Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THÔNG TIN THƯ VIỆN

GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI THỜI KỲ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Ngày đăng: 08:17 - 09/09/2020 Lượt xem: 1.333
Tác giả: Lê Thị Huyền Liên, Ngô Thị Thu Giang
1. Mở đầu
Theo các nhà khoa học dự báo, CMCN 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Theo đó, một trong những yếu tố cốt lõi của CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence, viết tắt là: AI), Vạn vật kết nối (Internet of Things, viết tắt là: IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trước yêu cầu của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và sự tác động của CMCN 4.0 đòi hỏi hệ thống thư viện phải xác định được những biện pháp thích hợp để tồn tại và phát triển. CMCN 4.0 đã, đang và sẽ tạo cho thư viện một số cơ hội mới và không ít các thách thức, khó khăn sau.

2. Cơ hội và thách thức đối với thư viện
2.1.Cơ hội đối với thư viện
          - Vị thế và vai trò của thư viện sẽ có sự gia tăng với sự ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông. Trong những năm qua, với sự phát triển của công nghệ, các thư viện đã có thêm chức năng mở rộng vượt ra ngoài việc thu thập, lưu trữ và phổ biến thông tin đơn thuần và trở thành nơi cung cấp các nguồn tin, nơi dữ liệu, kiến thức được tạo ra và chia sẻ. Thư viện đã và đang mang đến cho người đọc những cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở. Tài nguyên thông tin mà thư viện xây dựng, phát triển, tạo ra cho bạn đọc tiếp cận vượt ra ngoài phạm vi của các bức tường thư viện. Cùng với việc xây dựng bộ sưu tập các tài liệu in, tài liệu đa phương tiện nhiều thư viện đã chủ động thu thập dữ liệu/tài liệu số; xây dựng các chính sách để truy cập, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu; tiến hành xử lý, lưu trữ và bảo tồn, quản lý dữ liệu; truyền thông, tổ chức cho mọi người/đối tượng bạn đọc sử dụng. 

- Thư viện có thêm cơ hội để phát triển bộ sưu tập số. Môi trường số được kết nối mạng đã xúc tác để tạo ra nhiều cơ hội cho các thư viện có thể khai thác các tài nguyên thông tin hữu ích cho bạn đọc của mình. Tài liệu mở và truy cập mở đã được phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Với việc sử dụng các nguồn tài liệu mở, tài liệu số của các tổ chức, cá nhân để làm giàu thêm bộ sưu tập của mình, tạo các liên kết để dẫn dắt bạn đọc đến các trang thông tin điện tử để họ có thể tìm thêm các thông tin cần thiết. Nhiều báo, tạp chí ở định dạng in đã và sẽ xuất bản ấn bản điện tử của chúng. Tại một số nước, các báo, tạp chí truy cập mở là dạng tạp chí điện tử sẵn sàng trong môi trường trực tuyến qua Internet, không có bất kỳ rào cản truy cập nào, như phí đăng ký thuê bao hàng năm. Điều đó giúp cho các thư viện có thể lựa chọn, tập hợp và tạo chỉ dẫn giúp bạn đọc có thêm cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức.

- Thư viện có thể thực hiện việc truyền thông, cung cấp dịch vụ và sự truy cập tài liệu cho bạn đọc mọi nơi mọi lúc không bị giới hạn về không gian và thời gian. Với việc xử lý, biên mục, tạo ra các siêu dữ liệu (meta data) các thư viện có thể chia sẻ và tạo điều kiện cho bạn đọc và các thư viện khác có thể sử dụng lại các dữ liệu. Bản chất tự nhiên không biên giới và xuyên biên giới của Internet đã giúp các thư viện có thể đẩy đi xa hơn truy cập toàn cầu tới các tài nguyên tri thức và các cơ sở dữ liệu khắp trên thế giới với khung thời gian 24/7. Mặt khác, với khả năng “mang thế giới ảo (mạng) và thế giới thực (máy móc) xích lại gần nhau” [2], CMCN 4.0 giúp cho thư viện cung cấp dịch vụ trực tuyến với nhiều tiện ích: từ đăng ký thẻ, thực hiện tra cứu, nhận tư vấn, đọc và sử dụng thông tin, tài liệu…

- Thư viện có thể phát triển số lượng bạn đọc trực tuyến, và tham gia vào việc cung cấp các khóa e-learning không bị giới hạn về địa điểm sinh sống/học tập.

- Thư viện có thể hỗ trợ cho bạn đọc, bao gồm cả người khuyết tật học tập suốt đời từ xa…Đặc biệt, các thư viện ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận và sử dụng các công nghệ hiện đại để thay đổi phương thức hoạt động của mình phục vụ cho người sử dụng hiệu quả.

