Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA TIN HỌC - NGOẠI NGỮ

MÔ HÌNH THƯ VIỆN THÔNG MINH, HIỆN ĐẠI PHỤC VỤ CHIẾN LƯỢC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO

Ngày đăng: 08:26 - 31/01/2024 Lượt xem: 63

Phạm Thị Thu Hà

1. Đặt vấn đề

Thư viện thông minh, hiện đại là mô hình kết hợp giữa công nghệ, tri thức và thư viện truyền thống mang đến một không gian học tập đa phương tiện với nguồn tài nguyên đa dạng giúp sinh viên, giảng viên tương tác chia sẻ tri thức một cách linh hoạt, hiệu quả.

 Một trong những thành phần quan trọng của thư viện thông minh hiện đại trong trường học là hệ thống quản lý thư viện. Đây là một cơ sở dữ liệu được xây dựng để lưu trữ và quản lý tri thức từ các nguồn tài nguyên khác nhau, bao gồm sách, báo, tài liệu điện tử, video, liên thông thư viện...

Hệ thống này giúp nhà trường, cán bộ quản lý thư viện tổ chức thông tin một cách có hệ thống, kiểm soát chính xác, hạn chế tối đa thoát tài liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm và truy cập thông tin từ người dùng.

Những yếu tố không thể thiếu góp phần tạo dựng một thư viện thông minh, hiện đại:

- Cơ sở hạ tầng được đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến mới nhất. Bao gồm việc sử dụng các hệ thống và thiết bị hiện đại như máy đọc mã vạch, hệ thống định vị RFID, trí tuệ nhân tạo AI và hệ thống liên kết thư viện. Các công nghệ này giúp tăng cường hiệu quả và tự động hóa trong quá trình quản lý thư viện.

 - Ứng dụng các phần mềm quản lý thư viện trực tuyến, thư viện số

2. Vai trò của thư viện trong chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo

Thư viện là nơi cung cấp nguồn thông tin quan trọng nhất trong nhà trường. Sinh viên trong trường có thể tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, những nguồn thông tin từ thư viện sẽ là quan trọng nhất, đầy đủ, toàn diện, phong phú và đa dạng nhất. Vì đó là những thông tin đã được sàng lọc qua nhiều khâu hầu hết có cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học, được tích lũy lâu dài và được kiểm nghiệm qua thực tiễn; là nguồn thông tin phù hợp với nhu cầu và thói quen sử dụng của sinh viên.

Mặt khác, thông tin đối với sinh viên không còn chỉ để biết mà còn là điều kiện để tồn tại. Thư viện phải trở thành điểm kết nối giữa nhu cầu tin, nguồn tin của xã hội, phải trở thành chiếc cầu nối liền khoảng cách ngày càng được nới rộng giữa nguồn thông tin và nhu cầu thông tin của sinh viên. Để xóa bỏ khoảng cách này, thư viện phải trở thành nơi chọn lọc, tinh chế, bao gói thông tin; thư viện phải là nơi phát hiện, xác định và kiến tạo nhu cầu thông tin của sinh viên.

Qua đó, sinh viên sẽ tự rèn luyện cho mình một phương pháp học tập, một phương pháp khảo sát vấn đề cũng là hình ảnh sống động của lớp học theo tín chỉ mà sự đóng góp của thư viện là không thể thiếu.

3. Đề xuất mô hình thư viện thông minh, hiện đại

3.1 Phần mềm thư viện thông minh liberty:

- Phần mềm này có đầy đủ tính năng như lập danh mục, lưu hành,  mượn liên thư viện và báo cáo.

- Các quy tắc cho mượn hoàn toàn có thể định dạng trong cấu hình

- Trang chủ thư viện – không yêu cầu ngôn ngữ lập trình hoặc kiến thức về HTML

- Quản lý đa chi nhánh

- Bố cục trang và chức năng dịch tài liệu

- Báo cáo phân tích

3.2 Thiết bị an ninh thư viện

Thiết bị an ninh thư viện gồm các thành phần: Cổng an ninh thư viện, tem từ an ninh thư viện, bàn khử từ có thể tích hợp cả nạp lại từ. Thiết bị phụ trợ: máy dò cầm tay

Các thiết bị này thích ứng với bất kỳ môi trường thư viện nào, cảnh báo phát hiện âm thanh và hình ảnh ngay lập tức, xem cảnh báo ngay trên màn hình, tiết kiệm thời gian cho thủ thư và bạn đọc.

