Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA TIN HỌC - NGOẠI NGỮ

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG ĐỘNG LỰC HỌC TIẾNG ANH CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI

Ngày đăng: 10:34 - 12/03/2024 Lượt xem: 77

 

                                                                                                Phùng Thị Như Trang

                                                                        Giảng viên tiếng Anh, Khoa Tin học-Ngoại ngữ
                                                                        Trường Đại học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội

  1. Đặt vấn đề

Động lực học theo thuyết tâm lý học là một yếu tố thúc đẩy hành vi của con người. Trong học tập nói chung và học tập ngoại ngữ nói riêng, động lực học đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hành vi học tập, rèn luyện để đạt được kết quả như mong muốn. Sự thành công của việc học ngoại ngữ nhờ có động lực học cũng đã được rất nhiều giáo viên và các nhà nghiên cứu nhận thức rõ ràng. Đặc biệt là, đối với sinh viện đang học tập ở các bậc đại học như tại trường đại học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội, động lực học tiếng Anh là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đôi với sinh viên vì giáo viên và sinh viên đã nhận thức rất rõ rằng tiếng Anh là yêu cầu cần thiết để sau khi ra trường, sinh viên có thể ứng tuyển vào các công ty và để có thể đạt được những vị trí mong muốn đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng và có nhiều cơ hội việc làm cũng như có được thu nhập tốt. Do đó, trong việc tiếp thụ ngôn ngữ, nhất là ngoại ngữ tiếng Anh, động lực học đóng vai trò quan trọng đóng góp vào sự thành công của việc tiếp thụ ngôn ngữ.

  1. Khái niệm về động lực học tập

  1. Khái niệm về động lực học tập

Động lực được định nghĩa là “ những lựa chọn mà mọi người đưa ra về những trải nghiệm hoặc mục tiêu mà họ sẽ tiếp cận hoặc tránh và mức độ nỗ lực mà họ sẽ thực hiện” Keller (1993). Động lực học tập theo Harmer J. (2001) còn được định nghĩa là “một số loại động lực bên trong thúc đẩy ai đó làm mọi thứ để đạt được điều gì đó”. Trong nghiên cứu của Brown H. D. (1994), “động lực là một thuật ngữ được sử dụng để xác định sự thành công hay thất bại của bất kỳ nhiệm vụ phức tạp nào”. Dörnyei Z. (2001), nhắc đến khái niêm động lực học là “chịu trách nhiệm cho việc tại sao mọi người quyết định làm điều gì đó, họ sẵn sàng duy trì hoạt động trong bao lâu và họ sẽ theo đuổi nó như thế nào”. Động lực học tập trong bài viết của Dubrin A. (2008) là “ khao khát, mong muốn, hào hứng, cảm thấy có trách nhiệm và đầy nhiệt huyết trong quá trình học là sự nỗ lực cố gắng để hoàn thành có kết quả một công việc nào đó”.

  1. Phân loại động lực học tập

Có rất nhiều cách phân loại động lực học tập. Theo Gardner và Lambert , (1972), đã đưa ra 2 khái niệm: động lực thâm nhập (integrative motivation) và động lực thực dụng (instrumental motivation). “Động lực thực dụng là mong muốn học ngôn của người học dựa trên các mục đích mang tính thực dụng như đi làm, du lịch hoặc thi cử”. “Động lực học thâm nhập là người học muốn học một ngôn ngữ dựa trên mong muốn được hoà nhập và gắn kết với cộng động sử dụng ngôn ngữ đó”.

