Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA TIN HỌC - NGOẠI NGỮ

TỪ VỰNG TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH MARKETING TẦM QUAN TRỌNG VÀ KỸ THUẬT DẠY - HỌC TRONG ĐÀO TẠO NGHỀ

Ngày đăng: 02:27 - 19/05/2023 Lượt xem: 390
                                                                            Hà Kiều Trang
                                                                            Giảng viên tiếng Anh, Khoa Tin học - Ngoại Ngữ
 Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
Trong những năm trở lại đây, Marketing luôn nằm trong top những ngành nghề hot nhất được các bạn trẻ yêu thích và chọn lựa. Một trong những điều lý thú và cũng là khó khăn lớn nhất trong lĩnh vực này chính là marketing luôn không ngừng chuyển động và thay đổi theo trào lưu toàn thế giới. Đây là ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo, chăm chỉ, năng động và không ngừng học hỏi.
Vì thế, việc học từ vựng tiếng Anh chuyên ngành Marketing là một phần thiết yếu và vô cùng quan trọng cho đối tượng người làm việc trong ngành tiếp thị và quảng cáo nói chung cũng như sinh viên ngành Marketing nói riêng.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn làm sáng tỏ tầm quan trọng, các kỹ thuật dạy – học từ vựng, các nguyên tắc vàng trong việc dạy và học từ vựng tiếng Anh chuyên ngành Marketing trong trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
               Từ khóa:Từ vựng chuyên ngành marketing, học ngôn ngữ, giảng dạy tiếng Anh.
I. Đặt vấn đề
Để hoạt động giao tiếp được thành công, người học ngoại ngữ phải vận dụng 4 kỹ năng cơ bản như “Nghe, Nói, Đọc, Viết”. Trong đó, từ vựng đóng một vai trò vô cùng quan trọng, nó được ví như “những viên gạch” để người thợ xây nên những bức tường trong một ngôi nhà. Vì thế, người học phải kiên trì tích lũy từ vựng mình tiếp thu được để tạo nên nhiều cuộc hội thoại để hoạt động giao tiếp trở nên có hiệu quả và đạt được mục đích mong muốn. Ví dụ như nếu bạn muốn đàm phán về một hợp đồng quảng cáo với đối tác nước ngoài mà bạn không nắm vững từ vựng chuyên ngành Marketing, đối tác sẽ không hiểu ý bạn muốn truyền đạt thì việc đàm phán sẽ trở nên khó khăn, thậm chí sẽ thất bại.

Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng D. A. Wilkins đã từng nói rằng:““Without grammar, very little can be conveyed; without vocabulary, nothing can be conveyed.” (Không có ngữ pháp, rất ít thông tin có thể được truyền đạt; Không có từ vựng, không một thông tin nào có thể được truyền đạt).( David Wilkins, Linguistics in Language Teaching, 1972)

Phát biểu trên của David Wilkins đã tóm tắt được phần nào vai trò của từ vựng trong quá trình học ngôn ngữ. Đồng nghĩa với việc, bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới cũng lấy từ vựng làm yếu tố căn bản đầu tiên mà người học cần tiếp cận khi bắt đầu con đường chinh phục ngôn ngữ ấy và  tiếng Anh cũng không phải ngoại lệ.

Thật vậy, từ vựng được coi là sự bắt đầu của tất cả việc học ngoại ngữ và quyết định sự thành công của người học. 

Vì thế, việc học từ vựng tiếng Anh trong chuyên ngành đào tạo nghề, đặc biệt trong ngành marketing, là một yếu tố rất quan trọng để giúp người học nắm vững kiến thức và kỹ năng chuyên môn, giao tiếp và tham gia vào các hoạt động kinh doanh và tiếp thị trên thị trường quốc tế.

