HTU – NƠI DỆT NÊN NHỮNG ƯỚC MƠ

Ngày đăng: 07:57 - 03/10/2019 Lượt xem: 769

HTU – Một ngôi trường bề dày truyền thống

Một sự may mắn khi tôi có công việc ngay lúc ra trường, tôi là một thành viên mới của đại gia đình Trường Đại Học Công Nghiệp Dệt may Hà Nội (HTU). Tôi tốt ngành chuyên ngành Cơ khí, được trở thành giảng viên trẻ tuổi nhất của Khoa cơ điện, được đứng trên bục giảng mang đến niềm say mê tìm hiểu về khoa học cho các em sinh viên.

Mới đó đã hơn 10 năm công tác tại trường – quãng thời gian đủ dài để tôi –cảm nhận được sự trưởng thành qua công việc hiện tại và sự gắn bó giữa những thành viên trong ngôi nhà mang tên HTU

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Nhà tôi gần ngôi trường HTU, khi còn bé tôi đã ước mở trở thành một người giảng viên giống như những người thày hàng ngày vẫn lên các giảng đường say sưa truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên mà tôi nhìn thấy vào mỗi buổi sáng hàng ngày. Ngày xưa tôi cố gắng để hiện thực giấc mơ theo cách của riêng mình, tôi chăm chỉ học hành để vào được trường đại học mình yêu thích để rồi khi ra trường sẽ về lại ngôi trường HTU này để cống hiến và viết tiếp những ước mơ của mình lên những trang sách, những công trình nghiên cứu và những đề tài của mình cũng như của các bạn sinh viên.

Đến nay, tôi may mắn được trở thành một giảng viên của ngôi nhà HTU như một cơ duyên hiếm có. Tôi tự hào đi nói với bạn bè hay những người hay hỏi tôi về nơi đang làm. HTU là trường công lập đào tạo nhân lực cho ngành Dệt May. Với 52 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt may Việt Nam, được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao.

Niềm tự hào khi là một trong những người mang sứ mệnh, hiểu rõ và truyền tải thông điệp của HTU về đào tạo nguồn nhân lực “Chất lượng, nâng động, hội nhập, đáp ứng nhu cầu xã hội”.

Với tôi, mỗi ngày đi làm là một ngày để được học tập và trau dồi, truyền tải kiến thức, học làm người và làm những điều tử tế.

HTU – Nơi cho tôi lập nghiệp

Khi mới ra trường, tôi biết cái mình có là sự nhiệt huyết và năng lượng của tuổi trẻ, nhưng cái tôi thiếu chính là cách ứng xử với công việc thực tế và tác phong của người giảng viên cũng như phương pháp nghiên cứu khoa học. Vì văn hóa trường đại học khác với văn hóa của những cơ quan đơn vị khác tôi chắc là như vậy, nên tôi phải  tập thích ứng ngay từ đầu. Điều quan trọng là thích ứng để thấy nơi đây là nhà chứ không biến mình thành chú tắc kè luôn đổi màu và đổi chỗ. Tôi bắt đầu dần quen với những “từ mới” như “trường”, “giảng đường”, “giáo án, bài giảng”, “sinh viên”, “giảng viên”, “mail ngoài, mail trong”. Quen với những công việc hằng ngày mình phải làm.

Những giờ lên lớp

Tôi nhận ra những kiến thức mình học được trên giảng đường đại học để áp dụng trên thực tế có một khoảng cách khá xa. Ở đó, người ta dạy cho mình cách tư duy chứ không thể nào bảo áp dụng những điều đó thì bạn sẽ thành công. Tôi học được đâu đó câu nói “Nếu bạn muốn biến những ước mơ của mình thành hiện thực, điều đầu tiên mà bạn cần phải làm là thức dậy”. Tôi còn nhận được đâu đó lời khuyên “mọi thứ tiêu cực, áp lực, thử thách đều là cơ hội để tôi vươn lên”, để tạo cho mình động lực rèn luyện kiến thức và kỹ năng nhiều hơn nữa thì mới có thể biến những điều học được ứng dụng tốt trên thực tế công việc.

Dù ở vị trí, công việc nào thì mỗi người đều giữ một mắt xích quan trọng để cùng nhau hoàn thành mục tiêu chung một cách tốt nhất. Tôi tự nhắc bản thân mình làm việc ở ngôi trường này mới chính trường học dạy con người ta những kiến thức thực tế nhất – cảm ơn HTU ngôi trường dạy cho tôi những điều tôi chưa được biết.

HTU – Nơi dạy tôi làm người tử tế

Tôi nhớ lại ngày đó, đã gọi điện báo với mẹ: Con nay đã được làm giảng viên của ngôi trường mà tôi mơ ước. Mẹ dặn tôi mà bản thân nhớ mãi “Người ta hạnh phúc là khi không phải có đủ đầy vật chất mà là được người khác yêu thương và giúp đỡ để mình trưởng thành hơn. Phải học ăn, học nói, học gói, học mở để làm người. Hãy mang những kiến thức của mình chia sẻ với mọi người, với các em sinh viên để đóng góp phần nhỏ của mình vào phát triển xã hội nghe con”. Mẹ mừng vì tôi có công việc mới, tôi thấu và cảm  được điều ấy qua giọng nói của mẹ. Một phần vì tôi là con trai của mẹ một phần vì mẹ biết tôi có thể đứng trên đôi chân của mình và mẹ tin vào sự lựa chọn của tôi là đúng.

