Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM ĐẢM BÁO CHẤT LƯỢNG

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN HỆ THỐNG KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ KẾT THÚC HỌC PHẦN PHÙ HỢP VỚI YÊU CẦU KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG

Ngày đăng: 09:02 - 27/06/2023 Lượt xem: 354
Nguyễn Thu Phương
Trung tâm Đảm bảo chất lượng
Email: phuongnt82@hict.edu.vn, Số điện thoại: 0914.961.982
 
Tóm tắt
          Bài viết giới thiệu các yêu cầu về kiểm tra - đánh giá người học theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và bộ tiêu chuẩn kiểm định chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành; làm rõ mối quan hệ giữa mục tiêu, nội dung học phần với CĐR học phần và nội dung kiểm tra - đánh giá kết quả học tập học phần và một số tồn tại cần khắc phục trong quá trình tổ chức kiểm tra – đánh giá trong thời gian qua để từ đó đề xuất một số giải pháp khắc phục đáp ứng yêu cầu kiểm định chất lượng.
Từ khoá: kiểm tra – đánh giá, chuẩn đầu ra, kiểm định chất lượng.

1. Mở đầu
Với thực tiễn yêu cầu đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, Bộ GD-ĐT đã ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Thủ tướng Chính phủ, 2016), trong đó quy định các yêu cầu của chuẩn đầu ra (CĐR) chương trình đào tạo bậc đại học. Các chuẩn này được đưa vào mục tiêu đào tạo/CĐR của chương trình và cụ thể hóa nó ở từng học phần (HP) trong chương trình đào tạo. Để đánh giá được các chuẩn kiến thức, kĩ năng theo quy định đầu ra đã công bố một chương trình, trường đại học cần phải cải tiến trong công tác quản lí đào tạo, nội dung và phương pháp giảng dạy, đặc biệt đổi mới công tác đánh giá người học (NH) sao cho xác định được mức độ đạt CĐR khi tốt nghiệp chương trình.

2. Yêu cầu kiểm tra – đánh giá người học trong bộ tiêu chuẩn kiểm định
Những yêu cầu kiểm tra – đánh giá người học trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục (ban hành theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017).

Bảng 1. Tiêu chuẩn đánh giá người học theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục
Tiêu chuẩn 16 Đánh giá người học
Tiêu chí 16.1
(P)
Thiết lập được hệ thống lập kế hoạch và lựa chọn các loại hình đánh giá người học phù hợp trong quá trình học tập.
Tiêu chí 16.2
(D)
Các hoạt động đánh giá người học được thiết kế phù hợp với việc đạt được chuẩn đầu ra.
Tiêu chí 16.3
(C)
Các phương pháp đánh giá và kết quả đánh giá người học được rà soát để đảm bảo độ chính xác, tin cậy, công bằng và hướng tới đạt được chuẩn đầu ra.
Tiêu chí 16.4
(A)
Các loại hình và các phương pháp đánh giá người học được cải tiến để đảm bảo độ chính xác, tin cậy và hướng tới đạt được chuẩn đầu ra.
Những yêu cầu kiểm tra – đánh giá người học trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo (ban hành theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016).
Bảng 2. Tiêu chuẩn đánh giá đánh giá kết quả học tập của người học theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo
Tiêu chuẩn 5 Đánh giá kết quả học tập của người học
Tiêu chí 5.1 Việc đánh giá kết quả học tập của người học được thiết kế phù hợp với mức độ đạt được chuẩn đầu ra.
Tiêu chí 5.2 Các quy định về đánh giá kết quả học tập của người học (bao gồm thời gian, phương pháp, tiêu chí, trọng số, cơ chế phản hồi và các nội dung liên quan) rõ ràngđược thông báo công khai tới người học.
Tiêu chí 5.3 Phương pháp đánh giá kết quả học tập đa dạng, đảm bảo độ giá trị, độ tin cậysự công bằng.
Tiêu chí 5.4 Kết quả đánh giá được phản hồi kịp thời để người học cải thiện việc học tập.
Tiêu chí 5.5 Người học tiếp cận dễ dàng với quy trình khiếu nại về kết quả học tập.
         
Hai bộ tiêu chuẩn kiểm định đều trình bày các tiêu chí được phân bổ theo nguyên tắc PDCA (Plan – Do – Check - Act) cho thấy hoạt động KT-ĐG cần được Trường triển khai một cách bài bản từ kế hoạch, thực hiện, rà soát và không ngừng cải tiến. Việc triển khai yếu tố kiểm tra, đánh giá người học theo CĐR trong các yêu cầu trên đòi hỏi GV trong quá trình dạy học phải thiết kế được các công cụ, nội dung, phương pháp và hình thức đánh giá phù hợp với nội dung mà CĐR quy định.