Trong ngành marketing, việc sử dụng từ vựng tiếng Anh đúng và chính xác là rất quan trọng để xây dựng uy tín và thương hiệu. Người học cần phải hiểu rõ các thuật ngữ, cụm từ và ngôn ngữ chuyên môn trong lĩnh vực này để có thể tiếp cận tốt các nguồn tài liệu mới nhất từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành, đọc hiểu tài liệu, nghiên cứu và thông tin, từ đó luôn cập nhật kiến thức và kỹ năng, đáp ứng được các yêu cầu và thách thức của thị trường thay đổi liên tục, phát triển và triển khai các chiến lược tiếp thị hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc học từ vựng tiếng Anh còn giúp người học nâng cao kỹ năng giao tiếp chuyên môn, có thể thuyết phục và thương lượng với đối tác, khách hàng và các nhà đầu tư quốc tế. Điều này giúp xây dựng mối quan hệ tốt và đem lại lợi ích lớn cho các bên trong quá trình kinh doanh và phát triển thị trường.

Tóm lại, việc học từ vựng tiếng Anh trong chuyên ngành đào tạo nghề, đặc biệt trong ngành marketing, có tầm quan trọng rất lớn để giúp người học phát triển kỹ năng chuyên môn, giao tiếp và tham gia vào các hoạt động kinh doanh và tiếp thị trên thị trường quốc tế.
II. Khái niệm về từ vựng
1. Khái niệm
“Từ vựng, ngữ vựng, kho từ vựng hay vốn từ của một người là tập hợp các từ trong một ngôn ngữ mà người đó quen thuộc (biết tới). Vốn từ vựng thường xuyên tăng lên theo tuổi tác, và là công cụ cơ bản và hữu dụng trong giao tiếp thu nhận kiến thức. Người ta phân biệt hai loại kho từ vựng là chủ độngbị động. Kho từ vựng chủ động bao gồm các từ được sử dụng trong văn nói và văn viết. Kho từ vựng bị động bao gồm các từ mà một người có thể nhận ra lúc đọc hoặc lúc nghe, nhưng không sử dụng chúng trong văn nói hoặc viết. Kho từ vựng bị động nhiều hơn kho từ vựng chủ động một vài lần.” (Theo Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở).
Còn theo nhà ngôn ngữ học David Wilkins, "Từ vựng là những cụm từ hay các mẫu từ có thể được sử dụng để biểu thị ý nghĩa".
2. Phân loại từ vựng.
Trong tiếng Anh, từ vựng sẽ được chia thành 5 loại chính gồm: danh từ, tính từ, động từ, trạng từ, giới từ. Mỗi từ loại sẽ chỉ ra cách thức hoạt động của từ về mặt ý nghĩa cũng như ngữ pháp trong câu. Một từ vựng cũng có thể đóng vai trò là nhiều từ loại khác nhau.  Hiểu về từ loại sẽ giúp bạn nắm được chính xác nghĩa của một từ theo từ điển, phân tích và hiểu rõ nghĩa của câu cũng như xây dựng được một câu hoàn chỉnh, từ đó sẽ thành lập được hội thoại như mong muốn.

III. Tầm quan trọng của việc dạy và học từ vựng tiếng Anh nói chung  và ứng dụng trong chuyên ngành Marketing.

1. Tại sao phải học từ vựng tiếng Anh?
Trong bộ ba kiến thức nền của tiếng Anh là: Từ vựng – Ngữ Pháp – Phát âm, thì từ vựng vẫn chiếm vị trí độc tôn và quan trọng nhất so với hai yếu tố ngữ pháp và phát âm. Chúng ta có thể hiểu như sau:
1. Học ngữ pháp là học các quy luật liên kết các từ vựng riêng lẻ thành những cụm từ có nghĩa.
2. Học phát âm là học cách biến từ vựng ở dạng ký tự thành âm thanh để truyền tải thông tin một cách chính xác.

