Trang chủ

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU TÀI LIỆU TRONG QUY TRÌNH NHẢY MẪU SẢN PHẨM

Ngày đăng: 10:00 - 27/05/2021 Lượt xem: 13.691
Nghiên cứu thông tin (nghiên cứu tài liệu và sản phẩm mẫu) là nội dung thực hiện đầu tiên trong quy trình chuẩn bị sản xuất nói chung, cũng như trong quy trình nhảy mẫu công nghiệp nói riêng. Kết quả của việc nghiên cứu tài liệu là điều kiện tiên quyết để thực hiện nhảy mẫu. Thông tin nào trong tài liệu, sản phẩm mẫu cần được khai thác, phân tích và vận dụng là câu hỏi đặt ra cho mỗi cá nhân khi thực hiện công việc nhảy mẫu. Ở bài viết này tác giả đề cập đến việc lựa chọn và phân tích các thông tin trong tài liệu và sản phẩm mẫu giúp sinh viên ngành Công nghệ may hiểu rõ hơn về mục đích, tầm quan trọng của việc nghiên cứu tài liệu, nhằm phục vụ công đoạn nhảy mẫu.

 1. Khái niệm
1.1. Nghiên cứu
Nghiên cứu có thể được định nghĩa theo nhiều ý kiến khác nhau. Martyn Shuttleworth cho rằng: "Theo nghĩa rộng nhất, định nghĩa của nghiên cứu bao hàm bất cứ sự thu thập dữ liệu, thông tin, và dữ kiện nào nhằm thúc đẩy tri thức." Creswell định nghĩa: "Nghiên cứu là một quá trình có các bước thu thập và phân tích thông tin nhằm gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về một chủ đề hay một vấn đề." Nó bao gồm ba bước: Đặt câu hỏi, thu thập dữ liệu để trả lời cho câu hỏi, và trình bày câu trả lời cho câu hỏi đó. Từ điển Trực tuyến Merriam-Webster thì chi tiết hơn: Nghiên cứu là "một truy vấn hay khảo sát cẩn thận; đặc biệt: sự khảo sát hay thể nghiệm nhắm đến việc phát hiện và diễn giải sự kiện, sự thay đổi những lý thuyết hay định luật đã được chấp nhận dựa trên những dữ kiện mới, hay sự ứng dụng thực tiễn những lý thuyết hay định luật mới hay đã được thay đổi đó.[1]

Nghiên cứu là một quá trình thực hiện thu thập và phân tích thông tin nhằm gia tăng sự hiểu biết của người nghiên cứu về một chủ đề hay một vấn đề.
Nghiên cứu bao gồm "hoạt động sáng tạo được thực hiện một cách có hệ thống nhằm làm giàu tri thức, bao gồm tri thức về con người, văn hóa và xã hội, và sử dụng vốn tri thức này để tạo ra những ứng dụng mới."

1.2. Tài liệu kỹ thuật
Tài liệu kỹ thuật có thể được hiểu là văn bản kỹ thut qui định cụ thể về tiêu chuẩn của một mã hàng, mang tính pháp chế về kỹ thuật và bố cục trình bày theo yêu cầu của từng khách hàng và doanh nghiệp.

Tài liệu kỹ thuật của một mã hàng do khách hàng hoặc doanh nghiệp xây dựng để phục vụ cho quá trình sản xuất, giúp các bộ phận có tiêu chuẩn để đối chiếu, kiểm tra nhằm đáp ứng được các yêu cầu của mã hàng.

1.3. Nhảy mẫu
Là phương pháp thiết kế đặc biệt bằng cách dịch chuyển các tiêu điểm thiết kế từ mẫu gốc sang mẫu mới dựa trên hệ số chênh lệch của các cỡ và dáng của chi tiết, các tiêu điểm được dịch chuyển theo nguyên tắc hình đồng dạng.

è Nghiên cứu tài liệu kỹ thuật có thể được hiểu là quá trình thu thập, phân tích các thông tin được thể hiện trong văn bản kỹ thuật nhằm tìm ra các yêu cầu, tiêu chuẩn phục vụ cho các công đoạn thực hiện cụ thể trong quá trình chuẩn bị và triển khai sản xuất.

2. Điều kiện thực hiện nhảy mẫu
- Tài liệu kỹ thuật
- Mẫu gốc
- Sản phẩm mẫu
- Thiết bị, phần mềm, kiến thức chuyên môn.

