Giới thiệu ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ khí

Ngày đăng: 08:51 - 13/04/2020 Lượt xem: 3.222

1. Mức độ hấp dẫn của ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí

Cơ khí là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời ở nước ta. Ngành này đã phát triển khá toàn diện và là ngành công nghiệp “xương sống” của nền sản xuất xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Công nghiệp cơ khí Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Số lượng DN cơ khí tăng nhanh, từ khoảng 10.000 DN (năm 2010) lên hơn 25.000 DN năm 2019, chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế tạo, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động, chiếm 17% tổng số lao động trong ngành chế biến, chế tạo. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí của Việt Nam cả năm 2019 đạt trên 21 tỷ USD. Những kết quả trên đã phần nào góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến ngành cơ khí nói chung và ngành cơ khí về thiết bị dệt may nói riêng và đây là một thế mạnh nổi trội của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Trên thế giới, hiện có 90 triệu thiết bị may đang hoạt động và cần bảo trì bảo dưỡng với 35 triệu người sử dụng thiết bị may hằng ngày cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của kỹ sư bảo trì thiết bị may trong sản xuất và cuộc sống. Hằng năm ngành sản xuất thiết  bị may của thế giới bán ra 5 triệu thiết bị may mới với giá trị từ 99 USD/chiếc đến 25.000 USD/chiếc, thậm chí giá có thể lên tới 500.000 USD/chiếc tùy từng loại thiết bị. Theo ước tính thì mỗi thiết bị may ước tính cần bảo trì ít nhất một lần/năm và ngay tại Mỹ, tiền lương của kỹ sư làm bảo trì, sửa chữa thiết bị may là 50-100 USD/giờ (gấp từ 2-4 lần thu nhập bình quân của lao động Mỹ).

Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí của Trường Đại học công nghiệp Dệt May Hà Nội là một ngành truyền thống, được thành lập từ năm 1967 cùng với sự ra đời của Nhà trường. Qua hơn 53 năm xây dựng và phát triển, ngành đã tích hợp được cả hai thế mạnh nêu trên của lĩnh vực cơ khí và hiện đang là ngành học tiếp cận nhanh với CMCN 4.0 tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU).

2. Công nghệ kỹ thuật cơ khí là gì?

Công nghệ kỹ thuật cơ khí là ngành ứng dụng các nguyên lý vật lý để tạo ra các loại máy móc và thiết bị hoặc các vật dụng hữu ích, phục vụ cho công tác thiết kế, chế tạo, bảo trì trong các lĩnh vực như: Thiết bị ngành may, cơ khí chế tạo, ô tô, máy bay và các phương tiện giao thông khác, các hệ thống gia nhiệt và làm lạnh, đồ dùng gia đình, máy móc và thiết bị sản xuất, vũ khí,...

Sinh viên học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí tại HTU đi sâu vào hai chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ khí và Bảo trì thiết bị dệt may

3. Học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí tại HTU thì vị trí việc làm sau khi ra trường là gì?

*Với  Chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí

Sinh viên có thể đảm nhận các công việc và vị trí việc làm sau:

- Kỹ thuật viên thiết kế công nghệ gia công cơ khí; lập trình gia công trên máy CNC;

- Kỹ sư thiết kế chế tạo máy, tư vấn công nghệ cho các doanh nghiệp cơ khí.

- Kỹ thuật viên vận hành máy tiện, phay, hàn để gia công vật liệu.

- Kỹ thuật viên tham gia lắp đặt các thiết bị máy móc cơ khí cho các nhà máy, công trình;

- Kỹ thuật viên tham gia khai thác hệ thống sản xuất công nghiệp;

- Cán bộ phụ trách kỹ thuật của các cơ sở sản xuất hoặc văn phòng đại diện của các hãng sản xuất thiết bị cơ khí;

- Có thể làm việc tại các nhà máy 4.0 hiện đại bậc nhất trong ngành cơ khí;

- Có thể làm việc trên các máy gia công cơ khí chính xác hiện như máy phay CNC, tiện CNC.

- Có thể đảm nhiệm vị trí:

+ Giám đốc sản xuất trong nhà máy cơ khí;

+ Trưởng phòng quản lý chất lượng, trưởng phòng kỹ thuật tại các cơ sở sản xuất cơ khí lớn.

*Với Chuyên ngành Bảo trì thiết bị dệt may

Sinh viên có thể đảm nhận các công việc và vị trí việc làm sau:

- Kỹ sư bảo trì, sửa chữa, lắp ráp thiết bị may công nghiệp.