Như vậy, cả hai quá trình học ngữ pháp và phát âm đều sử dụng nguyên liệu là từ vựng. Qua đó, ta có thể khẳng định đây là yếu tố mang tính đơn vị nguyên tử trong tiếng Anh và là nguyên liệu đầu vào cho tất cả những quá trình khác – từ xây dựng kiến thức nền (ngữ pháp, phát âm) cho đến hình thành bốn kỹ năng (nghe – nói – đọc – viết).
Theo nghiên cứu, để làm chủ được một từ vựng, bạn cần phải nắm được tối thiểu 5 liên kết sau:
 
 
- Cách viết – Spelling
- Từ loại – Part of Speech
- Nghĩa của từ – Meaning
- Phát âm – Pronunciation
- Cách dùng – Usage
Lấy phương pháp trực tiếp (Direct - tức nghe và bắt chước nhằm hình thành cách sử dụng một cách tự nhiên) làm căn bản, chúng ta sẽ tiếp cận từ vựng ở các góc độ khác nhau cùng các yếu tố VAK (Hình ảnh – âm thanh – tương tác) giúp bạn có ấn tượng và dễ dàng ghi nhớ nội dung bài học. Để khắc phục các nhược điểm thường gặp của quá trình học từ vựng truyền thống (Phương pháp dịch (Grammar translation), tức bạn được học và yêu cầu ghi nhớ từ vựng chỉ qua các yếu tố cách viết – từ loại – nghĩa tiếng Việt), phần học từ vựng được phát triển dựa theo phương pháp game hóa (Gamification) lấy người học làm trọng tâm (Learner-centered) giúp bạn quên đi cảm giác học căng thẳng và ghi nhớ từ vựng một cách hiệu quả nhất.

2.  Tầm quan trọng của từ vựng tiếng Anh chuyên ngành Marketing.

Từ vựng tiếng Anh chuyên ngành marketing luôn là chủ đề được quan tâm trong nhiều năm qua. Trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, đều cần có marketing. Marketing giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh tăng độ nhận biết thương hiệu của công ty. Nếu như nắm chắc từ vựng chuyên ngành sẽ giúp sinh viên tự tin và chủ động hơn trong giao tiếp khi làm trong lĩnh vực marketing.

Như chúng ta đã biết, hiện nay Marketing là chuyên ngành đang thu hút nguồn nhân lực và rất được quan tâm. Bất kỳ một công ty nào cũng cần thực hiện hoạt động marketing để thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh và tăng độ nhận biết thương hiệu.
Thứ nhất, Marketing giúp tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm trong tâm trí khách hàng. Vì vậy, xây dựng chiến lược marketing càng tốt thì hình ảnh doanh nghiệp sẽ càng có sức ảnh hưởng đến tâm trí khách hàng và sẽ tạo ra lợi thế khi ra mắt sản phẩm mới.
Thứ hai, Marketing tạo nên sự khác biệt trong quá trình phát triển sản phẩm. Trong quá trình phát triển sản phẩm khác nhau, với mỗi chủng loại sản phẩm khác nhau thì doanh nghiệp sẽ có những chiến lược định vị khác nhau. Điều này sẽ giúp cho quá trình phát triển sản phẩm và định vị rõ nét hơn về từng nhóm sản phẩm trong tâm trí khách hàng, cùng với đó cá tính của thương hiệu sẽ ngày càng rõ nét hơn.
Thứ ba, Marketing mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp. Marketing giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách sâu rộng hơn ngay cả khi là chủng loại sản phẩm mới, khả năng bao phủ thị trường sẽ dễ dàng hơn bởi chất lượng sản phẩm và dịch vụ đi kèm tốt. Từ đó, marketing góp phần thu hút đầu tư.
Vì vậy, việc học từ vựng tiếng Anh chuyên ngành Marketing sẽ giúp sinh viên tìm kiếm thêm  được nhiều cơ hội mới, học hỏi thêm được nhiều điều mới, giúp các em tự tin hơn trong hoạt động xã giao với đối tác nước ngoài, tạo cơ hội thăng tiến trong công việc.

Trước hết, ta cần tìm hiểu về các từ vựng tiếng Anh cơ bản đã được phân chia theo chủ đề để có cái nhìn khái quát về lĩnh vực Marketing.

1. Từ vựng tiếng Anh chuyên ngành Marketing cơ bản

Đầu tiên, sinh viên cần nắm vững các từ vựng tiếng Anh chuyên ngành marketing cơ bản được phân chia theo các lĩnh vực chính đang được quan tâm hiện nay. Việc nắm vững sẽ giúp sinh viên nghiên cứu về marketing một cách hiệu quả hơn.