Theo Phan Trọng Ngọ (2005), động lực bao gồm hai loại: “động lực bên trong và động lực bên ngoài. Động lực bên trong là những nhân tố bên trong của người học thúc đẩy họ hoàn thành nhiệm vụ và nó bắt nguồn từ sự thỏa mãn, yêu thích công việc mà họ đang làm, từ sự hưng phấn, thích thú khi học tập”. Theo Arnorld (2000), Động lực cũng có thể được chia thành động cơ “bên trong” và bên ngoài trong lý thuyết học tập nói chung. Động lực bên trong (intrinsic motivation) là những thuộc tính bên trong người học được thể hiện trong môi trường học tập như: thái độ, giá trị, nhu cầu và yếu tố nhân cách. Động lực bên ngoài (extrinsic motivation) liên quan đến việc thực hiện một hành vi như một phương tiện để đạt được mục đích, nghĩa là nó bắt nguồn từ bên ngoài cá nhân và liên quan đến các yếu tố môi trường bên ngoài giúp hình thành hành vi của người học.

Trong nghiên cứu của Carreira J. M. (2005) đã chỉ ra rằng một người có động lực bên trong không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài ví dụ như: phần thưởng hoặc hình phạt. Ngoài ra, những người có động lực bên trong thực hiện công việc là do họ cảm thấy vui khi hoàn thành nhiệm vụ. Động lực bên ngoài là những yếu tố bên ngoài tác động đến hành động của người học. Những yếu tố đó thường là phần thưởng hoặc hình phạt. Không giống như người có động lực bên trong, một người có động lực bên ngoài có thể thực hiện nhiệm vụ chỉ với một mục đích là nhận được phần thưởng hoặc tránh bị phạt.

Nhìn chung các nghiên cứu đều hướng đến hai loại động lực chính trong việc học tiếng Anh đó là động lực bên trong và động lực bên ngoài và hai loại động lực này tác động qua lại và gắn bó chặt chẽ với nhau.

  1. Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực tiếng Anh của sinh viên trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội

Động lực học không tự có mà chúng hình thành dần trong quá trình sinh viên tham gia lĩnh hội kiến thức. Với đặc thù ngành nghề đạo tạo của sinh viên trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội, các yếu tố chính ảnh hưởng đến động lực học tập của sinh viên gồm: môi trường học và thực hành tiếng Anh, chương trình đào tạo, định hướng mục tiêu học tập của sinh viên.

  1. Môi trường học và thực hành tiếng Anh

Động lực học quan trọng nhất đối với sinh viên đó là có thể giao tiếp trong thực tế học tập và cho công việc sau khi ra trường. Có một thực trạng của sinh viên nói chung và sinh viên trường may nói riêng hiện nay đó là sinh viên rất ngại nói tiếng Anh. Mặc dù các em đã được tiếp cận với tiếng Anh từ khi còn học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, nhưng khi có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh, sinh viên thường tỏ ra rất ngại ngùng, thiếu tự tin. vì vậy việc tạo ra môi trường để tạo động lực học tiếng Anh cho sinh viên là rất cần thiết.

Vậy, môi trường học và thực hành tiếng Anh cho sinh viên bao gồm môi trường vật chất và môi trường tinh thần. Môi trường vật chất gồm cơ sở vật chất như bàn, ghế, TV, máy chiếu,….là công cụ để hỗ trợ cho việc học và thực hành tiếng anh. Môi trường tinh thần là mối quan hệ giữa giảng viên với sinh viên, sinh viên với sinh viên.

Theo T.T.Luu (2012), ông cho rằng động lực học của sinh viên bị ảnh hưởng rất lớn bởi giảng viên và phương pháp giảng dạy của giảng viên. Yếu tố giảng viên được coi là yếu tố then chốt trong việc tạo động lực học cho sinh viên. Sự dẫn dắt, đánh giá của giảng viên tạo động lực học rất lớn cho học viên”.

