Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA TIN HỌC - NGOẠI NGỮ

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH MARKETING THỜI TRANG TRONG THỜI ĐẠI 4.0

Ngày đăng: 08:24 - 03/12/2024 Lượt xem: 64

ThS Hà Kiều Trang, Khoa Tin học Ngoại ngữ

Tóm tắt:
Trong thời kỳ hội nhập 4.0, việc học Marketing, đặc biệt là Marketing thời trang đòi hỏi sự hiểu biết về nhiều kỹ năng, trong đó tiếng Anh đóng vai trò quan trọng. Lĩnh vực tiếp thị đòi hỏi khả năng giao tiếp quốc tế, kỹ năng tiếng Anh và kiến thức về từ vựng chuyên ngành sẽ cung cấp cho bạn những cơ hội quý giá, đặc biệt là trong các công ty đa quốc gia, nơi tiếng Anh là ngôn ngữ chính cho tất cả các hoạt động giao tiếp và công việc. Do đó, nếu bạn muốn trở thành một nhà tiếp thị xuất sắc, thành thạo tiếng Anh là điều cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Abstract: In the 4.0 integration period, learning Marketing, especially Fashion Marketing, requires an understanding of many skills, with English playing a crucial role. The marketing field demands international communication abilities, English skills and knowledge of specialized vocabulary will provide you with valuable opportunities, especially in multinational companies where English is the primary language for all communication and work activities. Therefore, if you want to become an outstanding marketer, proficiency in English is essential in the current globalization context.

Từ khóa: Tiếng Anh, Marketing, thời trang, giảng dạy.

Keywords: English, Marketing, fashion, teaching.

Trong thời đại 4.0, khi công nghệ số hoá thâm nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, ngành công nghiệp thời trang đã trải qua những biến đổi đáng kể. Toàn cầu hoá và tiến bộ công nghệ đã làm tăng nhu cầu về các chiến lược giao tiếp và marketing hiệu quả. Tiếng Anh, như một ngôn ngữ toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực Marketing, đặc biệt marketing trong ngành Thời trang. Bởi lẽ ngành Thời trang vốn dĩ mang tính toàn cầu, với các thương hiệu và người tiêu dùng trải rộng trên khắp thế giới. Thị trường thời trang ngày nay đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong việc tiếp cận khách hàng. Đặc biệt, giới trẻ đã trở thành một nhóm tiêu dùng quan trọng, với sự sáng tạo và cá nhân hóa đóng vai trò chính trong quyết định mua sắm của họ.

Tiếng Anh chuyên ngành Marketing thường được yêu cầu khá cao do đây là một ngành nghề đòi hỏi sự liên tục cập nhật xu hướng và nhạy bén với sự thay đổi của mọi người trên toàn thế giới. Vì vậy, việc dạy và học tiếng anh chuyên ngành (ESP) Marketing là một thách thức không nhỏ đối với giảng viên và sinh viên Trường ĐHCN Dệt may Hà Nội. Việc học tập liên tục và phát triển kỹ năng là điều cần thiết trong ngành thời trang phát triển nhanh chóng. Tiếng Anh thành thạo hỗ trợ cho sinh viên tiếp cận kiến thức thông qua các nguồn tài liệu giáo dục, bài báo nghiên cứu và ấn phẩm trong ngành có sẵn bằng tiếng Anh, cung cấp quyền truy cập vào kiến thức và xu hướng mới nhất, tham gia vào các khóa học, hội thảo và chương trình chứng chỉ trực tuyến có uy tín về marketing thời trang được tổ chức bằng tiếng Anh, cho phép các chuyên viên marketing nâng cao kỹ năng và chứng chỉ của mình. Đồng thời nâng cao năng lực văn hóa đa dạng, giúp các marketers nắm bắt được sự phức tạp của các bối cảnh văn hóa khác nhau trong ngành thời trang. Để đáp ứng được các nhu cầu đó của sinh viên, đòi hỏi người thầy không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ, và chiến lược học tập nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn và chất lượng giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành marketing thời trang trong thời đại 4.0.

Vì đặc thù của ngành Marketing là sự đa dạng và linh hoạt trong ngôn ngữ cho nên khi ứng dụng vốn từ vựng và cấu trúc câu trong ngành người học cũng cần phải có những lưu ý về mục đích, hoàn cảnh để có thể lựa chọn văn phong phù hợp. Ngoài ra, sự hội nhập kinh tế quốc tế đang trở thành xu hướng phát triển hiện nay. Riêng đối với ngành Marketing - là ngành có quy mô cực kỳ lớn nên việc giao tiếp ra rất cần thiết. Và dĩ nhiên, việc công ty bạn thường xuyên làm việc với đối tác nước ngoài cũng là không thể tránh khỏi. Khi đó, nếu như có kỹ năng cũng như kiến thức về các từ vựng chuyên ngành Marketing thì đây là cơ hội dành cho người học. Hơn thế nữa, ở các công ty về Marketing của nước ngoài, hầu như họ làm việc và trao đổi hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nên việc học tiếng Anh là rất cần thiết đối với người học muốn trở thành một Marketer thực sự giỏi.