2. Từ vựng tiếng Anh chuyên ngành Marketing về chiến dịch truyền thông

Môt trong những lĩnh vực được quan trọng nhất của marketing là truyền thông. Việc truyền thông marketing giúp bạn tiếp cận được thêm nhiều tập khách hàng mới, nhiều thị trường mới, giúp quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp đến với công chúng mục tiêu.

3. Từ vựng tiếng Anh chuyên ngành Marketing về các vị trí

Bên cạnh đó, bạn cũng cần nắm vững các từ vựng tiếng Anh chuyên ngành Marketing về các vị trí trong công ty, để bạn không còn bỡ ngỡ trong quá trình phỏng vấn cũng như tìm được các bộ phận, phòng ban làm việc phù hợp.

4. Từ vựng tiếng Anh chuyên ngành Marketing về thương hiệu

Thương hiệu là yếu tố quan trọng của mỗi doanh nghiệp. Nếu thương hiệu của công ty càng mạnh thì sẽ càng thu hút được vốn đầu tư, thương hiệu giúp tạo dựng hình ảnh trong tâm trí khách hàng, thúc đẩy khách hàng mua hàng. Vì vậy, việc nắm được các từ vựng về thương hiệu sẽ giúp bạn nghiên cứu hành vi cũng như tâm lý khách hàng một cách tốt nhất.

5. Một số từ vựng tiếng Anh chuyên ngành Marketing khác

Ngoài các từ vựng được tổng hợp ở trên, còn một số từ vựng cũng được sử dụng một cách thường xuyên và liên tục trong lĩnh vực marketing mà bạn cần biết.

6. Mẫu câu sử dụng từ vựng tiếng Anh chuyên ngành Marketing

Từ các từ vựng được tổng hợp, bạn có thể ghép thành các mẫu câu giao tiếp cơ bản để tăng khả năng nói của mình.

7. Hội thoại sử dụng từ vựng tiếng Anh chuyên ngành Marketing

Từ các mẫu câu giao tiếp cơ bản, bạn có thể tổng hợp thành các đoạn hội thoại để bạn có thể luyện tập giao tiếp với mọi người xung quanh.

IV. Các kỹ thuật giảng dạy từ vựng phổ biến.
Dạy từ vựng là một trong những bước quan trọng trong dạy bất cứ một ngoại ngữ nào. Một bài dạy dù là dạy các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều bao gồm phần dạy từ mới. Khi dạy các kỹ năng thì trong bước khởi đầu luôn có phần dạy từ mới. Vấn đề làm cách nào để sinh viên nhớ từ, nắm vững nghĩa và dùng từ chính xác mới là điều quan trọng.

Theo phương pháp truyền thống, người dạy thường ghi từ đó ra và viết nghĩa tiếng Việt của nó bên cạnh. Sau đó yêu cầu sinh viên chép lại và học thuộc. Ngày nay phương pháp đó đã trở nên lỗi thời. Thay vào đó là phương pháp giao tiếp được áp dụng rộng rãi và mang đến thay đổi rõ rệt. Thực vậy, hiện nay giảng viên thường áp dụng những kỹ thuật khác nhau để dạy từ vựng. Tất nhiên phương pháp dịch vẫn còn được áp dụng, nhưng nó chỉ là giải pháp cuối cùng. Vậy ngày nay, giảng viên đã dùng những biện pháp nào để dạy tiếng Anh cách hiệu quả nhất, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành?  Có 7 kỹ thuật phổ biến sau:
1. Sử dụng tranh ảnh: Phương pháp dễ dàng và phổ biến nhất đó là dùng tranh ảnh. Giảng viên có thể vẽ phác họa hoặc  trưng bàynhững bức tranh liên quan đến từ cần dạy. Tiếp theo, đặt các câu hỏi gợi mở để dạy từ.

Ví dụ để dạy từ “billboard” giáo viên treo bức tranh có hình ảnh biển cột trụ quảng cáo ngoài trời lên bảng và hỏi “What’s this?”. 
 
