Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THÔNG TIN THƯ VIỆN

Phương pháp đọc sách hiệu quả

Ngày đăng: 02:50 - 25/03/2019 Lượt xem: 2.034
Để giúp các bạn sinh viên đọc sách hiệu quả hơn, bước đầu các bạn nên áp dụng quy trình sau đây. Trên cơ sở đó, hãy tìm cho mình một phương pháp phù hợp với bản thân nhé.
 
1. Trước khi đọc nội dung cuốn sách
 
Xác định mục đích của việc đọc sách: Mục đích sẽ chi phối toàn bộ quá trình đọc sách của các bạn. Xác định được mục đích, bạn sẽ tránh đọc tràn lan tốn thời gian mà chủ yếu tập trung vào nội dung quan trọng bạn muốn tìm hiểu. Mục đích đọc sách sẽ quyết định phương hướng khai thác vấn đề trong cùng một cuốn sách. Ví dụ: Khi đọc tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao có bạn tìm hiểu về cách miêu tả, diễn giải của tác giả, có bạn tìm hiểu về chuyện tình của Chí Phèo – Thị Nở, có bạn phân tích hoàn cảnh, cuộc sống của con người thời bấy giờ… Vậy, xác định mục tiêu đọc sách là bước đầu tiên quan trọng mà chúng ta nên làm.
 
Tìm hiểu địa chỉ cuốn sách: Bạn nên đọc trang đầu và trang cuối cuốn sách để biết: Tên cuốn sách, tên tác giả, tên nhà xuất bản…Việc làm này sẽ rất có ích khi bạn muốn giới thiệu với bạn bè một cuốn sách hay mà mình vừa đọc được hay tìm mua hoặc mượn trên kệ sách thư viện.
 
Xem mục lục: Mục lục phản ánh dàn ý chung, nội dung cơ bản của cuốn sách. Đọc mục lục bạn sẽ hình dung sơ bộ về nội dung cũng như thứ tự các phần được sắp xếp logic theo ý đồ tác giả. Lúc này bạn đặt câu hỏi: Vì sao tác giả lại sắp xếp theo thứ tự này? Từ đó nó tạo cảm hứng cho bạn tìm câu trả lời trong nội dung cuốn sách.
 
Đọc lời tựa: Bạn nên đọc lời tựa để biết cuốn sách viết về vấn đề gì, áp dụng cho đối tượng nào. Qua lời tựa của tác giả bạn đoán được ý đồ của tác giả, hình dung khái quát nội dung cơ bản, mục đích của cuốn sách mà tác giả mong muốn, biết được vấn đề quan trọng nhất mà cuốn sách sẽ đề cập tới.
 
2. Bắt đầu đọc nội dung của cuốn sách

Để nắm được nội dung của cuốn sách, lĩnh hội được kiến thức thì bạn phải đi sâu nghiên cứu cuốn sách. Muốn nghiên cứu cuốn sách một cách hiệu quả bạn phải có phương pháp đọc đúng cách:
 
Tích cực tư duy khi đọc: Có nhiều bạn đọc rất nhiều sách nhưng đọc hoàn toàn theo hướng thụ động, tiếp thu tất cả theo sự dẫn dắt của tác giả dẫn đến hệ quả số lượng sách bạn đọc tỷ lệ nghịch với kiến thức mà bạn nhận được. Tích cực tư duy khi đọc là luôn hình dung những ý tưởng trong sách thành những hình ảnh, sự vật, sự việc cụ thể, tiến hành so sánh, liên tưởng với những kiến thức, kinh nghiệm thực tế đã có để phát hiện ra bản chất của vấn đề, làm rõ những những thắc mắc và tăng vốn hiểu biết của mình. Từ đó bạn sẽ chuyển hóa những kiến thức trong sách thành của mình mãi mãi. Tư duy khi đọc cũng giúp bạn tập thể dục cho não, tăng khả năng ghi nhớ và sự thông minh của mình.
 