 3.3 Không gian tổ chức trong thư viện hiện đại

- Thiết kế không gian mở mang lại cảm giác thoải mái, tiện nghi cho bạn đọc, thuận lợi cho người dùng tin. Bàn ghế được thiết kế nhằm tạo sự thoải mái nhất cho người đọc. Không gian đọc có thể được xen kẽ với các kệ sách.

- Màu sắc bắt mắt, cảnh quan đẹp là yếu tố quan trọng để thu hút sinh viên đến thư viện.

- Phòng đọc chung: là không gian mở, rộng, thoáng, là nơi gặp gỡ của mọi người khi đến sử dụng thư viện. Người dùng có thể ngồi đọc, tự học, giao lưu bạn bè, hay thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng.

- Phòng đọc tĩnh: sẽ được phân bố những khu vực khác nhau trong thư viện với những tính năng mở hơn như khu đọc sách giải trí, khu đọc sách yên tĩnh, khu đọc sách chuyên ngành…Nó giúp người dùng dễ chọn lựa khu vực đọc mà mình mong muốn. Không gian đọc là nơi đảm bảo ánh sáng, thoáng đãng. Bàn ghế được thiết kế nhằm tạo sự thoải mái nhất cho người đọc. Không gian đọc có thể được thiết kế xen kẽ với các kệ sách.

- Phòng học nhóm: có thể được thiết kế theo nhiều dạng khác nhau tương đương với diện tích lớn, nhỏ được trang bị bàn, ghế, bảng, màn hình tương tác, máy chiếu… để phục vụ cho việc thảo luận, trao đổi theo nhóm.

- Phòng tra cứu tài liệu: không gian tra cứu của thư viện truyền cảm hứng cung cấp các tiện nghi và sự hỗ trợ đa dạng liên quan đến toàn bộ quy trình nghiên cứu  có nhiều quy mô cho không gian tra cứu khác nhau với từng mục đích sử dụng khác nhau. Ngoài việc cung cấp cho bạn đọc một môi trường học thuật với nhiều tiện ích, công cụ, các dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu thì không gian tra cứu còn giúp khơi gợi các ý tưởng cho bạn đọc thông qua hệ thống nguồn tài liệu trong thư viện, danh mục các đề tài đã được nghiên cứu theo từng lĩnh vực…

- Phòng đa phương tiện: được trang bị màn hình TV, amply, tai nghe hoặc các thiết bị hiện đại khác như hệ thống mô phỏng 3D, kính thực tế ảo… có khả năng phục vụ cho nhu cầu học tập cá nhân hay học nhóm tùy theo thiết kế.

- Phòng chuyển đổi số: chuyển đổi số là một hình thức áp dụng số hóa và các thiết bị công nghệ hiện đại vào việc vận hành thư viện. Thiết bị Book Scaner của hãng Indus (Mỹ) hỗ trợ số hóa tài liệu từ bản sách sang hình thức bản mềm được lưu giữ trên máy tính, việc này giúp cho việc chia sẻ và tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng hơn rất nhiều

- Phòng đọc dành riêng cho giảng viên: Là phòng dành cho giảng viên nghiên cứu chuyên sâu, được thiết kế không gian yên tĩnh và cách xa khu vực không gian chung để không bị ảnh hưởng từ bên ngoài.

- Kho lưu trữ: được gắn các chíp cảm biến định vị cuốn sách, khi đặt sai vị trí thiết bị sẽ tự động báo vị trí.

- Căng tin: phục vụ bạn đọc khi có nhu cầu và trong thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

3.4 Thiết bị tự động hóa

- Máy Selfchsck hỗ trợ người dùng tự mượn trả vật phẩm với màn hình cảm ứng hỗ trợ đa ngôn ngữ

- Trạm hoàn trả sách tự động hỗ trợ người dùng trả sách ngoài khuôn viên thư viện và ngoài giờ làm việc. Đồng thời có chế độ tự động xóa trạng thái mượn và cập nhật ngoài hệ thống

- Băng chuyền phân loại sách hỗ trợ thủ thư phân loại sách sau khi người dùng đọc xong mang trả sách.