 
 
2. Sử dụng đồ vật, cơ thể: Giáo viên có thể sử dụng các đồ vật để miêu tả hành động, cử chỉ, điệu bộ. Bản thân giảng viên và học sinh luôn là nguồn trực quan sinh động. Vì vậy nếu khéo léo vận dụng sẽ đem lại hiệu quả tích cực gây hứng thú cho người học. Từ đó, giúp họ nhớ từ nhanh và lâu hơn. Ví dụ như dạy về bill, invoice hoặc receipt, giảng viên có thể mang trực tiếp các loại hóa đơn này đến lớp để giúp sinh viên phân biệt sự khác nhau giữa chúng.  
 
 
 
 
Ví dụ:
Chúng ta thường gặp “bill” với nghĩa là các hóa đơn thanh toán dịch vụ, sản phẩm như telephone bill, gas bill, heating bill (hoá đơn thanh toán tiền điện, khí đốt và lò sưởi).

Ví dụ “You haven’t paid the phone bill, have you?” (Anh chưa trả tiền điện thoại phải không?)
“Bill” vừa là danh từ vừa là động từ, tương tự với “invoice”. Trong khi đó “receipt” chỉ là danh từ.
Invoice: Từ này có nghĩa là danh sách liệt kê giá từng món hàng hóa được bán hay dịch vụ được thực hiện.  Một số cụm từ hay dùng như “invoice the order” (làm hóa đơn các món hàng để yêu cầu thanh toán), “invoice somebody for an order” (gửi hóa đơn cho ai để thanh toán những món hàng đã đặt).
Khác với “bill”, “invoice” ngoài liệt kê từng món hàng hay dịch vụ, giá thành phần, hóa đơn còn thêm chi tiết như số cơ quan thuế cấp cho công ty hay còn gọi là Mã số thuế (tax number), hay số tài khoản công ty dành cho bên mua để tính tiền (customer account number). Trên “bill” thường không có chi tiết này.

Receipt:

“Receipt” là giấy biên lai, biên nhận làm bằng chứng đã nhận tiền hay một món đồ gì khác.
Ví dụ: “Get a receipt for your expenses (Hãy lấy biên lai những khoản chi tiêu). Trong trường hợp này, “receipt” cũng cùng nghĩa như “bill”.

3. Video: Với từ vựng liên quan đến quá trình thực hiện chiến dịch marketing sản phẩm nhãn hàng cụ thể nào đó thì video có hiệu quả rất tốt và thực tế. Giảng viên có thể sử dụng các video quảng cáo có phụ đề tiếng Anh trên youtube để giúp sinh viên hiểu rõ hơn các bước tiếp  thị mà nhãn hàng đã áp dụng. Ví dụ: Giảng viên mở một video của nhãn hàng Starbucks về “Chiến lược marketing của Starbucks: Cách gã khổng lồ cà phê “chinh phục” khách hàng”. Sau đó yêu cầu sinh viên ghi chép lại các bước trong chiến lược marketing của họ.

4. Cử chỉ, điệu bộ: Giảng viên có thể đóng vai cùng sinh viên, dùng cử chỉ, điệu bộ, nét mặt của mình để dạy từ vựng/cấu trúc liên quan đến việc giao tiếp xã giao ở tình huống hội chợ thương mại hoặc tình huống đàm thoại chuẩn bị ra mắt sản phẩm mới. Ví dụ:

 
Tiếng Anh Tiếng Việt
A: Hello, ….? Our company is researching to launch new products? A: Xin chào, ….? Công ty chúng tôi đang nghiên cứu để ra mắt sản phẩm mới?
B: Our team had to drive demand for the product by co-opting tactics. So I think I need to do some market research. B: Nhóm của chúng tôi phải thúc đẩy nhu cầu về sản phẩm bằng cách đồng chọn các chiến thuật. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tôi cần phải thực hiện một số nghiên cứu về thị trường.
B: To launch new products, you can come up with a concept through researching a target audience instead of just researching a few customers. B: Để ra mắt các sản phẩm mới, bạn có thể đưa ra khái niệm thông qua nghiên cứu một tập khách hàng mục tiêu thay vì chỉ nghiên cứu một vài khách hàng.
A: That’s right. Along with the packaging strategy, you can research the price adjustment of the product. A: Đúng vậy. Cùng với chiến lược đóng gói, bạn có thể nghiên cứu điều chỉnh giá cả của sản phẩm.
B: Yes, I’m sure. B: Đúng vậy, tôi chắc chắn.
 
