Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THÔNG TIN THƯ VIỆN

Những yêu cầu đối với cán bộ Thông tin Thư viện

Ngày đăng: 09:23 - 19/01/2018 Lượt xem: 7.818
Chúng ta đang sống trong xã hội thông tin. Sự “bùng nổ thông tin” khiến mọi người gần như luôn ở trong tình trạng bão hòa thông tin, do đó, việc tìm ra những thông tin cần thiết một cách nhanh nhất, chính xác nhất được xem là yêu cầu quan trọng của cuộc sống hiện đại.

Ngày nay, có nhiều kênh thông tin cho mọi người cập nhật: các phương tiện truyền thông, các thiết bị thu phát thông tin, các cơ quan chuyên cung cấp thông tin theo yêu cầu và không thể không kể đến vai trò của các cơ quan thông tin thư viện. Cán bộ thư viện – thông tin, nguồn nhân lực, là một trong những yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ thư viện nào, cho dù đó là thư viện truyền thống hay thư viện điện tử, thư viện số…  Trong thế kỷ 21 - thế kỷ của công nghệ và số - các thư viện Việt Nam không ngừng biến đổi để phù hợp với sự thay đổi của môi trường thông tin và nhu cầu tin của người dùng tin. Hiện nay, “người cán bộ thư viện có thể không phải là người biết tất cả nhưng phải là người biết cách tìm ra mọi thứ nhanh nhất”. Để thực hiện được nhiệm vụ này, người cán bộ thư viện thông tin hiện nay cần thể hiện được những năng lực nghề nghiệp gì?
 
 
Dựa vào cách phân loại năng lực của SLA (Special Library Association – Hiệp hội Thư viện đặc biệt), thuộc Đại học Washington, Hoa Kỳ, năng lực của sinh viên nói chung và sinh viên ngành thư viện thông tin nói riêng được đánh giá theo 3 nhóm:
§  Nhóm A: Nhóm năng lực chuyên môn
§  Nhóm B: Nhóm năng lực cá nhân
§  Nhóm C: Nhóm năng lực cốt lõi

Có thể nhận thấy, cán bộ thư viện thông tin trong giai đoạn của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội hiện nay cần:

Thứ nhất, có kỹ năng quản lý và tổ chức thư viện.

Thư viện không chỉ đơn thuần là kho sách, mà được tổ chức theo một trật tự khoa học và có các công cụ quản lý như khung phân loại, khung đề mục chủ đề, bộ từ chuẩn từ khóa. Tài liệu - khi được nhập vào thư viện - lại được biên mục theo quy tắc biên mục khác nhau như ISBD, MARC21, AACR2… Tổ chức thư viện theo trật tự để có thể dễ truy cập, dễ khai thác, dễ kiểm soát là nhiệm vụ không phải dễ dàng. Tiêu chuẩn này là cơ sở cho các tiêu chuẩn tiếp theo.

Thứ hai, có kỹ năng quản lý các nguồn tài nguyên thông tin.

Dựa trên việc xử lý thông tin, quản lý thông tin theo một cấu trúc, theo nội dung, người cán bộ thư viện cần nắm vững các nguồn tài nguyên thông tin có trong thư viện của mình (bộ sưu tập vật lý) và nguồn tài nguyên thông tin ở các thư viện liên kết. Để có được kỹ năng này, cán bộ thư viện thông tin cần biết xác định, lựa chọn, đánh giá, đảm bảo và cung cấp quyền truy cập tài nguyên thông tin cần thiết. (Khi bản thân cán bộ thư viện không nắm rõ nguồn tài nguyên thông tin có trong thư viện mình cũng như các nguồn tài nguyên sẵn có trên internet và các nguồn tài nguyên ở những nơi có thể truy cập đến thì dịch vụ thông tin cho bạn đọc – người dùng tin chỉ dừng lại ở mức độ trả lời có/không có thông tin họ cần, mà không thể tư vấn cho họ những thông tin thay thế). Hệ quả tất yếu sẽ là: nhiều người dùng tin sẽ bỏ đi, một vài lần nhu cầu tin của họ không được đáp ứng, họ sẽ không quay lại thư viện và cơ quan thông tin nữa, vì họ cho rằng nguồn tài nguyên thông tin tại thư viện nghèo nàn, dịch vụ yếu.