Với nhiều năm đứng trên bục giảng, nơi đây dạy cho tôi cách đối nhân xử thế với những đồng nghiệp của mình, dạy tôi cách phối hợp trong công việc, giúp tôi giải quyết chuyên môn khó, hoàn thiện bản thân tôi khi giảng dạy và giao tiếp với sinh viên, cho tôi tự hào về một nghề cao quý.

Tôi biết bản thân mình còn thiếu sót, kỹ năng sống và tuổi đời chưa đủ chín chắn, tuổi trẻ thì bao giờ cũng nóng vội và bồng bột dễ mắc sai lầm nên đôi khi tôi làm người khác chưa hài lòng trong công việc lẫn những va chạm hằng ngày. Và trong bài viết này, cho phép tôi xin được nói lời cảm ơn  những anh chị bạn bè đồng nghiệp luôn chỉ bảo và giúp tôi có thể trưởng thành hơn.

Thăm hỏi động viên các bạn sinh viên ở KTX nhân dịp về nghỉ tết nguyên đán năm 2019

Ước mơ lớn nhất của con người là cảm nhận và tìm được ý nghĩa, hạnh phúc trong cuộc sống. Trong những điều đơn giản như thế, hạnh phúc đối với tôi chỉ là đôi khi được cùng những người đồng nghiệp của mình tham gia nghiên cứu khoa học, những buổi đồng hành cùng sinh viên trong chương trình mùa hè xanh, hay cùng nhau chung tay dọn dẹp vệ sinh vì môi trường, những buổi thày và trò cùng nhau tham gia câu lạc sở thích, hay đơn giản hơn ngồi ở quán cóc ăn uống nước dưới trời mưa la cà sau giờ làm việc, rồi cùng nhau đi ném những quả xoài còn xanh ngắt trên cây trong sân trường.

Chợt thấy mình thiếu sót vì bỏ quên nụ cười thật tươi của đồng nghiệp đằng sau những lúc bận bịu. Mà biết đâu trong nụ cười ấy có chút hồi tưởng về những người đồng nghiệp cũng là người như tôi.

Yêu những người đồng nghiệp, những thế hệ sinh viên vì đã cùng tôi mang đến những kỷ niệm gắn bó ở mái trường HTU thân thương này.

HTU – Nơi gắn kết yêu thương

Mọi sự gặp gỡ đều do “duyên”

Tôi tin là như vậy!

Tôi và HTU cũng bắt đầu thay đổi như thế, nhớ ngày đầu mọi thứ đều xa lạ và bỡ ngỡ, phải tập cách nhớ tên từng anh chị trong khoa, trường. Phải làm quen với những giảng đường, những bậc cầu thang, những phòng nghiên cứu, những góc học tập và không gian làm việc, những cô cậu học trò đáng yêu, tinh nghịch mà hôm nay, mọi thứ đã trở nên quá đỗi thân thuộc đến nỗi mỗi sáng thức giấc nếu không đến trường, bản thân sẽ cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Mà người ta hay gọi đó là thói quen.

Duyên bởi ở đó tôi gặp được những người anh, người chị, bạn bè, những em sinh viên những người mà chính họ là những người mang lại cho tôi nhiều cảm xúc và bài học quý giá nhất.

52 năm – một chặng đường phát triển của HTU. Để có được chặng đường dài ấy, đó là cả một quá trình hun đúc bằng tình cảm, bằng tâm huyết của một đội ngũ lãnh đạo, các thế hệ nhà giáo đã cống hiến trước đó. Chúng ta quý trọng những tình cảm tốt đẹp và cảm động mà các đồng nghiệp trong trường đã dành cho nhau. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, những tình cảm đó sẽ tiếp tục được vun đắp và mãi mãi là niềm tự hào của những thành viên trong đại gia đình HTU

Toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường

Với góc nhìn của một người trẻ của đại gia đình HTU, tôi cảm thấy đó là sự may mắn và tự hào để cùng góp sức nhỏ bé của mình mang đến hình ảnh của một HTU phát triển, chuyên nghiệp, trách nhiệm đến với xã hội.

Khép lại bài viết, tôi tin rằng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội ngày càng phát triển và luôn mang đến những giá trị cốt lõi tốt đẹp cho cộng đồng và xã hộị, các bạn trẻ đã, đang, và sẽ gửi gắm tương lai của mình vào HTU sẽ hiện thực hóa được những ước mơ của mình như tôi.

 

Nguyễn Quang Thắng – Bí Thư Đoàn Thanh Niên.

 


Liên kết website