Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM ĐẢM BÁO CHẤT LƯỢNG

Ứng dụng tiêu chuẩn iso 21001:2018 vào công tác kiểm định

Ngày đăng: 09:42 - 07/02/2023 Lượt xem: 420
           Theo Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030". Mục tiêu chung của chương trình này là phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng khung bảo đảm chất lượng ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
          Việc tiếp cận và áp dụng ISO 21001:2018 trong trường đại học không chỉ tạo sự nhất quán về chất lượng mà đó còn là quy trình, tiêu chuẩn chất lượng để cả hệ thống tuân theo.
          Trong bối cảnh hiện nay, nhà trường cũng phải coi người học, doanh nghiệp chính là khách hàng của mình. Đào tạo dù là một dịch vụ đặc biệt, nhưng cũng cần hướng đến việc đáp ứng và thoả mãn nhu cầu của khách hàng, làm hài lòng khách hàng. Tiêu chuẩn ISO không chỉ áp dụng trong sản xuất, mà còn rất hiệu quả trong lĩnh vực dịch vụ và quản trị trong trong trường đại học.
          Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001:2018 được tiếp cận theo định hướng chất lượng, cụ thể hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001:2018 hướng sự tập trung đến các đối tượng quan trọng, xác định và kiểm soát các hoạt động chủ yếu/quan trọng liên quan đến đối tượng đó, từ đó đưa ra các sản phẩm sát với yêu cầu hơn, có chất lượng tốt hơn.
          Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001:2018 tập trung vào sự tương tác giữa tổ chức giáo dục, người học và các bên quan tâm có liên quan khác, với các quá trình giáo dục ngày càng tập trung nhiều hơn vào sự đồng sáng tạo nhằm cung cấp giáo dục có chất lượng trong môi trường thách thức mới, trong đó các mối quan hệ khách hàng – nhà cung cấp mang tính truyền thống dần được thay bằng quan hệ đối tác hợp tác.
          Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001:2018 được thiết lập dựa trên nền tảng 11 nguyên tắc, trong đó phải kể đến 6 nguyên tắc mang tính đặc thù của hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục, như:
          (1) Hướng vào người học và các bên hưởng lợi khác: Thành công bền vững đạt được khi một tổ chức giáo dục có thể giải quyết được yêu cầu của mọi người học, đồng thời thu hút và giữ được lòng tin của các bên hưởng lợi khác như người sử dụng lao động, cha mẹ và chính phủ. Các tổ chức thành công thực hiện công việc để đảm bảo rằng từng người học thực hiện với tiềm năng cao nhất của họ. Mỗi hoạt động được thực hiện với tổ chức giáo dục đều mang lại cơ hội tạo ra nhiều giá trị hơn cho người học và các bên hưởng lợi khác;
          (2) Sự lãnh đạo về tầm nhìn: Sự lãnh đạo về tầm nhìn là việc lôi cuốn người học và các bên hưởng lợi khác cùng tham gia vào việc tạo lập, xây dựng và thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu của tổ chức;
          (3) Trách nhiệm xã hội: Tổ chức giáo dục chịu trách nhiệm về các tác động của các quyết định và hoạt động của mình tới xã hội, kinh tế và môi trường thông qua sự minh bạch và ứng xử đạo đức;
          (4) Khả năng tiếp cận và sự bình đẳng: Các tổ chức giáo dục cần đảm bảo rằng nhóm người rộng nhất có thể tiếp cận được các sản phẩm và dịch vụ giáo dục của mình, tùy thuộc vào các ràng buộc và nguồn lực của họ. Tổ chức cũng cần đảm bảo rằng tất cả người học có thể sử dụng và hưởng lợi từ các sản phẩm và dịch vụ đó một cách công bằng;
          (5) Ứng xử có đạo đức trong giáo dục: Khả năng của tổ chức trong việc tạo ra môi trường đạo đức chuyên nghiệp, trong đó tất cả các bên quan tâm đều được đối xử công bằng, tránh xung đột lợi ích và các hoạt động được thực hiện vì lợi ích xã hội. Để thành công bền vững, tổ chức cần xây dựng hình ảnh chính trực (trung thực và công bằng) trong đối xử với tất cả các bên quan tâm. Nhân viên của tổ chức cần giữ mình ở tiêu chuẩn nghề nghiệp cao nhất trong mọi ứng xử;
          (6) An toàn và bảo vệ dữ liệu: Tổ chức tạo lập môi trường trong đó tất cả các bên quan tâm có thể tương tác với tổ chức giáo dục với đầy đủ niềm tin rằng họ duy trì được kiểm soát đối với việc sử dụng dữ liệu về chính mình và tổ chức giáo dục sẽ xử lý dữ liệu của họ với sự thận trọng và bảo mật thích hợp. Tổ chức giáo dục có thể đưa ra các tuyên bố về chính sách dựa trên khuôn khổ văn hóa của tổ chức (tập hợp hoàn chỉnh về lòng tin và các giá trị hình thành nên hành vi ứng xử của tổ chức) và các nguyên tắc của hệ thống quản lý chất lượng.