3. Quy trình nhảy mẫu
 Quy trình nhảy mẫu được thực hiện qua 3 công đoạn: [2]
 
  • Công đoạn 1: Chuẩn bị  
Công đoạn chuẩn bị là công đoạn đầu trong mỗi quy trình thực hiện công việc, công đoạn này đóng vai trò quyết định tới 50 % kết quả thực hiện công việc vì vậy công đoạn này luôn luôn được xem trọng. Công đoạn chuẩn bị bao gồm nội dung:
- Nghiên cứu các thông tin của mã hàng:
+ Kế hoạch sản xuất.
+ Tài liệu kỹ thuật.
+ Kiểm tra đối chiếu các thông tin giữa tài liệu, sản phẩm mẫu, điều kiện khách hàng cung cấp (bộ mẫu gốc) và các yêu cầu bổ sung điều chỉnh của mã hàng.
-  Kiểm tra điều chỉnh mẫu gốc trước khi nhảy mẫu.
  • Công đoạn 2: Nhảy mẫu
Dựa trên các kết quả thông tin nghiên cứu và phân tích của công đoạn chuẩn bị, thực hiện nhảy mẫu sản phẩm theo các bước sau.

- Xác định quy tắc nhảy cỡ của sản phẩm: nhằm xác định được số lượng cỡ mới cần được dịch chuyển từ cỡ gốc (basic size) là những cỡ nào, hướng nhảy ra sao.

- Xác định các điểm nhảy cỡ: là các điểm thiết kế có sự thay đổi về kích thước khi dịch chuyển sang cỡ mới, đây chính là cơ sở để gắn các bước nhảy.

- Gán bước nhảy tại các điểm nhảy cỡ: dựa trên kết quả tính toán mức độ chệnh lệch về kích thước giữa các cỡ so với cỡ gốc, xác được định được các bước nhảy theo chiều dài, rộng của chi tiết ứng với hệ trục  x hoặc y của mỗi vị trí nhảy cỡ.
  • Công đoạn 3: Kiểm tra
Kiểm tra hoàn thiện dựa trên cơ sở đối chiếu kết quả quá trình nhảy mẫu với yêu cầu kỹ thuật của mã hàng, trong trường hợp có phát sinh phải kịp thời điều chỉnh và hoàn thiện. Nội dung kiểm tra bao gồm:

+ Kiểm tra số lượng cỡ mới so với bảng tỷ lệ cỡ, vóc.
+ Kiểm tra thông số các cỡ mới so với bảng thông số thành phẩm.
+ Kiểm tra mức độ tỷ lệ, sự độ cân đối, hình dáng các chi tiết so với sản phẩm.

4. Nội dung tài liệu kỹ thuật
- Đặc điểm cấu trúc sản phẩm (Sketches)
- Bảng thông số (Measurement Chat)
- Bảng hướng dẫn sử dụng nguyên phụ liệu trong mã hàng (Bill of material)
- Yêu cầu kỹ thuật và  một số chú ý khi sản xuất (Comment)
- Hướng dẫn hoàn thiện (Packing list)
- Kế hoạch sản lượng mã hàng

5. Tầm quan trọng của nghiên cứu tài liệu kỹ thuật
            Nghiên cứu tài liệu kỹ thuật đóng vai trò không thể thiếu trong công tác chuẩn bị sản xuất cũng như các công đoạn chuẩn bị mẫu, nghiên cứu tài liệu được xem là cơ sở xác định số lượng cỡ cần phải nhảy trong mã hàng và cũng quyết định đến kết quả thực hiện công việc.

6. Nghiên cứu tài liệu kỹ thuật trong quy trình nhảy mẫu
            Tùy thuộc vào yêu cầu của từng đối tượng khách hàng, loại sản phẩm, mã hàng khác nhau bố cục và nội dung tài liệu kỹ thuật cũng được trình bày theo mẫu tương ứng của từng khách hàng. Người thực hiện nghiên cứu sẽ khai thác, thu thập dữ liệu phù hợp với tính chất công việc của từng công đoạn. Đối với bước nghiên cứu tài liệu kỹ thuật của mã hàng tại công đoạn nhảy mẫu cần chú trọng 1 số thông tin sau.
  • Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc sản phẩm (Sketches)
Trang Sketches thể hiện thông tin về  khách hàng, đơn hàng, mã hàng,  hình dáng cấu trúc, kiểu dáng, đặc điểm của sản phẩm thông qua các  hình ảnh và 1 số mô tả về mặt trước, mặt sau, lần ngoài, lần lót của sản phẩm.
 Thông qua các hình ảnh sản phẩm người nghiên cứu có thể hình dung được gần nhất về cấu trúc của sản phẩm, sự liên quan kết cấu của các chi tiết trên sản phẩm như đường nội vi, các điểm đối trùng nhau trên mỗi chi tiết như điểm chèn tay và điểm bổ thân áo. Đối với 1 số sản phẩm đơn giản có thể sử dụng hình ảnh để thống kê được các chi tiết / sản phẩm.
Việc nghiên cứu đặc điểm hình dáng, cấu trúc sản phẩm sẽ giúp cho chuyên viên nhảy mẫu xác định mức độ tỷ lệ, yêu cầu về sự ăn khớp của các chi tiết trên sản phẩm, nhằm giúp cho việc điều chỉnh các đường kết cấu trên từng cỡ khi không có thông số vẫn đảm bảo cân đối, hài hòa.
 