Hình 1. Mô hình quản lí, triển khai nội dung chương trình và đánh giá NH
Trong mô hình, chương trình đào tạo/ mục tiêu đào tạo/ CĐR chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở đáp ứng Khung trình độ quốc gia Việt Nam, triết lí giáo dục của Trường, sứ mạng của Trường/ Khoa. CĐR chương trình đào tạo được phân bổ trong từng HP thuộc chương trình đó. Để đánh giá được người học đạt CĐR của CTĐT thì cần thông qua đánh giá mức độ đạt CĐR của từng HP. Do vậy, đối với từng HP cần xác định nội dung chi tiết giảng dạy phù hợp với các CĐR; thiết lập các ma trận liên kết giữa môn học với CĐR của chương trình đào tạo tổng thể; thiết lập ma trận quan hệ CĐR của HP với các phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá; dựa vào ma trận đó lồng ghép vào quá trình dạy học HP các nội dung, phương pháp, hình thức, công cụ kiểm tra, đánh giá tương thích với từng CĐR.

3. Một số khái niệm
3.1. Chuẩn đầu ra của CTĐT (Program Learning Outcomes – PLOs):
CĐR của CTĐT được định nghĩa là “yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được cơ sở đào tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện” [2].
Gần đây, sau khi Luật GDĐH 2018 được ban hành, khái niệm CĐR của CTĐT được hiểu là yêu cầu tối thiểu đối với “đầu ra” của CTĐT tại mỗi cơ sở giáo dục, và có thể sẽ được ban hành bởi cơ quan quản lý cấp trên [3].

3.2. Chuẩn đầu ra của học phần (Course Learning Outcomes – CLOs):
CĐR của HP được xem là tập hợp những gì người học biết và có thể làm được sau khi học xong HP đó [4].

Vai trò - ý nghĩa của CĐR của học phần:
- Minh chứng cho việc chuyển tải thành công CĐR của CTĐT vào các HP.
- Làm căn cứ xác định nội dung HP và thiết kế việc KT-ĐG kết quả học tập các HP của người học.
- Phổ biến công khai, chính thức để người học nắm rõ nội dung, mức độ yêu cầu của kết quả học tập cần phải đạt được sau khi kết thúc HP.
- Định hướng việc xây dựng các chiến lược, công cụ, phương thức, quy trình tổ chức dạy học thích hợp nhằm giúp NH đạt CĐR của HP.

3.3. Vấn đề xác định CĐR của học phần trong tương quan với mục tiêu, nội dung của học phần và KQHT thực tế của NH
Về mặt lý thuyết, CĐR của HP được xác định và cụ thể hóa dựa trên mục tiêu HP đồng thời góp phần vào việc thực hiện CĐR của CTĐT; về mặt thực tiễn, so với CĐR của HP, KQHT thực tế của người học trong và sau quá trình học tập HP được xác định ở 1 trong 3 trường hợp sau:

(1) Không đạt yêu cầu CĐR của HP.

(2) Đạt yêu cầu CĐR của HP.

(3) Đạt cao hơn yêu cầu CĐR của HP.
Trường hợp (1) và trường hợp (2) là khá rõ; về trường hợp (3) thì phải chăng KQHT đó của người học không nằm trong phạm vi định hướng của HP?

3.4. Mối quan hệ giữa mục tiêu, nội dung học phần với CĐR học phần và nội dung KT-ĐG kết quả học tập học phần
Theo Nguyễn Thành Nhân (2016), về mặt bản chất, mục tiêu HP phản ánh một cách khái quát, có chức năng định hướng về quá trình và KQHT dự kiến mà NH có khả năng đạt được sau khi kết thúc HP. Khả năng này nằm trong phạm vi nội dung của HP mà thông qua sự hướng dẫn, giảng dạy của GV cùng với nỗ lực tích cực trong học tập của NH có thể đạt được ở những mức độ nhất định so với mục tiêu HP. Trong khi đó, CĐR của HP xác định “chuẩn/ngưỡng” KQHT tối thiểu mà NH phải đạt được thì mới được công nhận hoàn thành HP. Thông thường, nội dung HP bao quát 3 thành phần chủ yếu sau:

