Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THÔNG TIN THƯ VIỆN

Phương pháp ghi chép giúp sinh viên học tập hiệu quả

Ngày đăng: 03:19 - 02/04/2019 Lượt xem: 16.306
Trong thời đại công nghệ thông tin với sự phát triển vượt bậc của tin học văn phòng thì việc ghi chép thủ công bằng tay vẫn chứng tỏ được những ưu thế riêng không dễ gì thay thế được. Ghi chép bằng tay giúp người viết có ấn tượng hơn từ đó mà nhớ lâu hơn, việc sử dụng bút viết- giấy mực tiện lợi ở mọi lúc mọi nơi hay việc ghi chép buộc người viết phải chủ động suy nghĩ trong quá trình tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực sự biết áp dụng cách ghi chép thủ công một cách hiệu quả nhất, sau đây tác giả xin cung cấp cho bạn đọc một số kỹ năng ghi chép có hiệu quả 
 
(Nguồn: internet)
Không có một phương pháp ghi chú nào là hoàn hảo cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà bạn cần ghi nhớ là “ĐỪNG CHÉP HẾT- HÃY CHỌN LỌC”. Vì vậy trong quá trình ghi chép không nên ghi chép toàn bộ nội dung nghe được/ thấy được và ghi chép với lượng kiến thức quá lớn, mà nên:
- Ghi chép tóm tắt các nội dung
- Tập trung vào ý chính.
- Sử dụng các ký hiệu đầu dòng.
- Sử dụng các từ viết tắt.
- Để chừa khoảng trống phù hợp giữa các ghi chú
- Ghi chú lại đầy đủ và cụ thể tiêu đề, tên tác giả, số trang… để có thể tìm lại sau này. Có vô vàn những mô hình ghi chú phù hợp với phong cách và nhu cầu của bạn. Dưới đây là 3 mô hình được sử dụng phổ biến nhất
1. Ghi chú dạng xương (Skeleton Prose)
Nguồn: internet
Đây là kiểu ghi chú phổ biến nhất. Các thông tin được sắc xếp theo đoạn văn với các tiêu đề rõ ràng, phù hợp với sách/báo bởi các phần được đưa ra lần lượt và có sắp xếp theo thứ tự. Kiểu ghi chú này có các ưu điểm như:
- Cách ghi chép truyền thống, đặc biệt đối với các bạn trẻ Việt Nam.
- Quá trình ghi chép khá dễ dàng và nhanh chóng vì đơn giản chỉ là lắng nghe một cách thụ động và chép lại. Tuy nhiên kiểu ghi chú này lại có một số nhược điểm như:
- Khó để thêm hay chỉnh sửa nội dung.
- Không chỉ ra được mối quan hệ giữa các phần khác nhau của bài.
- Dễ rơi vào tình trạng đọc - chép thụ động.
- Thường xuyên bị bạn bè xin xỏ mượn vở bởi quá đầy đủ và quá dễ hiểu.
 
2. Ghi chú dạng Cornell (Cornell Note Taking System)
Phương pháp ghi chú này là một dạng ghi chú đặc biệt hiệu quả khi ghi chép trên lớp và ôn tập trước kì thi. Nó có thể dùng trong công việc hằng ngày, kể cả khi bạn tham gia các khóa học online, xem video trên mạng, đọc sách..vv. Để ghi chép theo phương pháp Cornell, bạn chia tờ giấy (hoặc trang vở) ghi chép của mình thành 2 cột: Cột bên trái để ghi các ý chính (hoặc các câu hỏi, các từ khóa), cột bên phải để ghi chép những chi tiết liên quan đến ý chính tương ứng ở bên trái. Ở phần cuối của trang giấy, bạn dành khoảng 5-7 dòng để ghi lại bản tóm tắt toàn bộ nội dung những  gì mình đã học. Một Cornell Notes có dạng như sau:
 
  
Nguồn: Internet
Khi xem video hoặc nghe một bài giảng, đọc một cuốn sách, hoặc khi gặp một ý mới quan trọng (có liên quan đến nội dung đang xem/nghe/đọc) thì bạn ghi sang cột bên trái. Sau đó, bạn ghi chép những chi tiết cần thiết của ý đó vào cột bên phải. Sau khi xem/nghe/đọc xong một phần hoặc toàn bộ nội dung thì bạn rà soát lại nhanh nội dung vừa học được và ghi lại tóm tắt ngắn ở phía cuối cùng của tờ giấy. Việc này giúp cho bạn có thể ghi nhớ lâu hơn, đồng thời cũng là lúc mà bạn suy nghĩ về nội dung đó. Đây là một hoạt động hữu ích để tăng cường tính hiệu quả của quá trình học tập. Một thời gian sau, nếu bạn cần tra cứu lại nội dung mà mình đã học thì bạn sử dụng tờ ghi chép này theo cách:
 
- Nếu cần rà soát lại các ý chính thì chỉ cần nhìn vào cột bên trái là đủ.
- Nếu cần tìm hiểu lại sâu hơn về nội dung (ví dụ, để chuẩn bị đi thi, lấy dữ liệu cho một buổi thuyết trình,…) thì cần đọc thêm cột bên phải.
- Nếu muốn giới thiệu với một người khác (ví dụ, nói chuyện, đề xuất cho người khác đọc một cuốn sách,…) thì chỉ cần sử dụng đoạn tóm tắt ở phía cuối trang ghi chú.
Phương pháp ghi chép này đã được chứng minh không chỉ có tác dụng ghi nhớ rất tốt mà còn đặc biệt hữu ích khi muốn áp dụng kiến thức học vào trong thực tế. Tuy nhiên dạng ghi chú này đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị trước và sau bài giảng.
 
3. Ghi chú dạng Sơ đồ tư duy (Mind Maps)
Sơ đồ tư duy là cách ghi chú và lưu trữ thông tin theo dạng bảng biểu trên giấy không dòng kẻ. Cách đơn giản nhất để tạo một sơ đồ tư duy là bắt đầu từ chính giữa trang giấy với tiêu đề lớn nhất- quan trọng nhất và từ đó tỏa ra các nhánh, từ các nhánh nhỏ này lại tiếp tục những nhánh khác nhỏ hơn.
Nguồn: internet
Cách ghi chú này đã chứng tỏ được nhiều công dụng thần kỳ:
- Cho phép bạn thấy một lượng lớn thông tin chỉ trong 1 trang giấy
- Từ khóa quan trọng nhất luôn nổi bật ở giữa trang
- Thấy được sự kết nối giữa các ý
- Dễ dàng thêm bớt thông tin
Tuy nhiên, một vài người cho rằng Sơ đồ tư duy khó sử dụng khi bản thân họ không biết trước được cấu trúc bài giảng của giảng viên. Vì vậy phương pháp này sẽ phát huy hiệu quả cao hơn khi dùng để ôn tập, tổng hợp lại các kiến thức đã học. Bên cạnh đó, Sơ đồ tư duy là một phương pháp tuyệt vời để brainstorm hay tổ chức các ý khi viết một bài luận.
Ngoài các phương pháp trên thì còn có rất nhiều cách ghi chép mà bạn có thể tham khảo. Chỉ cần bạn hiểu rõ hai yếu tố quan trọng nhất của việc ghi chép thủ công bằng tay là: chủ động và rõ ràng. Nếu áp dụng tốt hai điều này thì việc ghi chép và ghi nhớ khối lượng lớn thông tin sẽ không còn là vấn đề khó khăn nữa.
 
Tham khảo: YBOX.VN và agilebreakfast.vn
Ngô Thị Thu Giang
 
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 418 Tổng truy cập: 31.812.266