Ngày 14/9/2017, Hội đồng Khoa học Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã nghiệm thu và đánh giá xếp loại khá đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường “Phân tích hệ thống điện tử mạch điều khiển SC-920’’, của chủ nhiệm đề tài – Th.s Nguyễn Thị Lan Hương, Khoa Cơ Điện.
Hình ảnh Sơ đồ mạch điện máy may điện tử 1 kim mạch SC-920
Đối với một trường đào tạo chuyên ngành may, việc nghiên cứu thiết bị may điện tử đưa vào giảng dạy là hết sức cần thiết. Máy may một kim điện tử JUKI mạch SC-920 là chủng loại máy điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội. Khi nghiên cứu dòng máy này sẽ là nền tảng cho các loại máy điện tử đời cao hơn như máy may một kim điện tử có kết nối internet, máy đính bọ, máy thùa bằng, thùa tròn. Đề tài “Phân tích hệ thống điện tử mạch điều khiển SC-920’’ của Th.s Nguyễn Thị Lan Hương đã nghiên cứu cơ sở lý luận về mạch điều khiển SC-920; Xây dựng các mối quan hệ giữa phần cơ khí, điện, điện tử mạch điều khiển SC-920 trong máy may 1 kim DDL-8700-7; Vẽ hệ thống điện tử mạch điều khiển SC-920 theo modul của từng khối trong máy may 1 kim DDL-8700-7; Phân tích nguyên lý hoạt động hệ thống điện tử mạch điều khiển SC-920 theo modul của từng khối trong máy may 1 kim DDL-8700 -7; Phương pháp kiểm tra, sửa chữa mạch đối với một số lỗi liên quan đến điện, điện tử trong bảng báo lỗi SC-920. Đề tài đã đạt được một số kết quả sau đây:
1. Đã nghiên cứu tổng quan máy may một kim điện tử JUKI mạch SC-920 về hệ thống cơ khí, điện, điện tử.
2. Trên cơ sở phân tích các khối mạch điện, điện tử, tác giả đã đưa ra được phương pháp kiểm tra, sửa chữa mạch đối với một số lỗi liên quan đến điện, điện tử trong bảng báo lỗi SC-920.
3. Trên cơ sở thực nghiệm khoa học, lấy ý kiến đánh giá của các chuyên gia, đề tài đã chứng minh được tính ứng dụng thực tế, có thể làm tài liệu giảng dạy cho giảng viên, tài liệu học tập cho sinh viên khối ngành Cơ điện tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, là tài liệu tham khảo cho các công ty may sử dụng loại máy này.