Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THÔNG TIN THƯ VIỆN

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tự học như thế nào cho hiệu quả.

Ngày đăng: 01:46 - 18/03/2019 Lượt xem: 1.228
Tự học có vai trò rất quan trọng trong chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ. Nhưng không phải sinh viên nào cũng nhận thức đúng về vai trò của tự học và có phương pháp tự học hiệu quả. Sau đây là một vài gợi ý để các bạn sinh viên tham khảo, bổ sung thêm cho mình những phương pháp tự học nhằm nâng cao kết quả học tập của bản thân:
 
Lập kế hoạch và quản lý thực hiện kế hoạch học tập
Các bạn nên chủ động lập kế hoạch học tập cho năm học mới ngay khi kết thúc năm học cũ, sau đó lập kế hoạch cho học kỳ I dựa trên kế hoạch của năm học mới. Từ kế hoạch cho học kỳ, lập kế hoạch cho từng tuần. Trong kế hoạch học tập từng tuần, nên vạch rõ, chi tiết và cụ thể kế hoạc hàng ngày, sắp xếp lịch học phù hợp với bản thân. Việc lập kế hoạch cho học kỳ II được chi tiết thêm sau khi kết thúc học kỳ I. Khi lập kế hoạch học kì, SV tuân thủ theo những quy tắc và yêu cầu sau:
+ Liệt kê nhiệm vụ học tập cần thực hiện của từng môn học trong ngày, trong tuần; 
+ Tính toán và sử dụng các điều kiện thời gian, không gian, phương tiện học tập thực hiện các nhiệm vụ học tập; 
+ Linh hoạt với những thay đổi của kế hoạch; 
+ Nghiêm khắc với bản thân, quyết tâm thực hiện theo kế hoạch đề ra
+ Cân đối thời gian tự học với lượng kiến thức của môn học, sắp xếp xen kẽ các môn học khác nhau, sử dụng phương pháp tự học khác nhau như học nhóm, tự học… để tránh nhàm chán trong quá trình học.
+ Phải đảm bảo thời gian thư giãn, nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe học tập.
 
Rèn luyện kĩ năng đọc sách và ghi nhớ bài học bằng sơ đồ tư duy
Đây là kỹ năng quan trọng trong hoạt động tự học của sinh viên. Ngoài những tri thức người học lĩnh hội trong bài giảng trên lớp thì sinh viên cần phải tự đọc, tự tìm kiếm tri thức cho bản thân. Việc đọc sách, giáo trình trước khi đến lớp sẽ giúp sự tiếp thu trên lớp hiệu quả hơn. Dưới đây là những gợi ý đối với việc đọc sách hay tài liệu nhằm mở rộng kiến thức:
- Kỹ năng đọc sách
Để đọc 1 cuốn sách đầu tiên là đọc trang bìa, kế tiếp đọc đề mục, lựa chọn nội dung cần đọc, cuối cùng là đọc kỹ nội dung đã chọn và thực hiện đọc như sau:
+ Đọc nhanh, đọc lướt bằng cách đọc cụm từ, có dùng bút hoặc vật chỉ vào dòng đang đọc, đánh dấu ý chính, từ khóa. 
+ Đọc bằng mắt, không đọc thì thầm trong miệng.
+ Đọc kết hợp với ghi chú lại thông tin không hiểu, nội dung còn thắc mắc. + Diễn đạt nội dung đã đọc bằng suy nghĩ cá nhân.
- Kỹ năng ghi chép
Sơ đồ tư duy là công cụ hữu hiệu trong việc ghi chú nội dung bài học. Dựa trên cấu trúc, chức năng hoạt động của não bộ, sơ đồ tư duy giúp người học tối ưu hóa sức mạnh của não bộ để học tập hiệu quả hơn. Có thể hiểu sơ đồ tư duy là một phương pháp, lưu trữ, sắp xếp thông tin và xác định thông tin theo thứ tự ưu tiên bằng cách sử dụng Từ khoá, Hình Ảnh chủ đạo. Mỗi từ khoá hoặc hình ảnh chủ đạo trong sơ đồ tư duy sẽ kích hoạt những ký ức cụ thể và làm nảy sinh những suy nghỉ, ý tưởng mới. Cấu tạo của sơ đồ tư duy gồm có: Chủ đề chính;  Nhánh con; Từ khoá; Hình ảnh gợi nhớ; Liên kết; Màu sắc, kích cỡ
 Ví dụ: để khái quát về sơ tư duy có thể biểu diễn như sau:
Sử dụng sơ đồ tư duy trong ghi chép sẽ giúp người học tăng khả năng tiếp thu và ghi nhớ bài học. So với phương pháp ghi chú truyền thống, ghi chú bằng sơ đồ tư duy tiết kiệm thời gian, tăng sự liên kết, hình dung các sự kiện với nhau, thuận lợi trong quá trình ôn tập, người học dễ dàng hệ thống lại nội dung từng bài, chương của môn học. Đối với việc đọc sách cần rèn luyện kĩ năng ghi chép bằng sơ đồ tư duy để lưu giữ thông tin, qua đó trình bày lại nội dung đã đọc bằng suy nghĩ cá nhân một cách ngắn gọn, dễ hiểu.
 
Phương pháp và nhẫn nại
Bạn không thể cứ ngồi vào bàn ghi ghi, chép chép, hay cầm quyển sách lên đọc, lên mạng tìm kiếm tài liệu nghĩa là bạn sẽ có được lượng kiến thức như mình mong muốn. Việc học không đơn giản như vậy, để có được những kiến thức hay, bổ ích bạn phải có phương pháp học khoa học, tuy nhiên phương pháp học của mỗi người mỗi khác, đừng cố áp dụng phương pháp của người khác vào mình rồi ép bản than phải làm được như vậy. Hãy tìm ra phương pháp phù hợp với bản thân để việc học không gây khó khăn và chán nản cho bạn.
 
Để làm được như vậy bạn cần phải kiên trì, nhẫn nại. Đừng vội chán nản, lo lắng khi đã bỏ ra quá nhiều thời gian nhưng kết quả thu lại không được bao nhiêu. Hãy thay đổi phương pháp học nếu phương pháp bạn đang áp dụng không mang lại hiệu quả, bởi học không phải là ngày một ngày hai mà là “học nữa, học mãi”. 
 
Kỷ luật khi học
Hãy luyện cho mình tính kỷ luật khi học trên lớp cũng như lúc tự học. Bạn không thể vừa học, vừa nói chuyện, vừa học vừa chơi game hay làm một việc khác. Khi học bạn hãy dành toàn bộ tâm trí, tập trung cao độ, không xao nhãng. Đừng tập cho mình những thói quen xấu khi học, nếu không những thói quen này sẽ theo bạn ở bất kỳ hoàn cảnh nào trong đời sống cũng như công việc. Hãy kỹ luật khi học, đó cũng là cách tốt nhất để bạn rèn luyện tính kỹ luật cho bản thân mình sau này.
 
Tự kiểm tra kiến thức
Không phải kiến thức của bạn lúc nào cũng được người khác kiểm tra, vì vậy để việc học đạt hiệu quả cao bạn phải biết cách tự kiểm tra kiến thức của mình bằng cách như: Tự làm bài kiểm tra ngắn, liệt kê những nội dung chính, vẽ biểu đồ, bản đồ tư duy… Việc kiểm tra lại kiến thức cũng là cách bạn một lần nữa cũng cố lại những gì đã học được, những gì còn mơ hồ cần phải học thêm.
HL
 
 
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 29 Tổng truy cập: 18.405.022