Hình 01: Hình ảnh trang tài liệu thể hiện đặc điểm hình dáng sản phẩm
  • Nghiên cứu bảng thông số (Measurement Chat)
Tùy thuộc vào quy định của từng khách hàng, chủng loại sản phẩm, công nghệ gia công  khác  nhau mà mỗi loại  bảng thông số có thể  tên gọi khác nhau có thể liệt kê dưới đây 1 số bảng thông số như sau.
+ Bảng thông số BTP
+ Bảng thông số TP
- Đơn vị đo thường sử dụng ở các bảng thông số là 2 đơn vị đo phổ biến: Centimet  và Inch
- Các nội dung thể hiện tại bảng thông số bao gồm:
+ Dải cỡ (size) của mã hàng (số lượng cỡ trong mã hàng) cỡ số được quy định là chữ số hoặc chữ cái đứng đầu tên gọi các size như S, M, L tương ứng Small, Medium, Large.
+ Thông tin kích thước tại các mốc đo (vị trí đo trên sản phẩm): Dài áo, rộng vai, dài tay, vòng bụng, vòng mông…..
Ứng với các vị trí đo là kích thước  theo từng cỡ, ngoài ra còn có quy định về mức độ dung sai cho phép của từng vị trí đo  (Total ±).
Nghiên cứu thông tin bảng thông số (Measurement Chat), giúp người thực hiện xác định được đơn vị đo, số lượng cỡ cần phải nhảy thêm, thông tin vị trí đo trên mẫu, làm cơ sở để kiểm tra kích thước mẫu trước, trong và sau quá trình nhảy mẫu. Việc nghiên cứu và xác định đúng đơn vị đo là cơ sở dùng để khai báo dữ liệu tại bảng P.USE- ENVIRON trong phần mềm Gerber. Nghiên cứu thông tin vị trí đo, thông số kích thước của từng cỡ, mức độ dung sai cho phép là điều kiện quan trọng nhằm xác định các điểm nhảy mẫu, tính toán xác lập hệ số chênh lệch và bước nhảy cỡ của dải mẫu.

Hình 02: Hình ảnh trang tài liệu thể hiện thông tin bảng thông số
  • Nghiên cứu bảng hướng dẫn sử dụng nguyên phụ liệu trong mã hàng (Bill of material)
Bảng hướng dẫn nguyên phụ liệu cung cấp các thông tin về số lượng, chủng loại, màu sắc của từng loại nguyên liệu, phụ liệu được sử dụng trong mã hàng, trong 1 số trường hợp Bill of material đóng vai trò là bảng thống kê NPL, bảng thể hiện chi tiết và cụ thể các quy định như vị trí sử dụng, thông số của từng loại nguyên phụ liệu cũng như yêu cầu của việc sử dụng các loại nguyên liệu trong mã hàng. Thông tin sẽ cung cấp cho người nghiên cứu sự kết hợp về màu sắc, chủng loại của nguyên liệu/ sản phẩm với nhau. Ngoài ra bảng hướng dẫn sử dụng NPL còn cung cấp  1 số thông tin về thông số của phụ liệu/ mã hàng như khóa, mác…

Hình 03: Hình ảnh trang tài liệu thể hiện các thông tin về nguyên phụ liệu / mã hàng
  • Nghiên cứu yêu cầu kỹ thuật và một số chú ý khi sản xuất (Comment)
Nội dung được thể hiện thông thường là các hướng dẫn của khách hàng về phương pháp may 1 số chi tiết đặc thù. Cảnh báo các lỗi thường gặp đối với sản phẩm khi sản xuất, chú ý, lưu ý về vị trí sử dụng phụ kiện đối với các vị trí dễ bị sai lệch.
Việc nghiên cứu các thông tin này phục vụ cho quá trình nhảy mẫu chi tiết được đảm bảo đầy đủ theo các yêu cầu của mã hàng.

