NGHIỆM THU CẤP CƠ SỞ ĐỀ TÀI CẤP BỘ CÔNG THƯƠNG NĂM 2018 “NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG MÔ HÌNH JUST IN TIME TRONG QUẢN TRỊ DN MAY VIỆT NAM”

Ngày đăng: 02:38 - 10/01/2019 Lượt xem: 1.594
NGHIỆM THU CẤP CƠ SỞ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP BỘ CÔNG THƯƠNG NĂM 2018 “NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG MÔ HÌNH JUST IN TIME TRONG QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP MAY VIỆT NAM”
Ngày 21/12/2018, tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, hội đồng khoa học nhà trường tiến hành nghiệm thu cấp cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Công thương năm 2018 “Nghiên cứu ứng dụng mô hình Just In Time trong quản trị doanh nghiệp may Việt Nam” do TS Tạ Văn Cánh làm chủ nhiệm.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài
Quy trình sản xuất theo mô hình Just In Time (JIT) được phát triển và hoàn thiện bởi Ohno Taiichi của Toyota và được Toyota áp dụng từ những năm 70 của thế kỷ trước như một phương tiện nhằm thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng với thời gian nhanh nhất. Như vậy, trước đây JIT được sử dụng không chỉ để giảm bớt hao phí trong sản xuất mà còn chủ yếu để sản xuất hàng hóa sao cho hàng hóa đến tay khách hàng chính xác khi họ cần đến. Cho đến nay, mô hình JIT đã được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia như Anh, Mỹ…
Mặc dù JIT mang lại nhiều lợi thế nhưng việc thực hiện JIT hoàn toàn không dễ dàng nếu không có sự đồng thuận từ cấp cao nhất đến những người công nhân trực tiếp sản xuất.. Đây cũng chính là vấn đề chính mà các doanh nghiệp tại các quốc gia quan tâm khi chuyển đổi và áp dụng mô hình JIT để tận dụng những lợi ích của mô hình đem lại.

TS. Tạ Văn Cánh đang thuyết minh về đề tài
Trong phần thuyết minh, Tiến sĩ Tạ Văn Cánh- chủ nhiệm đề tài cho biết: “Theo khảo sát, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu tổng  thể về JIT đối với toàn  bộ quá trình quản trị doanh nghiệp; có một số bài viết đăng trên các tạp chí viết về JIT nhưng thường được lồng ghép với mô hình sản xuất tinh gọn LEAN và chỉ được tập trung chủ yếu vào khâu sản xuất trực tiếp tại dây chuyền. Bên cạnh đó, cũng có một số tài liệu đề cập đến JIT như “Giáo trình quản trị sản xuất và điều hành” do Đại học kinh tế quốc dân xuất bản hay Tập tài liệu về “Quản trị vận hành” của Viện Quản trị kinh doanh Trường Đại học kinh tế quốc dân nhưng những tài liệu này cũng chủ yếu viết sơ lược về lý  thuyết JIT trong quản trị hàng tồn kho, chưa chú trọng đến các khâu khác như quản trị chuỗi cung ứng, quản trị khâu chuẩn bị sản xuất…Nghiên cứu ứng dụng mô hình JIT vào hoạt động của doanh nghiệp nói chung hầu như là rất ít. Nghiên cứu ứng dụng mô hình JIT vào riêng cho doanh nghiệp may là chưa có. Trong khi đó, lợi ích khi áp dụng JIT là thấy rõ và được nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác như: sản xuất oto, linh kiện điện tử…đã áp dụng và được đánh giá tốt. Chính vì lý do trên, nhóm nghiên cứu nhận thấy cần phải có một công trình nghiên cứu ứng dụng mô hình JIT vào quản trị doanh nghiệp may Việt Nam”.
TS. Hoàng Xuân Hiệp – Chủ tịch hội đồng khoa học đọc kết luận của hội đồng
Sau phần thuyết minh, các thành viên hội đồng khoa học nhà trường có nhiều nhận xét đóng góp cho đề tài với nhiều góc nhìn đa chiều. Phần lớn các thành viên đều cho rằng đề tài rất hiệu quả với các dạng sản xuất theo dây chuyền liên tục như ngành may công nghiệp. Việc ứng dụng mô hình JIT vào quản trị doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến thay đổi quy trình quản lý và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài doanh nghiệp, không tốn kém quá nhiều nguồn lực về tài chính. Sau khi xây dựng xong bộ tài liệu hướng dẫn triển khai JIT, kết quả của đề tài này có tính khả thi cao khi triển khai thực tế tại các doanh nghiệp may công nghiệp. Đề tài đạt yêu cầu với 100% ý kiến tán thành của hội đồng sau khi bỏ phiếu kín.
                                                Nguyễn Quốc Khánh – Phòng Tuyển sinh và truyền thông
 

Liên kết website