Ushida cho rằng giáo viên có thể ảnh hưởng đến động lực và thái độ của sinh viên thông qua việc tạo ra một môi trường học tập thoải mái cho sinh viên. Ushida chỉ ra rằng có một sự liên quan mật thiết giữa thái độ tích cực và động lực của người học trong sự thành công của việc học ngôn ngữ

Theo như Williams và Burden, một người giáo viên giỏi đóng vai trò trung tâm trong quá trình tạo động lực cho người học. Sự tương tác giữa giáo viên và người học bao gồm việc trao đổi trải nghiệm học tập, phản hồi, phần thưởng, sự khích lệ và hình phạt được cho là các yếu tố ảnh hưởng đến động lực của người học .

tải tới người học, là cách giáo viên dẫn dắt và hướng dẫn người học. Bất cứ khi nào người học cảm thấy chán với phương pháp của giáo viên, họ sẽ mất hoặc giảm động lực học tập.

3.2 Chương trình đào tạo

Williams, Kaylene C & Coroline (2011) cho rằng chương trình học cần cung cấp cho sinh viên những công cụ để họ có thể áp dụng vào cuộc sống của họ hiện tại và sau này. Sự hài lòng với chuyên ngành đào tạo, hài lòng với nội dung các môn học sẽ giúp sinh viên có thêm sự đam mê, mong muốn khám phá, tìm tòi và do vậy tất yếu sẽ dẫn tới kết quả học tập tốt.

Vậy chương trình đào tạo bao gồm các khóa học với nội dung và khối lượng kiến thức cụ thể được sắp xếp, phân bổ hợp lý giúp sinh viên tiếp thu, học tập tiếng Anh một cách hiệu quả. Nếu chương trình đào tạo tiếng Anh tốt thì chất lượng học tập của sinh viên sẽ được nâng cao.

  1. Định hướng mục tiêu học tập của sinh viên

Sinh viên vừa là đối tượng của hoạt động giảng dạy, vừa là chủ thể của hoạt động nhận thức. Nói cách khác, theo Đặng Hoạt Vũ & Hà Thị Đức (2013), trong quá trình học đại học, sinh viên vừa là khách thể của hoạt động dạy, vừa là chủ thể hoạt động tích cực, độc lập, sáng tạo nhằm chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng liên quan đến  nghề nghiệp trong tương lai của mình.

Bản thân sinh viên khi tham gia khóa học đều được định hướng bởi một mong muốn có một bằng cấp hay một phần thưởng. Sự cạnh tranh để đạt được vị trí trong lớp học cũng là một trong những đặc điểm tạo nên động lực học của sinh viên.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG ĐỘNG LỰC HỌC TIẾNG ANH CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI.

Động lực học là yếu tố quan trọng trong việc học ngoại ngữ, do đó cần tìm ra yếu tố ảnh hưởng đến việc tạo động lực học cho sinh viên nhằm đánh thức, duy trì và củng cố động lực học của họ. Dựa trên các yếu tố ảnh hưởng đến động lực học tập đã được đề cập ở phần trên, tôi đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy động lực của người học.

1. Yếu tố môi trường học và thực hành tiếng Anh

Như đã được nhắc đến ở trên, yếu tố môi trường học và thực hành bao gồm có môi trường vật chất và môi trường tinh thần.

Về môi trường vật chất, để thúc đẩy động lực của người học thì cần tạo ra một môi trường học tập có đầy đủ các điều kiện vật chất như hệ thống phòng học với các trang thiết bị hiện đại, hệ thống mạng đảm bảo cho việc dạy và học được diễn ra một cách an toàn, hiệu quả.

Về phía giảng viên với vai trò trung tâm trong quá trình giảng dạy,giáo viên đóng vai trọng trong việc hướng dẫn, giám sát quá trình học của sinh viên để biết những khó khăn trong quá trình học của sinh viên, từ đó đưa ra những phản hồi, giúp đỡ kịp thời. Đồng thời giảng viên cũng chính là nhân tố tạo cho người học sự thích thú với môn học. Giảng viên chính là người tạo động lực học bên trong cho người học.

