Giới thiệu chung

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là trường công lập theo định hướng ứng dụng, tiền thân là trường Đào tạo Bồi dưỡng Kỹ thuật Nghiệp vụ May mặc được thành lập theo Quyết định số 27/NT ngày 19/01/1967 của Bộ trưởng Bộ Nội thương. Trải qua nhiều lần đổi tên và nâng cấp, tại Quyết số 769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/6/2015 Trường được nâng cấp thành trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

 

Khuôn viên cơ sở 2 của trường

Trước những yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã đặt ra cho mình tầm nhìn, sứ mạng, giá trị cốt lõi và triết lý giáo dục.

Tầm nhìn: Đến năm 2045 trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng hàng đầu của Việt Nam, tiên phong trong lĩnh vực dệt may, phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Sứ mạng: Đào tạo nguồn nhân lực định hướng ứng dụng có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, chuyên nghiệp trong môi trường toàn cầu; có năng lực nghiên cứu, tổ chức sản xuất thử nghiệm và chuyển giao công nghệ phục vụ ngành công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực dệt may.
 
Giá trị cốt lõi: Chất lượng – Năng động – Đáp ứng nhu cầu xã hội.
 
Triết lý  giáo dục:

Phát triển trường học tư duy, người học chủ động
Vì thế hệ sinh viên chuyên nghiệp, sáng tạo và hội nhập.

Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật với 09 ngành trình độ đại học, 02 ngành trình độ cao đẳng, với quy mô khoảng 5000 sinh viên hệ chính quy, cụ thể:

Trình độ đại học:
+ Công nghệ may.
+ Công nghệ sợi, dệt.
+ Quản lý công nghiệp.
+ Marketing.
+ Công nghệ kỹ thuật cơ khí.
+ Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử.
+ Thiết kế thời trang.
+ Kế toán
+ Thương mại điện tử
 
- Trình độ cao đẳng:
+ Công nghệ may.
+ Sửa chữa thiết bị may.

- Bên cạnh đào tạo chính quy, Nhà trường thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng theo nhu cầu của doanh nghiệp như:

 

1. Giám đốc nhà máy thành viên
2. Cán bộ quản lý và triển khai đơn hàng may công nghiệp
3. Thiết kế thời trang kỹ  thuật số
4. In, nhuộm vải bằng phương pháp thủ công
5. Cán bộ IE
6. Kỹ năng mềm cho tổ trưởng tổ sản xuất
7. Quản lý tổ sản xuất ngành may
8. Quản lý chất lượng sản phẩm may
9. Kỹ thuật chuyền may
10. Kỹ thuật thiết kế dây chuyền  may công nghiệp
11. Phát triển mẫu đầm thời trang theo kỹ thuật draping


Trong những năm vừa qua đội ngũ giảng viên của Nhà trường được quan tâm và đầu tư thích đáng, điều đó đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò Nhà trường. Với đội ngũ giảng viên hiện tại là 266 người, trên  80% giảng viên có  trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Ngoài ra, 100% giảng viên của trường đã có kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp từ 3-5 năm. Đây là nhân tố quyết định đảm bảo sinh viên của trường được trang bị kỹ năng thực hành đúng với chuẩn của doanh nghiệp.

Trải qua nhiều thế hệ, với quy mô ngày càng phát triển, Nhà trường luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu. Hiện Nhà trường có 2 cơ sở giảng dạy: cơ sở 1 đặt tại xã Lệ Chi – Gia Lâm – Hà Nội, cơ sở 2 đặt tại xã Xuân Lâm – Thuận Thành – Bắc Ninh. Hai cơ sở cách nhau 700m dọc quốc lộ 17, nằm giữa khu vực kinh tế phát triển năng động nhất phía Bắc là: trục kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Hà Nội – Hưng Yên – Hải Dương; Hà Nội – Bắc Ninh - Bắc Giang.

Nhà trường có tổng diện tích 60.000m2, bao gồm các khu giảng đường với 88 phòng học các loại; trung tâm thông tin thư viện – 2.500m2; 42 phòng học thực hành may; 11 phòng học máy tính; 8 phòng học thiết kế thời trang và 1 sàn catwalk; 2 phòng đa phương tiện dành cho học tiếng Anh; 1 phòng studio dành cho e-learning; các xưởng thực hành cơ điện – 1.000m2, xưởng sản xuất dịch vụ – 5.000m2; khu ký túc xá khoảng 2.500-3000 HSSV; nhà thể chất đa năng – 800m2; 2 nhà ăn tập thể; khu giáo dục thể chất 5.000m2.