Marketing thời trang là lĩnh vực đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về cả hai khía cạnh: thời trang và marketing. Theo Philip Kotler, một trong những cha đẻ của marketing hiện đại, marketing không chỉ đơn thuần là bán hàng, mà là quá trình tạo ra giá trị cho khách hàng và xây dựng mối quan hệ lâu dài với họ. Trong lĩnh vực thời trang, điều này càng trở nên quan trọng khi các thương hiệu không chỉ bán sản phẩm mà còn phải bán lối sống và văn hóa thông qua các chiến dịch quảng bá toàn cầu. (Kotler, 2016). Các thương hiệu thời trang hiện đại đã nhận ra tầm quan trọng của việc sáng tạo nội dung và xây dựng cộng đồng trực tuyến để tạo liên kết với khách hàng. Thông qua việc chia sẻ những câu chuyện hấp dẫn, hình ảnh và video độc đáo về thương hiệu và sản phẩm, họ tạo ra sự tương tác và tham gia tích cực từ phía khách hàng. Bên cạnh đó, họ cũng tạo dựng cộng đồng trực tuyến, nơi khách hàng có thể chia sẻ ý kiến, trò chuyện và gắn kết với nhau qua sở thích chung về thời trang.

Trong Marketing có rất nhiều mô hình và các thuật ngữ chuyên ngành. Người học có thể dựa vào những chủ đề trong ngành để từ đó phát triển từ vựng rộng dần theo chủ đề. Ví dụ: người học lựa chọn về 3Cs trong Marketing gồm Customer, Competitor, và Company - Có thể gọi đây là các từ vựng tầng 1. Sau đó người học tiếp tục liệt kê các từ vựng liên quan đến Customer như Customer Value, Satisfaction, Loyalty, Segmentation and Targeting,… ta được các từ vựng tầng 2. Tiếp tục liệt kê các từ vựng tầng 3 của từ Segmentation như Demographic, Geographic,… Phương pháp này tựa như sơ đồ tư duy, giúp người học nhớ từ vựng theo cụm và chủ đề sẽ khiến người học nhớ từ vựng một cách dễ dàng hơn và logic hơn.

Thị trường thời trang không còn hạn hẹp ở phạm vi nội địa mà đã mở rộng ra toàn cầu. Các thương hiệu thời trang như Zara, H&M, Gucci, và Prada không chỉ nổi tiếng tại quốc gia của họ mà còn hiện diện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Để tạo ra chiến lược marketing hiệu quả trên quy mô quốc tế, các marketers thời trang cần phải nắm vững tiếng Anh, không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp mà còn là ngôn ngữ của sáng tạo và chiến lược. Bởi lẽ, Các thương hiệu thời trang ngày nay cũng đang chú trọng đến việc xây dựng chiến lược marketing bền vững và trách nhiệm xã hội. Họ tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường thông qua sử dụng nguyên liệu tái chế, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường và hỗ trợ các cộng đồng. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội mà còn tạo ra sự đồng cảm và ủng hộ từ phía khách hàng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm đến vấn đề môi trường. xu hướng marketing thời trang hiện đại đã thay đổi để đáp ứng sự cá nhân hóa và sáng tạo của giới trẻ. Việc tận dụng những yếu tố này không chỉ giúp các thương hiệu tạo liên kết sâu hơn với khách hàng mục tiêu mà còn mang lại lợi ích kinh doanh dài hạn. Bằng cách tiếp cận thị trường thông qua cá nhân hóa, sáng tạo nội dung và xây dựng cộng đồng trực tuyến, các thương hiệu thời trang có thể thu hút và gắn kết với khách hàng giới trẻ trong một thị trường cạnh tranh ngày nay.