(1) Nội dung cơ bản, cốt lõi của HP: Đây là hệ thống các đơn vị kiến thức, kỹ năng, thái độ, giá trị… quan trọng thiết yếu mà bắt buộc NH phải chiếm lĩnh. Thành phần nội dung này của HP phải được triển khai giảng dạy - học tập bắt buộc trên lớp và góp phần trực tiếp vào việc giúp NH đạt CĐR của HP. Nếu NH đạt được KQHT thực tế theo yêu cầu của CĐR của HP ứng với thành phần thứ nhất này của nội dung HP thì mới đạt kết quả mức trung bình. Chỉ khi nào NH đạt được CĐR học phần tương ứng với thành phần nội dung cốt lõi, cơ bản của HP thì mới đạt được mức trung bình về KQHT.

(2) Nội dung mở rộng của HP: Đây là các đơn vị kiến thức, kỹ năng có liên quan gần và trực tiếp với nội dung cốt lõi, cơ bản của HP nhưng được GV giới thiệu, hướng dẫn để NH tự nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát thực tế… ngoài giờ lên lớp và sẽ được GV hướng dẫn, giải đáp thắc (nếu được người học đề nghị) trong quá trình NH tự tìm hiểu. Mặc dù nội dung này GV không trực tiếp giảng dạy trên lớp nhưng vẫn được cả GV và NH quan tâm, và thành phần nội dung này phải thể hiện trong đề cương HP với tính chất là nội dung tự học bắt buộc. Nội dung mở rộng của HP phải được đưa vào nội dung KT-ĐG với tỷ lệ không quá 30% để đảm bảo rằng nếu NH nào đạt được thêm KQHT nội dung mở rộng này của HP sẽ đạt kết quả từ mức trên trung bình đến mức khá, giỏi.

(3) Nội dung nâng cao của HP: Thuộc thành phần nội dung nâng cao của HP là các quan điểm, lý thuyết, trường phái, mô hình, phương pháp nghiên cứu mới/hiện đại đang diễn ra, những vấn đề mới đang còn nhiều quan điểm, tranh cãi,… có liên quan đến HP. Với nội dung này, GV giới thiệu, khuyến khích NH tìm hiểu thêm mà không hoàn toàn bắt buộc 100% NH đáp ứng. Tuy nhiên, trong quá trình học tập cũng như KT-ĐG học phần, nếu NH thể hiện được kết quả học tập, tìm hiểu nội dung nâng cao này của môn học thì sẽ được điểm cộng/điểm thưởng với tỷ lệ điểm không quá 20% để có cơ hội được ghi nhận thành tích học tập cao hơn (mức giỏi/ xuất sắc).
Với cách tiếp cận như thế, thành phần (1) của nội dung HP sẽ chuyển tải trực tiếp CĐR học phần. Như vậy, nếu NH mới đạt yêu cầu CĐR học phần thì tương đương với KQHT trung bình - ngưỡng tối thiểu đảm bảo chất lượng đào tạo cấp độ HP. Còn trường hợp NH đạt trên ngưỡng CĐR học phần ứng với các mức độ KQHT thực tế cao hơn (như khá, giỏi, xuất sắc) thì vẫn nằm trong định hướng của mục tiêu học tập dự kiến và trong phạm vi bao quát của nội dung HP, trong thành phần (2) và (3).
Hình 2. Mô tả mối liên hệ mục tiêu, nội dung HP với CĐR và nội dung KT-ĐG kết quả học tập học phần

4. Thực trạng tổ chức kiểm tra - đánh giá kết thúc học phần
Trường đã tách biệt 2 khâu: tổ chức dạy – học và KT-ĐG kết quả của người học để đảm bảo khâu tổ chức thi rõ ràng, khách quan. TT ĐBCL là đơn vị chủ trì quản lý kỳ thi kết thúc học phần; ban hành các văn bản hướng dẫn các khoa/TT tổ chức kỳ thi kết thúc học phần như tổ chức thi tập trung, xây dựng và quản lý ngân hàng đề thi, quy định thi trực tuyến,... Tuy nhiên, các quy định về đánh giá người học mới đáp ứng được một phần yêu cầu của kiểm định.

- Việc phổ biến, công khai quy định đã được đưa công khai trên trang thông tin điện tử của Trường nhưng quy định để ở vị trí rất khó thấy, khó tìm.