- Chuyên viên cải tiến kỹ thuật cơ điện, chế tạo cữ, gá tại các doanh nghiệp may công nghiệp;

- Chuyên viên, hoặc trưởng nhóm tư vấn về đầu tư trang thiết bị công nghệ trong ban quản lý dự án phát triển các cơ sở sản xuất hàng may mặc;

- Cán bộ làm việc trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ kỹ thuật về thiết bị may;

- Có thể đảm nhiệm các vị trí trưởng, phó phòng quản lý thiết bị.

- Có thể làm việc tại các nhà máy 4.0 hiện đại bậc nhất trong ngành may;

- Làm việc với các thiết bị điện tử, tự động hóa tiên tiến nhất ngành may.

4. Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí tại Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được học những gì?

SV được chọn 1 trong 2 chuyên ngành Bảo trì thiết bị dệt may và chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí

* Chuyên ngành Bảo trì thiết bị dệt may

Thứ nhất sinh viên được trang bị các kiến thức chuyên sâu về nguyên lý, cấu tạo, hoạt động của các thiết bị trong dây chuyển sản xuất  may công nghiệp như: máy 1 kim, máy 2 kim, máy đính cúc đinh bọ, thùa khuyết, trần đè, máy may nhiều kim mũi may móc xích kép... Được rèn luyện kỹ năng sửa chữa các cơ cấu chấp hành trong thiết bị may từ cơ bản đến phức tạp như thiết bị may điện tử, tự động. Ngoài ra sinh viên cũng được học về thiết kế, chế tạo các loại cữ gá công nghiệp trong Doanh nghiệp may.

Hình 1: Thực hành sửa chữa máy may một kim điện tử

Thứ hai sinh viên được trang bị các kiến thức về bảo trì năng suất toàn diện TPM từ đó để có thể quản lý lịch trình lịch xích bảo trì, bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị hiệu quả, nâng cao khả năng khai thác tối ưu các thiết bị trong dây chuyền may để gia tăng năng lực sản xuất.

Thứ ba sinh viên còn được tiếp cận với các thiết bị tiên tiến, các phần mềm quản lý thiết bị thông minh thông qua thực tập môn học, thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp tại chính Trung tâm sản xuất dịch vụ tại trường.

Hình  2: Thiết bị may lập trình tại Trung tâm sản xuất dịch vụ của HTU

* Chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ khí

Thứ nhất sinh viên được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản của ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí như: đọc, vẽ các bản vẽ kỹ thuật, các kiến thức về thiết kế và chế tạo, sử dụng các phầm mềm như AutoCAD, MasterCAM… sử dụng thành thạo các dụng cụ đo kiểm. để từ đó có thể thiết kế và chế tạo được các dạng chi tiết cơ khí.

 

Hình  3: Phần mềm CAD Trong đào tạo Công nghệ kỹ thuật cơ khí tại  HTU


Thứ hai sinh viên được trang bị kiến thức về đồ gá gia công điển hình cho các máy gia công cơ khí như: máy tiện, máy phay, máy bào; Thiết kế qui trình công nghệ gia công, chế tạo một số chi tiết máy điển hình thông qua phần mềm hỗ trợ CAD/CAM; lập trình, gia công trên máy CNC; quản lý công tác bảo dưỡng, duy tu máy công cụ, máy CNC.

Hình 4: Sinh viên thực hành trên máy tiện CNC

Hình 5: Sinh viên trong giờ thực hành Robot hàn

5. Cơ hội việc làm và mức thu nhập

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết năm 2019, chỉ có chưa đến 16% lao động trong ngành dệt may có trình độ từ trung cấp trở lên. Hiện nay ngành dệt may với tốc phát triển nhanh về quy mô, với khoảng 10.400 doanh nghiệp và xấp xỉ khoảng 3 triệu lao động công nghiệp. Theo ước tính, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư, cử nhân liên quan tới thiết kế, chế tạo, quản lý, khai thác, bảo trì máy móc trong nhà máy may là 60.000 nhân lực/năm. Đó là một thị trường công việc rộng mở, song sự thiếu hụt nguồn nhân lực ngành kỹ thuật trong lĩnh vực  này là rất lớn. Nhưng tại Việt Nam chỉ có HTU đào tạo chuyên ngành này ở trình  độ cao đẳng, đại học. Theo khảo sát sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí thì 100% sinh viên có việc làm sau 3 tháng. Sau một năm đi làm, thu nhập bình quân là 8-10 triệu đồng/tháng. Đây là một sự lựa chọn rất tốt cho các bạn trẻ hiện tại và tương lai.


Liên kết website