2.2.Thách thức và khó khăn
Bên cạnh những cơ hội kể trên, CMCN 4.0 cũng đặt ra cho thư viện nhiều thách thức phải đối mặt. 
- Nếu không đổi mới phương thức hoạt động, các thư viện sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách so với cộng đồng thư viện thế giới. Trước khi có CMCN 4.0, nguy cơ này đã đặt ra với ngành thư viện, đặc biệt là thư viện ở Việt Nam khi phải đối mặt với thực tế là tốc độ đổi mới của khoa học công nghệ rất nhanh. Khi CMCN 4.0 xuất hiện, tốc độ thay đổi của công nghệ sẽ còn cao hơn. Với thực tế đó, các thư viện không thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ và phương thức hoạt động thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vắng bạn đọc và không thể hoàn thành sứ mệnh của mình là cung cấp thông tin và tri thức một cách có hiệu quả.

- Nếu không xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú, đặc biệt là xây dựng bộ sưu tập số với một hệ thống các cơ sở dữ liệu cùng với các siêu dữ liệu (metadata) có khả năng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, thư viện sẽ mất vị thế của mình với vai trò là nơi cung cấp thông tin và tri thức. Không ít người đã cảnh báo: Trong CMCN 4.0, dữ liệu là thứ quan trọng số 1, không có dữ liệu, những thứ mà người ta vẽ ra về CMCN 4.0 chỉ là trên lý thuyết và mãi sẽ không bao giờ thành hiện thực.

- CMCN 4.0 sẽ đặt ra thêm các thách thức về an toàn thông tin, về bảo mật đã và sẽ đặt ra, nhất là khi dữ liệu sẽ có ở khắp mọi nơi. Cần thực hiện như thế nào để dữ liệu được trao đổi một cách an toàn giữa các hệ thống là một vấn đề đặt ra.

- Bên cạnh đó, đảm bảo chất lượng và sự trong sạch của dữ liệu cũng là một thách thức. 

- Môi trường thư viện hiện đại đòi hỏi nhân viên thư viện phải có thêm nhiều phẩm chất, trình độ và kỹ năng mới ngoài các nghiệp vụ thư viện thông thường. Ngoài ra, nhận thức về thư viện và vai trò của nó tại Việt Nam còn có nhiều bất cập. Đây vừa là thách thức vừa là khó khăn. 

Thực tế cho thấy: không ít thư viện còn chưa hiểu đúng về CMCN 4.0 và xem nhẹ vai trò của thư viện. Sự không hiểu đúng về CMCN 4.0 và vai trò của thư viện đã khiến một số người quan niệm rằng thư viện chỉ tồn tại dưới dạng thư viện số và không cần những tài liệu in truyền thống nữa. Một số khác đặt ra yêu cầu thư viện chỉ cần tìm các tài liệu số có trên mạng để tạo bộ sưu tập cho thư viện, để bạn đọc truy cập từ xa, không cần tổ chức không gian đọc cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, nhận thức và khả năng thông tin của người đọc, người sử dụng cũng còn nhiều hạn chế. Không ít người còn thờ ơ với việc đọc và việc tích lũy tri thức. Tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng còn thấp so với các nước trong khu vực và các nước phát triển trên thế giới. Ở Hoa Kỳ số lượng người dân sử dụng thư viện công cộng chiếm 30,6%, mỗi năm tăng khoảng 4%. Trong danh mục 30 nước được Tổ chức NOP World Culture Score xếp hạng đọc nhiều trên thế giới, không có Việt Nam…

Thêm vào đó, điều kiện để các thư viện phát huy khả năng cung cấp thông tin và tri thức còn một số hạn chế. Khó khăn lớn nhất là ở Việt Nam hiện nay là chưa xây dựng được chính sách truy cập mở và hình thành các nguồn tài liệu mở ở phổ rộng; vốn tài liệu số và sự chia sẻ các dữ liệu số giữa các thư viện còn hạn chế.

3. Thực trạng thư viện trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Với tổng diện tích 1000m2 cả 2 khu A và B, cùng với hệ thống các phòng chức năng đa dạng, được bố trí theo hướng mở, thuận tiện cho bạn đọc. Các phòng  đọc trong thư viện điện tử đều được lắp điều hòa nhiệt độ để tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên và sinh viên có môi trường học tập và nghiên cứu tại thư viện.

Thư viện được trang bị nhiều loại sách, giáo trình, tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài cho hầu hết các đối tượng bạn đọc, với trên 24.000 tài liệu giấy và 26.000 đầu tài liệu số. Số lượng sách và tài liệu tham khảo của thư viện đảm bảo đủ theo danh mục các học phần được xác định trong chương trình đào tạo, nhà trường đang thực hiện ở mức 1 học phần có ít nhất 1 giáo trình và 3 tài liệu tham khảo.

Hàng năm nhà trường dành nguồn kinh phí từ 100- 200 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bổ sung các nguồn tài liệu như: tài liệu nội sinh, luận văn, luận án, giáo trình, tài liệu tham khảo…Các tài liệu trong thư viện hết sức đa dạng, từ tài liệu bằng tiếng Việt đến các tài liệu bằng tiếng tiếng Anh.