- Công tác quản lý và giám sát xây dựng bảng trọng số và cấu trúc đề thi chưa đồng bộ ở các khoa/TT giảng dạy, các bộ môn. GV còn nhầm lẫn giữa CĐR học phần với nội dung KT-ĐG. Một số bảng trọng số còn thiếu thông tin về chương trình đào tạo; chưa làm đúng kỹ thuật, nội dung đề thi chưa phù hợp với bảng trọng số và cấu trúc đề thi, tính sai tỷ lệ trọng số từng cấp độ, nội dung đề thi chưa tương đương với các thang đo nhận thức Bloom.

- Một hiện tượng khá phổ biến hiện nay là những người có trách nhiệm không
trình bày, chứng minh được một cách thuyết phục cách thức mà theo đó người học sẽ đạt được CĐR sau khi hoàn tất CTĐT. Nguyên nhân là do
mối liên hệ giữa CĐR của CTĐT với các học phần trong CTĐT nhìn chung chưa được xác định rõ ràng hoặc  chủ yếu mang tính hình thức. Khi trực tiếp giảng dạy một học phần nào đó, nhiều giảng viên cũng không chú ý đến mối liên hệ giữa CĐR/mục tiêu giảng dạy của học phần này với CĐR của toàn bộ CTĐT. Hệ quả là đến khi tổ chức KT-ĐG đối với các học phần, hình thức và nội dung KT-ĐG nhìn chung ít bám sát các yêu cầu của CĐR của chính học phần đó cũng như của toàn bộ CTĐT.

- Quy định xây dựng NHCH ban hành từ ngày 16/4/2018 nhưng tính đến tháng 12/2021, Trường chưa có học phần nào công bố ngân hàng đề thi. Nguyên nhân chính là do nội dung trọng số & cấu trúc đề thi của các học phần biến động theo từng học kỳ; ra đề thi căn cứ vào lịch thi và chưa đưa vào chỉ tiêu nhiệm vụ năm học của các khoa/TT giảng dạy.

- Khâu phân tích, đánh giá đề thi chưa có quy trình hướng dẫn thực hiện. Do hạn chế về nguồn lực, TT ĐBCL đã thực hiện phân tích đề thi thí điểm và tổ chức rút kinh nghiệm mẫu một số môn và đưa ra khuyến nghị tới bộ môn. Về phía khoa, bộ môn, kết thúc học kỳ, khoa, bộ môn tổ chức rút kinh nghiệm nhưng chưa có sự tham gia đánh giá của chuyên gia hoặc áp dụng các phương pháp đánh giá khoa học tiên tiến, chưa bao hàm được tính đặc thù của các hình thức đánh giá người học.

 
- Áp dụng rất ít các hình thức KT-ĐG theo hướng tiếp cận năng lực người học (Tự luận 69.03%; Thực hành: 11.13%; TNKQ: 4.66%; Hỗn hợp: 14.57%; các hình thức khác: 0.6%)
 
- CĐR là cơ sở để lựa chọn hình thức và nội dung KT-ĐG đánh giá phù hợp. Tuy nhiên, chương trình dạy học của các ngành chưa thiết lập các ma trận liên kết giữa học phần với CĐR của chương trình đào tạo tổng thể và thiết lập ma trận quan hệ CĐR của học phần với các phương pháp giảng dạy và hoạt động KT-ĐG.

- Đề cương chi tiết học phần đã cụ thể hoá và công khai hoá các thông tin chung đánh giá KQHT học phần như số lượng các bài kiểm tra, thời điểm thực hiện, tỷ lệ điểm thành phần, quy định về cách tính điểm thành phần, điểm tổng kết môn học,… Tuy nhiên, chưa công khai tiêu chí đánh giá và thang điểm của từng bài kiểm tra tương ứng. Ví dụ tiêu chí đánh giá điểm chuyên cần, bài tiểu luận cuối kỳ...

- Chưa có quy định định kỳ, hướng dẫn về việc rà soát, đổi mới phương pháp KT-ĐG.

- Chưa có các tài liệu hướng dẫn giảng viên trong việc thiết kế các phương pháp/công cụ kiểm tra, đánh giá phù hợp với mức độ đạt được chuẩn đầu ra của các học phần.

- Việc công bố điểm thi, kiểm tra được quy định cụ thể và thực hiện đúng. Dữ liệu từ năm 2016-2021 cho thấy: tỷ lệ phúc tra không rất ít (0.04% ÷ 0.58%). Tỷ lệ điều chỉnh điểm  không đáng kể (0.01% ÷ 0.04%). Nguyên nhân chính dẫn đến phải điều chỉnh điểm sau phúc khảo do cán bộ cộng thiếu điểm chi tiết trên bài thi, nhập nhầm điểm của sinh viên trên phần mềm hệ thống hoặc biên bản tổng hợp.

