Bộ GD&ĐT dự kiến mở rộng thang điểm bài thi thành 20 (thay vì điểm 10 như hiện nay) để giúp phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh và thuận lợi cho công tác xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Chiều 18/12, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo công bố dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2015.
Thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7
Theo quyết định của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào các ngày 9, 10, 11, 12 tháng 6/2015. Tuy nhiên, nguyện vọng của đông đảo học sinh và các nhà trường là muốn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7 như thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây. Điều này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
Vì vậy, kỳ thi THPT quốc gia dự kiến được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7 năm 2015.
Thí sinh thi 4 môn bắt buộc
Tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn tối thiểu), gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn thi còn lại. Riêng đối với môn Ngoại ngữ, thí sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín theo quy định sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Việc công nhận tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 và tổng điểm các môn thi (điểm mỗi môn thi phải lớn hơn mức tối thiểu theo quy định). Do vậy, phải quy đổi ra điểm đối với môn Ngoại ngữ của thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thí sinh phải có chứng chỉ tương đương với trình độ từ bậc 3 (khung 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên mới được miễn thi. Trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT. Do đó, các thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ được nhận điểm tối đa (điểm 10) môn Ngoại ngữ khi xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Điểm quy đổi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; thí sinh muốn sử dụng kết quả môn Ngoại ngữ để xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải dự thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia.
Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Giám đốc Sở GD&ĐT sẽ quyết định việc này và báo cáo Bộ Giáo dục.
Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ ngoài 4 môn thi tối thiểu phải dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước dự thi để được xét tuyển sinh ĐH, CĐ, phải thi đủ số môn theo yêu cầu tuyển vào ngành đào tạo do trường ĐH, CĐ quy định.
Hai tỉnh thành một cụm thi
Kế thừa những ưu điểm của việc tổ chức thi theo cụm trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” những năm qua, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức theo cụm thi. Bộ trưởng GD&ĐT quyết định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT.
Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh (cụm thi liên tỉnh). Đối với những tỉnh khó khăn, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì nhằm đảm bảo công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả cụm thi trên cả nước.
Hiệu trưởng trường ĐH chủ trì cụm thi
Bộ Giáo dục sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia để chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia trong phạm vi cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh nơi đặt cụm thi thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh để chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ, đảm bảo điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng thi.
Tại mỗi cụm thi có một Hội đồng thi được thành lập theo quyết định của Hiệu trường ĐH chủ trì cụm thi để tổ chức kỳ thi, thực hiện chế độ báo cáo và chuyển dữ liệu thi về Bộ. Mỗi Hội đồng thi sẽ có các điểm thi để thực hiện công tác coi thi. Công tác chấm thi do trường ĐH chủ trì cụm thi thực hiện.
Hội đồng thi thành lập các ban: Ban Thư ký; Ban In sao đề thi; Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi; Ban Coi thi; Ban Chấm thi; Ban Phúc khảo.
Đề thi tương tự như năm 2014
Theo dự thảo, đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Đề thi tiếp tục ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
Mở rộng thang điểm bài thi thành 20
Để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường khá đa dạng như hiện nay thì kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao. Vì vậy, Bộ GD&ĐT dự kiến mở rộng thang điểm bài thi thành thang điểm 20. Việc mở rộng thang điểm sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh và thuận lợi cho công tác xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Sử dụng kết quả kỳ thi
Các Sở GD&ĐT có nhiệm vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh dự thi, kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp. Thí sinh đủ điều kiện dự thi, không có bài thi nào từ 2 điểm trở xuống được xét công nhận tốt nghiệp và được cấp chung một loại Bằng tốt nghiệp THPT.
Sau khi có kết quả thi, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân, đảm bảo những học sinh đạt kết quả thi cao sẽ được lợi thế khi xét tuyển và hạn chế những trường hợp thí sinh có điểm thi cao vẫn trượt ĐH, hạn chế hiện tượng thí sinh ảo.
Căn cứ kết quả thi của thí sinh trên toàn quốc, Bộ GD&ĐT sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu của trường ĐH chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày), mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và lệ phí ĐKXT cho trường có nguyện vọng vào học qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại trường.
Trong thời hạn xét tuyển cho từng đợt, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường hay ngành khác theo nguyện vọng. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ do Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ xem xét, quyết định.
Các trường tổ chức tuyển sinh riêng
Đối với trường sử dụng kết quả học tập ở THPT để xét tuyển thì điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6 với hệ ĐH và 5,5 với hệ CĐ.
Trường ĐH, CĐ ở các tỉnh biên giới, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và trường CĐ cộng đồng đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương có thể xét tuyển các học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh, địa phương này ở mức thấp hơn 1 điểm (theo thang điểm 10) so với mức quy định. Những học sinh này phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ quy định.
Đối với các ngành năng khiếu thuộc khối ngành văn hóa – nghệ thuật, điểm xét tuyển của các môn văn hóa phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu để hoàn thành chương trình phổ thông.
Đối với các môn thi năng khiếu và các môn thi đặc thù khác: thực hiện theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đã được Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường thông qua và được công bố cùng với đề án tự chủ tuyển sinh.
Trích nguồn: Bộ giáo dục ĐT