MÁI TRƯỜNG CỦA CHÚNG TÔI – HTU-KHOA TIN HỌC NGOẠI NGỮ

Ngày đăng: 04:30 - 27/12/2021 Lượt xem: 665
Cơ duyên khiến tôi bước chân vào ngôi nhà chung Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội không phải là ngẫu nhiên. Mỗi người đều có những bước ngoặt cuộc đời như một “khúc quanh định mệnh”. Một cô giáo vùng cao ngơ ngác “xuống núi” về thủ đô, thay đổi hoàn toàn môi trường từ ngành Y chuyển sang ngành Dệt May với bao lo lắng và rối bời. Với tuổi U50 không còn trẻ nữa, nhưng không hẳn là quá già, bao câu hỏi đặt ra “Liệu mình có theo kịp với trình độ đội ngũ giảng viên ở đây không? Liệu mình có đủ sức khỏe để chịu đựng áp lực và đáp ứng được yêu cầu công việc không? …” khiến cho tôi thật sự đau đầu suy nghĩ. Nhưng với nhiệt huyết luôn ấm nóng trong trái tim của một nhà giáo, tôi đã dần vượt qua mọi thử thách ban đầu, bắt kịp được với công việc hiện tại.
 
(Ảnh: Toàn cảnh Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội)
 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:
“Một năm khởi đầu là mùa xuân.
Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ.
Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”
Điều này thật đúng với tôi, việc thay đổi môi trường sống và làm việc giống như tôi được sống trong một “mùa xuân mới”, được mặc một tấm áo mới và được “thả ra biển lớn” để ngắm nhìn một thế giới mới mẻ đang diễn ra trước mắt. Có thể đó là sự may mắn mà không phải ai cũng có được!
  
                   (Ảnh: Tập thể giảng viên khoa Tin học - Ngoại ngữ)
 Một năm đã trôi qua, nhưng trong tôi vẫn luôn hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước sức làm việc bền bỉ của các đồng nghiệp quanh tôi, các công đoàn viên khoa Tin học- Ngoại ngữ. Họ như những “cánh chim không mỏi” miệt mài bên những trang giáo án, sôi nổi và tích cực trong nhửng buổi thảo luận chuyên môn, trăn trở suy tư trước những bài làm của sinh viên với mong mỏi truyền đạt cho các em những kiến thức Tiếng Anh từ cơ bản nhất đến những bài tiếng Anh chuyên ngành May, chuyên ngành Quản lý Công nghiệp, Sợi dệt và Tiếng Anh chuyên ngành Marketing thời trang, đảm bảo “chất đại học”, giúp các em khi ra trường được trang bị đầy đủ kiến thức, tìm được công việc như mong muốn và phát huy được năng lực bản thân.
 