Thứ ba, có kỹ năng quản lý các dịch vụ thông tin.

Dựa trên nguồn lực thông tin do thư viện và cơ quan thông tin quản lý, cán bộ thư viện thông tin phải biết cách tạo lập và quản lý các dịch vụ thông tin thư viện. Ngày nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhóm đối tượng sử dụng thư viện đặc thù (người khuyết tật, người không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ thư viện, người dân vùng sâu, vùng xa…), nhu cầu của người dùng tin – người sử dụng thư viện ngày nay càng trở nên phong phú và chuyên sâu, đòi hỏi phải có những dịch vụ tương xứng – đặc biệt là các dịch vụ trực tuyến để hấp dẫn bạn đọc. Cán bộ thư viện phải là người có khả năng đánh giá mức độ đáp ứng của các sản phẩm và dịch vụ thông tin mà thư viện đang cung cấp cho người dùng tin, để tư vấn cho nhà quản lý ra quyết định có nên duy trì dịch vụ đó hay không. Cán bộ thư viện thông tin đồng thời phải là người tư vấn cho các nhà quản lý để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thông tin mới, đáp ứng nhu cầu của người dùng tin. Để làm được điều đó, cán bộ thư viện thông tin phải có khả năng đánh giá nhu cầu của người dùng tin. Nếu làm được điều đó, cán bộ thư viện đã nhìn nhận và đánh giá được mối tương quan giữa mức độ phát triển của xã hội và năng lực đáp ứng nhu cầu thông tin của thư viện mình để từ đó có những quyết sách phù hợp liên quan đến định hướng phát triển thư viện.

Thứ tư, có kỹ năng áp dụng các công cụ và công nghệ thông tin.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động của cơ quan thông tin thư viện đã dẫn đến sự thay đổi quan trọng trong việc xử lý tài liệu cũng như việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thông tin. Để không bị tụt hậu, người cán bộ thư viện thông tin phải là người có trình độ tin học, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thư viện; làm chủ được những công nghệ mới, các phương tiện kỹ thuật hiện đại; có khả năng đánh giá, sử dụng các phần mềm thư viện; xây dựng, sử dụng và kiểm tra việc áp dụng tiêu chuẩn mô tả thư mục, format, sử dụng các thư mục tự động hóa; sử dụng thành thạo mạng, máy tính để khai thác thông tin; sử dụng công nghệ mới để quản lý và chuyển giao dịch vụ thông tin, quản lý, bảo trì và khai thác các nguồn tài liệu điện tử; vận hành sáng tạo và cải tiến môi trường thông tin dựa trên nền tảng web; giải quyết tốt các vấn đề kinh tế và công nghệ trong hoạt động thông tin.

Thứ năm, có kỹ năng sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ và am hiểu pháp luật.

Ngoại ngữ là một yêu cầu rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Thực tế là nguồn tài liệu có hàm lượng thông tin khoa học cao xuất phát từ các nước phát triển với các ngôn ngữ thông dụng là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Nhật. Để hiểu, đánh giá nội dung tài liệu ngoại văn và khai thác được các nguồn tin ngoại văn mà không vi phạm pháp luật, người cán bộ thư viện thông tin phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ – đặc biệt là tiếng Anh, đồng thời phải am hiểu luật Sở hữu trí tuệ, Luật bản quyền tác giả, vấn đề bảo mật thông tin và các vấn đề pháp lý khác trong môi trường thông tin điện tử; Nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động thư viện thông tin.