          Tiếp đó, các tuyên bố về chính sách đưa ra khuôn khổ cho việc thiết lập các mục tiêu, những mục tiêu này được xem xét định kỳ để đảm bảo sứ mệnh của tổ chức giáo dục được thực hiện một cách hiệu lực và hiệu quả trên hành trình hướng tới việc đạt được tầm nhìn của tổ chức giáo dục.
    Để đưa hệ thống quản lý chất lượng ISO 21001: 2018 vào công tác quản trị trường đại học, định hướng các hoạt động đào tạo theo hướng tiếp cận đảm bảo chất lượng giáo dục đáp ứng các yêu cầu về phát triển của cơ sở giáo dục trong thời đại mới, một số giải pháp ưu tiên cần được thực hiện để triển khai dưới đây:
  • Giải pháp 1: Áp dụng tích hợp quy trình ISO 21001:2018 vào quản trị đại học để cải tiến và nâng cao chất lượng công tác quản lý và duy trì được thực hiện thông qua bản cam kết xây dựng và áp dụng quy trình ISO 21001: 2018 với toàn bộ hoạt động;
  • Giải pháp 2: Cải tiến quản trị đại học gắn với bảo đảm chất lượng từ bên trong (IQA), đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng các bên liên quan được thực hiện thông qua cam kết hoạt động vận hành mạng lưới IQA trong nhà trường;
  • Giải pháp 3: Cải tiến quản trị đại học gắn với xây dựng tầm nhìn, sứ mạng và văn hoá chất lượng của cơ sở giáo dục đại học;
  • Giải pháp 4: Cải tiến quản trị đại học gắn với hoạt động tăng cường tích hợp hệ thống ISO điện tử và chuyển đổi số trong giáo dục đại học;
  • Giải pháp 5: Quản trị đại học theo định hướng hội nhập khu vực và quốc tế để nâng cao thứ hạng của cơ sở giáo dục.
          Để tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai hệ thống quản lý chất lượng ISO 21001:2018, một hệ thống tài liệu cần được lưu hành trong nội bộ cơ sở giáo dục. Những tài liệu này nên được ban hành dưới dạng văn bản và được lưu trữ, kiểm soát theo hệ thống. Ngoài ra, cơ sở giáo dục cũng cần đánh giá kết quả hoạt động nhằm phát hiện kịp thời những sai phạm để tiến hành khắc phục. Chú trọng cải tiến liên tục để đạt được hiệu quả cao khi vân hành hệ thống tiêu chuẩn ISO 21001: 2018.
Việc áp dụng và tích hợp hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001:2018 vào quản trị đại học theo hướng hiện đại là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay, giúp thể hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao uy tín của tổ chức giáo dục thông qua việc cung cấp giáo dục có chất lượng toàn diện và công bằng, chuyên biệt hóa việc học tập đáp ứng cho tất cả người học, bao gồm cả những người có nhu cầu giáo dục đặc biệt, người học từ xa và cơ hội học tập suốt đời; việc áp dụng tiêu chuẩn cũng là cách thức chứng tỏ cam kết của tổ chức giáo dục với việc cải tiến liên tục chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của người học và các bên quan tâm có liên quan; thúc đẩy văn hóa cải tiến, khích lệ sự xuất sắc và đổi mới trong tổ chức giáo dục. 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Building an integrated management system ISO 9001: 2015 and ISO 21001: 2018 to ensure the quality of education, Ngo Van Nhon, Hanoi College of Industrial Economics, 2019, Hanoi, Vietnam
  2. Educational quality management in the Digital Era – Integrated ISO 9001:2015 & ISO 21001:2018, 16th ANQ Congress 2018, Almaty, Kazakhstan;
  3. IMS (ISO 9001:2015 and ISO 21001:2018) Internal Auditor Course, Ngo Van Nhon, Institute for Quality AssessmentDevelopment (IQAD), 2020, Ho Chi Minh city, Vietnam
  4. ISO 21001: A new management system standard for educational organizations (EOMS) – Studying and implementing, 17th ANQ Congress 2019, Bangkok, Thailand;
  5. Integrated QMS ISO 9001 and EOMS ISO 21001 to help educational
    institutions on their continuous improvement path - Best practices; Ngo Van Nhon; Institute for Quality Assessment Development (IQAD);
  6. MAAP Transition fr ansition from ISO 9001:2015 t om ISO 9001:2015 to ISO 21001:2018 the new o ISO 21001:2018 the new quality standard in education organization;
  7. Standardising Management Systems for Eduacational Organizations – implications of ISO 21001 for European Higher Education; Anthony F.Camilleri;
  8. Tài liệu hội thảo tập huấn 2018, Quản trị đại học hiệu quả đối với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, ĐHQGHN;
  9. Tài liệu TCVN ISO 21001:2019 (2019), ISO21001:2018 – Tổ chức giáo dục – hệ thống quản lý đối với tổ chức giáo dục – các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng. Xuất bản lần 1;
Nguyễn Văn Trung
Trung tâm Đảm bảo chất lượng
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 171 Tổng truy cập: 31.684.546