- Trạm kiểm kê hỗ trợ thủ thư phát hiện những sách đặt sai vị trí trong giá sách. Để thủ thư có thể sắp xếp lại kịp thời.

- Trạm biên mục và ghi nhãn hỗ trợ mã hóa nhãn RFID cho sách mới và sách đã có sẵn

3.5 Liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin

- Sự hợp tác giữa các thư viện với nhau hỗ trợ phân chia bổ sung tài liệu, cung cấp tài liệu cho nhau cũng là điều vô cùng quan trọng trong việc tìm kiếm, tra cứu  thông tin

- Trao đổi các danh mục đặt mua, cùng nhau đàm phán với nhà xuất bản để mua tài liệu với giá hợp lý và thực hiện chia sẻ thông qua việc cho mượn tài liệu giữa các thư viện.

- Nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí, tối ưu hóa ngân sách thư viện nhưng vẫn đa dạng phong phú nguồn tài liệu

3.6 Số hóa và chuyển đổi số trong thư viện

- Thiết bị BookSccaner của hãng Indus(Mỹ) hỗ trợ số hóa tài liệu từ bản sách giấy sang hình thức lưu trữ trên máy tính. Việc này giúp cho việc chia sẻ và tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng hơn rất nhiều

- Chuyển đổi số là một hình thức áp dụng số hóa và các thiết bị công nghệ vào việc vận hành thư viện. như đã được nêu ra trên đây, chúng ta có thể thấy thay đổi cách thức hoạt động thư viện là một bước tiến hoàn toàn mới đẩy nhanh hơn các thao tác vận hành nhưng vẫn không thay thế con người và cụ thể là thủ thư.

3.7 Phòng studio

Nơi nghiên cứu, sản xuất, hậu kỳ các hình ảnh, âm thanh và video chương trình/bài giảng phục vụ cho giảng viên, người nghiên cứu, người học.

4. Kết luận

Để hình thành nên một mô hình thư viện thông minh, hiện đại thì cần ứng dụng khá nhiều giải pháp và cũng cần đáp ứng rất nhiều yêu cầu từ Giáo dục hiện đại. Vì thế, khi đưa vào hoạt động, thư viện thông minh sẽ là trung tâm văn hóa mở, nền tảng cốt lõi cho các giá trị được giảng dạy và góp phần to lớn vào việc thay đổi phương pháp dạy và học theo các xu hướng tiên tiến, hiện đại nhất.

Những thiết kế hiện đại mang tính cá nhân hóa phù hợp với văn hóa lịch sử, đặc trưng của từng thư viện trường học. Các khu học liệu, các phòng tra cứu, giải trí đến các trang thiết bị tự động hóa và an ninh thư viện, cốt lõi vẫn là mang lại cảm giác thoải mái nhất cho người dùng tin.

Thư viện đại học hiện nay đã trở thành điều kiện bắt buộc trong việc kiểm định, đánh giá, đồng thời là điều kiện để mở ngành. Vì vậy đã đến lúc thư viện là tâm điểm của mọi hoạt động trong nhà trường là nơi kiểm nghiệm đáng tin cậy của giảng viên, sinh viên trong quá trình giảng dạy và học tập. Vì vậy một mô hình thư viện thân thiện, thông minh, hiện đại phục vụ chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là vô cùng cần thiết.

Tài liệu tham khảo

  1. Vũ Bích Ngân (2019), Hướng đến một mô hình thư viện đại học hiện đại phục vụ chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Thư viện Quốc gia Việt Nam

  2. Thư viện thông minh cần có những thiết bị nào, truy cập tại: https://saomaiedu.com/thu-vien-thong-minh-can-co-nhung-thiet-bi-cong-nghe-nao/

  3. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Mô hình không gian học tập ở các thư viện đại học, Thư viện quốc gia Việt Nam


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại Học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Online: 34 Tổng truy cập: 18.744.124