Tập trung khi đọc: Tập trung khi đọc là cách tốt nhất để bạn có thể suy nghĩ cặn kẽ, tư duy tích cực và ghi nhớ được nội dung cuốn sách. Để tập trung thì ngoài nỗ lực, nguồn cảm hứng của bản thân thì bạn nên chọn một không gian đọc yên tĩnh, thoáng mát, có ánh sáng, đọc trong tư thế thoải mái nhưng không nên nằm vì sẽ hại mắt và giảm khả năng ghi nhớ của bạn.
 
Rèn luyện kỹ thuật đọc: Kỹ thuật đọc là những thao tác bạn sử dụng trong quá trình đọc. Kỹ thuật phải được rèn luyện thường xuyên để đạt được hiệu quả tốt nhất. trong khi đọc, có một số điểm bạn cần phải chú ý:
 
+ Đọc bằng mắt và óc chứ không đọc bằng miệng.
+ Tránh đọc nhảy trở lại quá nhiều.
+ Chuyển động mắt theo chiều thẳng đứng khi đọc.
+ Đọc với tốc độ biến đổi: Đoạn nào quan trọng thì đọc chậm, đọc kĩ; đoạn nào không quan trọng thì đọc nhanh, đọc lướt.
+ Cố gắng hiểu ý nghĩa của cả đoạn văn, đừng để ý đến từ, đến câu.
+ Tập đọc nhanh, nắm và thâu tóm nhanh cái chủ yếu, cái cơ bản của vấn đề.
Bạn cũng nên luyện tập để tăng dần tốc độ đọc. Tuy nhiên đọc nhanh không có nghĩa là đọc ngấu nghiến, vội vàng mà đọc nhanh là tóm thật nhanh, đủ, đúng nội dung. Bạn nên phán đoán trước khi đọc, nếu đã có mục đích đọc thì phần nào quan trọng bạn đọc kỹ, phần nào không quan trọng bạn đọc lướt qua, tránh lối đọc tràn lan tốn thời gian. Để rèn tốc độ đọc, bạn hãy lấy một quyển sách, chọn một trang đọc thật nhanh sau đó ghi ra những nội dung mà bạn tóm được. Đọc lại lần nữa để xem mình đã ghi đủ, đúng nội dung chưa. Rèn luyện như thế thường xuyên chắc chắn bạn sẽ nâng cao tốc độ đọc của mình, tiếp thu kiến thức nhanh hơn.
 
Ghi chép khi đọc: Ghi chép là khâu quan trọng không thể thiếu trong quá trình đọc sách. Ghi chép sẽ giúp tăng khả năng tập trung, ghi nhớ kiến thức, tổng hợp vấn đề. Đặc biệt ghi chép chính là việc bạn tóm gọn nội dung cốt lõi, tâm đắc của cả cuốn sách và sau này khi cần thiết bạn chỉ cần đọc lại những ghi chép đó là có thể hiểu được toàn bộ vấn đề tác giả đề cập trong cuốn sách.
 
+ Đầu tiên bạn nêu các đề mục cuốn sách.
+ Ghi các luận điểm chính.
+ Ghi những câu nói hay, những đoạn phân tích giá trị, cụ thể, dễ hiểu.
+ Ghi những nhận xét, đánh giá của người đọc về cuốn sách.
+ Ghi những kiến thức mình rút ra được từ cuốn sách, những gì mình còn thắc mắc để có thể tìm câu trả lời ở những quyển sách tiếp theo.
 
Những phương pháp được giới thiệu  trên đây chỉ mang tính khái quát, các bạn có thể dựa trên nội dung bài viết này để tìm cho mình một phương pháp phù hợp. Dù đọc sách theo phương pháp nào thì cũng nhằm mục đích tiếp thu kiến thức, phát triển tâm hồn, hoàn thiện bản thân. Vì vậy, bạn hãy tích cực đọc sách để cảm nhận giá trị của cuộc sống.
 
Nguồn internet
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 203 Tổng truy cập: 31.815.170