Theo Tony Hines và Margaret Bruce, marketing thời trang không chỉ là việc bán quần áo mà còn là việc bán cảm xúc, hình ảnh và câu chuyện. Các thương hiệu thời trang thành công không chỉ dựa vào thiết kế mà còn vào việc xây dựng mối liên hệ cảm xúc mạnh mẽ với khách hàng thông qua các thông điệp thương hiệu, chiến dịch quảng cáo và sự tương tác trên các nền tảng số (Hines & Bruce, 2007). Influencer và người dùng đã trở thành những nhân tố quan trọng trong chiến lược marketing thời trang. Các thương hiệu sử dụng influencer có ảnh hưởng để giới thiệu sản phẩm và tạo niềm tin từ phía khách hàng. Đồng thời, họ cũng tạo điều kiện cho người dùng chia sẻ hình ảnh, đánh giá và trải nghiệm sản phẩm của mình trên các nền tảng truyền thông xã hội. Đây là quá trình tận dụng những người có sức ảnh hưởng trong một lĩnh vực cụ thể để giúp quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ. Người có ảnh hưởng về thời trang có thể sáng tạo nội dung về sản phẩm hoặc dịch vụ và chia sẻ nội dung đó với những người theo dõi họ, từ đó giúp thương hiệu tiếp cận và tương tác với khách hàng. Họ có thể giúp thương hiệu quảng bá sản phẩm, nâng cao nhận thức về thương hiệu hoặc mở rộng phạm vi tiếp cận tới nhiều đối tượng hơn. Ví dụ, Kylie Jenner đã hợp tác với nhiều thương hiệu thời trang để quảng bá sản phẩm của họ trên trang cá nhân Instagram của cô. Điều này giúp tạo ra sự tin cậy và khuyến khích khách hàng khác tham gia vào trải nghiệm mua sắm. Fashion Marketing không chỉ là quá trình Marketing sản phẩm, mà còn là hiểu rõ xu hướng của ngành, xác định khách hàng lý tưởng và tạo những chiến dịch để thu hút họ. Nó xoay quanh tất cả các chữ P của Marketing Mix - Sản phẩm, Phân phối, Giá cả và Khuyến mãi. Các doanh nghiệp cần nghĩ ra những cách sáng tạo để Marketing sản phẩm hoặc dịch vụ. Chẳng hạn như tạo chiến dịch trên các nền tảng kỹ thuật số và phương tiện truyền thông khác nhau, thiết kế hình ảnh hấp dẫn để thu hút sự chú ý của khách hàng đến sản phẩm hoặc dịch vụ và tìm chiến lược giá phù hợp.

Điều này liên quan đến việc sử dụng các kênh truyền thông xã hội để tiếp cận khách hàng và xây dựng mối quan hệ với họ. Nó bao gồm việc tạo ra hình ảnh bắt mắt, tham gia vào các cuộc trò chuyện và sử dụng những người có ảnh hưởng để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ. Ví dụ: Nike phụ thuộc rất nhiều vào Social Media Marketing để tiếp cận đối tượng mục tiêu của mình. Thương hiệu chạy hơn 300 hồ sơ truyền thông xã hội trên mọi nền tảng như Nike Football, Nike Basketball, Nike Run Club, Nike Skateboarding, Nike Swim, Nike Women, Nike Yoga,…. Hơn nữa, Nike tập trung vào việc tạo ra những cuộc trò chuyện tạo động lực với những người theo dõi thương hiệu thay vì bán sản phẩm, nhờ đó tạo ra sự kết nối cảm xúc với khách hàng.

Vì vậy, giảng viên cần vạch ra các chiến lược nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng anh chuyên ngành Marketing trong thời đại phát triển 4.0 mạnh mẽ như sau:

Thứ nhất, tích hợp công nghệ số vào giảng dạy thông qua ứng dụng học trực tuyến như Coursera, Udemy, và Khan Academy cung cấp các khóa học về marketing thời trang bằng tiếng Anh, sử dụng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để mô phỏng các tình huống thực tế trong ngành thời trang, từ việc phát triển sản phẩm đến triển khai các chiến dịch quảng cáo và tận dụng AI trong giáo dục để cá nhân hóa quá trình học tập.

Thứ 2, vận dụng phương pháp học tập chủ động như học qua dự án (Project-based learning): Thay vì chỉ học lý thuyết, sinh viên có thể được giao các dự án thực tế liên quan đến marketing thời trang, hoặc học qua trải nghiệm các chuyến tham quan thực tế đến các công ty thời trang, tham dự các sự kiện thời trang quốc tế, hoặc tham gia vào các chương trình thực tập sẽ giúp sinh viên áp dụng tiếng Anh trong môi trường làm việc thực tế.

Thứ 3, nâng cao kỹ năng ngôn ngữ thông qua nghiên cứu tài liệu tiếng Anh chuyên ngành nhằm giúp sinh viên làm quen với các thuật ngữ và kiến thức chuyên sâu về các xu hướng marketing thời trang hiện đại.

Thứ 4, học từ các case study nổi tiếng trong ngành thời trang là cách hiệu quả để sinh viên tiếp cận với các chiến lược marketing thành công. Ví dụ, phân tích các chiến dịch quảng cáo của các thương hiệu lớn như Louis Vuitton, Gucci hay Chanel giúp sinh viên hiểu rõ hơn về cách xây dựng thương hiệu và quản lý hình ảnh quốc tế bằng tiếng Anh.

Để thực hiện được chiến lược trên đòi hỏi cả thầy và trò phải nỗ lực không ngừng, mà điều đầu tiên là phải có vốn từ vựng tiếng Anh chuyên ngành tốt cũng như kiến thức phong phú về marketing và thời trang. Đó là những vấn đề được đặt ra và cần tìm ra các giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng anh chuyên ngành Marketing tại trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội trong giai đoạn 4.0 hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Philip Kotler, Hermawan Kartajaya, Iwan Setiawan, 2016, Marketing 4.0: Moving from Traditional to Digital.

2. Tony Hines & Margaret Bruce, 2007, Fashion Marketing.

3. Oford business english, English for customer care.

Người viết ThS Hà Kiều Trang, Khoa Tin học Ngoại ngữ, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại Học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Online: 217 Tổng truy cập: 33.347.057