Hình 04: Hình ảnh trang tài liệu thể hiện thông tin hướng dẫn, lưu ý khi sản xuất
7. Một số lưu ý khi nghiên cứu thông tin cho quá trình nhảy mẫu
  • Nghiên cứu và phân tích mối liên quan kết cấu giữa các chi tiết
Theo như quan sát đặc điểm kết cấu của sản phẩm áo jacket mã OA31906 dưới đây (hình 05) nhận thấy chi tiết chèn tay thân áo khi tra sẽ trùng với đường can cầu vai thân sau. Vì vậy khi nhảy mẫu cần phải chú ý điểm trùng này để xác định bước nhảy rộng, hẹp chèn tay sao cho phù hợp và phải đảm bảo chèn tay cỡ mới khớp với phần chu vi vòng nách thân cỡ mới. Trên thực tế khi nghiên cứu tài liệu sinh viên thường bỏ qua bước nghiên cứu kết cấu, chỉ chú trọng vào việc nghiên cứu bảng thông số, dẫn đến quá trình nhảy mẫu các điểm trên sẽ không khớp. Do nhảy tại các vị trí đó không có thông số cụ thể thường nhảy theo tỷ lệ chi tiết, tỷ lệ ở các chi tiết thay đổi dựa trên kích thước của từng chi tiết.    
Hình 05: Hình ảnh mặt trước mặt sau áo Jacket
 
 
Phân tích, tìm ra các mối liên quan giữa các thông tin trong tài liệu
Trong quá trình nghiên cứu tài liệu cần lưu ý khai thác các mối liên quan giữa các thông tin trong tài liệu, từ bảng thông số với bảng bảng thống kê nguyên phụ liệu (Bill of material), vị trí sử dụng nguyên phụ liệu, thông số nguyên phụ liệu, đặc điểm hình dáng sản phẩm (Sketches) hoặc 1 số lưu ý khi sản xuất (Comment) để xác định được chính xác bước nhảy tại 1 số vị trí.
Ví dụ: Bảng thông số của 1 số tài liệu không thể hiện thông số D x R túi khóa, thông tin dài khóa của các cỡ được thể hiện tại bảng thống kê nguyên phụ liệu. Trong trường hợp này người thực hiện cần phải phân tích được mối liên quan giữa kích thước của chi tiết khóa túi với thông số túi thành phẩm để tính được đúng bước nhảy dài túi trên thân.
Vì vậy người nghiên cứu cần phải chú trọng việc nghiên cứu và khai thác triệt để các thông tin trên 1 số vị trí thường thể hiện như hình ảnh sản phẩm, bảng thông tin nguyên phụ liệu.
 
 
Hình 06: Hình ảnh bảng thông tin nguyên phụ liệu mã OA31906
  
  • Phân tích chính xác vị trí đo, sự liên quan giữa các thông số của chi tiết
            Việc phân tích không đúng vị trí đo thông số, mối liên quan giữa các thông số có ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tính toán bước nhảy của vị trí đó, có thể dẫn đến việc âm, dương thông số cỡ mới, hoặc hình dáng chi tiết không đảm bảo đúng dáng.
Ví dụ: Bảng thông số mã OA31906 dưới đây thể hiện thông tin rộng ½ bắp tay, nhưng nếu không chú ý phân tích kỹ vị trí đo của chi tiết sẽ dẫn đến việc xác định vị trí đo thông số đó là rộng vòng bắp tay, việc xác định sai phương pháp đo sẽ dẫn đến việc tính bước nhảy tại vị trí tay áo sai, âm thông số (nếu như lấy hệ số chênh lệch đó /2).
è Việc nghiên cứu phân tích mối liên hệ giữa các thông số trong bảng thông số với hình vẽ và bảng sử dụng nguyên phụ liệu là rất quan trọng, giúp cho người thực hiện sẽ xác định được một cách chi tiết, cụ thể và chính xác các thông số tới từng vị trí nhảy mẫu.
Hình 07: Hình ảnh bảng thông số mã hàng OA31906

KẾT LUẬN:
Nghiên cứu tài liệu kỹ thuật là một công đoạn của quá trình chuẩn bị sản xuất nói chung và nhảy mẫu sản phẩm nói riêng. Để công việc nhảy mẫu đạt được hiệu quả cao đòi hỏi người nghiên cứu phải có những hiểu biết nhất định về cấu trúc của 1 tài liệu kỹ thuật của khách hàng, có khả năng phân tích các mối liên hệ giữa các nội dung được thể hiện trong tài liêu. Đặc biệt người nghiên cứu cần chú trọng về mối liên quan giữa các thông số của các chi tiết trên sản phẩm để xác định được đúng các vị trí đo và thông số được thể hiện.Việc hiểu biết rõ về các nội dung trong tài liệu kỹ thuật sẽ giúp cho người nghiên cứu nâng cao khả năng phân tích và thực hiện quá trình nhảy mẫu hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2. Nguyễn Thị Phương (2020), Giáo trình Công nghệ sản xuất may công nghiệp 1, Trường đại học công nghiệp Dệt May Hà Nội

3. Tài liệu kỹ thuật của 1 số doanh nghiệp may (mã F20 -1047MenFall và OA 31906)                                                                          
Tác giả: Trịnh Thị Thanh Hương

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 311 Tổng truy cập: 31.728.623