Chính vì có vai trò quan trọng đối với việc tạo động lực học cho sinh viên nên giáo viên cần tổ chức lớp học, thiết kế các hoạt động một cách kỹ lưỡng để tạo sự vui vẻ, hứng thú cho sinh viên. Giảng viên cần nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung bài học trước khi lên lớp, thiết kế các hoạt động phù hợp với trình độ lớp học mình giảng dạy để tạo ra các buổi học hữu ích và không gây áp lực hay sự lo lắng, giúp cho người học thẩm thấu ngôn ngữ dễ dàng hơn. Việc này cũng sẽ giúp cho sinh viên lĩnh hội ngôn ngữ một cách tự nhiên và hiệu quả, tạo động lực và sự tự tin cho sinh viên tham gia vào các hoạt động nhóm, cặp, cá nhân. Như vậy, bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng về phương pháp và tạo ra môi trường học thân thiện, thoải mái, giáo viên đã thúc đẩy động lực bên ngoài, từ đó, sinh viên có hứng thú, niềm vui trong học tập.

Bên cạnh đó, giảng viên cần phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn trong lĩnh vực mà mình giảng dạy bằng việc tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn hoặc các buổi tập huấn trong ngành để nắm bắt những thay đổi trong lĩnh vực của mình. Bên cạnh đó, giảng viên cần tìm hiểu và có các công trình nghiên cứu để nâng cao kiến thức hiểu biết về phương pháp cũng như kiến thức mình giảng dạy, liên tục cập nhật nội dung tài liệu giảng dạy sao cho ngày càng sinh động và cuốn hút người học. Giảng viên luôn xát sao nắm bắt tình hình học tập của sinh viên để có phương pháp giảng dạy phù hợp với trình độ để không gây áp lưc học tập và tạo động lực cho sinh viên.

Ngoài ra việc tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh thường xuyên cũng là một trong những việc hiệu quả trong tạo môi trường học và thực hành tiếng Anh cho sinh viên. Hiện nay tại trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội đã thành lập câu lạc bộ tiếng Anh, tuy nhiên để cho câu lạc bộ hoạt động đều và hiệu quả hơn cần kêu gọi sự tham gia của các giảng viên kể cả không phải giảng viên tiếng Anh cùng tham gia và có thêm yếu tố nước ngoài sẽ tạo nhiều động lực tham gia học tập hơn nữa cho sinh viên.

2. Yếu tố về chương trình đào tạo

Nội dung chương trình đào tạo cần được thiết kế phù hợp với trình độ của sinh viên, liên tục cập nhật kiến thức trong nước và nước ngoài, đồng thời sử dụng giáo trình nước ngoài một cách linh hoạt, có chọn lọc kiểm duyệt của nhà trường và bộ môn. Sau mỗi khóa học, các giáo viên cần khảo sát lấy ý kiến từ người học về các nguồn học liệu để biết độ phù hợp của giáo trình về mặt nội dung, mục tiêu về ngôn ngữ, sự tương thích về trình độ của người học và độ khó của giáo trình; từ đó, có những điều chỉnh phù hợp mang tính cập nhật về nội dung và đáp ứng nhu cầu của người học.

Bên cạnh đó cân xây dựng một chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội. Nói cách khác cần xây dựng chương trình gắn định hướng nghề nghiệp mà xã hội đang yêu cầu. Điều này sẽ giúp cho người học có động lực học tập đúng đắn trong việc trang bị những kỹ năng và kiến thức trong quá trình học tập trước khi tốt nghiệp. Nhà trường cần đẩy mạnh việc tổ chức các buổi hội thảo nghề nghiệp chuyên đề, giao lưu giữa các doanh nghiệp để tạo động lực học cho sinh viên, giúp sinh viên nhận thức rõ. Điều này cũng làm tăng động lực học tập của sinh viên, bởi vì họ biết được vai trò của Tiếng Anh nói chung và Tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp đối với ngành nghề mà họ đang theo đuổi, biết được những kỹ năng và trình độ cần thiết để họ đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội cũng như có một sự chuẩn bị đầy đủ hành trang cho công việc trong tương lai.