Không chỉ được quan tâm về lĩnh vực chuyên môn, các công đoàn viên trong tổ công đoàn bộ phận luôn được quan tâm về các chế độ, quyền lợi, sức khỏe và được giải đáp mọi thắc mắc kịp thời. Bản thân tôi khi mới được nhận vào làm việc đã vô cùng phấn khởi trước sự quan tâm và tốc độ giải quyết các chế độ chính sách rất nhanh chóng của các bộ phận có trách nhiệm. Một “guồng máy” làm việc hết sức trôi chảy, nhịp nhàng, kết hợp ăn ý tạo nên hiệu quả công việc cao. Ở đây, tôi muốn nói đến sức mạnh tập thể luôn tiềm tàng trong mỗi cá nhân, chỉ cần có cơ hội là mỗi cá nhân luôn tỏa sáng để hun đúc nên tinh thần tập thể như lời Hồ Chủ Tịch đã răn dạy: “Tiền đồ cá nhân nằm trong tiền đồ tập thể.” Bởi vậy, với sự giúp đỡ chân thành của đồng nghiệp trong khoa, tổ bộ môn và sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường, ngoài việc tự tu dưỡng, bản thân tôi luôn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn mà nhà trường tổ chức và giới thiệu nhằm cống hiến một phần trí lực của mình vào sự nghiệp phát triển chung của nhà trường.
Mỗi ngày tới giảng đường là một ngày luôn tạo cho tôi sự hứng khởi và niềm tin yêu vào thế hệ tương lai khi chứng kiến sự say mê trong việc sáng tác và thiết kế sản phầm của sinh viên “trường May” (như cách mọi người gọi tên trường một cách thân mật). Các em không nghỉ trưa, ngồi bệt trên sàn nhà tòa C4, xung quanh la liệt giấy vẽ, bút màu, vải vóc và ma-nơ-canh. Thật tuyệt vời và tự hào khi được ngắm nghía những sản phẩm của chính những sinh viên của mình, trong tôi trào dâng những rung cảm mãnh liệt và ngạc nhiên vô cùng trước tài năng và sự sáng tạo không ngừng của các em.
(Ảnh: Sáng tác "Tôn vinh Nghệ thuật thủ công truyền thống" !
 Người thực hiện: SV Dương Trung Hiếu - Lớp ĐHTT – K3)
 Với cảm xúc của một giảng viên mới, một công đoàn viên mới của tập thể Công đoàn Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, nhưng tuổi nghề trong môi trường giáo dục khá nhiều trải nghiệm, cảm xúc của tôi vẫn luôn tươi mới với mái trường mang màu xanh hy vọng “Dệt lên những ước mơ”. Mỗi ngày cánh cổng ngôi trường ấy luôn chào đón các thế hệ giảng viên và sinh viên với hình ảnh bầy chim bồ câu an nhiên chào nắng sớm, với khát khao bỏng cháy chinh phục ngành Dệt May Việt Nam, vươn cao tầm thế giới. Cảm xúc không thể diễn tả qua đôi ba câu chữ, nhưng dù sao tôi cũng có đôi điều muốn nhắn nhủ tới các sinh viên yêu dấu của chúng ta trong giai đoạn cả nước đang gồng mình chống đại dịch Covid 19:
 
(Ảnh: Những bóng chim câu an nhiên tại sân trường HTU)
 
 
ĐIỀU CÔ MUỐN NÓI

Có đôi điều muốn nhắn nhủ cùng em
Về những khát khao tháng ngày trên bục giảng
Kiến thức chắt chiu, miệt mài không nản
Chỉ lối em đi, tương lai đến thật gần

Thành công không đến nếu em thiếu chuyên cần
Dễ nản chí, hay bỏ bê bài vở
Đời bao la cánh cửa kia rộng mở
Không dành cho kẻ lạc lối vô tình

Có đôi khi cô cáu gắt, bực mình
Giấc ngủ không tròn vì trò chưa tiến bộ
Cô ước ao những bông hoa nở rộ
Đỏ thắm tình yêu trang vở ngọt ngào

Em có nhớ quê hương gió Lào
Miền cát trắng mẹ dầm mưa, dãi nắng?
Em có nhớ sớm chiều cha gồng gánh
Tiếp bước cùng em rộn rã tới trường?

Cô trò ta sẽ vững bước con đường
Dệt May – Thời trang, ngày đêm khám phá
Bụi phấn mòn tay, bạc tóc cô vương má
Thanh xuân cùng em - Điện tử chuyên ngành ...

Nhắn nhủ tặng em, lời cô có tỏ tường?
Cha mẹ là người thầy đầu tiên, thầy cô cũng là cha mẹ đấy
Đều yêu thương em, tình yêu nhiều biết mấy
Không đếm đong, toan tính ở trên đời

Nhớ nghe em, đừng quên lời cô thầy
Tuổi trẻ ắt có buồn, vui, thành, bại
Hãy cứ sang sông, cứ đi và nhẫn nại
Đại học Dệt may cần em - Sức trẻ kiên cường…!
 
-----------
Hà Nội, tháng 10 năm 2021
Tác giả: Hà Kiều Trang
Khoa Tin học – Ngoại ngữ
Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.

Liên kết website