           
5.Ví dụ, ngữ cảnh: Giảng viên đưa ra tình huống nhân viên marketing thu thập dữ liệu của khách hàng có chứa từ vựng cần dạy.Tiếp đó, yêu cầu sinh viên dựa vào ngữ cảnh để tìm ra nghĩa và cách sử dụng của từ/ cấu trúc thông qua các phương pháp thu thập dữ liệu của khách hàng.
 
 
 
6. Giải thích, tìm từ đồng nghĩa/ trái nghĩa: Giáo viên đưa ra một tình huống có chứa từ mà sinh viên đã học để giải thích từ mới. Ví dụ khi dạy từ “client”, giảng viên có thể yêu cầu sinh viên “Tell me another word for customer

7. Dịch nghĩa sang tiếng Việt: Và như đã nói đây là giải pháp cuối cùng khi mà những biện pháp kia không đạt hiệu quả. Khi dạy các từ liên quan đến thuật ngữ chuyên ngành thì dịch sang tiếng mẹ đẻ là một biện pháp quan trọng. Bởi các nếu sử dụng phương pháp khác để giải thích từ vựng có thể mất nhiều thời gian mà lại không hiệu quả. Ví dụ, khi dạy các từ như Niche market (Thị trường ngách), Break-even point (Điểm hòa vốn), hay Franchising (Chuyển nhượng đặc quyền thương hiệu)  ... thì dịch là biện pháp cần thiết.

V.  Các nguyên nguyên tắc về dạy từ vựng.

1. Learn vocabulary in meaningful contexts – Dạy từ vựng hiệu quả với câu/cụm/văn cảnh có ý nghĩa.

Theo nghiên cứu của Nation, 2001: “When words are met in reading and listening or used in speaking and writing. The generative of the context will influence learning if the words occur in new sentence contexts in the reading text. Learning will be helped”
Hay nói dễ hiểu hơn, từ vựng được hấp thụ hiệu quả nhất khi nằm trong câu chuyện cụ thể, có ý nghĩa.
Do đó, khi dạy từ vựng, chúng ta phải kết hợp từ vào CỤM TỪ chứ KHÔNG dạy từ
vựng riêng lẻ.

Ví dụ: thay vì dạy “brand” (thương hiệu) -> dạy theo cụm: brand developing (phát triển thương hiệu), brand touch points (điểm tiếp xúc thương hiệu), brand awareness (nhận thức thương hiệu),
Việc dạy theo cụm sẽ giúp sinh viên nhớ được ý nghĩa và cách dùng từ, và nói được tròn câu chữ, chứ không bị bối rối và không thể nói thành câu ra sao dù biết rất nhiều từ.

2. Combine all input routes – Kết hợp tất cả các đầu vào

Từ trước đến nay, trường học dạy cho chúng ta cách học đó là nhìn và ghi chép một cách thụ động, và chúng ta mặc định đó là cách học từ vựng duy nhất.
Nhưng trên thực tế, khoa học đã chứng minh ngôn ngữ được hấp thụ hiệu quả nhất khi chúng ta kết hợp tất cả các đầu vào: NGHE-NHÌN-VẬN ĐỘNG
Tiếp xúc với ngôn ngữ bằng cả âm thanh, hình ảnh, lẫn cơ thể vừa có tác dụng giúp người học trở nên hứng khởi, vui vẻ, tích cực hơn, đồng thời kích thích não bộ toàn diện, giúp liên kết neuron thần kinh trở nên mạnh hơn, nhờ đó kiến thức được lưu vào bộ nhớ hiệu quả.
Khi áp dụng vào lớp học, chúng ta sẽ dạy từ vựng vừa có hình ảnh minh họa bằng slide powerpoint hoặc flashcards, vừa cho học trò nghe người bản ngữ phát âm và nói to theo, vừa kết hợp với ngôn ngữ hình thể để minh họa và có activity đa dạng để học trò được tương tác nhiều nhất với các từ được học.
Làm được vậy sẽ giúp học trò nhớ từ rất lâu, và phản xạ với từ vựng nhanh, giao tiếp hiệu quả.