Thư viện ở cả 02 cơ sở đào tạo đều đã trang bị hệ thống wifi miễn phí phục vụ bạn đọc với hơn 200 máy tính cấu hình mạnh được nối mạng LAN, mạng Internet đường truyền tốc độ cao, được kết nối với các thư viện thuộc hệ thống Liên hiệp Thư viện các trường Đại học khu vực phía Bắc, hệ thống Thư viện quốc gia, các trường đại học trong cả nước... nhằm tăng cường trao đổi, học hỏi nghiệp vụ và tăng nguồn tư liệu.

Đội ngũ chuyên viên tại thư viện bao gồm nhiều cán bộ được đào tạo có hệ thống về các nghiệp vụ quản lý thư viện, kỹ năng sử  dụng thiết bị công nghệ thông tin để hỗ trợ người dùng, kỹ năng sử dụng tiếng Anh để cập nhật sách cũng như hướng dẫn người đọc khai thác sách chuyên khảo.

4. Giải pháp đổi mới hoạt động của Thư viện trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trong thời gian tới
Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay và để đưa ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển tự động hóa trong thư viện thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 thư viện xây dựng chiến lược phát triển, tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin. Đây là yếu tố rất quan trọng trong sự phát triển của Thư viện thời đại công nghiệp 4.0 nhằm tăng cường khả năng trao đổi, hợp tác quản lý và khai thác sử dụng thông tin trong môi trường mạng, thực hiện sự phối hợp, chia sẻ nguồn lực thông tin. Hệ thống công nghệ thông tin cho Thư viện điện tử cần có: Phần mềm hệ thống, hệ điều hành và hệ quản trị cơ sở dữ liệu, phần mềm xuất bản điện tử,...

Thứ 2Xây dựng thành công Thư viện số phù hợp với yêu cầu quản lý, đào tạo của Nhà trường. Cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng trong thư viện phải tương thích, phù hợp với hệ thống. Có Thư viện số hoạt động tốt thì mới cập nhật được sự thay đổi nội dung tài liệu kịp thời, mới tổ chức đưa tin đến cho người dùng ở mọi nơi, mọi lúc theo nhu cầu học tập từ xa.

Thứ 3: Cải thiện không gian, môi trường học tập, nghiên cứu khoa học, để bạn đọc cảm thấy thư viện là nơi hấp dẫn, hữu ích cho việc học tập, tìm kiếm thông tin, khai thác tri thức, tạo hứng khởi, truyền cảm hứng học tập và sáng tạo.

Thứ 4: Xây dựng nguồn tài liệu phong phú, đa dạng: kết hợp hài hòa giữa tài liệu in và tài liệu số để đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Đẩy mạnh việc chuyển dịch từ nguồn tài liệu in sang dạng tài liệu số nhằm phát huy tối đa giá trị của tài liệu, giúp bạn đọc có thể truy cập, sử dụng tài liệu ở mọi nơi, mọi lúc.

Thứ 5:  Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là nhu cầu tất yếu khi cuộc cách mạng 4.0 tác động vào hoạt động thư viện. Vì vậy, cần xây dựng chương trình bồi dưỡng và đào tạo công nghệ thông tin cho cán bộ thư viện với mục đích trang bị kiến thức thông tin cơ bản: mạng máy tính và Internet, xây dựng các thông tin điện tử, nâng cao năng lực ngoại ngữ, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Người cán bộ thư viện phải thực sự nỗ lực để trở thành những trợ giảng đắc lực cho giảng viên và là người định hướng cho sinh viên trong việc tra cứu, khai thác và sử dụng thông tin, nhằm thực hiện mục tiêu cần đạt tới, đó là từ chỗ chỉ cung cấp thông tin một cách thụ động cho người dùng tin, chuyển sang việc bảo đảm cung cấp thông tin một cách chủ động đến người dùng tin.

Thứ 6: Đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc, đây là yêu cầu tất yếu của cuộc cách mạng 4.0 với các hình thức: Đặt chỗ đọc tự động, mượn trả sách tự động, bạn đọc tự chọn sách và quét thẻ thư viện, cán bộ thư viện chỉ cần giám sát, theo dõi… đọc đa phương tiện giúp bạn đọc có thể tiếp cận với thông tin, tri thức tiện lợi hơn.

Thứ 7: Mở rộng hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế về lĩnh vực khoa học thư viện, tham gia các hoạt động về nghiệp vụ với hệ thống thư viện trong nước giúp thư viện nhà trường nắm bắt nhanh hơn các xu hướng phát triển đồng thời tăng cường mối liên kết, chia sẻ, hỗ trợ nguồn tài liệu giữa các thư viện với nhau.

Cuộc cách mạng 4.0 đang gõ cửa vào mọi quốc gia, mọi ngành nghề, trong đó có hoạt động thư viện. Trung tâm thông tin Thư viện trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đang không ngừng đổi mới về công nghệ cũng như phương thức phục vụ để đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo trong thời đại mới, phù hợp với xu thế hội nhập. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. http://lib.tlu.edu.vn/tin-tuc-noi-bat/thu-vien-trong-cach-mang-cong-nghiep-4-0-13157
2.https://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/cach-mang-cong-nghiep-4.0-va-thach-thuc-doi-voi-thu-vien-viet-nam.html
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 227 Tổng truy cập: 31.813.672