 
- Hoạt động KT-ĐG đã được lấy ý kiến người học trong khảo sát học phần, khảo sát hoạt động giảng dạy của GV, khảo sát sinh viên tốt nghiệp về khoá học. Mặc dù kết quả khảo sát HP từ năm 2017 - 2021 đều đạt ở mức hài lòng (Điểm trung bình Likert là 4/5). Tuy nhiên, các câu hỏi khảo sát được thiết kế chưa khoa học, chưa hoàn toàn hợp lý do gộp nhiều tiêu chí vào trong một câu hỏi “Nội dung kiểm tra đánh giá học phần (chủ đề, bài tập, dự án, tiểu luận, kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ và kết thúc học phần) phù hợp với nội dung học phần và tiêu chí đánh giá được cung cấp”.
 
5. Các giải pháp hoàn thiện hệ thống KT-ĐG kết thúc học phần

Để thực hiện tốt việc đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm tra đánh giá cần thực hiện những nhiệm vụ sau:

5.1. Nâng cao nhận thức cho CBQL, giảng viên và người học về KT-ĐG KQHT của sinh viên

Cần tiếp tục phổ biến và tập huấn các văn bản quy phạm, quy chế, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Duy trì và cải tiến sổ tay sinh viên được phát vào đầu khoá học trong tuần lễ sinh hoạt công dân, trong đó thể hiện đầy đủ mục tiêu, nội dung, hình thức, các quy định, quy chế thi kiểm tra, văn bản hướng dẫn về hoạt động KT-ĐG để người học hiểu rõ và thực hiện. Đồng thời thông qua CVHT truyền đạt cụ thể các nội dung của hệ thống văn bản về quản lý hoạt động KT-ĐG thông qua các buổi sinh hoạt lớp hằng tháng. Tiếp tục nâng cao nhận thức của GV về vấn đề kiểm tra, đánh giá. Cần đánh giá sát đúng trình độ NH với thái độ khách quan, công bằng, động viên tư duy sáng tạo, hướng dẫn NH biết tự đánh giá kết quả học tập, tạo điều kiện cho NH phân biệt được đúng, sai và tìm ra nguyên nhân để từ đó tác động trở lại đến phương pháp học tập, rèn luyện kĩ năng tư duy. Tuỳ theo mục đích đánh giá mà GV lựa chọn hình thức KT - ĐG khác nhau.

5.2. Bồi dưỡng giảng viên, chuyên viên TT ĐBCL
- Nghiệp vụ thiết kế học phần (thấu hiểu CĐR của CTĐT và chuyển tải, cụ thể hóa trong CĐR của học phần phụ trách, kỹ năng thiết kế đề cương học phần theo tiếp cận CĐR…).
- Nghiệp vụ thiết kế KT-ĐG (kỹ năng xây dựng ma trận CĐR của học phần – Nội dung học phần - Nội dung kiểm tra, kỹ năng thiết kế các loại công cụ kiểm tra, kỹ năng xác lập các tiêu chí KT-ĐG, kỹ năng sử dụng kết hợp các loại công cụ kiểm tra trong quá trình tổ chức dạy học và KT-ĐG kết quả học tập học phần…).
- Kỹ năng thực hành KT-ĐG…
- Kỹ năng đánh giá câu hỏi thi, đề thi.

5.3. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn hoạt động KT-ĐG kết quả học tập của người học.
- Các khoa, bộ môn có nhiệm vụ thẩm định và thông qua phương án kiểm tra, đánh giá đề xuất của giảng viên phụ trách học phần. Đa dạng hóa các công cụ, hình thức tổ chức KT-ĐG tương thích với CĐR của học phần và đặc điểm, tính chất của nội dung học phần.

- Khoa chủ trì ngành biên soạn các tài liệu hướng dẫn giảng viên trong việc thiết kế các phương pháp/công cụ kiểm tra, đánh giá phù hợp với mức độ đạt được chuẩn đầu ra của các học phần.

- Rà soát và chỉnh sửa chuẩn đầu ra của CTĐT. Bổ sung thiết lập các ma trận liên kết giữa học phần với CĐR của CTĐT tổng thể và thiết lập ma trận quan hệ CĐR của học phần với các phương pháp giảng dạy và hoạt động KT-ĐG.

