Chiều 23/4/2019, tại phòng C1-305, hội đồng khoa học trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học: “Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Trung tâm Sản xuất – Dịch vụ, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội giai đoạn 2018-2025” do ThS. NCS. Lý Thu Cúc - Giảng viên Khoa Kinh tế làm chủ nhiệm đề tài.
Hội đồng nghiệm thu gồm có: TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng; TS. Tạ Văn Cánh – Phó trưởng khoa Kinh tế, Phản biện 1; ThS. Nguyễn Quang Vinh - Phó Hiệu trưởng, Phản biện 2; ThS. NCS. Lê Thị Kim Tuyết – Giảng viên khoa Kinh tế, Ủy viên; Ths. Nguyễn Đắc Hậu – Phó Giám đốc TTSXDV, Ủy viên; Ths. Xuân Thị Thu Trang – Giảng viên khoa Kinh tế, Ủy viên; Ths. Phùng Thị Hạnh – Trưởng phòng Đào tạo, Thư ký Hội đồng.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài
Thay mặt nhóm nghiên cứu Ths. Lý Thu Cúc báo cáo vắn tắt nội dung đề tài gồm các nội dung: Hệ thống hóa cơ sở lý luận về năng lực cạnh tranh trong các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, thực trạng năng lực cạnh tranh của Trung tâm Sản xuất – Dịch vụ (TTSXDV), trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Trung tâm Sản xuất – Dịch vụ, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội giai đoạn 2018-2025. Trong quá trình phân tích, đánh giá năng lực cạnh tranh của TTSXDV, nhóm tác giả đã tiến hành so sánh năng lực cạnh tranh của Trung tâm với một số doanh nghiệp may trên địa bàn bằng cách sử dụng một số mô hình: Mô hình hình ảnh cạnh tranh; Mô hình đánh giá các yếu tố nội bộ và Mô hình ma trận SWOT . Sản phẩm khoa học chính của đề tài đã cung cấp (i) Bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh doanh nghiệp may; (ii) Bộ giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của TTSXDV; (iii) Báo cáo khoa học về năng lực năng lực cạnh tranh của TTSXDV.
ThS. NCS. Lý Thu Cúc trình bày tóm tắt nội dung nghiên cứu của đề tài
Tại buổi nghiệm thu, tác giả và nhóm nghiên cứu được nghe nhiều ý kiến góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng. Hội đồng đánh giá cao sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của nhóm. Đề tài được thực hiện khá công phu với kết cấu logic từ lý luận đến thực tiễn, kết quả phân tích với đầy đủ số liệu của 5 doanh nghiệp may và số liệu từ kết quả điều tra khảo sát. Giải pháp đề xuất cho Trung tâm Sản xuất dịch vụ được ghi nhận và được đánh giá có tính khả thi. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng đã có những đóng góp bổ ích và thiết thực, giúp nhóm nghiên cứu có cơ sở để hoàn thiện đề tài tốt hơn.
Khoa Kinh tế