Thứ sáu, cán bộ thư viện phải là người luôn chủ động tham gia vào quá trình học tập suốt đời.

Việc học tập suốt đời đối với người cán bộ thư viện thông tin có thể là việc học hỏi, tìm hiểu những công nghệ mới được áp dụng trong ngành thư viện, hay tạo cho mình cách suy nghĩ, tiếp cận vấn đề mới, rèn luyện khả năng bắt kịp những ý tưởng mới hoặc đơn giản là việc tìm hiểu kiến thức của các ngành khoa học khác… bởi cán bộ thư viện thông tin luôn là người tiếp cận với cái mới: thông tin mới, công nghệ mới, người dùng tin mới và những nhu cầu thông tin cũng luôn mới. Hơn thế, nghề thư viện nói riêng và các ngành nghề khác nói chung đều có thể có những tiêu chuẩn, quy định mới qua các giai đoạn khác nhau. Do vậy, nếu không thực sự thực hiện việc học tập suốt đời, cán bộ thư viện thông tin sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu trước sự phát triển của xã hội. Đồng thời, việc học tập suốt đời sẽ giúp cán bộ thư viện thông tin có được các kỹ năng mềm thuộc nhóm năng lực cá nhân như kỹ năng thuyết trình, đàm phán, kỹ năng tổ chức sự kiện, kỹ năng làm việc nhóm và làm việc độc lập, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, kỹ năng tiếp nhận và xử lý thông tin, kỹ năng chia sẻ và hợp tác…

Cuối cùng – nhưng cũng là yêu cầu quan trọng nhất đối với mỗi cán bộ thư viện, đó là tình yêu nghề, sự tâm huyết với nghề và khát khao luôn mong muốn được phục vụ cộng đồng.

Đối diện với sự gia tăng ngày càng mạnh của các nhóm người dùng tin cũng như nhu cầu tin của các nhóm người dùng khác nhau ngày càng phong phú và đa dạng, việc phục vụ trong các thư viện và cơ quan thông tin ngày càng là một công việc khó khăn, phức tạp và âm thầm. “Như những nốt trầm trên khuông nhạc, như là lời ru êm ái giữa trưa hè. Giản dị và nhiệt tình, cần mẫn như con ong, xây đời bằng trang sách. Những cuốn sách được nâng niu như con trẻ trong bàn tay tâm huyết, nhiệt tình. Họ đã sống như nhịp cầu không mệt mỏi, đưa con tàu tri thức đến bền bờ… Người cán bộ thư viện yêu sách hơn mình, nối quá khứ -  hiện tại – tương lai”. Yêu cầu đối với công việc ngày càng cao nhưng sự đãi ngộ về vật chất, tinh thần ở Việt Nam đối với cán bộ thư viện thông tin nói chung chưa được tương xứng. Ngoài ra, sự nhận thức của nhiều người về thành quả do ngành thư viện thông tin mang lại còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh hiện nay, ngành thư viện thông tin đang từng bước tiếp cận các thành tựu hiện đại của thế giới, trực tiếp ứng dụng những thành tựu đó vào trong thực tiễn công việc của mình, mỗi cán bộ thư viện thông tin cần phải thường xuyên cập nhật kiến thức, trình độ chuyên môn cũng như các kỹ năng cần thiết trong nghề nghiệp, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công việc… Để làm được những điều đó, tất cả đều xuất phát từ lòng yêu nghề. Lòng yêu nghề trong mỗi cán bộ thư viện thông tin là một nhân tố quan trọng tạo nên chất lượng hoạt động thư viện thông tin. Lòng yêu nghề là đòi hỏi mà không phải ai cũng có được khi mà cuộc sống còn bị quá nhiều yếu tố chi phối.

 
Trích nguồn: Bài: Th.s Nguyễn Thị Ngà, http://flis.huc.edu.vn
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 246 Tổng truy cập: 33.343.055