độ là làm sao đảm bảo được khâu tổ chức thi trực tuyến một cách hiệu quả hay ứng dụng nào có thể giải quyết được nhiều yêu cầu đặt ra đối với công tác khảo thí như vậy thì có thể nói khaothi.online là một sự lựa chọn tối ưu.
V. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
            Công tác khảo thí vẫn luôn là một nhiệm vụ trọng tâm trong giáo dục và cần thực hiện nghiêm ngặt theo quy định tại mỗi một cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, việc giảng dạy và kiểm tra đánh giá tại nhiều nơi đều bị gián đoạn hoặc tổ chức trực tuyến, thì việc ứng dụng công nghệ là một xu thế tất yếu chứ không phải là giải pháp tạm thời. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra đánh giá đã được thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại không ít những hạn chế, bất cập. Do đó, một trong những nhiệm vụ cấp thiết là cần phải tìm hiểu nghiên cứu các biện pháp quản lí và ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chung của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể, nhà trường cần tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ giảng viên, trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thật tốt để ứng phó tốt với khả năng phải dạy trực tuyến kéo dài. Bên cạnh đấy, cũng đòi hỏi cá nhân mỗi giáo viên phải chủ động nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ trong giảng dạy nói chung và công tác khảo thí nói riêng để chất lượng giáo dục được đẩy mạnh.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Bộ GD-ĐT (2021). Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục.
  2. Bộ GD-ĐT (2021). Công văn 2077/BGDĐT-GDĐH ngày 20 tháng 5, 2021 về hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy và học, kết thúc năm học và tuyển sinh trong thời gian dịch COVID-19 tại các cơ sở GDĐH.
  3. Đinh Văn Đệ (2017). Cơ sở lý luận về kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học theo tiếp cận phát triển năng lực trong giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. Tạp chí giáo dục số 410 tháng 7/2017
  4. Nam Du (2022). Vấn đề “thực chất” trong học và thi trực tuyến. https://kinhtedothi.vn/van-de-thuc-chat-trong-hoc-va-thi-truc-tuyen.html
  5. Nguyễn Phúc (2021). Kiểm tra, đánh giá trực tuyến: Khó khăn lớn của giáo viên và học sinh. https://www.songtre.com.vn/kiem-tra-danh-gia-truc-tuyen-kho-khan-lon-cua-giao-vien-va-hoc-sinh-p21431.html
  6. FPT Corporation (2020). Tài liệu hướng dẫn sử dụng khaothi.online.  https://docs.khaothi.online/vi/latest/
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại Học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Online: 203 Tổng truy cập: 33.361.700