Nhà trường có Trung tâm Sản xuất dịch vụ với quy mô hơn 600 lao động, quan hệ với hơn 30 quốc gia/khu vực và trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật, Hàn quốc…Trung tâm đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ sản xuất và đào tạo. Đây là thế mạnh nổi trội trong công tác đào tạo của trường, giúp học sinh sinh viên được thực tập kỹ thuật, thực tập quản trị kỹ thuật, quản lý doanh nghiệp, ứng dụng mô hình công nghệ mới như LEAN, phương thức sản xuất ODM gắn liền với các nhu cầu của doanh nghiệp. Hàng năm hơn 3.000 lượt HSSV thực tập tại đây.
 

 
  Trung tâm Sản xuất dịch vụ với dây chuyền sản xuất hiện đại
 

Trong chặng đường phát triển hơn 50 năm qua, tập thể của CB, GV, CNV trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục phát huy các thế mạnh đưa Nhà trường ngày càng phát triển bền vững, kết quả đó được ghi nhận bằng những thành tích được khen thưởng:

– Tập thể Nhà trường vinh dự được trao tặng huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; và nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ Công Thương, Khối Doanh nghiệp trung ương và Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

– Công đoàn trường vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; nhiều năm được trao tặng Bằng khen của Chính phủ; Cờ thi đua và Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Dệt May Việt Nam.

– Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nhà trường nhiều năm là cơ sở đoàn xuất sắc, được tặng Bằng khen, Cờ thi đua của Đoàn khối doanh nghiệp Trung ương, Đoàn thanh niên Tập đoàn Dệt May Việt Nam.


– Nhiều giảng viên đã đạt giáo viên giỏi cấp thành phố, cấp toàn quốc; nhiều và học sinh, sinh viên đạt kết quả cao trong các hội thi học sinh giỏi cấp thành phố và hội thi tay nghề ASEAN…

Với thành tích đạt được, trong dịp khai giảng năm học 2014-2015, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và Công đoàn Nhà trường vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Nhiều tập thể và cá nhân xuất sắc được tặng Cờ thi đua Chính phủ, Bằng khen của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Công đoàn Dệt May Việt Nam.
 
 Trường Cao đẳng Công nghiệp – Dệt May Thời trang Hà Nội vinh dự đón nhận
Huân chương Độc lập hạng Nhì
 

Công đoàn Nhà trường đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì


Nhằm tiếp tục phát huy các thế mạnh hiện có, Nhà trường sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển Nhà trường đến năm 2020 và các năm tiếp theo như sau:

 - Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên đạt chuẩn theo quy định của Luật giáo dục đại học sửa đổi.

 - Mở rộng quy mô đào tạo, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo theo hướng đào tạo đa ngành và đào tạo theo nhu cầu của xã hội, tăng nguồn thu để tiến tới tự chủ hoàn toàn kể cả đầu tư.

 - Triển khai đồng bộ công tác đổi mới chương trình đào tạo ở các chương trình đào tạo theo hướng hiện đại hoá nội dung, tập trung vào mục tiêu chuyển hướng đào tạo từ cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sản xuất gia công xuất khẩu sang đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phương thức sản xuất ODM và các loại nhân lực cốt lõi giúp nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp.

 - Tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đầu tư nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học; phát triển công tác marketing, quan hệ công chúng để quảng bá hình ảnh của trường.

 - Tiếp tục duy trì ổn định mô hình nhà máy 600 lao động trực thuộc Nhà trường, thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật bản và  nội địa, tạo môi trường chuyên nghiệp để sinh viên của trường được thực hành, thực tập theo chuẩn của doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động để tạo nguồn thu cho trường; là cơ sở mẫu để trường triển khai dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ sản xuất tinh gọn cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, tr­ường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đang không ngừng lớn mạnh, hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu cho ngành dệt may Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho hội nhập quốc tế của toàn ngành dệt may trong tương lai.

 

 

Các bài viết khác

Ban giám hiệu
25/10/2023
2.065 lượt xem
Báo cáo 3 công khai
03/07/2024
647 lượt xem

Liên kết website