3. Repetition, repetition, repetition: “Repetition is the mother of all skills” – Lặp đi lặp lại lặp đi lặp lại lặp đi lặp lại…

Sự lặp đi lặp lại là “cha mẹ” của tất cả mọi kỹ năng. Và việc dạy học từ vựng cũng không là ngoại lệ. Phải có ôn luyện bền bỉ thì mới nhớ lâu.
Hàng chục năm qua, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu công nhận tầm quan trọng của việc lặp đi lặp lại khi học ngôn ngữ, như thuyết Second Language Acquisition của Stephen Krashen, nghiên cứu về nguyên tắc ghi nhớ của Schmitt & Carter, 2000, Baddeley, 1997,…
Cách tốt nhất và hiệu quả nhất để ghi nhớ các cụm từ mới đó là học trò phải được lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi ngày, liên tiếp trong ít nhất 7 ngày, kết hợp nghe, nhìn và luyện nói.
Trong suốt quá trình học, các cụm từ vựng phải luôn được giáo viên cho lặp lại. Ôn luyện liên tục từ đầu đến cuối. Học đến bài 10 vẫn ôn lại từ vựng của bài 1. Giảng viên đã áp dụng nguyên tắc repetition này cho các lớp học của mình, và kết quả là sau khi kết thúc khóa học, sinh viên vẫn nhớ gần 70 - 80% các từ đã học từ những ngày đầu tiên đến lớp, và kết qủa thể hiện rõ ở các bài kiểm tra điểm khá cao.
Tóm lại, để dạy từ vựng hiệu quả, chúng ta cần ghi nhớ 3 phương pháp giảng dạy bất di bất dịch:
– Dạy theo câu/ cụm có nghĩa.
– Kết hợp toàn diện nghe-nhìn-vận động.
– Lặp lại thật nhiều.

VI. Kết luận
Bài viết này nhằm làm sáng tỏ tầm quan trọng của việc học từ vựng, đặc biệt là từ vựng tiếng Anh chuyên ngành Marketing trong đào tạo nghề như một phần thiết yếu trong việc học ngoại ngữ tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.
Dù là giảng viên, sinh viên hay người đang làm vị trí Marketing thì bạn đều cần phải liên tục cập nhật các thông tin và sự kiện đang xảy ra trên thế giới, cũng như các cách thức Marketing đạt hiệu quả trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Do vậy, nhu cầu học tiếng Anh chuyên ngành Marketing là rất cao. Điều này đòi hỏi giảng viên cũng như sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội nhận thức được tầm quan trọng của môn học để từ đó tìm ra phương pháp  dạy và học từ vựng tiếng Anh chuyên ngành marketing một cách có hiệu quả. Qua đó, sinh viên có thể nâng cao khả năng tự nghiên cứu tài liệu chuyên môn để đào sâu kiến thức, cập nhật các thông tin mới và tích lũy từ vựng thường xuyên để hỗ trợ việc học tập một cách có hiệu quả, đồng thời chuẩn bị tâm thế vững vàng cho công việc trong tương lai.
 
VII. Tài liệu tham khảo
1. Sylee Gore (2008), English for Marketing and Advertising, Oxford.
2. Second Language Acquisition của Stephen Krashen, Journal reading 1994.
3.3. David Cotton, David Falvey, Simon Kent (2011), Market Leader- Intermediate Business, Longman.
4. Link tham khảo:
https://heenglish.com/tu-vung-tieng-anh-chuyen-nganh-marketing.html
https://aplus-english.edu.vn/cac-ky-thuat-pho-bien-de-day-tu-vung-trong-tieng-anh/
https://tse-tesol.edu.vn/phuong-phap-giang-day/3-nguyen-tac-vang-day-tu-vung-hieu-qua-va-huu-ich/
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại Học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Online: 195 Tổng truy cập: 31.822.348