- Cải tiến biểu mẫu đề cương chi tiết học phần bổ sung tiêu chí cụ thể đánh giá KQHT học phần (ứng với các loại bài, nội dung, công cụ KT-ĐG khác nhau);

- TT ĐBCL biên soạn hướng dẫn quy trình đánh giá câu hỏi thi sử dụng các phương pháp đánh giá khoa học hiện đại.

- Bổ sung hướng dẫn định kỳ rà soát, đổi mới phương pháp KT-ĐG.

- Cải tiến hoạt động ra đề là xây dựng ngân hàng câu hỏi cho từng học phần để thực hiện việc trộn đề ngẫu nhiên trên phần mềm quản lý đề thi. Cần đưa chỉ tiêu cụ thể “các môn học/học phần phải có ngân hàng câu hỏi” vào nhiệm vụ năm học. Lập kế hoạch lộ trình với mục tiêu 100% các môn học/học phần lý thuyết có ngân hàng câu hỏi thi.  

- TT ĐBCL phối hợp khoa và bộ môn tổ chức kiểm duyệt, giám sát việc thiết kế bảng trọng số & cấu trúc đề thi và đề thi theo quy định.

- Công khai quy chế thi, KT-ĐG tới sinh viên, GV, cán bộ, chuyên viên đảm bảo dễ tìm, dễ tra cứu trên trang thông tin điện tử của Trường, của khoa.

- Tiếp tục đảm bảo thông tin đầy đủ, rõ ràng và công bố kịp thời kết quả về KT-ĐG kết quả học tập của NH theo quy định của học chế đào tạo.

- Khoa tổ chức hội thảo, hội nghị tổng kết để đánh giá và rút kinh nghiệm trong KT-ĐG hằng kỳ.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, học tập và KT-ĐG, đặc biệt là vận hành hệ thống quản lý đào tạo, giảng dạy và KT-ĐT trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hiện đại.

5.4. Tăng cường thực hiện chức năng thanh tra, giám sát đối với quản lý hoạt động KT-ĐG kết quả học tập của NH

- Xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra thường xuyên các hoạt động giáo dục trong nhà trường nói chung và hoạt động KT - ĐG KQHT của NH nói riêng, tăng cường giám sát các kỳ thi.

- Định kỳ phát phiếu khảo sát trưng cầu ý kiến của CBQL, GV, SV về hoạt động kiểm tra đánh giá trong trường, để kịp thời nắm bắt thông tin và có hướng xử lý, điều chỉnh kịp thời. Đảm bảo chế độ báo cáo thường xuyên, liên tục về việc thực hiện công tác KT - ĐG trong nhà trường.

- Sau mỗi đợt thanh tra cần sơ kết, tổng kết việc thực hiện để rút ra những kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân của thành công và hạn chế, phân tích những ưu khuyết điểm nhằm rút kinh nghiệm và có hướng điều chỉnh hợp lý.

6. KẾT LUẬN
KT-ĐG có mối liên hệ chặt chẽ với chuẩn đầu của chương trình đào tạo, phương pháp tiếp cận trong dạy - học và là yếu tố để nâng cao chất lượng. Để đảm bảo đánh giá giá được chính xác việc đạt được kết quả học tập mong đợi, trong quá trình thiết kế, vận hành chương trình, Trường cần chú trọng đến sự tương thích giữa phương thức dạy – học, KT – ĐG người học với chuẩn đầu ra, có các hoạt động định kỳ đánh giá/rà soát để cải tiến chất lượng của ba mảng này.
 
7. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS.TS. Lê Văn Hảo (2020), Một số yếu tố tương thích trong phát triển và thực hiện chương trình đào tạo của giáo dục đại học
2. Bộ GD&ĐT (2015), Thông tư ban hành quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT).
3. Luật GDĐH 2018, tại Khoản 1 của Điều 36, gọi đây là “Chuẩn CTĐT”.
4. Nguyễn Thành Nhân (2016), Gắn kết kiểm tra - đánh giá với kết quả đầu ra của môn học: quan điểm và giải pháp, Kỷ yếu hội thảo đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM, 24/6/2016.
5. NCS. Lưu Khánh Linh (2020), Nghiên cứu về đánh giá sinh viên và định hướng đánh giá sinh viên theo chuẩn đầu ra chương trình đào tạo trình độ đại học, Tạp chí Giáo dục số 483 (Kì 1 tháng 8/2020), tr6-12.
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 170 Tổng truy cập: 31.683.746