3. Yếu tố định hướng mục tiêu học tập của sinh viên

Để tạo được động lực học tiếng Anh cho sinh viên, Giảng viên và Giáo viên phụ trách công tác chăm sóc SV cần phân tích giúp cho SV thấy được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh đối với cuộc sống cũng như công việc trong tương lai giúp sinh viên có ý thức và động lực hơn trong việc học tập. Nhà trường cũng cần cung cấp thông tin cho SV về nhu cầu lao động của ngành đang theo học có những yêu cầu như thế nào về ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh bên cạnh các kĩ năng cần có để học tốt ngành này nhằm tạo động lực cho SV phấn đấu.

Về phía sinh viên, bản thân sinh viên phải có ý thức học tập thông qua việc nắm bắt được tầm quan trọng của việc học tập tại trường lớp có ảnh hưởng như thế nào đối với tương lai của mình. Từ đó tự tạo cho mình những động lực học riêng để đạt được mục tiêu mình đã đề ra.

IV. Kết luận

Bài viết này nhằm làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến động lực học của sinh viên trường Đại học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội, qua đó đưa ra các giải pháp để tăng cường động lực học cho sinh viên. Có thể nói rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công trong việc học ngoại ngữ. Một trong những điều quan trọng nhất đó là động lực học tập của người học. Nó được xem như là yếu tố then chốt quyết định thái độ và kết quả học tập của người học. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến động lực học tập, yếu tố môi trường học tập và thực hành  đóng vai trò quan trọng. Để thúc đẩy được động lực của người học, giáo viên cần có phương pháp giảng dạy phù hợp với mô hình học kết hợp, tạo ra môi trường học tập tích cực và một thái độ tích cực đối với ngôn ngữ đích bằng cách sử dụng đa dạng và thú vị các hoạt động, hình thức làm việc trong lớp học, đặt ra các mục tiêu ngắn hạn không quá khó đối với người học, xây dựng mối quan hệ tích cực với người học, đối xử với người học một cách tôn trọng, cẩn thận, công bằng và hiểu biết, tạo ra các điều kiện để thành công và cảm giác đạt được thành tựu với mục đích để tối ưu hóa sự tham gia, kích thích sự hứng thú với môn học và tăng động lực của người học.

V. Tài liệu tham khảo

1. Brown H. D., (1994). Principles of Language Learning and Teaching. New Jersey: Prentice Hall Regents.

2. Carreira J. M., (2005). New Framework of Intrinsic/Extrinsic and Integrative/ Instrumental Motivation in Second Language Acquisition. The Keiai Journal of International Studies, No. 16.

 3. Dörnyei Z., (2001). Motivational Strategies in the Language Classroom. Cambridge University Press.

4. Dubrin A., (2008). Essentials of Management.8/E, South-Western.

5. Harmer J., (2001). The practice of English Language Teaching. Longman Press.

6. Keller, J.M. (1993). Motivation design of instruction. In C.M. Reigeluth (Ed.),Instructionl design theories and models. Hillsdale, New Jersey: Erlbaum

7. Lê Thị Linh Giang , (2015), “ Các thành tố của môi trường học tập trong trường ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên”. Tạp chí Đại học Lâm Nghiệp số 17, tháng 3 năm 2015

8. Phan Trong Ngo, (2005). Day hoc va phuong phap day hoc trong nha truong. Ho Chi Minh City University of Education Publishing House.

9. T.T.Luu, (2012) “An empirical research into EFL learners’ motivation, Theory and Practice in Language studies, vol. 2, no. 3, pp. 430-439

10. Ushida E., (2005). The role of students' attitudes and motivation in second language learning in online language courses. CALICO journal, 23(1), 49-78.

11. Williams M., Burden R. L., (1997). Psychology for language teachers (Vol. 67). Cambridge University Press

12. Williams, Kaylene C, Williams, Caroline C (2011), ‘Five key ingredients for improving student motivation’ , Research in Highter Education Journal, No 12:1-23
 


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại Học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Online: 39 Tổng truy cập: 18.745.690