Sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong chúng ta nguồn tri thức vô tận. Dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao đẹp. Có thể nói sách là những người bạn gần gũi chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của mỗi người. Đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết không thể thiếu cho dù xã hội có phát triển đến đâu. Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học và đọc sách là một trong những cách để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc đọc sách; Bác là một tấm gương sáng về đọc sách, Người chỉ rõ: “Bất luận làm việc gì cũng cần phải đọc”. Lời dạy của Bác đã khẳng định vai trò quan trọng của việc đọc sách đối với sự phát triển trí tuệ con người. Đặc biệt, trong giáo dục - đào tạo, việc đọc sách sẽ trực tiếp góp phần vào quá trình trang bị tri thức, xây dựng, phát triển và hoàn thiện nhân cách người học, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Ngày 24/2/2014, Chính phủ Nước ta đã quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách Việt Nam; để đưa văn hóa đọc phát triển lên tầm cao mới, phù hợp điều kiện mới, ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định về việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” thay “Ngày Sách Việt Nam” trước đây và vẫn được tổ chức vào ngày 21/4 hằng năm, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Đây còn là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.
Hoạt động trưng bày, giới thiệu sách năm 2023 tại Thư viện trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23/4, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi “Xếp sách nghệ thuật và tìm hiểu thư viện trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội” năm 2024. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học. Thông qua cuộc thi, các cá nhân, tập thể sinh viên có cơ hội được giới thiệu phát triển trước công chúng bằng nhiều hình thức, phương pháp qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền vài trò, ý nghĩa của việc đọc sách đối với cuộc sống, dần tạo thói quen đọc sách cho sinh viên nhà trường.này giúp người học cùng cán bộ giảng viên Nhà trường khơi dậy niềm đam mê đọc sách, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của việc đọc sách, tuyên truyền, quảng bá, phát triển văn hóa đọc trong Nhà trường và cộng đồng.
Cuộc thi “Xếp sách nghệ thuật và tìm hiểu thư viện trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội” được tổ chức tại Hội trường C5 – 401 vào ngày 16/4/2024. Thư viện trân trọng kính mời quý thầy cô, các bạn sinh viên đến tham dự, cổ vũ cho các đội thi.
Huyền Liên - Khoa THNN